Không được để xảy ra ổ dịch tại bệnh viện, cơ sở y tế (19:46 21/08/2020)


HNP - Chiều 21/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì họp trực tuyến giữa Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 với một số địa phương. Dự tại điểm cầu Hà Nội có đồng chí Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận tại cuộc họp


Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được các vùng dịch
 
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trên thế giới, dịch Covid-19 vẫn đang lây lan nhanh và chưa có dấu hiệu chững lại; kể từ đầu tháng 7/2020 đến nay, mỗi ngày, ghi nhận khoảng 200.000 ca mắc mới và trên 5.000 ca tử vong. Một số nước đã phải tái thiết lập các biện pháp giãn cách nhằm ngăn ngừa dịch bệnh. Dự báo, thời gian tới, dịch bệnh trên thế giới tiếp tục gia tăng, nhất là tại nhiều nước có quan hệ, kinh tế, thương mại và giao lưu lớn với Việt Nam.
 
Tại Việt Nam (tính đến 12 giờ, ngày 21/8), cả nước ghi nhận 1.007 trường hợp mắc Covid-19 (trong đó, có 376 trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài vào Việt Nam); 26 trường hợp tử vong. Tình hình dịch bệnh tại Đà Nẵng, Quảng Nam đang trong tầm kiểm soát, số trường hợp mắc bệnh ghi nhận giảm trong tuần gần đây. Trong vài ngày tới, tại Đà Nẵng, Quảng Nam có thể vẫn sẽ ghi nhận những trường hợp mắc bệnh rải rác do nguồn lây bệnh đã có tại cộng đồng trước khi được khoanh vùng, khống chế.
 
Đáng chú ý, tại Hải Dương, tình hình dịch bệnh cũng cơ bản được kiểm soát, trong 3 ngày gần đây, không phát hiện thêm các trường hợp mắc bệnh mới. Ổ dịch tại nhà số 36 phố Ngô Quyền, thành phố Hải Dương với tất cả 12 trường hợp mắc bệnh đã được kiểm soát kịp thời, công tác truy vết, khoanh vùng, cách ly, xét nghiệm vẫn đang được khẩn trương thực hiện để nhanh chóng dập dịch dứt điểm.
 
Kinh nghiệm đáp ứng phòng, chống dịch với ổ dịch tại Đà Nẵng, Hải Dương và một số tỉnh, thành phố cho thấy khi phát hiện trường hợp mắc bệnh trong cộng đồng, chính quyền địa phương thống nhất, phối hợp chặt chẽ với cơ quan y tế để triển khai nhanh, quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch, thì dịch bệnh sẽ nhanh chóng được khống chế, kiểm soát không để lây lan rộng ra cộng đồng.
 
Tính từ 23/7/2020 đến nay, cả nước đã thực hiện 421.444 xét nghiệm/843.688 xét nghiệm RT-PCR với công suất xét nghiệm gấp 5-6 lần so với giai đoạn cao điểm tháng 3-4/2020. Số lượng xét nghiệm trong gần một tháng qua bằng tổng số xét nghiệm trong 6 tháng của giai đoạn đầu. Toàn quốc có 71 đơn vị thực hiện xét nghiệm khẳng định COVID-19 (công suất khoảng 34.000 mẫu/ngày).
 
Bộ Y tế cho rằng, việc thực hiện giãn cách xã hội tại một số địa phương được triển khai từ sớm, kịp thời ngay từ khi có những trường hợp mắc bệnh đầu tiên và được thực hiện phù hợp, có chọn lọc theo các khu vực nguy cơ, không giãn cách trên diện rộng, liên tỉnh như trước đây, đồng thời, thực hiện giám sát, khoanh vùng dập dịch quyết liệt, yêu cầu cách ly tập trung bắt buộc với các trường hợp tiếp xúc gần (F1) đã hạn chế lây lan trong cộng đồng, góp phần làm giảm tác động của dịch đối với việc phát triển kinh tế để tiếp tục thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ.
 
Việc thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp kiểm soát dịch, tổ chức truy vết, cách ly kịp thời, xét nghiệm trên diện rộng, truyền thông liên tục đến người dân… đã tạo điều kiện cho việc tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2020 trên toàn quốc.
 
