Nhiều giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô (15:38 06/07/2020)


HNP - Thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế sau dịch Covid-19, tại kỳ họp thứ 15, HĐND TP Hà Nội khóa XV, ngày 6/7, nhiều đại biểu đã đóng góp các ý kiến hết sức tâm huyết, trách nhiệm, đánh giá kỹ tình hình và đưa ra các giải pháp thiết thực. Các đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH TP; Nguyễn Đức Chung, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP đã dự phiên thảo luận.

Phó Chủ tịch HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà điều hành phiên thảo luận


Qua thảo luận đã có 14 đại biểu nêu ý kiến, đưa ra các đề xuất về giải pháp khôi phục, đẩy mạnh phát triển KT-XH từ nay đến cuối năm 2020 và cả nhiệm kỳ. Trong đó, ĐB Dương Thị Hằng (Gia Lâm) đề xuất thành phố quan tâm chỉ đạo rà soát thực hiện tiêu chí xây dựng NTM tại 30 xã chưa đạt NTM, khuyến khích xã hội hóa tại các xã trọng điểm nhằm đạt mục tiêu 10 xã NTM nâng cao năm 2020. Đồng thời, triển khai có hiệu quả Nghị quyết của HĐND TP về một số chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp và các nghị quyết được HĐND TP ban hành sau kỳ họp này. Cùng với đó, cần rà soát điều chỉnh quy hoạch nông nghiệp cho phù hợp, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, tăng cường hơn nữa QLNN về kinh tế tập thể, xây dựng mô hình HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị hàng hóa, kết nối cung cầu.

Đại biểu Dương Thị Hằng

ĐB Dương Đức Tuấn (Hoàn Kiếm) đánh giá, những kết quả thành phố đạt được trong phát triển KT-XH 6 tháng đầu năm hết sức tích cực, hiệu quả, thể hiện nỗ lực của toàn Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Thủ đô. Cho rằng 6 tháng cuối năm là thời gian cực kỳ quan trọng, đại biểu Tuấn cho rằng việc thành phố không điều chỉnh chỉ tiêu phát triển KT-XH và xây dựng hai kịch bản tăng trưởng kinh tế cần sự nỗ lực cao nhất của toàn thể cán bộ và nhân dân Thủ đô. Trong đó, thành phố cần chú trọng công tác quy hoạch, rà soát lại tổng thể quy hoạch nhất là quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết. Song song hoàn thành rà soát tổng thể điều chỉnh quy hoạch chung, cần lưu ý đề xuất điều chỉnh cho phù hợp với Luật quy hoạch mới.

Đại biểu Dương Đức Tuấn

Theo ĐB Đỗ Thùy Dương (Cầu Giấy) đề xuất, cần thu hút lượng lớn trí tuệ chất xám từ nước ngoài về Hà Nội, trong đó, đặt mục tiêu thu hút trí tuệ thế giới về Việt Nam dựa trên hạ tầng là văn phòng của các hãng sản xuất lớn của thế giới mà không chỉ đặt cơ sở hệ thống sản xuất. Cũng theo đại biểu Dương, vừa qua, Ban Văn hóa - Xã hội đã đi kiểm tra hoạt động của các trường chất lượng cao, qua đó, cho thấy cần đẩy mạnh giáo dục trực tuyến và chú trọng đẩy mạnh giáo dục chất lượng cao.

Đại biểu Đỗ Thùy Dương

Đề nghị thành phố cần đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính, ĐB Nguyễn Xuân Lưu (Thanh Xuân) đề nghị, thành phố cần tăng cường rà soát và tập trung hỗ trợ về TTHC, đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp mới thành lập. Đồng thời, đại biểu Lưu đề xuất Thành phố có cơ chế xử lý nợ tiền thuê đất kéo dài đối với những doanh nghiệp hợp tác sản xuất, liên danh và cơ chế giải phóng mặt bằng đối với công trình giao thông, cụ thể theo nguyên tắc thì doanh nghiệp viễn thông, điện lực chi trả kinh phí hạ ngầm dây cáp điện, viễn thông nhưng việc này rất chậm trễ do không có kế hoạch vốn, vì vậy, đại biểu Lưu đề xuất ngân sách tạm ứng để thúc đẩy tiến độ, sau đó các doanh nghiệp phải chi trả. Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị bổ sung đội ngũ giáo viên các trường ngoài công lập vào đối tượng được hỗ trợ do dịch Covid-19.

Đại biểu Nguyễn Xuân Lưu

Theo ĐB Nguyễn Thế Vinh (Đống Đa) đề xuất, thành phố nên tăng cường các giải pháp đối với thị trường lao động, trong đó, ưu tiên sắp xếp và sử dụng nhân lực hợp lý. Chính quyền và doanh nghiệp nên ưu tiên dịch vụ về việc làm, hình thành dịch vụ hỗ trợ công dân, số hóa và thu thập thông tin về thị trường lao động, nghiên cứu và đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong kết nối cung cầu lao động. Cùng với đó cần nâng cao kỹ năng tay nghề, đào tạo kỹ năng mới đáp ứng nhu cầu mới của thị trường trong điều kiện doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng CNTT trên tinh thần cần gì đào tạo đó.

