Bí thư Thành ủy: Chủ động thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư công nghệ cao (12:53 10/07/2020)


HNP - Sáng 10/7, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố đã đi thăm và làm việc với Khu Công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc. Cùng đi có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Chu Ngọc Anh; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ thăm Nhà máy Hanwha Aero Engines


Trước khi làm việc với Bộ KH&CN và Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đã trồng cây tại Khu công viên phần mềm; thăm Nhà máy Hanwha Aero Engines, chuyên sản xuất động cơ máy bay; dự lễ cắt băng khánh thành Nhà máy sản xuất thiết bị điện công nghệ cao Á Châu và gắn biển công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII, Đại hội Đảng bộ Bộ KH&CN lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020-2025 và thăm nhà máy sản xuất thiết bị điện tử thông minh Vinsmart của Tập đoàn Vingroup.
 
Bước đầu hình thành hệ sinh thái công nghệ cao
 
Báo cáo về tình hình xây dựng, phát triển của Khu CNC Hòa Lạc, ông Lưu Hoàng Long, Quyền Trưởng ban Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc cho biết: Đến nay, UBND thành phố Hà Nội đã giao cho Ban Quản lý 1.530ha/1.586ha để xây dựng và phát triển Khu CNC Hòa Lạc theo quy hoạch. Tính đến thời điểm hiện nay, tổng diện tích đất các nhà đầu tư đang sử dụng tại Khu CNC Hòa Lạc khoảng 240ha/1.000ha đất khả dụng theo quy hoạch. 
 
Hiện nay, hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu vực phía Bắc Đại lộ Thăng Long đã được đầu tư cơ bản đồng bộ bằng nguốn vốn ngân sách Trung ương và vốn vay ODA Nhật Bản, bao gồm hệ thống đường giao thông khoảng 40km và các công trình theo đường; hệ thống thoát nước mưa; thoát nước và xử lý nước thải; cấp nước; cấp điện; viễn thông... Tuy nhiên, hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu vực phía Nam Đại lộ Thăng Long hiện mới đầu tư được khoảng 20% khối lượng hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch. Thành phố Hà Nội cũng đã bố trí 02 tuyến xe bus kết nối giữa nội thành Hà Nội và Khu CNC Hòa Lạc (tuyến số 74 và 107).
 
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ thăm Nhà máy sản xuất thiết bị điện tử của Vinsmart
 
Trong giai đoạn từ năm 2019 đến nay, có 08 dự án mới đã được cấp Quyết định chủ trương đầu tư/Giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký khoảng trên 14.000 tỷ đồng. Tính lũy kế từ khi thành lập đến nay, Khu CNC Hòa Lạc đã thu hút được 94 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 89.300 tỷ đồng, trong đó, có 51 dự án đang hoạt động với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 5 năm gần đây đạt trên 4 tỷ Đô la Mỹ. Hiện nay, tại Khu CNC Hòa Lạc có khoảng trên 22.000 người đang học tập và làm việc, trong đó có khoảng gần 9.000 học sinh, sinh viên và khoảng 13.000 người lao động. Số lượng lao động tại Khu CNC Hòa Lạc có trình độ Đại học trở lên trung bình đạt trên 50%; tại một số dự án, tỷ lệ này đạt trên 90%.
 
Ông Lưu Hoàng Long cũng cho biết, các dự án đầu tư tại Khu CNC Hòa Lạc đã giúp hình thành hệ sinh thái ban đầu cho các lĩnh vực công nghệ, như: Công nghệ thông tin, điện tử viễn thông và phần mềm; Công nghệ sinh học phục vụ y tế, Công nghệ cơ khí chính xác, Công nghệ tự động hóa... Hiện nay, đã có một số sản phẩm công nghệ cao tiêu biểu được phát triển, sản xuất tại Khu CNC Hòa Lạc, trong đó có điện thoại thông minh 5G, thiết bị mạng 5G do Công ty Vinsmart hợp tác với Qualcomm sản xuất; Rada cảnh giới biển ứng dụng công nghệ 4G, 5G của Tập đoàn Viettel; Cấu kiện động cơ máy bay, các dụng cụ cắt gọt công nghệ cao trong công nghiệp hàng không của Công ty Hanwha; Hệ thống bảo vệ điều khiển tích hợp trạm biến áp; các tủ điện hạ thế, trung thế của Công ty Á Châu, với công nghệ được chuyển giao từ các hãng sản xuất thiết bị điện hàng đầu thế giới...
 
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cùng các đồng chí lãnh đạo Bộ KH&CN, thành phố Hà Nội
cắt băng khánh thành Nhà máy sản xuất thiết bị điện Á Châu
 
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ và Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc đã nêu 6 nhóm kiến nghị với thành phố Hà Nội. Trong đó, về công tác bồi thường GPMB và tái định cư, UBND thành phố Hà Nội ứng vốn để thực hiện bồi thường, hỗ trợ GPMB phần diện tích còn lại của Khu CNC Hòa Lạc, hoàn thành xây dựng các khu tái định cư và các công trình phục vụ GPMB cho Khu CNC. Ngoài ra, UBND thành phố bố trí vốn để xây dựng và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật Khu tái định cư Vai Réo phục vụ GPMB Khu Công nghiệp Bắc Phú Cát cũ theo chỉ đạo của Chính phủ. Ban Quản lý Khu CNC cũng kiến nghị Hà Nội tiếp tục đầu tư hạ tầng kỹ thuật kết nối và hạ tầng xã hội trong Khu; sớm Thành lập và đưa vào hoạt động đồn công an, đội cảnh sát PCCC chuyên ngành để đảm bảo công tác quản lý an ninh, trật tự và PCCC của Khu.
 
Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư
 
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, trong thời gian qua mối quan hệ giữa Thành phố với Khu CNC Hòa Lạc ngày càng chặt chẽ trên 5 lĩnh vực: Thu hút đầu tư, thực hiện các thủ tục hành chính, hỗ trợ đào tạo nhân lực, tuyển dụng lao động trên địa bàn, hỗ trợ tối đa trong bồi thường GPMB, xây dựng khu tái định cư. Giải đáp một số kiến nghị của Khu CNC Hòa Lạc, Chủ tịch UBND Thành phố cho rằng trước mắt có thể đấu nối để cấp nước sạch ngay cho Khu. Phần hạ tầng cấp nước đã được đầu tư sau kiểm toán và báo cáo Thủ tướng Chính phủ có thể vẫn là tài sản của Ban Quản lý Khu hoặc chuyển về Công ty nước sạch Hà Nội để quản lý. 
 
Về hỗ trợ xây dựng nhà ở cho công nhân, Chủ tịch UBND Thành phố cho biết hiện nay quỹ đất đã có sẵn tại An Khánh, Quốc Oai, Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc cần có văn bản chính thức với Thành phố để thông qua chủ trương, có thể triển khai ngay trong năm nay việc xây dựng nhà ở cho công nhân các doanh nghiệp công nghệ cao. Về bố trí các tuyến xe buýt, Chủ tịch UBND Thành phố nêu rõ Hà Nội sẽ sẵn sàng hỗ trợ bố trí thêm các tuyến buýt đưa đón công nhân của Khu CNC, tuy nhiên, Ban Quản lý cần xác định rõ những tuyến đi, đến của công nhân để Thành phố bố trí đảm bảo hiệu quả.
 
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung phát biểu tại buổi làm việc
 
Cảm ơn sự quan tâm, hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ của Hà Nội, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho biết, Khu CNC Hòa Lạc được khởi động từ năm 1998 đến nay; nhưng 3/4 chặng đường này là dành cho công tác GPMB. Đến nay, bức tranh của Khu CNC Hòa Lạc cơ bản đã thành hình, hệ sinh thái của một khu công nghiệp CNC với chuỗi sản xuất đồng bộ để đưa ra các sản phẩm “Made in Việt Nam” ngày càng rõ. Tuy nhiên, để tiếp tục thúc đẩy phát triển Khu CNC Hòa Lạc xứng đáng với sự kỳ vọng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Nhân dân, góp phần phát triển kinh tế Thủ đô và đất nước, Bộ KH&CN rất mong muốn thành phố Hà Nội hỗ trợ tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc.
 
Kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Hà Nội là Thủ đô, trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ của cả nước. Chính vì thế, lĩnh vực khoa học công nghệ luôn được Thành phố quan tâm và đặt mục tiêu phải là trung tâm khoa học công nghệ lớn của cả nước, khu vực cũng như của thế giới. Bí thư Thành ủy cũng cho biết, trong tuần tới, Thành phố sẽ làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ KH&CN để đánh giá toàn diện thực trạng KH&CN của Thủ đô.
 
Về Khu CNC Hòa Lạc, Bí thư Thành ủy vui mừng trước sự phát triển gần đây của Khu. Tuy nhiên, với mục tiêu thu hút các doanh nghiệp công nghệ cao, là động lực về KH&CN cho Thủ đô và cả nước thì kết quả đó vẫn chưa đáp ứng được. Tỷ lệ lấp đầy, thu hút đầu tư, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu vẫn khiêm tốn, chưa tương xứng với vị thế của Khu. “Chúng ta có tổ lớn như này, chắc chắn phải tiếp tục đầu tư cho nó hoàn thiện, chăm chút về hạ tầng để nhìn là các nhà đầu tư đã muốn đến”, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.
 
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ kết luận buổi làm việc
 
Bí thư Thành ủy cũng cho rằng, Khu CNC Hòa Lạc hiện đã hội đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ vừa mới phê duyệt Quy hoạch đô thị vệ tinh Hòa Lạc, là 1 trong 5 đô thị vệ tinh đầu tiên của Hà Nội được phê duyệt quy hoạch 1/10.000, trong đó, Khu CNC Hòa Lạc là phần lõi. Cùng với đó, kết nối giao thông với nội đô lịch sử cũng rất thuận lợi, ngoài Đại lộ Thăng Long, tới đây Thành phố còn đầu tư dự án đường sắt đô thị để kết nối... Do vậy, Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc phải xác định thời cơ, tranh thủ sự đầu tư của Trung ương, Thành phố để phát triển mạnh hơn.
 
Ban Quản lý cần đẩy mạnh thu hút đầu tư để phát huy hết tiềm năng của Khu; năng động, chủ động hơn, không ngồi chờ các nhà đầu tư và phải coi các nhà đầu tư là đối tác. Quan trọng hơn, Khu CNC Hòa Lạc phải đặt yêu cầu về giá trị gia tăng trên 1ha, từ đó, lựa chọn những lĩnh vực công nghệ cao, sử dụng ít đất nhưng mang lại hiệu quả lớn. Cùng với đó, quan tâm để triển khai hiệu quả các hoạt động nghiên cứu CNC, hoạt động đào tạo nguồn nhân lực, ươm tạo công nghệ, tạo hệ sinh thái cho các starup. Đặc biệt, phải đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư ở cả trong và ngoài nước; Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc cũng phải nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động, gắn với khen thưởng, xử phạt rõ ràng, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t