Quan tâm xây dựng cơ chế để phát huy quyền làm chủ của Nhân dân (19:32 23/06/2020)


HNP - Chiều 23/6, đoàn kiểm tra số 1 của Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định số 290-QĐ/TW ngày 25/2/2010 của Bộ Chính trị “Về việc ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị”, do đồng chí Nguyễn Phước Lộc, Phó trưởng ban Dân vận Trung ương dẫn đầu, đã có buổi kiểm tra tại Huyện ủy Đông Anh. Cùng tham gia buổi làm việc có Phó trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy Phạm Hải Hoa.

Phó trưởng ban Dân vận Trung ương Nguyễn Phước Lộc phát biểu tại buổi kiểm tra


Báo cáo với đoàn kiểm tra, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đông Anh Phạm Văn Châm cho biết, ngay sau khi có Quyết định số 290-QĐ/TW của Bộ Chính trị và Quyết định 2034-QĐ/TU ngày 11/6/2010 của Thành ủy Hà Nội, Huyện ủy Đông Anh đã tổ chức 10 hội nghị quán triệt, triển khai đến các tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên; đồng thời, ban hành các văn bản để cụ thể hóa và tổ chức thực hiện trên địa bàn huyện. Trong 10 năm qua, nhận thức của cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị, của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vị trí, vai trò công tác dân vận được nâng lên; đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận từ huyện đến cơ sở được quan tâm củng cố, kiện toàn; công tác dân vận được triển khai đồng bộ, toàn diện trên các lĩnh vực, với nhiều điểm mới như tăng cường đối thoại, vận động, thuyết phục và hướng mạnh về cơ sở... Qua đó, đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo đồng thuận trong thực hiện các nhiệm vụ của huyện.
 
Nổi bật là, huyện đã triển khai hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”. Từ năm 2011 đến nay, huyện đã huy động 7.523 tỷ đồng cho công tác này, trong đó có 223 tỷ đồng vốn doanh nghiệp, xã hội hóa và 254 tỷ đồng Nhân dân đóng góp. Nhờ đó, năm 2016, Đông Anh là huyện thứ 2 của Hà Nội được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Tiếp nối kết quả trên, Đông Anh đã xây dựng Đề án đầu tư xây dựng huyện thành quận, trong đó, đã vận động Nhân dân đồng thuận, triển khai hiệu quả 15 đề án thành phần, như: quản lý ao hồ, trồng và quản lý cây xanh, đầu tư hệ thống chiếu sáng, giao thông, xử lý nước thải...
 
Đáng chú ý, là huyện có tốc độ đô thị hóa nhanh, Đông Anh đã đặc biệt chú trọng việc phát huy dân chủ trong GPMB. Từ năm 2010-2019, trên địa bàn huyện đã triển khai GPMB 883 dự án, với diện tích thu hồi gần 3,4 nghìn ha, liên quan đến 38.462 hộ dân. Nhờ làm tốt công tác dân vận nên huyện đã hoàn thành GPMB các dự án lớn của Thành phố như: Công viên Văn hóa Kim Quy, Trung tâm Hội chợ triển lãm Quốc gia, Công viên phầm mềm và nội dung số trọng điểm, Thành phố thông minh... mà không phải tiến hành cưỡng chế. Cùng với đó, xác định công tác dân vận của chính quyền có vai trò hết sức quan trọng, huyện Đông Anh đã tiến hành sắp xếp, tinh gọn các đơn vị đầu mối; phân công nhiệm vụ theo hướng "5 rõ, 3 đúng, 3 giảm" và "1 việc, 1 đầu mối xuyên suốt". Huyện cũng tập trung rà soát, rút ngắn thời gian giải quyết đối với 207 thủ tục hành chính của huyện và các xã, qua đó, rút ngắn được 173,5/540 ngày.
 
Ngoài ra, huyện Đông Anh cũng chú trọng xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Năm 2017, UBND huyện đã phê duyệt 96 Bộ QCDC cơ sở của xã, phường, thị trấn và công nhận 194 quy ước của các thôn, tổ dân phố trên địa bàn. Tiếp đó, năm 2019, huyện chỉ đạo xây dựng và hoàn thiện 195 bộ quy ước của thôn, tổ dân phố (đạt 100%). MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội của huyện cũng có nhiều đổi mới trong hoạt động, trọng tâm là thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện xã hội. Riêng trong năm 2019, MTTQ huyện và các xã đã tổ chức 57 cuộc giám sát độc lập, phối hợp tổ chức 526 cuộc giám sát khác và 79 hội nghị phản biện xã hội...
 
Kết luận buổi kiểm tra, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương Nguyễn Phước Lộc đánh giá huyện Đông Anh đã nghiêm túc quán triệt, cụ thể hóa các chỉ đạo của Trung ương, Thành phố về công tác dân vận; phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy để triển khai toàn diện các nội dung công tác dân vận trong Đảng, trong chính quyền, lực lượng vũ trang, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội... Nhờ đó, đã phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, tạo đồng thuận, huy động được sự tham gia của người dân trong thực hiện các nhiệm vụ của huyện. Huyện cũng gắn công tác dân vận với nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh và phát triển kinh tế - xã hội địa phương; có nhiều mô hình mới, hiệu quả cao trong công tác dân vận, nhất là mô hình bí thư chi bộ, trưởng thôn đồng thời là tổ trưởng tổ dân vận...
 
Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương Nguyễn Phước Lộc lưu ý, trong thời gian tới, việc triển khai Quyết định số 290-QĐ/TW phải liên thông, lồng ghép với các văn bản khác của Đảng để đảm bảo đồng bộ, hiệu quả trên các lĩnh vực. Đồng thời, phải chú trọng việc vận động Nhân dân cùng tham gia thực hiện; tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính để tạo bước chuyển biến mạnh hơn về kỷ luật, kỷ cương trong quản lý điều hành; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm và chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đồng chí cũng đề nghị huyện cần tiếp tục quan tâm, có cơ chế để Nhân dân bày tỏ chính kiến và thực hiện quyền làm chủ, với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”... Đặc biệt, cần xây dựng cơ chế phối hợp trong hệ thống chính trị về công tác dân vận, đảm bảo rõ hơn, cụ thể hơn để công tác dân vận làm tốt hơn nhiệm vụ vận động, nắm tình hình Nhân dân, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trọng Toàn


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t