Phòng chống thiên tai: Không được chủ quan ở bất cứ cấp nào, khâu nào (19:54 15/05/2020)


HNP - Chiều 15/5, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT& TKCN) năm 2020. Đồng chủ trì Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Trịnh Đình Dũng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng BCĐ Trung ương về Phòng chống thiên tai; Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó Trưởng ban thường trực BCĐ Trung ương về phòng chống thiên tai. Dự tại điểm cầu thành phố Hà Nội có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu và lãnh đạo một số sở, ngành liên quan. 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị


Theo báo cáo của BCĐ Trung ương về phòng chống thiên tai, năm 2019, thiên tai trong khu vực và trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, cực đoan, bất thường với tổng số 600 đợt thiên tai quy mô cấp quốc gia và khu vực
 
Ở trong nước, thiên tai không diễn ra dồn dập và khốc liệt nhưng mang nhiều yếu tố cực đoan, dị thường trên khắp các vùng miền cả nước; đã xảy ra 16/21 loại hình thiên tai, trong đó, có 11 trận rủi ro thiên tai cấp độ 3: 08 cơn bão và 04 áp thấp nhiệt đới. Ngoài ra, còn có 222 trận giông, lốc sét; 10 trận lũ quét, sạt lở đất; 04 đợt rét đậm, rét hại; 13 đợt nắng nóng; 63 trận mưa lớn, ngập lụt; 13 trận động đất; triều cường, sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển tại nhiều khu vực ở đồng bằng sông Cửu Long,… 
 
Mặc dù thiên tai năm 2019 có nhiều diễn diến phức tạp, song thiệt hại đã được giảm thiểu, đặc biệt là về người, cụ thể: 133 người chết và mất tích; 1.319 nhà bị đổ, trôi; 40.276 nhà bị hư hỏng và phải di dời; trên 100.000ha lúa và hoa màu bị ngập, thiệt hại; 24.000ha cây công nghiệp, cây ăn quả bị gãy, đổ. Tổng thiệt hại về kinh tế trên 7.000 tỷ đồng.
 
Cùng với những thiệt hại về vật chất, thiên tai còn làm ảnh hưởng sức khỏe, môi trường sống, đình trệ sản xuất, giảm thu nhập của nhân dân, cản trở giao thương, làm gián đoạn việc cung cấp dịch vụ thiết yếu tại nhiều khu vực, nhất là khu vực Bắc Trung Bộ, khu vực đồng bằng sông Cửu Long; kéo theo rất nhiều hệ lụy cho xã hội.
 
Từ đầu năm 2020 đến nay, thiên tai tiếp tục diễn biến cực đoan, bất thường, trên cả nước đã xảy ra 07 đợt giông lốc, mưa đá diện rộng (nhiệt độ ngày 24/4 tại Hà Nội xuống 16,5 độ thấp nhất 50 năm gần đây); hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long; 11 trận động đất; sạt lở bờ sông, bờ biển, lún sụt diễn biến phức tạp tại ĐBSCL. Tính đến hết tháng 04/2020, thiên tai đã làm 11 người chết, mất tích, trên 44.000 nhà bị sập đổ, hư hại, tốc mái; trên 100.000ha lúa và hoa màu bị ảnh hưởng. Tổng thiệt hại về kinh tế gần 3.183 tỷ đồng.
 
Với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, BCĐ Trung ương về PCTT, việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp của các Bộ, ngành và địa phương, sự vào cuộc của nhân dân; sự tham gia góp sức của nhiều tổ chức quốc tế nên công tác phòng, chống thiên tai đã được triển khai đồng bộ, nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. 
 
Các đại biểu dự tại điểm cầu thành phố Hà Nội
 
Tại hội nghị, lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương, tổ chức nước ngoài đã phát biểu làm rõ thêm những kết quả đã đạt được, chia sẻ những bài học kinh nghiệm, cách làm hay trong tổ chức thực hiện, đồng thời, kiến nghị, đề xuất một số giải pháp trong thời gian tới.
 
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thông tin một số kết quả về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. “Có thể nói, chúng ta đã kiểm soát được dịch bệnh và không có sự lây lan ra cộng đồng, đó là thành công bước đầu quan trọng để những nhà đầu tư, doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào nước ta. Việt Nam đã có mức tăng trưởng trong quý I/2020 trên 3,8%, được đánh giá là mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực. Nếu tình hình dịch bệnh không tái diễn, Việt Nam phấn đấu đạt mức tăng trưởng trên 5% trong năm nay” - Thủ tướng thông tin, đồng thời cũng lưu ý không được chủ quan với tình hình dịch bệnh bởi đến nay vẫn chưa có vacxin đặc trị và các nước xung quanh diễn biến dịch bệnh vẫn phức tạp.
 
