Hà Nội phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 (12:31 21/08/2020)


HNP - Sáng 21/8, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị giao ban trực tuyến của Thủ tướng Chính phủ với các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương về đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2020. Dự tại đầu cầu Chính phủ có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; lãnh đạo các bộ, ngành.


Tại điểm cầu Hà Nội, dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH TP Vương Đình Huệ; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Bí thư Ban cán sự đảng UBND TP, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP phụ trách điều hành hoạt động của Ban cán sự Đảng UBND và UBND TP Nguyễn Văn Sửu; Phó Chủ tịch HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà; các Phó Chủ tịch UBND TP: Nguyễn Thế Hùng, Nguyễn Doãn Toản; lãnh đạo các sở, ngành thành phố.
 
15 bộ, cơ quan Trung ương và một địa phương tỉ lệ giải ngân đạt dưới 15%
 
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao tiến bộ trong công tác giải ngân so với cùng kỳ, tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, vẫn còn có một số bộ, ngành, địa phương chậm trễ. Do đó, Thủ tướng nhấn mạnh các bộ, ngành, địa phương phải giải ngân hết số vốn còn lại và sẽ có chế tài kèm theo để xử lý: "Không thể nói mà không làm, không thể có tiền mà không tiêu được do sự chủ quan, việc tổ chức thực hiện kém".
 
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay, đã có 52/53 bộ, cơ quan Trung ương và 63/63 địa phương có phương án phân bổ vốn NSNN năm 2020 tuân thủ nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn đầu tư công quy định tại Luật Đầu tư công và các Nghị quyết của Quốc hội về NSNN năm 2020. Tuy vậy, chỉ có 38 bộ, cơ quan Trung ương và 43 địa phương giao chi tiết hết 100% kế hoạch vốn cho các dự án; 5 bộ, cơ quan Trung ương và 15 địa phương giao chi tiết trên 90% cho các dự án; còn lại 9 bộ, cơ quan Trung ương và 5 địa phương giao chi tiết dưới 90% cho các dự án.
 
Tổng số vốn NSNN các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã có quyết định/văn bản giao chi tiết cho các dự án đủ điều kiện giải ngân vốn là 455.491 tỷ đồng, đạt 95,4% kế hoạch đầu tư vốn được Thủ tướng Chính phủ giao (477.573 tỷ đồng).
 
Hiện nay, có 9 bộ, cơ quan Trung ương và 9 địa phương có văn bản đề nghị chuyển trả lại kế hoạch vốn để điều chỉnh cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương khác với tổng số vốn là 6.338 tỷ đồng. Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận được đề xuất bổ sung kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2020 của 7 bộ, cơ quan Trung ương và 31 địa phương với tổng số vốn là 13.509 tỷ đồng.
 
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, lũy kế giải ngân từ đầu năm đến 31/7/2020 là 193.040 tỷ đồng, đạt 40,98% kế hoạch Thủ tướng giao (không bao gồm vốn kéo dài từ các năm trước sang). Ước giải ngân đến 31/8 là 221.768 tỷ đồng, đạt 47% so với kế hoạch (cùng kỳ năm 2019 đạt 41,39%).
 
Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Thủ tướng tại Hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc ngày 16/7, sự đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giải ngân vốn của các Đoàn công tác, tiến độ giải ngân từ cuối tháng 7 đến nay, đã có sự chuyển biến và đạt kết quả tích cực. Có 5 bộ, cơ quan Trung ương và 19 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 60%. Tuy nhiên, có 29 bộ, cơ quan Trung ương và 6 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 35%, trong đó, có 15 bộ, cơ quan Trung ương và một địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 15%.
 
Hà Nội phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020
 
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết: Trong bối cảnh kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, phấn đấu hoàn thành “mục tiêu kép”, Thành ủy, HĐND Thành phố, UBND Thành phố đã quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh thực hiện kế hoạch đầu tư công với tinh thần là huy động cả hệ thống chính trị của Thành phố vào cuộc. Thành phố đạt mục tiêu và có các giải pháp cụ thể để phấn đấu giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn năm 2020.
 
Thành phố đã thành lập Tổ công tác đặc trách để chỉ đạo rà soát, đánh giá nguồn thu, cơ chế chi, nội dung chi ngân sách năm 2020. Đã rà soát, nắm bắt tình hình triển khai thực hiện, khó khăn, vướng mắc của từng dự án. UBND Thành phố đã tổ chức các hội nghị giao ban với Giám đốc các sở ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện và các chủ đầu tư dự án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho những dự án có nhiều khó khăn, vướng mắc nhất. Phối hợp với một số Bộ, Ngành Trung ương, trong đó có nội dung tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.
 
