Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành Giáo dục năm 2020 (15:09 31/10/2020)


HNP - Sáng 31/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành Giáo dục năm 2020. Dự tại điểm cầu Hà Nội có đồng chí Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND thành phố và lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội. 

Quang cảnh hội nghị


Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, năm học 2019 - 2020 là năm học "đặc biệt", đầy khó khăn, thách thức đối với ngành Giáo dục khi phải đối mặt và chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, Bộ GD&ĐT đã thực hiện điều chỉnh kế hoạch năm học 2 lần và thời điểm kết thúc năm học chậm gần 2 tháng so với những năm học trước. 
 
Năm học 2019-2020 có ý nghĩa rất quan trọng đối với ngành Giáo dục, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, cũng là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Năm học này, ngành GD&ĐT tập trung triển khai thực hiện Kết luận số 51-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; tập trung triển khai Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới để sẵn sàng áp dụng từ năm học 2020-2021 đối với lớp 1; triển khai nghị quyết của Chính phủ về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả…
 
Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết, năm học 2019-2020 và giai đoạn 2016-2020 có ý nghĩa quan trọng với ngành Giáo dục cả nước và Thủ đô Hà Nội, ghi nhận kết quả thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Việc đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT được gắn với thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, các cấp, các ngành, trên cơ sở phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực người học và hướng tới xây dựng xã hội học tập. 
 
Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý phát biểu tại điểm cầu Hà Nội
 
Đến nay, quy mô mạng lưới trường, lớp của ngành Giáo dục Thủ đô liên tục được mở rộng và không ngừng phát triển, đứng đầu cả nước với 2.792 trường mầm non, phổ thông, 2.111.600 học sinh, so với cùng kỳ năm trước tăng 44 trường, 67.594 học sinh. Hà Nội tiếp tục quan tâm chỉ đạo, ban hành nhiều văn bản, cơ chế chính sách đầu tư phát triển Giáo dục. Năm 2020, Hà Nội thành lập mới 44 trường ở các cấp học; thường xuyên quan tâm đầu tư nâng cấp, cải tạo, chống xuống cấp cho các trường trên địa bàn Thành phố, xây dựng trường học xanh - sạch - đẹp, đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân và đảm bảo các điều kiện triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới…
 
Theo lãnh đạo thành phố, năm học 2019-2020 là năm học có nhiều đổi mới tích cực trong công tác giáo dục, đồng thời toàn ngành cũng phải đối diện với nhiều khó khăn thách thức mới. Cùng với cả nước, ngành Giáo dục Hà Nội đã chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19, đảm bảo an toàn cho hơn 2 triệu học sinh các cấp học trên toàn Thành phố. Với tinh thần "Tạm dừng đến trường, không dừng việc học", Hà Nội đã kịp thời triển khai việc dạy, học trên truyền hình, dạy học trực tuyến, học trên phần mềm ôn tập, kiểm tra trực tuyến, đồng thời hỗ trợ các tỉnh bạn, chuyển tiếp phát sóng các chương trình học trên truyền hình (12 tỉnh), giúp cho hoạt động dạy học của giáo viên và các em học sinh không bị gián đoạn, học sinh các cấp học đã được tiếp cận với kiến thức, với thầy cô qua môi trường internet…
 
Để thực hiện tốt nhiệm vụ năm học 2020-2021 và những năm tiếp theo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý kiến nghị Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Bộ, ban ngành một số cơ chế chính sách, trong đó sớm ban hành văn bản quy định cụ thể về thiết bị tối thiểu, đồng bộ cho các cấp học; ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường trung học tư thục; ban hành các hướng dẫn cụ thể về kinh phí đầu tư mua sắm, đảm bảo kịp thời, đồng bộ và tránh lãng phí; chỉ tiêu biên chế giáo viên đối với các cơ sở giáo dục công lập…
 
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu kết luận hội nghị
 

Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ghi nhận những kết quả nổi bật ngành GD&ĐT đạt được trong năm học 2019-2020 và giai đoạn 2016-2020. Nhấn mạnh giáo dục là quốc sách hàng đầu, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị; giáo dục không tách rời khỏi điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, Phó Thủ tướng đề nghị, các cấp ủy đảng, chính quyền tới đây cần tập trung ưu tiên hơn nữa cho giáo dục.

Phó Thủ tướng lưu ý, tinh giản biên chế nhưng không thể để trường lớp thiếu giáo viên. Lãnh đạo các tỉnh, thành phố, ngoài vấn đề trường lớp thì vấn đề giáo viên là hết sức quan trọng. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ GD&ĐT sau hội nghị có kiến nghị về vấn đề này. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu phải tập trung hơn đến văn hóa trong giáo dục mà điều cụ thể đầu tiên là từng cơ sở giáo dục phải là thiết chế biểu tượng của văn hóa. Cùng với đó, giáo dục phải hội nhập quốc tế, điều gì đã là xu thế thế giới thì nhất định không đi ngược lại.

Cho rằng giáo dục liên quan đến toàn dân, mọi người ít nhiều đều có kinh nghiệm và hiểu biết thực tiễn về giáo dục để góp ý, theo Phó Thủ tướng, để mọi người hiểu, đồng thuận và tham gia, cần hết sức cầu thị, có trao đi đổi lại trên tinh thần tôn trọng để tiếp thu nghiêm túc.

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng đưa ra một số nguyên tắc, nguyên lý trong giáo dục, đó là: Với giáo dục phổ thông, Nhà nước phải lo, hoặc trực tiếp hoặc xã hội hóa để đủ trường lớp, giáo viên, học sinh được học 2 buổi/ngày; phải bình đẳng về cơ hội, không được lựa chọn đầu vào. Ngoài ra, cơ sở giáo dục từ mầm non đến đại học không chỉ là thiết chế của chính quyền mà còn phải là thiết chế của cộng đồng.


Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t