Khoanh gấp, kịp thời khi xuất hiện ca bệnh
 
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, dịch vẫn còn phức tạp nhưng đang trong tầm kiểm soát, kể cả ở địa bàn phức tạp nhất như Đà Nẵng, Quảng Nam, Hải Dương và các thành phố lớn. Qua đợt dịch này, chúng ta rút ra nhiều bài học trong quá trình chỉ đạo, trong đó có tinh thần “thần tốc, thần tốc hơn nữa” trong chỉ đạo, thực hiện; xét nghiệm nhanh, rộng, ứng dụng các phần mềm như Bluezone, thông tin kịp thời, người dân ủng hộ, nhất là hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt. Trung ương và địa phương chỉ đạo quyết liệt nhưng linh hoạt, bảo đảm an toàn, kiểm soát nhưng vẫn thực hiện mục tiêu kép.
 
Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn lây lan mạnh trên toàn cầu, nước ta hội nhập sâu rộng, do đó, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu, các cấp, các ngành, đặc biệt ngành y tế không được chủ quan, không được coi thường trong quá trình chỉ đạo mà phải tập trung, làm hết sức mình để không có ổ dịch lây lan rộng trong cộng đồng. Bên cạnh đó, trước sự sụt giảm, tăng trưởng âm của toàn cầu, chúng ta phải thực hiện mục tiêu kép, vừa đề phòng, khống chế bằng được Covid-19, phong tỏa kiên quyết, chặn đứng nguồn lây ở các ổ dịch thì vẫn phải duy trì hoạt động kinh tế-xã hội ở mức độ cần thiết. Các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố cần phải cương quyết, sát sao, tỉnh táo chỉ đạo 2 nhiệm vụ này để làm sao đạt hiệu quả tối ưu. Không được để dịch bệnh lây lan bùng phát, đồng thời không để người dân quá lo lắng, bất ổn về cách ly xã hội.
 
Cần tăng cường hệ thống xét nghiệm, nâng cao khả năng xét nghiệm lên một tầm mới, thủ tục đơn giản, tạo thuận lợi cho người dân xét nghiệm. Ngành y tế cần suy nghĩ về việc nhận diện, chẩn đoán sớm nguy cơ mắc Covid-19 đối với các bệnh nhân có biểu hiện dù là nhẹ nhất. Cần tập trung bảo vệ nhóm rủi ro cao, là người có bệnh lý nền, người cao tuổi dễ bị tử vong. Không được để xảy ra ổ dịch, nhất là tại các bệnh viện, cơ sở y tế.
 
Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh, xuất hiện ca bệnh thì phải khoanh gấp, kịp thời, không để xảy ra ổ dịch lây lan diện rộng. Xác định trách nhiệm người đứng đầu trong bao quát công tác phòng, chống dịch. Cần có văn hóa ứng xử trong bối cảnh có dịch, đặc biệt là đeo khẩu trang trong trường học, bệnh viện, trên phương tiện công cộng, ở nơi đông người. Thủ tướng nhất trí với ý kiến cho rằng cần có chế tài bắt buộc phải đeo khẩu trang ở những nơi cần thiết. Cần tuyên truyền, vận động nhân dân cài đặt các ứng dụng phần mềm phòng chống dịch như Bluezone.
 
Đồng thời, theo dõi, nắm chắc tình hình, không để dịch bùng phát, nếu có phải nhanh hơn, nhạy cảm hơn, chính xác, kịp thời hơn đối với mọi đối tượng có nguy cơ lây nhiễm là một yêu cầu đặt ra đối với công cuộc phòng, chống dịch. Các chuyên gia, nhà đầu tư, nhà quản lý vào Việt Nam phải được cách ly phù hợp, trong đó, có trách nhiệm của người mời, đặc biệt chính quyền địa phương.
 
Riêng với kỳ thi tốt nghiệp THPT, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nên thảo luận với các địa phương, sớm có phương án để giải quyết vấn đề này, trong đó, làm việc với UBND Quảng Nam, Đà Nẵng và một số địa phương có học sinh thuộc diện F1, F2 để tiếp tục tổ chức tốt đợt thi tới trên tinh thần bảo đảm an toàn; chuẩn bị cho khai giảng năm học mới linh hoạt, phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của mỗi địa phương.
 
Thủ tướng cho biết, sẽ sớm sửa đổi chính sách hỗ trợ người lao động bị mất việc, không có thu nhập một cách thuận lợi hơn nữa, phương án này Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sẽ sớm trình Chính phủ.

Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t