Nhiều lợi thế để đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ tại Hà Nội (11:36 27/06/2020)


HNP - Là đại biểu đầu tiên phát biểu trong phần tham luận tại Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển”, sáng 27/6, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, các doanh nghiệp hoàn toàn có cơ sở để đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ của Hà Nội.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại hội nghị


Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phân tích, hiện nay, ngành nông nghiệp Việt Nam đã đáp ứng được nhu cầu của 100 triệu dân, ngoài ra, còn xuất khẩu đạt 40 tỷ USD trong năm 2019 và con số này tăng bình quân khoảng 2 tỷ USD/năm, do vậy, giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp Việt Nam cũng như Hà Nội đã được khẳng định và còn nhiều tiềm năng, dư địa. Đối với Hà Nội, với 2/3 diện tích là khu vực nông thôn và đất nông nghiệp, đây là một nguồn lực rất lớn. Hơn nữa, Hà Nội có hạ tầng giao thông, logistics tốt; trên địa bàn Hà Nội có tới 35 Viện nghiên cứu chuyên ngành, 10 trường đại học trong lĩnh vực nông nghiệp; trình độ dân trí, ứng dụng công nghệ của Hà Nội cũng rất cao. Vì thế, việc xúc tiến đầu tư vào Hà Nội nói chung, vào lĩnh vực nông nghiệp nói riêng là hoàn toàn có cơ sở.
 
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, các doanh nghiệp trong và ngoài nước cần nghiên cứu đầy đủ, lựa chọn lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ để tập trung đầu tư. Bộ NN&PTNT sẽ cùng với các bộ, ngành và thành phố Hà Nội để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư, kết hợp với hơn 1 triệu hộ nông dân của Hà Nội để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, đóng góp vào bức tranh chung của ngành nông nghiệp cả nước.
 
Hà Nội cần tiên phong trong đón nhận làn sóng đầu tư mới
 
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển” là Hội nghị lớn nhất ở cấp độ địa phương. Nhưng ấn tượng đối với Hội nghị không chỉ ở những con số đại biểu tham dự, mà ở tính chuyên nghiệp trong khâu tổ chức và hiệu quả thực tế mà Hội nghị mang lại. Với 3 từ khóa “Hợp tác, đầu tư, phát triển” đã nói lên tầm nhìn, chiến lược của Hà Nội, đó là đầu tư, phát triển phải bền vững, trên nền tảng hợp tác và kết nối.
 
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc phát biểu tại Hội nghị
 
Chủ tịch VCCI cho rằng, Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển” được tổ chức trong bối cảnh Việt Nam đang đón nhận làn sóng đầu tư mới, trên cơ sở định hướng lại chuỗi cung ứng toàn cầu. “Hà Nội cần xác định là địa phương tiên phong, đi đầu trong tiếp nhận làn sóng đầu tư mới để từ đó lan tỏa tới cả nước, giống như cách Hà Nội tiên phong trong khống chế dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế”, ông Vũ Tiến Lộc mong muốn.
 
Theo Chủ tịch VCCI, trong thời gian qua, đặc biệt là nhiệm kỳ này, Hà Nội đã "âm thầm" chuẩn bị các điều kiện để đón nhận đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Hà Nội cũng có nhiều đột phá, tăng hơn 40 bậc trong chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), vươn lên nằm trong top 10. Hà Nội cùng với Quảng Ninh cũng đóng vai trò dẫn dắt, tiên phong trong triển khai các dự án hợp tác công tư (PPP). Cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử được đẩy mạnh, Hà Nội cũng “xanh và nhiều hoa hơn” theo đánh giá của người dân, du khách.
 
Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, sơ bộ tại Hội nghị, Hà Nội sẽ ký kết các biên bản với vốn đầu tư hơn 40 tỷ USD. Đây là những dự án có chất lượng đầu tư cao, sau khi thực hiện sẽ tạo bước phát triển đột phá cho Hà Nội. Song, để thực hiện thành công các dự án trên và đóng vai trò tiên phong, dẫn dắt trong tiếp nhận làn sóng đầu tư mới thì hoạt động xúc tiến đầu tư tốt nhất, hiệu quả nhất là phải phục vụ tốt các doanh nghiệp hiện có. Bởi chính các doanh nghiệp đã và đang đầu tư tại Hà Nội chính là những người xúc tiến tốt nhất cho Hà Nội.
 
