Hà Nội cần lấy công nghệ làm giải pháp và động lực chính để tăng trưởng kinh tế (12:42 23/06/2020)


HNP - Sáng 23/6, Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý của các bộ, ngành, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội Trung ương vào dự thảo văn kiện Đại hội XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội, nhiệm kỳ 2020-2025. 

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc hội nghị


Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố; Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Văn Phong, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy.
 
Phát biểu mở đầu hội nghị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho biết, để xây dựng dự thảo báo cáo chính trị, Thành ủy sẽ tổ chức 10 hội nghị lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, đơn vị, đồng thời, đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến rộng rãi trong Nhân dân. Thành ủy cũng triển khai chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm, với 8 đề tài nhánh để đánh giá toàn diện trên các lĩnh vực. Bản dự thảo lấy ý kiến lần này đã được Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Thành ủy thông qua và là dự thảo lần thứ 2.8. Bí thư Thành ủy mong muốn các đại biểu tập trung đi thẳng vào vấn đề, với tinh thần Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội để đóng góp ý kiến, giúp ban soạn thảo tiếp thu, hoàn thiện.
 
Tại hội nghị, các đại biểu cơ bản thống nhất với chủ đề, phương châm của Đại hội và đánh giá cao dự thảo báo cáo chính trị có bố cục chặt chẽ, nội dung bao trùm toàn diện trên các lĩnh vực. Đề cập đến vấn đề quy hoạch phát triển thủ đô, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ quan trọng vì việc lập quy hoạch và phát triển quy hoạch có ý nghĩa chiến lược lâu dài. Thực tế hiện nay, các vấn nạn đang tồn tại như ùn tắc giao thông, thiếu trường học… đều do quy hoạch chưa thật sự tốt. Do đó, nhiệm kỳ tới Hà Nội cần đánh giá đúng công tác quy hoạch để làm tốt hơn. Về lĩnh vực nhà ở, thị trường bất động sản, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn cho rằng, dự thảo văn kiện đã nêu ra nhưng cần xem xét các chỉ tiêu và định hướng cụ thể hơn. Ví dụ trong lĩnh vực nhà ở cần có các chỉ tiêu liên quan đến số lượng m2, số lượng nhà ở chung cư, nhà ở xã hội, vấn đề cải tạo chung cư cũ… Hay liên quan thị trường bất động sản, Hà Nội với vai trò Thủ đô và dự báo trong thời gian tới, thị trường này sẽ rất sôi động nên trong dự thảo cần có một mục đề cập đến các giải pháp, chương trình cụ thể như thế nào…
 
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn phát biểu tại hội nghị
 
Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh, định hướng hướng phát triển của Thành phố trong 5 năm tới là phù hợp. Tuy nhiên, với các định hướng như phát triển nhanh, bền vững, xây dựng đô thị xanh, thành phố thông minh... cần phải có các chỉ tiêu cụ thể đi kèm và đặt cao hơn so với mặt bằng chung của cả nước. Góp ý vào phương hướng, nhiệm vụ trong 5 năm tới thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ, Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Lê Xuân Định cho rằng, Hà Nội cần có giải pháp để huy động tốt hơn đội ngũ trí trức, nhà khoa học trên địa bàn. Cùng đó, Hà Nội là địa phương tiên phong trên nhiều lĩnh vực, trong có, có tiên phong về cải cách về cơ chế, thể chế, đặc biệt là về công nghệ, là nơi để thử nghiệm công nghệ mới... Thành phố cũng cần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên nền tảng 4.0, lấy công nghệ là giải pháp, động lực chính để tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, Hà Nội cũng cần có cơ chế khuyến khích, động viên các doanh nghiệp đầu tư, đổi mới công nghệ. 
 
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ góp ý, định hướng phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Hà Nội cần mạnh dạn đặt mục tiêu hướng đến là trung tâm đối ngoại của khu vực và thế giới. Muốn vậy, Hà Nội phải đặt công tác đối ngoại ở vị thế cao hơn, không chỉ là công cụ đắc lực, mà còn là động lực cho sự phát triển của Thành phố. Đặc biệt, trong bối cảnh sự phát triển như hiện nay, đòi hỏi Thành phố phải đặt mục tiêu thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao ở các nước và tranh thủ nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài. 
 
