Hà Nội - Thành phố sáng tạo và khát vọng vươn lên mạnh mẽ (09:12 16/10/2020)


HNP - Sau 20 năm được UNESCO trao tặng danh hiệu cao quý "Thành phố Vì hòa bình”, Hà Nội không chỉ khẳng định mình xứng đáng mà còn đã và đang không ngừng xây dựng, phát triển để phát huy giá trị danh hiệu này. Cùng với đó, Hà Nội đã được UNESCO ghi danh vào Mạng lưới các Thành phố sáng tạo từ năm 2019, đây là bước khởi đầu cho một quá trình mới để Hà Nội trở thành một Thành phố sáng tạo.

Không gian sáng tạo - Phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm


Hà Nội - Nơi ươm mầm không gian văn hóa sáng tạo
 
Với tư duy, tầm nhìn chiến lược, Hà Nội tiếp tục định vị phát triển đúng đắn, bắt nhịp với hơi thở của thời đại, phấn đấu trở thành trung tâm của sự sáng tạo, định hướng phát triển bền vững trên cơ sở không chỉ để bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử mà còn phát triển các ngành công nghiệp văn hóa cho một thời đại mới. Như Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, ông Michael Croft từng chia sẻ: “Đây là cách để Hà Nội duy trì sự tăng trưởng bền vững, thu hút nhân tài cho thành phố và thiết lập Hà Nội như một Thủ đô sáng tạo”. 
 
Từ nhận thức tới hành động, phát huy tiềm năng, thế mạnh, không chỉ sở hữu nhiều di sản văn hóa, Hà Nội còn là mảnh đất ươm mầm không gian văn hóa sáng tạo, nuôi dưỡng những ước mơ khởi nghiệp và cũng là mở đường cho sự phát triển của kinh tế khởi nghiệp. Không gian văn hóa sáng tạo được thành phố xác định là một trong những ngành mũi nhọn trong phát triển Công nghiệp văn hóa Thủ đô, cũng là nền tảng để nâng đỡ, khai mở, làm giàu thêm các tài nguyên di sản vốn có, từng bước đưa Hà Nội trở thành Thành phố sáng tạo trong tương lai. 
 
Công nghiệp văn hoá vốn là một trong những trụ cột của Thành phố sáng tạo. Công nghiệp văn hoá bao gồm các ngành: điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, thiết kế, thời trang, nghệ thuật biểu diễn… Đối với điện ảnh, hiện, Hà Nội có một hệ thống rạp chiếu phim khá đồ sộ, “phủ sóng” ở tất cả các khu dân cư lớn. Doanh thu từ chiếu phim năm 2018 đạt 4.035 tỷ đồng. Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội từng bước trở thành thương hiệu khi thu hút hàng nghìn nghệ sĩ từ khắp nơi trên thế giới. 
 
Không gian bích họa phố Phùng Hưng
 
Song, thực tế hiện nay, Hà Nội là thị trường tiêu thụ điện ảnh chứ chưa phải là một nhà sản xuất điện ảnh lớn. Về nghệ thuật biểu diễn, thành phố đã đầu tư hàng chục tỷ đồng cho các đơn vị nghệ thuật xây dựng vở diễn mới, chương trình biểu diễn phục vụ các ngày lễ kỷ niệm trọng đại của Thủ đô và đất nước được dư luận đánh gia cao. Tuy nhiên, tổng doanh thu giai đoạn 2017 - 2019 của 6 nhà hát của thành phố mới đạt khoảng 100 tỷ đồng. Tương tự là mỹ thuật, nhiếp ảnh… Khả năng “làm kinh tế” của các loại hình nghệ thuật này chưa cao. 
 
Đối với các không gian sáng tạo, nhận thức chung của xã hội về không gian sáng tạo còn hạn chế. Cách đây mấy năm, khi Hợp tác xã Vụn Art ra đời, hầu hết mọi người đều nghĩ đó chỉ là hoạt động của một nhóm thanh niên khuyết tật, sản phẩm mang nặng tính “từ thiện” khi họ sử dụng nguyên liệu là các mảnh vụn của vải lụa Hà Đông. Phải vài năm sau, Vụn Art mới được thừa nhận là không gian sáng tạo khi cho ra đời những sản phẩm có giá trị mỹ thuật, có tính sáng tạo cao. 
 
Hà Nội hiện có tới 190 không gian sáng tạo khác nhau, gồm cả không gian có sự tham gia tổ chức, quản lý của nhà nước, lẫn không gian của tư nhân. Không gian sáng tạo của nhà nước nổi bật nhất có thể kể đến như: Không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm, Không gian bích họa phố Phùng Hưng, Không gian nghệ thuật cộng đồng Phúc Tân, Không gian nghệ thuật và ẩm thực Tây Hồ… Hay như: The Vuon (phố Giảng Võ, quận Ba Đình), Hanoi Rock City (phố Tô Ngọc Vân, quận Tây Hồ), 60s (ngõ Thổ Quan, quận Đống Đa), Ơ kìa Hà Nội (phố Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình)… 
 
Những không gian sáng tạo giúp tạo công ăn việc làm, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy Thành phố sáng tạo. Tuy nhiên, phần lớn không gian sáng tạo tại Hà Nội gặp khó khăn. Về mặt chính sách, Chiến lược phát triển Công nghiệp văn hóa đã không “dành chỗ” cho các không gian sáng tạo. Về hoạt động, phần lớn các không gian sáng tạo hiện có tuổi đời rất ngắn, nhiều khi là 6 tháng đến 1 năm. 
 
