Thủ tướng Chính phủ: Tập trung xây dựng, hoàn thiện các cơ chế đặc thù cho Thủ đô (19:52 07/08/2020)


HNP - Chiều 7/8, Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý của Ban Cán sự Đảng Chính phủ vào dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XVII Đảng bộ Thành phố, nhiệm kỳ 2020-2025. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Thủ tướng Chính phủ và đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố, Trưởng Tiểu ban Văn kiện Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố chủ trì hội nghị.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trò chuyện với lãnh đạo thành phố Hà Nội


Tham dự hội nghị, lãnh đạo Ban Cán sự Đảng Chính phủ có các đồng chí: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng...
 
Lãnh đạo thành phố Hà Nội có các đồng chí: Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố; Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố; Đào Đức Toàn, Phó Bí thư Thành ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, các đồng chí trong Tiểu ban Văn kiện và lãnh đạo một số sở, ngành Thành phố.
 
Động lực để Thành phố triển khai các nhiệm vụ
 
Phát biểu mở đầu hội nghị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nêu rõ: Trong quá trình phát triển, Thủ đô luôn nhận được sự quan tâm sâu sắc của Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội và các bộ, ngành. “Cuộc làm việc này tiếp tục thể hiện sự quan tâm của Ban Cán sự Đảng, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ đối với Thủ đô, tạo động lực để Hà Nội thực hiện thắng lợi “nhiệm vụ kép” là vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, chuẩn bị tốt Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII và Đại hội XIII của Đảng”, đồng chí Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
 
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ phát biểu mở đầu hội nghị
 
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho biết, đến nay, Thành phố đã tổ chức thành công Đại hội của 41/50 đảng bộ cấp trên cơ sở và dự kiến, đến ngày 18/8, sẽ hoàn thành toàn bộ 50/50 đảng bộ cấp trên cơ sở trực thuộc Thành ủy. Về công tác chuẩn bị Văn kiện Đại hội Đảng bộ Thành phố, dự thảo Báo cáo chính trị xin ý kiến lần này là phiên bản thứ tư và mỗi phiên bản lại có nhiều lần dự thảo, lấy ý kiến. Thành phố cũng hoàn thành tổ chức 9/10 hội nghị lấy ý kiến vào dự thảo Báo cáo chính trị và Hội nghị lần này là hội nghị cuối cùng. Sau hội nghị, Thường trực, Ban Thường vụ, Tiểu ban Văn kiện sẽ tiếp thu, hoàn thiện để trình Hội nghị lần thứ 25 Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố dự kiến tổ chức vào cuối tháng 8; sau đó báo cáo tập thể Bộ Chính trị vào ngày 19/9.
 
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cũng đã nêu khái quát về bố cục, nội dung, các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tại dự thảo Báo cáo chính trị. Thông qua đó, đồng chí Vương Đình Huệ mong muốn nhận được những ý kiến đóng góp của các đồng chí trong Ban Cán sự Đảng Chính phủ để giúp Thành phố tiếp tục hoàn thiện dự thảo Báo cáo chính trị.
 
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính để thu hút nguồn lực đầu tư xã hội
 
Tại hội nghị, các đồng chí lãnh đạo Chính phủ đánh giá cao cách làm của Hà Nội trong xây dựng Báo cáo chính trị, đồng thời, ghi nhận Báo cáo chính trị được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng; nội dung, bố cục tương đối hoàn chỉnh và bao trùm trên các lĩnh vực. Góp ý vào những vấn đề cụ thể, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, Hà Nội là Thủ đô nên có tốc độ đô thị hóa rất nhanh, đặt sức ép về hạ tầng kỹ thuật và đô thị, cũng như những vấn đề về văn hóa, lối sống. Do vậy, Thành phố cần có những chương trình hỗ trợ trực tiếp cho người dân ở địa phương khác về sinh sống, học tập và làm việc ở Thủ đô để thấm dần nếp sống của người Hà Nội. Bên cạnh đó, Hà Nội cần quan tâm để khuyến khích sáng tạo những tác phẩm văn học, nghệ thuật có tầm vóc, có sức lan tỏa lớn...
 