Đại biểu Trần Thị Vân Hoa

Theo ĐB Trần Thị Vân Hoa đề xuất, Thành phố cần quan tâm điều chỉnh 2 chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP và tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu. Với các kịch bản tăng trưởng đã được phân tích, khả quan nhất, nếu dịch bệnh trên thế giới được khống chế vào giữa quý 3, tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2020 của Hà Nội chỉ đạt 5,9 % (cả nước tăng trưởng 5,2%), hiện nay, bối cảnh KT-XH còn nhiều diễn biến phức tạp nên 6 tháng đầu năm Hà Nội chỉ đạt 3,39%. Để đạt kế hoạch 7,5%, cần có tốc độ tăng trưởng trên 8,5% trong quý 3 và 4. Theo đại biểu Hoa, đây là điều vô cùng khó khăn vì tác động dịch bệnh sẽ có độ trễ, nên cần điều chỉnh chỉ tiêu này để không tạo ra sức ép cho phát triển KT-XH. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu 6 tháng qua cũng tăng trưởng âm, nên điều chỉnh cho phù hợp, vừa tạo động lực cho các bộ ngành và DN.

Về giải pháp tăng trưởng, Hà Nội cần quan tâm 2 giải pháp để phát huy yếu tố thành công trong đại dịch vừa qua. Thứ nhất, cần duy trì phát huy các lợi thế của ứng dụng CNTT, đẩy nhanh chuyển đổi số, khuyến khích các sở ngành tiếp tục ứng dụng CNTT trong hội họp, giải quyết TTHC nhằm tiết kiệm chi phí cho người dân; tăng cường tuyyên truyền cung cấp thông tin các giải pháp và chính sách điều hành phát triển kinh tế của Chính phủ và TP một cách công khai, minh bạch đến từng người dân, DN để tạo nên quyết tâm của toàn hệ thống chính trị.

Thứ ba, các trường học, bệnh viên, cơ sở y tế cần tiếp tục phát huy thành quả ứng dụng CNTT, xây dựng chuẩn hóa bài giảng trực tuyến, đầu tư chuẩn hóa hạ tầng kỹ thuật CNTT trong dạy và học, đào tạo nâng cao năng lực CNTT cho giáo viên. Các cơ sở y tế cũng cần đầu tư xây dựng hệ thống khám chữa bệnh từ xa, cập nhật hoàn thiện hệ thống dữ liệu sức khỏe của người dân, chuẩn bị sẵn các phương án để chăm sóc sức khỏe người dân và nhất cung cấp thông tin kịp thời, minh bạch trên hệ thống nền tảng số.

Bên cạnh đó, cần khai thác và phát huy các động lực phát triển kinh tế mới bằng cách đẩy mạnh phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ, khuyến khích khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. TP cần ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật số và đưa ra chính sách riêng có của Hà Nội để phát triển lĩnh vực này cũng như kiến nghị Chính phủ về cơ chế chính sách tạo hành lang pháp lý cho các loại hình kinh doanh mới này phát triển.

Đại biểu Phạm Đình Đoàn

ĐB Phạm Đình Đoàn (Hoàng Mai) cho rằng, Hà Nội là một trong những địa phương có tốc độ phát triển nhanh nhất cả nước và là điểm sáng trong chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế-xã hội, được các DN, Nhân dân tin tưởng và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. ĐB Phạm Đình Đoàn đề xuất tiếp tục tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thúc đẩy để các DN phát triển, nhất là ở cấp sở, ngành, quận, huyện TP. Các DN cần nhất là được hỗ trợ về cơ chế. Điều này đặt ra trách nhiệm, công tâm, sáng tạo của các cơ quan và từng công chức là chìa khóa để tạo nên động lực tích cực.

ĐB Phạm Đình Đoàn cũng cho rằng, TP cần đánh giá lại quỹ đất để lựa chọn nhà đầu tư phù hợp, theo hướng mang lại giá trị cao, phù hợp với môi trường đô thị. Đẩy nhanh việc thành lập các cụm công nghiệp theo quy hoạch, đẩy nhanh xây dựng hạ tầng để sớm có mặt bằng thu hút các DN. Bên cạnh đó, TP nên thành lập các cơ quan giám sát tiến trình cắt giảm các rào cản kinh doanh. Cơ quan này của TP đóng vai trò độc lập, có tiếng nói quyết định, không tham gia quản lý, không có DN sau lưng, không thực hiện cấp phép mà chỉ thực hiện rà soát chất lượng các văn bản và phải là những nhà chuyên môn giỏi và thực sự công tâm.

Ngoài ra, TP xây cần xây dựng chiến lược phát triển tổng thể, các cơ chế đặc thù của TP phải được cụ thể hóa bằng các kế hoạch, tổ chức lại không gian kinh tế hợp lý, kết nối hiệu quả liên kết hợp tác vùng, tận dụng cơ hội chủ động tìm kiếm các mô hình phát triển mới… Đối với các nhà đầu tư, chính sách ưu đãi chưa phải là quan trọng nhất nhưng khi cân nhắc lựa chọn giữa các địa phương, các nhà đầu tư luôn quan tâm đến việc hỗ trợ của chính quyền địa phương. Do đó, ĐB Phạm Đình Đoàn cho rằng TP nên xem xét các chính sách hỗ trợ DN như tiền thuê đất, xây dựng ký túc xá, đào tạo nguồn nhân lực…


Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t