Di sản nghìn năm trên đất Thăng Long - Hà Nội (10:03 09/10/2020)


HNP - Không có nơi nào trên đất nước Việt Nam lại dầy đặc di sản văn hóa vật thể và phi vật thể như ở Thăng Long - Hà Nội. Khối di sản ấy không chỉ lưu giữ tri thức dân gian, giá trị mỹ thuật, kiến trúc, mà còn là minh chứng cho nền tảng văn hóa đã và đang được tiếp nối, trao truyền, trong đó, nhiều di sản có mặt trên đất Thăng Long - Hà Nội từ cả nghìn năm trước.  

Di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long


Nhiều di sản là biểu tượng cho văn hoá Thủ đô và đất nước         
 
Sau kiểm kê di sản, Thủ đô Hà Nội ghi nhận có 5.922 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh; 1.793 di sản văn hóa phi vật thể đa dạng loại hình từ lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng... đến nghệ thuật trình diễn dân gian. Đặc biệt, nhiều di sản được hình thành từ hơn một nghìn năm, giai đoạn Lý Công Uẩn dời đô về thành Đại La dựng nghiệp, lấy tên kinh đô là Thăng Long, mở ra vương triều Lý. Nhiều di sản trong đó đã trở thành biểu tượng cho văn hóa, lịch sử của Thủ đô và đất nước.          
 
Một trong những di sản tiêu biểu phải kể đến là di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long - trung tâm quyền lực nối tiếp nhau của đất nước trong hơn một nghìn năm lịch sử. Theo Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Trần Việt Anh, những giá trị nổi bật của khu di sản Hoàng thành Thăng Long không chỉ thể hiện ở những di tích, di vật hiện hữu mà còn lắng đọng ở chiều sâu văn hóa phi vật thể và những giá trị tinh thần vô giá, bồi đắp qua hàng nghìn năm lịch sử. Trong hơn một thiên niên kỷ, đây là nơi giao thoa các giá trị nhân văn, kỹ thuật xây dựng, quy hoạch đô thị, nghệ thuật điêu khắc, kiến trúc và tạo dựng cảnh quan độc đáo.         
 
Sau Lý Thái Tổ, lần lượt các vua Lý tiếp tục cho xây dựng nhiều công trình kiến trúc phục vụ đa dạng nhu cầu đời sống, trong đó, di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một trong những quần thể có giá trị toàn vẹn nhất. Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho biết: Văn Miếu được vua Lý Thánh Tông xây dựng năm 1070, làm nơi thờ Khổng Tử và các bậc tiên thánh của Nho giáo. Đến năm 1076, vua Lý Nhân Tông cho lập bên cạnh Văn Miếu trường Quốc Tử Giám - trở thành trường đại học đầu tiên của trong lịch sử nước ta. Những di sản ngàn năm trên đất Thăng Long - Hà Nội còn có Chùa Một Cột, Chùa Láng, Chùa Kim Liên, Chùa Thầy, Chùa Tây Phương... Ở mảng kiến trúc nhà ở, Hà Nội có di sản Phố cổ, nơi sản xuất và giao thương sầm uất của kinh thành Thăng Long.            
 
Với di sản văn hóa phi vật thể, Thủ đô Hà Nội còn lưu giữ hàng chục di sản có từ thời Lý, như: Lễ hội làng Trường Lâm (quận Long Biên) với màn múa rắn lột; lễ hội làng Triều Khúc (huyện Thanh Trì) với điệu múa bồng độc đáo; hội thề Trung Hiếu tại đền thờ thần Đồng Cổ ở làng Hồ Khẩu (nay thuộc phường Bưởi, quận Cầu Giấy)... 
 
Có thể thấy, Thăng Long - Hà Nội có đầy đủ, từ văn hóa dân gian, làng nghề thủ công đến kiến trúc, sân khấu, âm nhạc, điện ảnh, hội họa. Theo trục dọc, nơi đây sở hữu từ văn hóa cung đình đến dân dã. Không phải địa phương nào cũng có đủ trục ngang và trục dọc văn hóa như đất Kinh đô - Thủ đô. Không chỉ nhiều mà nó còn mạnh, vì thế nó có sức lan tỏa.
 