Đặc biệt, theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, tính tiên phong của lãnh đạo Thành phố hiện nằm trong nhóm dẫn đầu, nhưng tính thân thiện của cán bộ cấp cơ sở vẫn chưa cao. Do vậy, Hà Nội phải phải truyền lửa cải cách, tạo sức ép cải cách đến được cán bộ cơ sở. Muốn vậy, Hà Nội cần xây dựng bộ năng lực cạnh tranh ở cấp sở, ban, ngành, quận, huyện... thành lập tổ công tác, phối hợp với tổ công tác của Trung ương để Hà Nội thực sự dẫn dắn, đón nhận đầu tư mới của các doanh nghiệp, tập đoàn toàn cầu cũng như các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước.
 
Tập trung phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin
 
Góp ý với Hà Nội về vấn đề phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực công nghệ thông tin, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho rằng, theo các tổ chức lao động quốc tế đánh giá, CNTT và tự động hóa đang tác động rất lớn đến khu vực ASEAN, trong đó có Việt Nam và Hà Nội. Cũng theo các tổ chức này, trong thời gian tới, CNTT tiếp tục có tốc độ phát triển mạnh. “Thực tế, trong 5 năm qua, CNTT đều tăng, năm sau cao hơn năm trước”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay.
 
Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội nghị
 
Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thủ đô Hà Nội hiện có lực lượng lao động trong lĩnh vực CNTT rất lớn, chiếm 39% của cả nước. Nhu cầu lao động trong lĩnh lực CNTT của Hà Nội cũng ngày càng tăng. “Về nguồn cung, trong mạng lưới các trường đại học chúng tôi có 153 trường đào tạo; hàng năm có 50 nghìn sinh viên ra trường. Việt Nam có tiềm năng phát triển nhưng chương trình đào tạo còn lạc hậu, cơ sở còn chưa được đầu tư, phương pháp đào tạo chưa gắn với thực tiễn, nhất là nền tảng tiếng Anh còn hạn chế”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.
 
Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra 4 nhóm giải pháp để tạo được sự gắn kết giữa Hà Nội - Đào tạo - Doanh nghiệp. Trong đó, Hà Nội cần có nghiên cứu xây dựng đề án tổng thể về lao động CNTT, bởi đây là điều kiện để phát triển kinh tế số Thủ đô trong gian đoạn tới. Đồng thời, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
 
“Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, chúng tôi đã ban hành chương trình đào tạo thí điểm, trong đó kết hợp giữa đào tạo trong trường và đào tạo doanh nghiêp”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết. Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang xây dựng chuẩn hóa chương trình đào tạo; tăng cường kiểm định chất lượng; xây dựng cơ sở dữ liệu để thống kê cung cầu. 
 
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng đề nghị các doanh nghiệp trong lĩnh vực này cần chủ động đặt hàng, phối hợp với cơ sở đào tạo; hợp tác công - tư để nâng cao năng lực đào tạo. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng nên có các hỗ trợ cho công tác đào tạo như học bổng, học phí…
 
Hội nghị “Hà Nội - Hợp tác đầu tư và phát triển” đã trở thành tầm ngắm của nhiều nhà đầu tư quốc tế
 
Ông Ousmane Dione, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam bày tỏ vui mừng khi được tham dự hội nghị. Theo ông Ousmane Dione, việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Hà Nội trong giai đoạn hậu Covid-19 là vấn đề chiến lược, lâu dài. Dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội. Nhưng nó cũng mang lại lợi thế cho Hà Nội. Cụ thể là nó đã tạo ra sự dịch chuyển của các cơ sở sản xuất, hướng tới sự đa dạng hóa sản xuất của các công ty đa quốc gia “Thách thức đối với Hà Nội lúc này là làm thế nào để tận dụng thời cơ, biến cơ hội này thành động lực lớn để phát triển”, ông Ousmane Dione nói.
 
Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione phát biểu tại Hội nghị
 
Kể lại câu chuyện của người đồng hương, là một cầu thủ gốc Phi hiện đang thi đấu cho CLB Hà Nội, ông Ousmane Dione nêu lên 4 bài học kinh nghiệm có thể giúp Hà Nội thành công. Theo ông Ousmane Dione, cũng giống như một cầu thủ bóng đá, tìm kiếm một đội bóng phù hợp để khẳng định tài năng thì các nhà đầu tư cũng đang mong muốn tìm một môi trường phù hợp để phát triển. “Hà Nội hiện không chỉ có môi trường đầu tư thuận lợi, môi trường sống tốt, mà Hà Nội còn đang có công cụ tốt để quảng bá hình ảnh là việc đã kiểm soát tốt dịch Covid-19, trở thành điểm điến an toàn”, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận định.
 
Ông Ousmane Dione cho rằng, việc thu hút vốn nước ngoài vào Việt Nam rất quan trọng nhưng điều quan trọng hơn là phải tạo được hệ sinh thái, xây dựng các mối liên kết mạnh mẽ giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI. “Điều này chính quyền Thành phố có thể hỗ trợ được thông qua việc lựa chọn và giới thiệu doanh nghiệp trong nước đủ khả năng để liên kết đầu tư sản xuất”, ông Ousmane Dione nhấn mạnh, nguồn vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao là phải được chuyển giao công nghệ và tạo động lực để phát triển.
 
Theo ông Ousmane Dione, Hà Nội có thể tăng khả năng thút hút đầu tư từ việc nâng cao đào tạo các kỹ năng cho người lao động, trong đó chú trọng đến kỹ năng máy tính, công nghệ thông tin, ngôn ngữ, các kỹ năng phức hợp cao… “Hà Nội mong muốn các doanh nghiệp FDI không chỉ đến đầu tư, mà đến “định cư” để có đóng góp tối đa cho Hà Nội. Để làm điều này, ngoài tạo môi trường pháp lý thuận lợi, Thành phố cần phải tiếp tục cải thiện môi trường sống, như xử lý rác thải, nước thải, bảo vệ môi trường, trong đó chú ý đến chất lượng môi trường không khí… biến Hà Nội thành nơi đáng sống, có môi trường sống tươi đẹp”, ông Ousmane Dione nói.
 
Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết, Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển” đã trở thành tầm ngắm của nhiều nhà đầu tư quốc tế. Trong nhiều lần tổ chức, Hội nghị này đã thu hút được nguồn vốn lớn, đóng góp cho sự phát triển của Thành phố. “Tôi tin hội nghị lần này sẽ thành công, thành công hơn nữa do Hà Nội đã kiểm soát được dịch Covid-19. Ngân hàng thế giới cam kết đồng hành cùng sự phát triển của Hà Nội”, ông Ousmane Dione khẳng định.
 
Hà Nội, Việt Nam là điểm đến đầu tư an toàn sau đại dịch
 
Góp ý với Hà Nội về chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, đại diện Công ty Tài chính Quốc tế IFC cho rằng, các “bệ phóng” đối với Hà Nội đã có sẵn, cùng với môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện trong những năm qua là những điều kiện thuận lợi để Hà Nội thu hút mạnh mẽ hơn đầu tư FDI trong thời gian tới. Tuy nhiên, Hà Nội cần tái định vị, chuyển ưu thế từ nguồn nhân lực giá rẻ sang lao động có tay nghề cao; chuyển từ thu hút đầu tư thụ động sang chủ động, thu hút đầu tư có mục tiêu và chuyển từ ưu đãi về thuế sang ưu đãi đối với các ngành đầu tư ưu tiên...
 
Ngoài ra, Hà Nội cần có một môi trường đầu tư tương ứng với cách mạng công nghiệp 4.0. Trước mắt, trên cơ sở đảm bảo các giải pháp an toàn phòng, chống dịch, Hà Nội cần mở cửa để các doanh nhân, nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam nhiều hơn, trên cơ sở đó thiết lập các trung tâm hoạt động cũng như liên kết, liên doanh với các doanh nghiệp Việt Nam để chia sẻ, chuyển giao công nghệ...
 