Thủ tướng cho biết, cùng với tình hình dịch bệnh thì tình hình thiên tai hiện nay cũng đang có những diễn biến ngày càng cực đoan, bất thường, chưa kể tình hình phát triển nhanh của KT-XH, số lượng dân tăng nhanh, quy mô nền kinh tế lớn, việc khai thác quá mức các tài nguyên… vì vậy, cần xác định và quán triệt công tác PCTT&TKCN là thường xuyên, liên tục, phức tạp, chưa bao giờ kết thúc trong lịch sử.
 
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương sự nỗ lực cao của toàn dân, hệ thống chính trị, BCĐ Quốc gia, các cấp, các ngành trong việc thực hiện công tác PCTT, TKCN thời gian qua. Ghi nhận những ý kiến đóng góp, những bài học kinh nghiệm hay được chia sẻ tại hội nghị, Thủ tướng đề nghị BCĐ tiếp thu đầy đủ để xây dựng kế hoạch PCTT trong thời gian tới, để đảm bảo tính chủ động, kịp thời, đồng bộ, hiệu quả, sẵn sàng ứng phó, không bị động bất ngờ.
 
Về một số nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị Ban Chỉ đạo quốc gia, Ủy ban Quốc gia PCTT và TKCN, các bộ, ngành, địa phương trong cả nước và nhân dân cần tổ chức nghiên cứu, quán triệt, xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án triển khai thực hiện Chỉ thị số 42 của Ban Bí thư Trung ương Đảng một cách đồng bộ, hiệu quả; theo dõi chặt chẽ, sát tình hình, không được chủ quan ở bất cứ cấp nào, khâu nào. Chủ động sẵn sàng ứng phó kịp thời, quyết liệt, khắc phục có hiệu quả với mục tiêu an toàn của người dân là hàng đầu với 5 nhóm nội dung: 
 
Thứ nhất, khẩn trương kiện toàn cơ quan chỉ đạo PCTT&TKCN các cấp. Đặc biệt, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả, kịp thời ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác này. Thứ hai, rà soát, cập nhật, hoàn thiện kịch bản phương án ứng phó; sẵn sàng vật tư, trang thiết bị, nhân lực để ứng phó kịp thời; nhất là tinh thần "4 tại chỗ". Thứ ba, nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật và đẩy mạnh hợp tác quốc tế về công tác này.
 
Thứ tư, đầu tư nâng cao khả năng chống chịu trước thiên tai của công trình kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hệ thống đê điều, hồ đập, khu tầu thuyền neo đậu trú tránh bão. Ưu tiên bố trí đầu tư công trung hạn 2021-2025 cho nhiệm vụ này. Thứ năm, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, nhanh chóng, kịp thời, chính xác đặc biệt là chia sẻ dữ liệu khí tượng thủy văn nhất là những dự liệu liên quan đến thượng nguồn sông Hồng, Mê Công.
 
Để thực hiện tốt các nhóm nhiệm vụ trên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, các ngành, các địa phương trong cả nước trước hết phải làm tốt các giải pháp về công trình và phi công trình trong PCTT&TKCN. Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, rà soát, hoàn thiện các kịch bản, phương án huy động lực lượng, phương tiện ứng phó thiên tai, sự cố, không để bị động bất ngờ trong mọi tình huống. Tổ chức diễn tập, huấn luyện, tập huấn chuyên môn vụ ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn… Các bộ, ngành trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ đơn vị mình chỉ đạo xây dựng kế hoạch, triển khai các nhiệm vụ phòng ngừa, ứng phó hiệu quả các tình huống thiên tai.
 
Nhấn mạnh các địa phương trong cả nước là quan trọng nhất, là nhân tố quyết định vì liên quan trực tiếp đến tính mạng, tài sản, đến quản lý, giáo dục, đặc biệt là tinh thần "4 tại chỗ"...Thủ tướng yêu cầu cần chủ động làm tốt công tác nghiên cứu cơ bản, công tác quy hoạch nhất là xâm nhập mặn đang diễn ra trên đất nước ta, đẩy nhanh thực hiện các công trình phòng chống thiên tai, củng cố, bổ sung lực lượng phòng chống thiên tai, tổ chức truyền thông trong cộng đồng…

Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t