Bộ Xây dựng sẽ vào cuộc cùng Hà Nội trong điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô (19:47 21/08/2020)


HNP - Cho rằng sau gần 10 năm thực hiện, Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã đặt ra nhiều yếu tố, yêu cầu phải điều chỉnh tổng thể, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết sẽ phối hợp với Hà Nội ngay từ những khâu đầu để giảm thời gian thực hiện nhiệm vụ này.

Lãnh đạo Thành phố và Bộ Xây dựng ký biên bản hợp tác trong thời gian tới


Thống nhất tiếp tục mô hình đội quản lý trật tự xây dựng thuộc UBND quận, huyện, thị xã
 
Tại buổi làm việc giữa Thường trực Thành ủy với Ban Cán sự Đảng Bộ Xây dựng, góp ý và giải đáp một số vấn đề Hà Nội kiến nghị, đề xuất, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch kiến trúc Trần Thu Hằng chỉ ra 5 vấn đề còn hạn chế, vướng mắc trong lĩnh vực quy hoạch, như: quy hoạch khu vực nội đô lịch sử, quy hoạch sông Hồng còn chưa thực hiện được; một số quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết chưa sát thực tiễn; thiếu lộ trình liên quan đến quy hoạch, phát triển 5 huyện lên quận; những trục, tuyến quan trọng của Thành phố chưa có quy hoạch, quy chế quản lý kiến trúc... Trên cơ sở đó, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch kiến trúc cho rằng, HĐND thành phố Hà Nội cần ban hành Quy chế về lấy ý kiến cộng đồng dân cư trong công tác lập quy hoạch, xác định tỷ lệ lấy ý kiến sát với thực tiễn của Thành phố; tập trung hoàn thiện quy chế quản lý kiến trúc Thành phố, đồng thời, công bố công khai các quy hoạch... Đồng chí cũng cho biết sẽ phối hợp, hỗ trợ Hà Nội trong việc điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô.
 
Liên quan đến đề xuất của Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, Bộ đồng ý về việc tiếp tục thí điểm đội quản lý trật tự xây dựng trực thuộc UBND các quận, huyện, thị xã. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho rằng, thực chất vấn đề này là quay lại như cũ (trước khi có Luật Thanh tra) và làm như tại Hà Nội là đúng, cho thấy hiệu quả thực tiễn. Về tháo gỡ cho các hộ dân ngoài đê trong vấn đề xây dựng nhà ở, Thứ trưởng Lê Quang Hùng cho biết sẽ tiếp thu để nghiên cứu, đưa vào nội dung điều chỉnh của Luật Xây dựng sửa đổi. Song, vấn đề mấu chốt là Thành phố phải phủ kín được quy hoạch tại các khu vực ngoài đê.
 
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn, liên quan đến Quy hoạch khu Bắc sông Hồng, nhất là trục Nhật Tân - Nội Bài và trục cầu Đông Trù, Hà Nội cần xác định đây là khu vực để phát triển nhà ở cao tầng, góp phần giảm tải cho khu vực nội đô; do vậy, không nên xây dựng nhà ở thấp tầng tại đây nhằm tránh lãng phí đất. Đối với vấn đề xây dựng, cải tạo chung cư cũ, Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn cho rằng Hà Nội cần có đột phá, điều chỉnh tầng cao để giảm mật độ xây dựng. Đồng chí cũng gợi mở Hà Nội nghiên cứu lập Hội đồng Kiến trúc để giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả lĩnh vực này.
 
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại buổi làm việc
 
Thống nhất, đánh giá cao 15 nội dung dự kiến tăng cường phối hợp giữa Bộ Xây dựng và UBND Thành phố trong thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị nên tập trung lựa chọn một số vấn đề cấp thiết; giao nhiệm vụ cho các cơ quan chuyên môn của Bộ Xây dựng và UBND Thành phố tập trung triển khai phối hợp, giải quyết ngay. Đồng chí cũng đề nghị Bộ Xây dựng sớm hướng dẫn thực hiện quy chuẩn mới về phòng cháy, chữa cháy có hiệu lực từ ngày 1/7/2020; hỗ trợ Thành phố đi trước về công tác quy hoạch các huyện, các xã chuẩn bị lên quận, phường; giúp Thành phố tháo gỡ vấn đề xây dựng, cải tạo các trường học khu vực các quận nội thành bằng cách nâng số tầng để khắc phục tình trạng thiếu quỹ. Đặc biệt, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị Bộ sớm phê duyệt phương án để Thành phố triển khai kịp thời việc cải tạo Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô, phục vụ tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố.
 