Đề cập đến mối quan hệ với bộ, ngành Trung ương, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh đề nghị cần phân cấp mạnh hơn nữa cho Thủ đô. “Việc nâng tầng của trường học mà Thủ đô phải đi xin ý kiến 4 bộ, ngành là điều hiếm có đối với các nơi trên thế giới”, đồng chí Nguyễn Văn Thanh nêu. Đồng thời, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cũng góp ý, trong nhiệm kỳ tới, Hà Nội cần đặt trọng tâm phải nâng cao tính chất phục vụ hành chính công cho người dân và doanh nghiệp, vì những thủ tục này còn khá vất vả trong thực tế triển khai.
 
Đánh giá cao mục tiêu tổng quát trong dự thảo báo cáo chính trị của Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang đề nghị cần xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp nhằm tăng cường tiềm lực quốc phòng an ninh. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, nhiệm vụ hàng đầu của Thủ đô là giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh và trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ an toàn tuyệt đối các cơ quan đầu não, các hoạt động của Đảng và Nhà nước, các hoạt động đối ngoại quốc gia, các sự kiện chính trị lớn diễn ra trên địa bàn. Cùng đó, Thành phố cần tập trung xây dựng thế trận lòng dân, kiên quyết đấu tranh làm thất bại các hoạt động chống phá của các thế lực xấu, thù địch, phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội.
 
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú góp ý, Hà Nội đánh giá kinh tế trong nhiệm kỳ qua tăng trưởng khá, đây là một đánh giá khiêm tốn, bởi thực tế mức tăng trưởng bình quân trên 7% trong 5 năm qua là mức tăng trưởng cao và có đóng góp quan trọng với tăng trưởng của cả nước. Cùng đó, Hà Nội phải khẳng định là một trung tâm kinh tế, là đầu tầu của cả khu vực, do vậy, báo cáo chính trị cần đánh giá sâu hơn và thỏa đáng hơn vấn đề này. Về tín dụng, Hà Nội cũng là địa phương có mức tăng trưởng rất nhanh, chiếm hơn 34% tổng mức huy động tín dụng của cả nước. Cùng với huy động vốn thì tín dụng đầu tư cho nền kinh tế của Hà Nội cũng cao nhất cả nước, vì thế, trong phần đánh giá cần nêu bật nội dung này để khẳng định nền kinh tế của Hà Nội rất bền vững. Thực tế trong đại dịch Covid-19 vừa qua cũng chứng minh sức bền của doanh nghiệp Hà Nội và kinh tế Thủ đô khi vẫn duy trì tăng trưởng trên 3%...
 
Liên quan đến lĩnh vực môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên cho rằng, bên cạnh mục tiêu về tăng trưởng kinh tế thì vấn đề môi trường là chiến lược để đảm bảo phát triển bền vững. Thành phố cũng cần quy hoạch, có diện tích hợp lý cho cây xanh, mặt nước, nhất là những vùng phát triển mới ngoài vành đai 3, vành đai 4... Cùng với đó, Hà Nội cần tạp trung xây dựng quy hoạch không gian ngầm; khai thác hiệu quả hơn nguồn lực tài nguyên, nhất là quỹ đất ven sông Hồng.
 
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ phát biểu kết thúc hội nghị
 
Trân trọng cảm ơn và tiếp thu 14 ý kiến đại biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đánh giá đây là những ý kiến tâm huyết, thể hiện trách nhiệm và tình cảm với Thủ đô; khẳng định những ý kiến này sẽ góp phần nâng cao chất lượng báo cáo chính trị của Đảng bộ Thành phố. Ngoài các ý kiến đóng góp trực tiếp, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ mong muốn tiếp tục nhận được góp ý và sự quan tâm của các bộ, ngành Trung ương để Thủ đô thực hiện mục tiêu tiếp tục phát triển văn minh, hiện đại trong thời gian tới.

Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t