Gắn công tác dân vận với hoạt động hòa giải ở cơ sở (15:38 13/07/2020)


HNP - Sáng 13/7, Ban Dân vận Trung ương, Đảng đoàn MTTQ Việt Nam, Ban Cán sự Đảng Tòa án Nhân dân tối cao và Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp phối hợp tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác dân vận trong hoạt động hòa giải ở cơ sở.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng chủ trì tại điểm cầu Thành ủy Hà Nội


Chủ trì hội nghị tại điểm cầu Trung ương có các đồng chí: Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Dân vận Trung ương; Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp; Nguyễn Phước Lộc, Phó trưởng ban Dân vận Trung ương.
 
Dự và chủ trì tại điểm cầu Thành ủy Hà Nội có các đồng chí: Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Dân vận Thành ủy; Lê Hồng Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND Thành phố.
 
Nhiều kết quả rõ nét
 
Báo cáo về kết quả công tác hòa giải ở cơ sở, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, Luật Hòa giải ở cơ sở được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 20/6/2013 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2014. Sau hơn 6 năm thi hành, công tác hòa giải ở cơ sở đã được triển khai đồng bộ, đi vào nền nếp, hiệu quả và tiếp tục khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, với tư cách là một phương thức giải quyết tranh chấp, xung đột trong đời sống Nhân dân một cách nhân văn, ít tốn kém và hiệu quả bền vững.
 
Tính đến hết năm 2019, cả nước có 96.605 tổ hòa giải được thành lập tại thôn, tổ dân phố, với hơn 600 nghìn hòa giải viên. Nhiều địa phương cũng đặc biệt quan tâm bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ cho đội ngũ hòa giải viên; quan tâm các điều kiện, huy động nguồn lực cho công tác hòa giải cơ sở. Trong 6 năm qua, các tổ hòa giải trên cả nước đã tiến hành hòa giải 875.312 vụ việc; hòa giải thành 707.945 vụ việc (đạt tỷ lệ 80,9%). Tính chung mỗi năm, các tổ hòa giải ở cơ sở đã tiến hành hòa giải trên 140 nghìn vụ việc, hòa giải thành trên 120 nghìn vụ việc. Những mâu thuẫn, tranh chấp được hòa giải chủ yếu thuộc lĩnh vực dân sự, hôn nhân gia đình, đất đai và mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư.
 
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh nhấn mạnh: Số lượng các vụ việc được hòa giải thành, không phải đưa ra giải quyết tại cơ quan Nhà nước đã tiết kiệm được thời gian, công sức, tiền của cho Nhân dân và giảm tải cho cơ quan tư pháp, giảm bớt gánh nặng cho chi tiêu ngân sách. Quan trọng hơn, thông qua công tác hòa giải, những tranh chấp, bất đồng phát sinh tại cơ sở đã được giải quyết kịp thời, không để kéo dài, hạn chế khiếu kiện vượt cấp. Hoạt động hòa giải cũng góp phần nâng cao hiệu quả công tác dân vận, đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân; tăng cường tình làng, nghĩa xóm, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc...
 
Hà Nội triển khai mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt”
 
Phát biểu tham luận tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Lê Hồng Sơn cho biết, trong những năm qua, thành phố Hà Nội có nhiều hoạt động nhằm đẩy mạnh hoạt động hòa giải ở cơ sở, một trong số đó là mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” được triển khai từ năm 2003, sau đó, có điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn. Mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” có 5 tiêu chí, trong đó, gắn kết công tác hòa giải ở cơ sở giữa người dân và chính quyền, mục tiêu là phát hiện vụ việc kịp thời, tổ chức hòa giải tốt, đạt tỷ lệ hòa giải thành 85% trở lên.
 
