Thường trực Thành ủy làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (14:57 24/09/2020)


HNP - Chiều 24/9, Thường trực Thành ủy Hà Nội làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) về kết quả phối hợp công tác giữa Bộ KH&ĐT và thành phố Hà Nội; kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố 8 tháng năm 2020, nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2020; định hướng phối hợp công tác trong giai đoạn tiếp theo và các kiến nghị, đề xuất.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc hội nghị


Các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Vương Đình Huệ; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy Chu Ngọc Anh và Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn cùng chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo HĐND, UBND Thành phố, một số sở, ban, ngành Thành phố.
 
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho biết, Hà Nội đã hoàn thành đạt và vượt 16/16 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ Thành phố đã đề ra, trong đó, có 4 chỉ tiêu vượt, 3 chỉ tiêu về đích sớm 2 năm. Trong những kết quả đó, ngoài sự nỗ lực, cố gắng của toàn Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Thủ đô, còn có sự quan tâm thường xuyên của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ngành Trung ương, trong đó có Bộ KH&ĐT.
 
Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, trong những năm qua, Bộ KH&ĐT đã giúp đỡ rất nhiều cho thành phố Hà Nội. Để hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 là tăng trưởng gấp 1,3 lần mức chung của cả nước và hoàn thành dự toán thu ngân sách Chính phủ giao, Hà Nội có nhiều vấn đề cần sự hỗ trợ của Bộ KH&ĐT, trước mắt là tháo gỡ khó khăn trong năm 2020, chuẩn bị kế hoạch cho giai đoạn tới.
 
Trình bày báo cáo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Doãn Toản cho biết, trong nhiệm kỳ 2016 - 2020, thành phố Hà Nội luôn nhận được sự hướng dẫn, phối hợp của Bộ KH&ĐT trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Trung ương, đặc biệt là việc xây dựng các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố.
 
Cụ thể, trên cơ sở hỗ trợ, hướng dẫn của Bộ KH&ĐT, UBND Thành phố đã tập trung thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI). Kết quả, chỉ số PCI của Hà Nội tăng bậc liên tiếp, năm 2019 xếp thứ 9/63, tăng 15 bậc so với năm 2015.
 
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Doãn Toản trình bày báo cáo tại hội nghị
 
Thành phố chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khi đăng ký thành lập. Tỷ lệ đăng ký thành lập doanh nghiệp qua mạng tăng từ 56% (năm 2016) lên 100% (năm 2018). Tính chung giai đoạn 2016-2019, toàn Thành phố có 99.503 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với số vốn đăng ký là 1,225 triệu tỷ đồng (tăng 24% về số doanh nghiệp và tăng 118% về tổng số vốn đăng ký so với giai đoạn 2011-2015). Riêng 8 tháng năm 2020, toàn Thành phố có 17.791 doanh nghiệp thành lập mới, số vốn đăng ký 241,7 nghìn tỷ đồng.
 
Ngoài ra, Thành phố cũng được Bộ KH&ĐT hướng dẫn, hỗ trợ trong xây dựng, thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và kế hoạch đầu tư công hằng năm. Lũy kế bố trí kế hoạch vốn trung hạn đến nay là 101.019 tỷ đồng; lũy kế giải ngân đến 15/9/2020 (số tuyệt đối) là 75.715 tỷ đồng. Ước hết năm 2020 sẽ giải ngân 90.350 tỷ đồng, đạt 89,5% kế hoạch đã giao. Trên cơ sở đó, Thành phố dự kiến hoàn thành 546/551 dự án xây dựng cơ bản tập trung cấp Thành phố và 851/856 dự án ngân sách Thành phố hỗ trợ cấp huyện.
 
Đặc biệt, công tác thu hút vốn đầu tư xã hội, xã hội hóa các hoạt động đầu tư của Thành phố có sự giúp đỡ tích cực của Bộ KH&ĐT, thể hiện qua kết quả Hội nghị “Hà Nội - Hợp tác đầu tư và phát triển” các năm 2016, 2017, 2018, vốn đầu tư thu hút năm sau cao hơn năm trước. Riêng năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covi-19, song Thành phố đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 229 dự án, với tổng số vốn 405.570 tỷ đồng (tương đương 17,6 tỷ USD), số vốn tăng thêm 270.458 tỷ đồng. Tổng số dự án, số vốn tăng tương ứng gấp 5 lần và 11 lần so với “Hội nghị xúc tiến đầu tư” năm 2016. Ngoài ra, Thành phố cùng các nhà đầu tư ký kết 38 Biên bản ghi nhớ với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 28,6 tỷ USD.
 
Cũng liên tục trong những năm qua, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Giai đoạn 2016-2020 (tính đến hết tháng 8/2020), Thành phố đã thu hút mới trên 25,5 tỷ USD; vốn đầu tư thực hiện trong kỳ đạt trên 13,5 tỷ USD. Các doanh nghiệp FDI đã đóng góp thu ngân sách đạt 3,416 tỷ USD; cung ứng việc làm cho trên 310.370 lao động (chiếm 11% số lao động trong các doanh nghiệp).
 
Tại hội nghị, thành phố Hà Nội đã đề xuất nhiều nội dung hợp tác với Bộ KH&ĐT, trên các lĩnh vực về công tác quy hoạch; liên kết, phát triển Vùng; trong tham vấn, đề xuất xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách; thu hút, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư; trong hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo...
 
Thành phố cũng nêu 4 nhóm kiến nghị với Bộ KH&ĐT. Trong đó, Bộ KH&ĐT phối hợp với các bộ tham mưu, báo cáo Chính phủ, Quốc hội tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho Thành phố lên trên mức 35% để đảm bảo nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô giai đoạn 2021-2025. Hỗ trợ Thành phố trong việc chuẩn bị hồ sơ, thẩm định, trình Chính phủ và Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư 02 tuyến đường sắt đô thị (tuyến số 3 đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai; tuyến số 5 đoạn Văn Cao - Ngọc Khánh - Hòa Lạc). Đồng thời, quan tâm tổng hợp đề xuất Trung ương bố trí vốn cho dự án Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai (từ km14+200 đến km38 + 00) với tổng mức đầu tư 8.713 tỷ đồng.
 
Ngoài ra, Hà Nội cũng kiến nghị Bộ KH&ĐT cùng các bộ, ngành tham mưu, báo cáo hỗ trợ ngân sách Trung ương cho các dự án lĩnh vực môi trường, giao thông, thủy lợi, y tế quan trọng, có quy mô lớn, vượt khả năng cân đối của Thành phố, trong đó có các dự án: Xây dựng Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2; Nâng cấp bệnh viện Xanh Pôn đạt chuẩn Châu Âu; Xây dựng bệnh viện Tim Hà Nội - cơ sở 2 tại Thạch Thất; Cải tạo lòng dẫn sông Đáy; Bố trí vốn GPMB diện tích còn lại KCNC Hòa Lạc (khoảng 235ha, kinh phí 2.688 tỷ đồng) để thu hút đầu tư các dự án FDI thuộc lĩnh vực công nghệ cao, tạo động lực phát triển kinh tế Thủ đô và đô thị vệ tinh Hòa Lạc...

Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t