Tăng cường phân cấp tối đa cho Hà Nội
 
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà chúc mừng những kết quả mà Hà Nội đã đạt được trong 5 năm qua, cũng như những tháng đầu năm nay. Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho rằng, Hà Nội là đô thị đặc biệt, trong những năm qua, Thành phố đã xác định đúng vai trò của công tác quản lý, phát triển đô thị và thời gian tới, tiếp tục xác định đây là cốt lõi, đóng góp vào sự phát triển bền vững của Thành phố.
 
Góp ý những vấn đề cụ thể với Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, trước hết, Hà Nội cần chú ý nhiều hơn đến quy hoạch, đặc biệt cần khẩn trương điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Bởi sau gần 10 năm thực hiện đã xuất hiện những yếu tố mới, tư duy mới; nội hàm phát triển vùng Thủ đô cũng có nhiều thay đổi, cùng với một số Luật mới và yêu cầu phát triển Thủ đô đòi hỏi phải điều chỉnh để đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Bộ trưởng Phạm Hồng Hà khẳng định sẽ phối hợp với Hà Nội ngay từ đầu để giảm thời gian thực hiện nhiệm vụ này. Bên cạnh đó, Hà Nội cần nghiên cứu, triển khai đồng thời với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thủ đô.
 
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị
 
Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng lưu ý Hà Nội đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch chi tiết, hiện toàn Thành phố mới đạt 17%, bởi theo Luật Quy hoạch nếu chưa có quy hoạch chi tiết 1/500 thì không có cơ sở để lập dự án đầu tư. Trong quá trình này, Thành phố cần phối hợp với Bộ để xác định khu vực nào cần làm quy hoạch 1/500, khu vực nào không cần làm và lực lượng nào làm. Về phía Bộ Xây dựng cũng sẽ hỗ trợ Hà Nội trong việc quy hoạch khu vực nông thôn, nhất là các huyện chuẩn bị lên quận.
 
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cũng cho rằng Hà Nội cần điều chỉnh ngay quy chế về chiều cao công trình, nhất là tại 4 quận nội đô lịch sử để phù hợp với thực tiễn. Bên cạnh đó, cần tập trung xây dựng quy hoạch không gian ngầm của Thành phố. Liên quan đến vấn đề phát triển nhà ở, Bộ trưởng Bộ Xây dựng nêu, hiện nay, Hà Nội vẫn còn 3,4/1.000 hộ không có nhà ở và 0,9% là nhà ở đơn sơ, bán kiên cố. Do vậy, nhiệm kỳ tới, Thành phố cần đặt mục tiêu xóa sạch nhà ở đơn sơ, bán kiên cố và không để hộ nào không có nhà ở. 
 
Về vấn đề cải tạo chung cư cũ, theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, vướng nhất vẫn là cơ chế, chính sách từ Luật đến Nghị định. Tới đây, Bộ sẽ làm kỹ hơn với Hà Nội về vấn đề này, những vấn đề nào thuộc thẩm quyền của Bộ và Chính phủ thì tháo gỡ ngay, còn vấn đề nào vướng mắc về Luật thì xin thí điểm để Hà Nội làm nhưng thông qua đó cũng rút kinh nghiệm chung cho cả nước. 
 