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Lê Hồng Sơn phát biểu tham luận tại Hội nghị
 
Năm 2019, thành phố đã có 2.447 “Tổ hòa giải 5 tốt” trên tổng số 5.429 tổ hòa giải ở cơ sở (đạt tỷ lệ 47,6%). Công tác hòa giải ở cơ sở Thành phố cũng đạt được nhiều kết quả tích cực cả về số lượng và chất lượng. Tỷ lệ hòa giải thành trên địa bàn Thành phố trong năm 2018 đạt 86,3%; 2019 đạt 85,6%. Trong khi đó, số vụ việc phát sinh hàng năm giảm (năm 2019 phát sinh 5.063 vụ việc tiếp nhận hòa giải, giảm 1.579 vụ việc so với năm 2018); đội ngũ hòa giải viên được củng cố, kiện toàn. Đến năm 2019, toàn Thành phố có 34.390 hòa giải viên.
 
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Lê Hồng Sơn đánh giá, việc triển khai mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” đã giúp cho công tác hòa giải đi vào nề nếp, bài bản; quá trình thực hiện công tác hòa giải đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân, gắn kết được người dân và chính quyền trong công tác hòa giải ở cơ sở, góp phần nâng cao tỷ lệ hòa giải thành, giảm mẫu thuẫn trong cộng đồng dân cư; khuyến khích chính quyền, nhất là chính quyền cơ sở ở xã, phường, thị trấn quan tâm hơn đến công tác hòa giải về kinh phí, hoạt động đối với công tác hòa giải ở cơ sở, góp phần giải quyết điểm nóng, ổn định an ninh, chính trị trên địa bàn Thủ đô.
 
Trên cơ sở kết quả mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt”, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Lê Hồng Sơn kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu triển khai nhân rộng mô hình này trên phạm vi toàn quốc và ban hành tiêu chí đánh giá công tác hòa giải ở cơ sở; có hình thức vinh danh, biểu dương đối với hòa giải viên tiêu biểu có thời gian công tác lâu năm, có nhiều thành tích đóng góp cho công tác hòa giải ở cơ sở.
 
Thực hành "dân vận khéo" trong hòa giải ở cơ sở
 
Phát biểu tại Hội nghị, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai cho rằng, thực tiễn thời gian qua đã khẳng định: Không vận động tốt không thể hòa giải có hiệu quả. Quá trình hòa giải là quá trình tuyên truyền, vận động; nêu cao nhận thức, trách nhiệm, tinh thần tự nguyện, ý thức chấp hành pháp luật và phối hợp nhịp nhàng giữa MTTQ Việt Nam, ngành Tư pháp, Tòa án nhân dân, các cơ quan, tổ chức với chính quyền địa phương, nhất là chính quyền cơ sở. Cùng với đó, phải quan tâm xây dựng, động viên đội ngũ hòa giải viên có uy tín, kinh nghiệm, nhiệt tình tham gia công tác hòa giải có hiệu quả.
 
Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai phát biểu tại Hội nghị

Trưởng ban Dân vận Trung ương mong muốn, trong thời gian tới, hoạt động hòa giải sẽ tiếp tục có bước đổi mới, tiến bộ hơn, hiệu quả hơn góp phần cho công tác dân vận; giảm bớt vụ, việc mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư; giảm bớt số vụ, việc dân sự, khiếu kiện hành chính… Thông qua đó, giúp giảm bớt gánh nặng cho chính quyền cơ sở, góp phần phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc; tăng cường tình cảm, sự chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho nhân dân, tạo sự đồng thuận, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Kết thúc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh: Trong thời gian tới, Ban Dân vận, Ngành Tư pháp, Tòa án và MTTQ sẽ tiếp tục quan tâm chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ để cùng thực hành tốt kỹ năng dân vận khéo trong công tác hòa giải, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này, qua đó thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan. Ngành Tư pháp cũng sẽ tiếp tục triển khai nghiêm túc Luật Hòa giải ở cơ sở, củng cố đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở, từng bước chuyên nghiệp hóa; tăng cường truyền thông về vị trí, vai trò, ý nghĩa của hòa giải ở cơ sở để từng bước hình thành thói quen sử dụng phương thức này trong giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư…

Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t