Đưa Hà Nội trở thành trung tâm GDĐT chất lượng cao, tiêu biểu của cả nước và có tầm cỡ khu vực (14:10 13/10/2020)


HNP - Sáng 13/10, tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố, đồng chí Chử Xuân Dũng, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố đã tham luận về “Thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa Thủ đô”.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Chử Xuân Dũng tham luận tại Đại hội


Trong những năm qua, GDĐT Thủ đô đã không ngừng phát triển cả về quy mô và chất lượng giáo dục toàn diện, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của người dân. Ngành GDĐT Thủ đô tập trung chỉ đạo thực hiện tốt Chương trình hành động số 27-CTr/TU, ngày 27/02/2014, của Thành ủy Hà Nội, các Kế hoạch của UBND Thành phố thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT và đạt được nhiều kết quả quan trọng, hoàn thành chất lượng các nhiệm vụ phát triển sự nghiệp GDĐT. Nổi bật:
 
Thực hiện hiệu quả đề án Quy hoạch mạng lưới trường học: Đến nay, Hà Nội cơ bản đảm bảo mỗi xã, phường, thị trấn có ít nhất 01 trường mầm non (MN) công lập, 01 trường tiểu học (TH) công lập, 01 trường THCS công lập; 3 đến 5 vạn dân có 01 trường THPT công lập; xây mới và cải tạo được 1.362 trường học các cấp, vượt so với chỉ tiêu định hướng đến năm 2020 là 509 trường công lập, với kinh phí 35 nghìn tỷ đồng. Trong đó, 6.776 số phòng học và 651 phòng bộ môn được xây mới; cải tạo 14.344 phòng học và 1.115 phòng bộ môn.
 
Chất lượng giáo dục toàn diện và mũi nhọn của Hà Nội luôn đạt kết quả xuất sắc trong 5 năm qua. Trước khi thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, điểm tuyển sinh đầu vào lớp 10 của một số trường năm học 2013 - 2014 còn thấp, đặc biệt là khu vực Hà Tây cũ, đến nay, điểm bình quân hàng năm các môn thi tuyển sinh vào lớp 10 toàn Thành phố đều tăng. Vượt chỉ tiêu kinh tế xã hội của Thành phố đề ra là 95% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ THPT và tương đương (tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT năm học 2015 - 2016 là 91% thì đến năm học 2019 - 2020 đạt 99,17%).
 
Kết quả giáo dục mũi nhọn luôn đạt thành tích xuất sắc, liên tục dẫn đầu cả nước về số lượng và chất lượng giải thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế; chất lượng giải từng bước được nâng lên. Từ 10 giải và huy chương trong các kỳ thi Olympic quốc tế, 138 giải kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia (với 8 giải Nhất) trong năm học 2013 - 2014, đến năm học 2019 - 2020, học sinh Hà Nội đạt thành tích xuất sắc với tổng số 338 giải và huy chương quốc tế (trong đó, 88 Huy chương Vàng, 105 Huy chương Bạc, 111 Huy chương đồng và 34 giải khuyến khích), tiếp tục dẫn đầu cả nước trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia với 144 giải (với 15 giải Nhất) và 04 đề tài tham dự thi quốc gia (VISEF) đạt thành tích cao (2 giải Nhất, 1 Nhì và 1 Ba). Đặc biệt, trong các kỳ thi quốc tế năm 2019, học sinh Hà Nội tham gia đoàn Việt Nam lần đầu tiên đạt điểm tuyệt đối phần thi thực hành Olympic Hóa học quốc tế (IChO), 1 học sinh đạt điểm cao nhất thế giới trong kỳ thi Olympic Thiên văn học và Vật lý thiên văn (IOAA), học sinh Hà Nội đại diện học sinh Việt Nam dự thi Kỳ thi Olympic Toán và Khoa học quốc tế dành cho học sinh dưới 13 tuổi đã đoạt giải nhất toàn đoàn (15 Huy chương Vàng, 14 Huy chương Bạc và 07 Huy chương Đồng). Những kết quả này khẳng định vị thế của giáo dục Thủ đô qua các kỳ thi trên trường quốc tế.
 
Chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý ngày càng đáp ứng với thời kỳ hội nhập và phát triển. Tại thời điểm trước 01/7/2020 khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực, Hà Nội có 100% giáo viên ở các bậc học, cấp học đang đứng lớp đạt chuẩn đào tạo trong đó tỉ lệ trên chuẩn cao (MN: 80,93%, TH: 95,20%, THCS: 82,77%, THPT: 36,05% giáo viên trên chuẩn). Không chỉ đào tạo trong nước, kế hoạch cử đi đào tạo tại nước ngoài 2 đoàn/năm được triển khai hiệu quả, góp phần nâng cao nghiệp vụ, tiếp cận phương pháp dạy học tiên tiến của thế giới.
 