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio
 
Còn theo Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio: Hà Nội là trung tâm trọng yếu trong mối quan hệ giữa Nhật Bản và Việt Nam. Hiện nay, có nhiều doanh nghiệp lớn của Nhật Bản đang đầu tư kinh doanh tại Hà Nội và đưa Nhật Bản là nhà đầu tư số 1 tại Hà Nội. Đại sứ Nhật Bản cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đòi hỏi phải thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu, nhiều nhà đầu tư Nhật Bản hiện đang quan tâm đến Việt Nam và Hà Nội như một điểm đến đầu tư an toàn sau đại dịch. Đại sứ Yamada Takio khẳng định, Nhật Bản là người bạn gần gũi nhất của Việt Nam và mong muốn Việt Nam tận dụng cơ hội, đón nhận được làn sóng đầu tư này.
 
Đại sứ Yamada Takio góp ý, để nhanh chóng phục hồi kinh tế, Hà Nội cần khuyến khích nhân sự thiết yếu của các doanh nghiệp trở lại Việt Nam càng sớm càng tốt, trên cơ sở đảm bảo an toàn phòng dịch. Cùng đó, các gói kích thích kinh tế cần được đưa ra và thực hiện nhanh nhằm phục hồi kinh tế. Ngoài ra, việc thúc đẩy các dự án cơ sở hạ tầng, các dự án giao thông, đường sắt đô thị... sẽ có tác động tức thời đến phục hồi, phát triển kinh tế và Nhật Bản sẵn sàng hỗ trợ đầu tư ODA cho các dự án hạ tầng trọng điểm. Đại sứ Yamada Takio góp ý với Việt Nam cũng như Hà Nội cần tạo môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, minh bạch giữa các doanh nghiệp FDI để từ đó nâng cao mức tín nhiệm đầu tư của Việt Nam. Phía Nhật Bản cũng sẽ có các gói hỗ trợ để khuyến khích các doanh nghiệp Nhật Bản tăng cường đầu tư vào Việt Nam và Hà Nội. Đại sứ Yamada Takio tin tưởng Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển” sẽ là cột mốc để Việt Nam và Hà Nội tận dụng cơ hội, đón nhận thành công làn sóng đầu tư mới.
 
Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba
 
Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba chúc mừng Việt Nam và Hà Nội đã kiểm soát được dịch bệnh Covid-19 và khẳng định đây là thành quả rất quan trọng trong phạm vi toàn cầu, qua đó cho thấy vai trò lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Đại sứ Hùng Ba cho biết, trong quá trình chống lại đại dịch này, Trung Quốc và Việt Nam cũng đã có nhiều hỗ trợ lẫn nhau. Trung Quốc cũng đã gặp nhiều khó khăn trước dịch bệnh này, hiện đang nỗ lực khôi phục sản xuất, nhưng cũng đang gặp nhiều khó khăn đối với các chuỗi cung ứng, vì vậy Trung Quốc sẽ nỗ lực tăng cường hợp tác với tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Theo Đại sứ Hùng Ba, trong 4 tháng đầu năm nay, mặc dù kinh tế khu vực và toàn cầu có sụt giảm nhưng quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Trung quốc vẫn tiếp tục tăng. Trong quan hệ giữa Trung Quốc với ASEAN, Việt Nam cũng đang là quốc gia dẫn đầu với kim ngạch thương mại đạt 28,5%. "Đặc biệt, năm nay Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN, chúng tôi hy vọng quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN sẽ có bước phát triển mới. Hà Nội là Thủ đô cũng là trung tâm kinh tế quan trọng của Việt Nam, trước tác động của dịch Covid-19, Hà Nội đã vươn lên trở thành nơi thu hút đầu tư tin cậy của toàn cầu, trong đó có các doanh nghiệp Trung Quốc”, Đại sứ Hùng Ba nhận định.
 
Cảm ơn và đánh giá cao ý kiến phát biểu của các đại biểu, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ khẳng định Thành phố sẽ tiếp thu và chỉ đạo các cơ quan triển khai ngay sau Hội nghị này.

Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t