Phát huy giá trị di sản văn hóa ngàn năm       
 
Di sản ngàn năm trên đất Thăng Long - Hà Nội không chỉ góp phần lưu giữ tri thức dân gian, mỹ thuật kiến trúc, điêu khắc... mà còn là minh chứng cho nền tảng văn hóa tinh thần đã và đang được tiếp nối, trao truyền qua nhiều thế hệ. Những năm qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung, di sản văn hoá ngàn năm tuổi nói riêng trên đất Thăng Long - Hà Nội thường xuyên được quan tâm, chú trọng, qua đó, được nhiều kết quả tích cực. Nhận thức của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng, ý nghĩa của di sản đối với đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội ngày càng được nâng cao. 
 
Bên cạnh đó, công tác khảo sát, lập hồ sơ xếp hạng các di tích được thực hiện khoa học, đúng quy trình. Việc tu bổ, tôn tạo di tích được đầu tư, minh chứng bằng việc hằng năm, ngành văn hóa đều tiến hành khảo sát hiện trạng các di tích đã xuống cấp, tổng hợp đề xuất thành phố ban hành danh mục và bố trí nguồn vốn thực hiện. Các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh cũng chính là những địa điểm triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. 
 
Nhiều công trình văn hóa được đầu tư, bảo tồn và phát huy giá trị trở thành những điểm đến du lịch nổi tiếng, thu hút đông đảo khách tham quan, du lịch trong nước và quốc tế như: Di tích Phủ Chủ tịch, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hoàng thành Thăng Long, Đền Ngọc Sơn - hồ Hoàn Kiếm, di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Phố cổ Hà Nội, chùa Hương... góp phần phát triển kinh tế - xã hội và quảng bá hình ảnh Thủ đô văn hiến, hòa bình, hữu nghị ra thế giới.
 
Đặc biệt, nhiều di sản được nhìn nhận giá trị văn hóa, lịch sử vượt tầm quốc gia, được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh. Ở trong nước, nhiều di sản được công nhận là di tích cấp quốc gia đặc biệt, di tích cấp quốc gia, được ghi vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia..., như một sự khẳng định là tài sản quý của Thủ đô và đất nước. Trung bình mỗi năm, thành phố đầu tư hàng trăm tỷ đồng phục vụ công tác tu bổ, tôn tạo di tích cũng như gìn giữ, trao truyền di sản văn hóa phi vật thể.
 
Để phát huy hơn nữa những giá trị quý báu của các di sản văn hoá ngàn năm, theo Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Lưu Trần Tiêu, cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có trách nhiệm những quy định của Luật pháp Việt Nam và Công ước quốc tế về bảo vệ, bảo tồn di sản văn hóa, phục vụ sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội, đồng thời, cũng là “nguồn vốn để dành” cho thế hệ mai sau. Cần ứng dụng hệ thống thông tin địa lý, viễn thám, triển khai số hóa dữ liệu...; khai thác nhiều hình thức quảng bá di sản văn hóa, phục vụ công tác bảo tồn và phát huy giá trị.
 
Cũng liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động cho biết: Thời gian tới, sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, xây dựng kế hoạch đầu tư kinh phí và huy động xã hội hóa để tu bổ, tôn tạo di tích xuống cấp, ưu tiên những di tích xuống cấp nặng; tạo điều kiện thuận lợi cho công tác lưu giữ và trao truyền di sản. 
 
Di sản văn hóa luôn là một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu của thành phố, trong mục tiêu lấy văn hóa làm nền tảng phát triển bền vững, trong đó, không thể thiếu các di sản văn hóa có giá trị ngàn năm của đất Thăng Long - Hà Nội.

Nghi Dung


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t