Đồng chí Nguyễn Văn Sửu phát biểu tại Hội nghị
 
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố cho biết, năm 2020, Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn đầu tư cho TP Hà Nội là 40.671,4 tỷ đồng, đến nay, thành phố đã giải ngân được 49,6% và khối lượng chuẩn bị nghiệm thu thanh toán trong những ngày tới sẽ giải ngân đạt 53%.
 
“Nhân dịp chuẩn bị chào mừng Quốc khánh 2/9, ngày Giải phóng Thủ đô, Đại hội Đảng bộ thành phố và Đại hội Đảng toàn quốc, Thành phố sẽ tập trung vào những công trình trọng điểm, hoàn thành và khởi công hàng chục công trình như: nút Hoàng Quốc Việt-Nguyễn Văn Huyên; công trình mở rộng đường Vành đai 3, đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long; cầu vượt nút An Dương - đường Thanh Niên; hầm chui Lê Văn Lương…
 
Nêu 6 giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng cuối năm 2020, đồng chí Nguyễn Văn Sửu cho biết, cùng với việc tiếp tục rà soát nguồn vốn, ưu tiên đảm bảo nguồn cho chi đầu tư phát triển phục vụ mục tiêu tăng trưởng của Thành phố; Triển khai quyết liệt Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP của Chính phủ, trong đó tập trung quyết liệt các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư, phấn đấu thực hiện giải ngân 100% KH vốn đã giao, Thành phố sẽ ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 ngày 19/6/2020 về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội.
 
Đáng chú ý, ngay cuối tháng 8/2020, Thành phố sẽ tổ chức Hội nghị trực tuyến thúc đẩy giải ngân đầu tư công năm 2020 để cả hệ thống chính trị vào cuộc thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư. Cùng với đó, Thành phố cũng sẽ thành lập các tổ công tác, do các đồng chí Phó Chủ tịch UBND thành phố làm tổ trưởng, sẽ trực tiếp tháo gỡ tại công trường, dự án, xử lý ngay các vướng mắc; Chủ động triển khai Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xây dựng số 62/2020/QH14, trong đó, có một số nội dung có hiệu lực từ 15/8/2020 để đảm bảo các hoạt động đầu tư xây dựng không bị gián đoạn; xây dựng phương án điều hòa vốn hóa vốn, kiên quyết chuyển nguồn những công trình làm chậm, những công trình có khối lượng, khả năng thanh toán không kịp sang các dự án mà có khả năng giải ngân nhanh hơn.
 
Cũng tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan xem xét, tháo gỡ khó khăn một số dự án ODA của thành phố Hà Nội: Đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định về việc bố trí vay vốn nước ngoài phần điều chỉnh tổng mức đầu tư tăng thêm của Dự án Dự án Tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, để hoàn thành thủ tục phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư Dự án.
 
Đề nghị Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm có hướng dẫn kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 và kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025. Bộ Tài chính quan tâm chuẩn bị các nội dung ký hợp đồng với Hiệp định vay bổ sung 20 triệu Euro tạm ứng cho gói thầu số 9 của Dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội (đoạn Nhổn - ga Hà Nội); Xem xét thông qua hạn mức tín dụng với gói thầu Tư vấn theo đúng quy định tại Hiệp định vay đã ký với JICA và quy định quản lý vốn vay của Nhà nước và nhà tài trợ của Dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá; Sớm có giải pháp để tháo gỡ vướng mắc về thủ tục ký Hợp đồng vay lại của 02 Dự án Trường nghề thuộc dự án "Tăng cường lĩnh vực Giáo dục nghề nghiệp" có thể triển khai theo đúng các chủ trương được duyệt của Chính phủ.
 
Sau phát biểu của Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận thành phố Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp mạnh. “Đồng chí Bí thư Thành ủy trực tiếp đi kiểm tra hiện trường, thành lập tổ công tác đủ thẩm quyền giải quyết tại chỗ cho những công trình bị vướng mắc, đây là điều rất quan trọng, là bài học kinh nghiệm cho các đơn vị trong triển khai thực hiện” - Thủ tướng ghi nhận.

Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t