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị
 
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho rằng, trong hệ thống giáo dục, Hà Nội cần tập trung quy hoạch, phát triển các trường phổ thông theo hướng trường của cộng đồng, có quyền tự quyết cao về chuyên môn, nhân sự để từ đó mở ra cơ chế huy động nguồn lực đầu tư cho giáo dục nhiều hơn. Đồng chí cũng cho rằng, Hà Nội muốn văn minh thì phải có kỷ cương, do vậy, cần tăng cường đưa ra các quy định và xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm văn hóa nơi công cộng.
 
Còn theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Hà Nội cần nhấn mạnh hơn đến vai trò là “cái nôi tri thức” của cả nước, là đầu tàu, dẫn dắt cả nước về khoa học, kinh tế, văn hóa... Trên cơ sở đó, mục tiêu của Thành phố trong giai đoạn tới cần đặt trên nền tảng khát vọng vươn lên, đại diện cả dân tộc. Muốn vậy, Thành phố cần phát triển mạnh kinh tế số, kinh tế tri thức; phát huy tốt hơn nguồn lực tri thức, các viện nghiên cứu, các trường đại học trên địa bàn. Thành phố cũng cần đầu tư mạnh hơn cho công nghệ xanh, không gây ô nhiễm môi trường và công nghệ xử lý rác thải tiên tiến. Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cũng góp ý Hà Nội hiện đang đi đầu trong thu hút đầu tư, đón làn sóng dịch chuyển đầu tư của các tập đoàn lớn, tuy nhiên, Thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho khởi nghiệp, thu hút đầu tư và sản xuất kinh doanh. Cùng với đó, tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, trục lợi chính sách của cán bộ, công chức... 
 
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho rằng, Hà Nội còn rất nhiều dư địa để phát triển, nhất là trong việc huy động nguồn lực đầu tư xã hội. Để làm được việc này, Hà Nội cần đặc biệt quan tâm đến công tác quy hoạch và công bố công khai các quy hoạch để người dân, các nhà đầu tư được biết, trên cơ sở đó thu hút mạnh hơn sự tham gia của các nhà đầu tư. Bộ trưởng Tô Lâm mong muốn Hà Nội phải phát triển mạnh hơn hệ thống y tế để người dân thụ hưởng, mục tiêu là, mỗi năm, người dân Hà Nội được khám sức khỏe tối thiểu 1 lần... Đặc biệt, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, nhiệm vụ đảm bảo tuyệt đối an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô rất quan trọng. Trong những năm qua, Hà Nội đã quan tâm và làm tốt, do vậy, trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố cần tiếp tục khẳng định rõ hơn và nâng lên ở mức cao hơn. Bộ Công an cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với Hà Nội trong thực hiện nhiệm vụ này.
 
Hà Nội là Thủ đô nên phải đi đầu về mọi mặt
 
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự công phu, nghiêm túc của Hà Nội trong xây dựng dự thảo Báo cáo chính trị. “Cách làm của Hà Nội thể hiện sự khiêm nhường, hợp tác, cầu thị và tinh thần hợp tác anh em gắn bó”, Thủ tướng nêu rõ.
 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Hà Nội là Thủ đô, trái tim thân yêu của cả nước, vì thế, Hà Nội luôn là hình mẫu cho các địa phương khác, trong đó, có công tác xây dựng văn kiện. Thống nhất với những nội dung lớn của dự thảo Báo cáo chính trị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đặc biệt đánh giá cao Dự thảo báo cáo chính trị của Hà Nội đã đưa ra định hướng, nhiệm vụ trọng tâm không chỉ đến năm 2025, mà còn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và 100 năm thành lập nước. Dự thảo cũng đề cập đến sự hợp tác, phát triển giữa Hà Nội với các địa phương khác trong Vùng Thủ đô cũng như cả nước, thể hiện rõ nét vai trò Thủ đô, với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”.
 