Ngành GDĐT đã chủ động mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế. Đề án thí điểm đào tạo chương trình song bằng tú tài THPT quốc gia Việt Nam và tú tài Anh quốc - Chứng chỉ A Level tại trường THPT Chu Văn An từ năm học 2017 - 2018. Năm học 2018 - 2019, Hà Nội tiếp tục mở rộng mô hình này tại 7 trường THCS, THPT công lập trên địa bàn Thành phố. Hà Nội là địa phương đầu tiên và duy nhất trong cả nước tính đến thời điểm hiện nay, đăng cai tổ chức các kỳ thi quốc tế, đánh dấu bước tiến quan trọng trong công tác hội nhập như: Kỳ thi Toán học Hà Nội mở rộng HOMC, Kỳ thi quốc tế Toán và Khoa học dành cho học sinh dưới 13 tuổi IMSO. Đối với lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài trong giáo dục, năm học 2013 - 2014, Hà Nội có 29 dự án đầu tư nước ngoài, đến nay, có 77 dự án giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư thành lập trường quốc tế, cơ sở bồi dưỡng ngắn hạn.
 
Chỉ tiêu về xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia và xây dựng mô hình trường chất lượng cao đã đạt thành tích xuất sắc, hoàn thành và vượt chỉ tiêu hằng năm đặt ra. Trường công lập đạt chuẩn quốc gia toàn Thành phố năm 2015 có tỷ lệ 53,3%, đến năm 2019 được nâng lên 71,6%, hoàn thành vượt mức so với chỉ tiêu của Đại hội Đảng bộ Thành phố khóa XVI (nhiệm kỳ 2015 - 2020). Hiện, có 20 trường chất lượng cao được công nhận, phát huy tác dụng tốt đối với học sinh và cha mẹ học sinh, tạo nền tảng phát triển mô hình trường tự chủ trong giai đoạn tới.
 
Công tác giáo dục lý tưởng, truyền thống, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh được chú trọng. Năm học 2019 - 2020 là năm học thứ 8 thực hiện có chất lượng việc giảng dạy bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh” cho học sinh toàn Thành phố. góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, tăng tỷ lệ xếp loại hạnh kiểm khá, tốt hằng năm đối với học sinh Hà Nội, giảm tối đa các vụ việc liên quan đến bạo lực học đường (Năm học 2014 - 2015 tỷ lệ học sinh cấp THCS đạt hạnh kiểm tốt ở mức 84,71% và tăng hằng năm, đến năm 2019 - 2020 đạt 93,47%, đối với học sinh THPT năm học 2014 - 2015 đạt tỷ lệ 78,24%, năm học 2019 - 2020 đạt 91,34%). 
 
Với mục tiêu Hà Nội trở thành trung tâm GDĐT chất lượng cao, tiêu biểu của cả nước và có tầm cỡ khu vực; GDĐT nhằm phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học, đáp ứng những yêu cầu mới; chuyển mạnh quá trình giáo dục chủ yếu chú trọng kiến thức sang tập trung phát triển năng lực và phẩm chất người học. Ngành GDĐT xác định mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể: từng bước chuyển hệ thống GDĐT phát triển chủ yếu theo quy mô, số lượng sang phát triển vừa lấy trọng tâm là nâng cao chất lượng, hiệu quả, vừa chú ý quy mô, số lượng; thực hiện chuẩn hóa, hiện đại hóa; Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia (từ mầm non đến trung học phổ thông) đạt từ 80-85% vào năm 2025; (5) Đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng và phấn đấu đến năm 2025 đạt 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 thực hiện tại cấp Sở, trên 80% tại cấp huyện, cấp xã đối với lĩnh vực giáo dục…
 
Trong bối cảnh đó, trước những cơ hội, thách thức đặt ra trong nhiệm kỳ Đại hội XVII của Đảng bộ thành phố Hà Nội, Ngành GDĐT Thủ đô tiếp tục quán triệt sâu sắc và đẩy mạnh triển khai đồng bộ, có hiệu quả sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT theo định hướng “chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế” nêu trong Nghị quyết số 29/NQ-TW của Đảng; chủ động lãnh đạo, chỉ đạo phát triển theo hướng giáo dục toàn diện, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô trong thời kỳ mới.

Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t