Xây dựng Hà Nội trở thành Thành phố sáng tạo
 
Để Hà Nội trở thành một Thành phố sáng tạo có tầm trong khu vực và trên thế giới, vẫn còn nhiều việc phải làm. Tại tọa đàm cấp cao “Tham vấn về sáng kiến Hà Nội – Thành phố sáng tạo” do UBND thành phố Hà Nội phối hợp Văn phòng UNESCO tại Hà Nội tổ chức vào đầu tháng 10 vừa qua, các chuyên gia, nhà chuyên môn, nhà quản lý, các đại sứ… đã đưa ra nhiều nhóm giải pháp nhằm hiện thực hóa tầm nhìn một Thủ đô sáng tạo.
 
Theo Phó Giáo sư Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hoá - Nghệ thuật quốc gia: “Chúng ta nên xây dựng những sự kiện văn hoá của thành phố thành những thương hiệu văn hoá mạnh, từ đó, góp phần xây dựng thương hiệu Thành phố sáng tạo cho Hà Nội. Bắt đầu từ các sự kiện sẵn có này để xây dựng thương hiệu cho Hà Nội, trong đó, đáng lưu ý hơn cả là Lễ hội âm nhạc Gió mùa Monsoon, Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam, Liên hoan phim quốc tế Hà Nội. Bên cạnh đó, thành phố cần tiếp tục xây dựng các sự kiện mới, nhất là các sự kiện ẩm thực, thể thao, tuần lễ sáng tạo… Để làm được điều này, cần xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các nhà tổ chức, nghệ sĩ; nhất là khẩn trương xây dựng một cơ quan đầu mối phụ trách hoạt động sáng tạo trực thuộc UBND thành phố Hà Nội”. 
 
Đối với các không gian sáng tạo, Giám đốc Nghệ thuật của Heritage Space Nguyễn Anh Tuấn cho biết: “Để hỗ trợ cho các không gian sáng tạo, thành phố cần khuyến khích mở các không gian sáng tạo độc lập trong khuôn viên của các không gian quản lý công. Hiện, Hà Nội có khoảng 90 nhà máy và cơ sở sản xuất công nghiệp. Những nhà máy này gắn liền với lịch sử phát triển của một vùng đất có những đặc thù riêng về kiến trúc, cộng đồng... Đó là hệ thống di sản công nghiệp. Chúng ta có thể giữ lại nhà máy ở một số phần kết cấu hạ tầng, quy hoạch và tổ chức lại không gian - khuôn viên xây dựng, sau đó mời cộng đồng sáng tạo vào đó biến thành một khu văn hóa - giải trí - sáng tạo liên hợp. Nhà máy trở thành một địa chỉ văn hóa mới của đô thị, tạo lợi ích kinh tế, quảng bá hình ảnh, du lịch, nuôi dưỡng và biểu dương giá trị văn hóa mới, công nghiệp sạch, đáp ứng nhu cầu giải trí sinh hoạt cộng đồng… Cách làm này xuất hiện phổ biến trên thế giới”. 
 
Song song với các giải pháp cụ thể, theo ông Tim Voegele-Downing - cố vấn sáng tạo của nhiều thương hiệu thời trang xa xỉ trên thế giới, đối với xây dựng Thương hiệu thành phố sáng tạo, Hà Nội cần xây dựng tầm nhìn cho một thành phố sáng tạo, bằng cách xây dựng định hướng rõ ràng cho thế hệ trẻ, định vị, xây dựng mình thành một thành phố quốc tế, thành phố toàn cầu của văn hoá sáng tạo. Trong đó, “linh hồn” của thành phố chính là mạch ngầm văn hoá. Một số chuyên gia khác cho rằng, muốn có Thành phố sáng tạo, thì cần có con người sáng tạo. Điều đó phải bắt đầu từ người dân cũng như các biện pháp giáo dục.
 
Những thành phố tiên tiến trên thế giới đang chuyển dịch mạnh mẽ từ công nghiệp sản xuất sang công nghiệp văn hoá, công nghiệp sáng tạo. Hà Nội có lợi thế khi đã gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo. Nhắc lại cam kết của UNESCO trong việc đồng hành cùng với Hà Nội trên con đường xây dựng Thành phố sáng tạo, ông Michael Croft, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức để thúc đẩy các mối quan hệ đối tác giúp chuyển đổi Hà Nội - Thành phố Sáng tạo, thành Hà Nội - Kinh đô Sáng tạo với hào khí Thăng Long rồng bay lên cao".

Nghi Dung


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t