Cho rằng Hà Nội cần chỉ đạo quyết liệt, đưa vào Nghị quyết vấn đề hoàn thiện Quy hoạch 2 bên bờ sông Hồng, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà tin tưởng hoàn toàn có giải pháp để đảm bảo các yêu cầu về thoát lũ, phòng chống thiên tai nhưng vẫn khai thác và sử dụng hiệu quả quỹ đất 2 bên sông. Quan trọng hơn là quản lý xây dựng, chống lấn chiếm. Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng đề nghị Hà Nội cần xây dựng Quy chế quản lý kiến trúc toàn Thành phố và một số điểm nhấn. “Đây là việc khó và Bộ sẽ phối hợp với Hà Nội để làm. Trước mắt, cần thành lập ngay Hội đồng Kiến trúc của Thành phố”, đồng chí nhấn mạnh.
 
Nêu rõ trong những năm qua, công tác phối hợp giữa Bộ với Hà Nội có lúc, có việc còn chưa thường xuyên, kịp thời, có việc giải quyết còn chậm, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà khẳng định, trong thời gian tới, Bộ sẽ tập trung chỉ đạo, nâng cao hiệu quả phối hợp với Hà Nội theo 3 hướng: Phối hợp giải quyết các vấn đề vướng của Hà Nội; tăng cường phân cấp, ủy quyền tối đa cho Hà Nội trong thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng và giảm ít nhất một nửa thời gian theo quy định khi giải quyết các thủ tục cho Hà Nội. 
 
Hà Nội sẽ đổi mới căn bản, toàn diện công tác quy hoạch
 
Phát biểu kết luận, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, định hướng lớn của Hà Nội trong thời gian tới đối với lĩnh vực xây dựng là phải đổi mới căn bản và toàn diện công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch nhằm phát triển đô thị theo hướng thông minh, bền vững. Tập trung phát triển đồng bộ, hiện đại và mở rộng quy mô hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị. Đầu tư mở rộng khu vực đô thị, xây dựng một số đô thị vệ tinh và đô thị thông minh. Tăng cường quản lý đất đai, môi trường, xây dựng, kỷ cương và văn minh đô thị... Do vậy, Thành phố rất cần sự quan tâm hỗ trợ của Bộ Xây dựng và các bộ ngành có liên quan. 
 
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ kết luận Hội nghị
 
Theo Bí thư Thành ủy, quy hoạch là vấn đề quan trọng nhất. Nhiệm vụ cấp bách là rà soát điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô. Quy hoạch này được Thủ tướng phê duyệt năm 2011, theo Luật quản lý quy hoạch 5 năm có thể rà soát sửa đổi, nhưng đến nay đã 10 năm, có rất nhiều thứ thay đổi, từ luật pháp, tư duy, tầm nhìn,... Bên cạnh đó, những quy hoạch phân khu, quy hoạch nông thôn cần lưu ý gắn với các tiêu chí đô thị, bởi thực tế, những huyện về đích nông thôn mới sớm nhất nhưng khi đặt mục tiêu lên quận lại khó hơn các huyện đạt chuẩn nông thôn mới sau. Về quy hoạch phân khu sông Hồng, sông Đáy, sau khi Hà Nội mở rộng, thì diện tích khu vực này rất lớn, nếu quy hoạch được sẽ là nguồn lực lớn để phát triển đô thị, đồng thời, sẽ giải quyết được sinh kế cho người dân.
 
Về vấn đề cải tạo chung cư cũ, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, thực tế đặt ra từ năm 2012, dù Thành phố đã có nhiều phương án, đề án nhưng hiện vẫn đang vướng, làm sao bảo đảm quyền lợi hài hòa giữa nhà đầu tư - người dân - công tác quản lý nhà nước. Đồng chí đề nghị Bộ Xây dựng phối hợp chặt chẽ với Hà Nội trình Chính phủ, Thủ tướng giải quyết những vấn đề trong thẩm quyền, "nếu không hành động thì rất khó tiến triển", Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nói.
 
Đánh giá cao và trân trọng cảm ơn những quyết tâm của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về 3 định hướng phối hợp, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cũng thống nhất việc thành lập tổ công tác chung để giải quyết những vấn đề lớn, có tính chiến lược cho Thủ đô. Về phía Hà Nội, Thành phố sẽ tích cực, chủ động hơn để tranh thủ hiệu quả hơn sự hỗ trợ của các bộ, ngành.

Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t