Đẩy mạnh huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông (19:23 18/10/2020)


HNP - Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII đã đưa ra nội dung “tập trung phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối đô thị trung tâm với khu vực ngoại thành, các đô thị vệ tinh, các tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô". Với định hướng đặt ra về đầu tư phát triển hạ tầng giao thông như vậy, ngành Giao thông xác định tích cực, chủ động tổ chức thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó “Giải pháp huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thônng (KCHTGT)’’ là một trong những giải pháp quan trọng có tính quyết định để hình thành các công trình phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô. 

Đường vành đai 3 trên cao đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long


Sự đầu tư phát triển hệ thống đường giao thông và mạng lưới vận tải hành khách công cộng đã góp phần kéo các vùng xa về gần lại với Thành phố Hà Nội, từ đó, tạo điều kiện phát huy các tiềm lực về đất đai, con người, văn hóa xã hội và điều kiện tự nhiên sẵn có, góp phần rất lớn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các huyện, thị xã; tạo nên sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài nước. TP luôn xác định phát triển giao thông ngoại thành có ý nghĩa rất quan trọng và tác động trực tiếp đến vấn đề nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Bên cạnh đó, 05 đô thị vệ tinh được xác định là hạt nhân thúc đẩy phát triển khu vực ngoại thành, mỗi đô thị vệ tinh có chức năng hỗn hợp và đặc thù riêng, để hỗ trợ và chia sẻ với đô thị trung tâm, trong đó: Đô thị vệ tinh Hòa Lạc (có chức năng chính về khoa học công nghệ và đào tạo); Đô thị vệ tinh Sơn Tây (là đô thị văn hóa lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng); Đô thị vệ tinh Xuân Mai (là đô thị dịch vụ - công nghiệp hỗ trợ phát triển tiểu thủ công nghiệp và hệ thống làng nghề); Đô thị vệ tinh Phú Xuyên (là đô thị công nghiệp, đầu mối giao thông và trung chuyển hàng hóa); Đô thị vệ tinh Sóc Sơn (là đô thị phát triển về công nghiệp và dịch vụ hàng không, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái). 
 
Từ thực tế trên, trong những năm qua, ngân sách của thành phố đã dành khoảng 7.000 tỷ đồng/năm để xây dựng mới, nâng cấp các tuyến đường, trong đó đã ưu tiến bố trí vốn dành cho giao thông ngoại thành và hỗ trợ các địa phương khu vực ngoại thành đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trung bình khoảng 2.500 tỷ đồng/năm (chiếm khoảng 35% tổng kinh phí). Hàng loạt các chương trình ưu tiên cho giao thông ngoại thành đã và đang được triển khai như hỗ trợ kinh phí từ ngân sách ưu tiên đầu tư một số tuyến giao thông trên địa bàn các huyện, thị xã, tạo tiền đề nâng cao tiềm lực của địa phương. Nhờ đó, bên cạnh sự hỗ trợ đầu tư từ thành phố, các huyện, thị xã có thêm lợi thế để kêu gọi xã hội hóa đầu tư phát triển giao thông nông thôn cũng như huy động nguồn vốn từ đấu giá quyền sử dụng đất để đem tái đầu tư cho giao thông, xây dựng nông thôn mới.
 
Để tạo nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội thì kết cấu hạ tầng giao thông (KCHTGT) phải đi trước một bước. Trong Báo cáo Chính trị trình Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII đã đưa ra yêu cầu “tập trung phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối đô thị trung tâm với khu vực ngoại thành, các đô thị vệ tinh, các tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô", ngành GTVT Thủ đô sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ 06 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu, bao gồm: Đầu tư phát triển KCHTGT theo quy hoạch; Tăng cường công tác duy tu, bảo trì KCHTGT và tổ chức giao thông; Phát triển vận tải hành khách công cộng; Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành giao thông; Tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông cho người tham gia giao thông; Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông vận tải. 
 
