Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ NN&PTNT (15:41 08/07/2020)


HNP - Chiều 8/7, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Vương Đình Huệ chủ trì làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về kết quả phối hợp công tác giữa Bộ NN&PTNT và UBND Thành phố; các cơ chế, chính sách và vấn đề lớn trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn của thành phố Hà Nội; các vấn đề khó khăn, vướng mắc và đề xuất nội dung cần thúc đẩy triển khai trong năm 2020 cũng như những năm tiếp theo.


Tham dự buổi làm việc có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung. Cùng tham dự có các đồng chí lãnh đạo Bộ NN&PTNT, Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công thương và lãnh đạo UBND Thành phố, các sở, ngành Thành phố.
 
Hà Nội mong muốn nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp
 
Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho biết, Hà Nội là Thủ đô, đô thị đặc biệt, song ngành Nông nghiệp vẫn có vai trò hết sức quan trọng. Toàn Thành phố có 30 quận, huyện, thị xã nhưng vẫn còn 17 huyện, 1 thị xã và 6 quận còn sản xuất nông nghiệp, với diện tích đất nông nghiệp chiếm 58%. Toàn Thành phố cũng có số xã nhiều nhất cả nước với 383 xã, dân số khu vực nông thôn cũng chiếm khoảng 50%...
 
Chính vì thế, trong những năm qua, Hà Nội đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn, trong đó, Thành ủy đã ban hành Chương trình số 02 về lĩnh vực này, do Phó Bí thư Thường trực Thành ủy làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Riêng trong 5 năm qua, ngành nông nghiệp của Thành phố tăng trưởng 2,5%. Hà Nội cũng có số xã đạt chuẩn nông thôn mới cao nhất cả nước, cuối năm nay, dự kiến đạt 368-371 xã (chiếm 96% số xã). Thu nhập bình quân người dân khu vực nông thôn cũng đạt khoảng 55 triệu đồng/năm.
 
Tuy vậy, Bí thư Thành ủy cho rằng, ngành nông nghiệp Thủ đô vẫn chưa khai thác hết tiềm năng. Cùng với đó, trong nội tại ngành nông nghiệp cũng còn những khó khăn, hạn chế cần khắc phục, như khoảng cách thu nhập giữa khu vực thành thị và nông thôn còn lớn, hiệu quả sử dụng đất chưa cao, năng suất lao động còn thấp; việc xây dựng nông thôn mới mang phong cách, bản sắc Thủ đô, gắn với đô thị hóa cũng còn nhiều vấn đề đặt ra... Chính vì thế, Bí thư Thành ủy mong muốn thông qua buổi làm việc với Bộ NN&PTNT sẽ góp phần tháo gỡ những khó khăn này. Đồng thời, giúp Thành phố chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, thu hút nhiều hơn các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là hoàn thiện, phê duyệt quy hoạch 2 bên sông Hồng và các dòng sông khác của Hà Nội.
 
Đến năm 2025 có 100% số huyện, xã đạt chuẩn nông thôn mới
 
Báo cáo về kết quả phối hợp giữa Bộ NN&PTNT và UBND TP Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Nguyễn Văn Sửu cho biết, triển khai các nội dung tại Thông báo số 165-TB/BNN-UBND ngày 15/3/2017, thời gian qua, hai bên đã có những quan tâm, chỉ đạo, phối hợp triển khai có hiệu quả các chương trình, nghị quyết, kế hoạch liên quan đến nông nghiệp và phát triển nông thôn trên địa bàn Thành phố.
 
Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Nguyễn Văn Sửu báo cáo tại buổi làm việc
 
Trong đó, về cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2019-2020, Hà Nội đã ban hành Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp, với mục tiêu phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bền vững, thông minh, an toàn thực phẩm, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao, phát huy lợi thế về thị trường, thích ứng biến đổi khí hậu, nâng cao thu nhập, đời sống của người dân. Đồng thời, triển khai các giải pháp để thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp.
 
Toàn Thành phố đã cơ cấu diện tích lúa được chuyển đổi sang trồng lúa chất lượng cao, dự kiến, đến hết năm 2020 đạt 60%; quy hoạch diện tích sản xuất bưởi đạt 6.749ha, giá trị sản xuất đạt từ 500-650 triệu đồng/ha/năm. UBND TP cũng đã ban hành Kế hoạch phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2019-2020 nhằm phát triển 3 giống chất lượng cao, với số lượng khoảng 5.100 bê thương phẩm và hàng năm cung cấp cho thị trường trên 3.000 tấn thịt bò. Toàn Thành phố cũng hình thành 60 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung quy mô lớn, với tổng diện tích 7.229ha (diện tích quy hoạch là 9.167ha). Dự kiến, đến hết năm 2020, diện tích đưa vào nuôi trồng thủy sản đạt 22.900ha đến 24.000ha, sản lượng ước đạt 124.200 tấn và đáp ứng khoảng 45% nhu cầu sử dụng thủy sản của người dân Thủ đô.
 
Cùng với xây dựng nông thôn mới, Hà Nội cũng tập trung thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Năm 2019, Thành phố đã đánh giá, phân hạng tổng số 301 sản phẩm, trong đó, có 6 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 207 sản phẩm 4 sao và 88 sản phẩm 3 sao (đạt 100,3% kế hoạch năm 2019). Dự kiến, năm 2020, hoàn thiện và tổ chức đánh giá, phân hạng 700 sản phẩm trở lên. Ngoài ra, Hà Nội duy trì và phát triển 141 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; đã cấp giấy xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho 8 cơ sở với 18 điểm kinh doanh thực phẩm của nhiều chuỗi nông sản an toàn được sản xuất trên địa bàn Thành phố và các địa phương lân cận...
 
Thời gian tới, Hà Nội đặt mục tiêu tổng quát, xây dựng nền nông nghiệp Thành phố phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững; sản xuất hàng hóa quy mô lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao; xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn.
 
Mục tiêu cụ thể tới năm 2025, phấn đấu tăng trưởng sản xuất nông nghiệp bình quân từ 2,5%/năm trở lên; phấn đấu đưa tỷ trọng giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao từ 70% trở lên trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của Thành phố. Phấn đấu đến năm 2025, toàn Thành phố có 100% các huyện, xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có ít nhất 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 15% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Thu nhập của người dân khu vực nông thôn Thủ đô đạt 65 triệu đồng/người/năm trở lên; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn dưới 1% (theo tiêu chí mới)...
 
Để làm được điều này, Hà Nội kiến nghị, đề xuất Bộ NN&PTNT hỗ trợ trong tổ chức sản xuất, cơ cấu lại ngành nông nghiệp; quy hoạch đê điều, phòng chống lũ; xây dựng chợ đầu mối quốc tế nông sản tại xã Yên Thường (huyện Gia Lâm); hỗ trợ, xúc tiến kêu gọi các đơn vị đầu tư chế biến sản phẩm gia súc, gia cầm; thúc đẩy chăn nuôi, tái đàn lợn; kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; phát triển các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...

Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t