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị
 
Thủ tướng cũng cho rằng, dự thảo Báo cáo chính trị đã nêu khá toàn diện những kết quả đạt được. Nhìn chung, trong nhiệm kỳ qua, Thủ tướng ghi nhận bộ mặt Thủ đô thay đổi nhanh, phát triển toàn diện, khang trang, hiện đại hơn, xanh hơn; hạ tầng được đầu tư đồng bộ, nếp sống văn minh đô thị, kỷ cương được tăng cường... Các lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục phát triển, Hà Nội dẫn đầu cả nước về các chỉ tiêu văn hóa, giáo dục, thể thao thành tích cao. Chất lượng cuộc sống người dân có cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo gần như bằng 0. Đặc biệt, Hà Nội cũng thực hiện tốt “nhiệm vụ kép”, vừa phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, vừa đảm bảo phát triển kinh tế, không để đứt gãy kinh tế Thủ đô.
 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng ghi nhận tinh thần thẳng thắn, chỉ rõ những vấn đề còn tồn tại, hạn chế, nhất là tốc độ tăng trưởng kinh tế khá, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, đặc biệt là vị thế địa chính trị của Thủ đô; tiến độ triển khai các dự án hạ tầng giao thông, xử lý nước thải, rác thải còn chậm; công tác quy hoạch còn bất cập, chưa đồng bộ; khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự trở thành động lực để tăng trưởng kinh tế. Văn hóa ứng xử của người dân trong gia đình cũng như nơi công cộng còn vấn đề phải quan tâm; chênh lệch cuộc sống giữa thành thị với nông thôn còn lớn... Thủ tướng đề nghị Báo cáo chính trị cần đi sâu phân tích, chỉ rõ nguyên nhân, đề ra giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế này.
 
Góp ý trực tiếp vào những vấn đề chính của dự thảo Báo cáo chính trị, Thủ tướng Chính phủ gợi ý Hà Nội cần viết theo hướng tinh gọn, cô đọng hơn, nhưng cần nêu kỹ hơn về công tác xây dựng Đảng, nhất là những vấn đề về tổ chức bộ máy, cán bộ, vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên. Cùng với đó, Hà Nội cũng cần đặt chỉ tiêu GRDP đầu người vào năm 2025 cao hơn và phấn đấu vượt qua mức thu nhập trung bình cao sớm hơn.
 
Với 1.350 làng nghề truyền thống có từ ngàn đời, đây là thế mạnh riêng có của Hà Nội cần khai thác, phát huy hiệu quả hơn trong những năm tới. Ngoài ra, với 3/5 đội ngũ trí thức của Việt Nam tập trung tại Hà Nội, do vậy, bên cạnh việc thu hút nhân tài, Hà Nội cần khai thác, phát huy hiệu quả hơn sự đóng góp của nguồn lực trí thức này cho sự phát triển của Thủ đô.
 
Cơ bản nhất trí với những nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá, Thủ tướng gợi mở, vấn đề đặt ra đối với Hà Nội là phải có cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư. Thủ tướng cho rằng, Thành phố cần quản lý tốt đất đai, chú trọng tạo quỹ đất sạch để đấu giá, qua đó, tạo nguồn lực cho sự phát triển của Thành phố. Cùng với đó, Hà Nội cần rà soát các dự án chậm triển khai, gây lãng phí nguồn lực.
 
Thủ tướng cũng lưu ý Hà Nội phải đảm bảo hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, chăm lo an sinh xã hội. Chú trọng xây dựng Đảng, hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh, gương mẫu, gắn với xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh để tạo thành sức mạnh mềm, là động lực để phát triển Thủ đô. Đặc biệt, với vị trí là Thủ đô, Hà Nội cần giữ vững tuyệt đối an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống. Muốn vậy, cần xây dựng lực lượng vũ trang Thủ đô chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, gắn với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc.
 
Nhắc lại yêu cầu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khi làm việc với Đảng bộ Hà Nội năm 2017, đó là Thăng Long - Hà Nội phải phát triển với khí thế rồng bay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ Chính phủ và các bộ, ngành sẽ tiếp tục có trách nhiệm với Hà Nội, trong đó, tập trung xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù, đồng thời, phân cấp mạnh mẽ hơn cho Thủ đô. Thủ tướng cũng gợi mở Hà Nội phải là địa phương tiên phong trong chuyển đổi số; nhiệm kỳ tới cần đặt nền móng để Hà Nội cạnh tranh được với các thành phố, thủ đô của các nước.
 
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ phát biểu kết thúc hội nghị
 
Tiếp thu các ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ trân trọng cảm ơn những góp ý thẳng thắn, trách nhiệm, mang tính chiến lược của Thủ tướng cùng các đồng chí trong Ban Cán sự Đảng Chính phủ. Bí thư Thành ủy khẳng định Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện tốt “nhiệm vụ kép”, phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, đặc biệt là thu ngân sách Nhà nước. Đồng chí cũng cho biết Thành phố sẽ tập trung để sớm hoàn thành dự thảo Báo cáo chính trị với chất lượng cao nhất.

Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t