Đồng thời trong 05 năm tới, ngành GTVT cần tập trung giải quyết một số yêu cầu về đầu tư như sau: Đầu tư các tuyến đường, công trình giao thông khung kết nối khu vực đô thị trung tâm với 05 đô thị vệ tinh và kết nối Thủ đô với các tỉnh, địa phương thuộc vùng Thủ đô; Đầu tư các nút giao thông trọng điểm giao cắt giữa đường hướng tâm và đường vành đai, các nút giao thông trọng yếu, các tuyến đường trục chính đô thị, liên khu vực, có tính kết nối; Hoàn thành đầu tư đồng bộ mạng lưới KCHTGT của 05 huyện theo đề án lên Quận trong thời gian tới, từng bước hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông kết nối cho các địa phương còn khó khăn về giao thông; Tập trung đầu tư từng bước hoàn thiện mạng lưới bến xe khách liên tỉnh khu vực Vành đai 4 theo quy hoạch; Hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng tuyến đường sắt đô thị số 2A (Cát Linh - Hà Đông) và tuyến đường sắt đô thị thí điểm số 3 (đoạn Nhổn - Ga Hà Nội), đồng thời, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu chuẩn bị đầu tư các tuyến đường sắt đô thị còn lại làm cơ sở khởi công trong giai đoạn tiếp theo.
 
Với định hướng đặt ra về đầu tư phát triển KCHTGT như vậy, cần tích cực chủ động tổ chức thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó “Giải pháp huy động nguồn lực đầu tư KCHTGT’’ là một trong những giải pháp quan trọng có tính quyết định để hình thành các công trình phục vụ phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô. 
 
Để huy động nguồn lực, cần tập trung vào 8 nội dung chính cơ bản. Trong đó, cần sử dụng nguồn lực hợp lý, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, có thứ tự ưu tiên đầu tư các công trình, đồng thời, phát triển hợp lý các phương thức vận tải đảm bảo tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế của Thành phố. Phân công trách nhiệm đầu tư và phối hợp đồng bộ tiến độ đầu tư KCHTGT giữa Thành phố Hà Nội với cơ quan Trung ương cũng như các tỉnh lân cận theo hướng: Bộ Giao thông vận tải đầu tư và quản lý, đầu tư các tuyến đường có tính chất giao thông liên vùng (như Vành đai 4, Vành đai 5, các tuyến cao tốc, đường sắt quốc gia, đường sắt liên kết vùng.); Hà Nội và các tỉnh lân cận đầu tư các công trình thuộc địa bàn quản lý, trong đó, Thành phố Hà Nội cần ưu tiên các tuyến đường kết nối giao thông giữa Thủ đô Hà Nội với các tỉnh lân cận.
 
Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện các quy định của Thành phố về phân công, phân cấp quản lý, đầu tư trên địa bàn cũng như cơ chế, chính sách trong quản lý sử dụng nguồn vốn trong đầu tư KCHTGT. Rà soát các quỹ nhà, đất sau khi sắp xếp lại trụ sở các cơ quan đơn vị và các quỹ đất trước đây dự kiến bố trí làm đất đối ứng triển khai cho các dự án đầu tư theo hình thức BT để chủ động triển khai lập quy hoạch tổ chức đấu giá tạo nguồn thu theo đúng quy định; phát huy, tận dụng tối đa nội lực của các địa phương thông qua việc giao cho các địa phương (quận, huyện, thị xã) chủ động xây dựng phương án và tổ chức đấu giá đất hai bên các tuyến đường mở mới để tái đầu tư cho địa phương...
 
Tiếp tục hoàn thiện các quy định, thủ tục, cơ chế chính sách để tăng cường công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất đấu giá tạo nguồn thu cũng như tạo mặt bằng phục vụ thi công các công trình; bố trí, giao vốn và thanh toán linh hoạt đối với chi phí GPMB trong quá trình triển khai thực hiện các dự án. Hoàn thiện các quy định, thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, loại bỏ các thủ tục không còn phù hợp, đơn giản hóa thủ tục và quy trình giải quyết thủ tục hành chính nhằm đảm bảo tính đồng bộ và hiệu quả trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện. 
 
Ngoài ra, cần nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của Trung tâm xúc tiến đầu tư Thương mại và Du lịch; Quỹ đầu tư Phát triển Thành phố trong việc kêu gọi đầu tư, thu hút nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực giao thông vận tải. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực đầu tư và quản lý vốn đầu tư nhằm nâng cao năng lực các chủ thể tham gia vào quá trình đầu tư xây dựng, quản lý vốn đầu tư xây dựng đảm bảo việc thực hiện có hiệu quả, kịp thời chấn chỉnh các tồn tại (nếu có).

Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t