Thực hiện chiến lược phòng chống dịch mới: Vừa có hiệu quả về y tế, vừa bền vững về kinh tế (14:18 15/05/2020)


HNP - Sáng 15/5, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ nghe Ban Chỉ đạo quốc gia báo cáo về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Dự tại điểm cầu thành phố Hà Nội có đồng chí Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Phó trưởng BCĐ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thành phố và lãnh đạo một số sở, ngành.

Thủ tướng Chính phủ chủ trì cuộc họp


28 ngày không thêm ca lây nhiễm trong cộng đồng

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia (tính đến 17h, ngày 14/5), thế giới ghi nhận gần 4,5 triệu trường hợp mắc Covid-19 tại 215 quốc gia, vùng lãnh thổ, gần 300.000 người tử vong.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo, mặc dù trong 28 ngày qua, Việt Nam không ghi nhận trường hợp mắc mới lây nhiễm trong cộng đồng, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng hiện nay rất thấp nhưng vẫn còn tiềm ẩn. Dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường ở nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới, nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam trong thời gian tới cũng gia tăng do mở dần các đường bay quốc tế, chuyến bay đón công dân Việt Nam về nước, yêu cầu nhập cảnh cho các nhà đầu tư, chuyên gia kỹ thuật cao từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch nhập cảnh vào Việt Nam. Đặc biệt, rất khó kiểm soát triệt để được người dân qua lại biên giới đường bộ thông qua đường mòn, lối mở nên luôn thường trực nguy cơ dịch bệnh xâm nhập và lây nhiễm cho cộng đồng trong thời gian tới.

Hà Nội đã đủ điều kiện để công bố hết dịch

Trong 29 ngày qua, cùng với cả nước, Hà Nội không ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng. Ổ dịch cuối cùng của Hà Nội tại thôn Đông Cứu (xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín) đã kết thúc cách ly từ ngày 14/5. Tổng số ca mắc trên địa bàn thành phố là 112 ca, trong đó, đã có 101 trường hợp được công bố khỏi bệnh. Hiện, đang thực hiện cách ly tập trung đối với 13 trường hợp F1 và theo dõi tại cộng đồng là 128 trường hợp.

 

Khẳng định thành phố Hà Nội đang kiểm soát được dịch, không để phát sinh ca lây nhiễm trong cộng đồng, tuy nhiên, đồng chí Ngô Văn Quý cho rằng, thời gian tới sẽ có nhiều người từ nước ngoài trở về nên dự báo, có thể sẽ có những ca nhiễm mới từ đối tượng này. Vì vậy, Hà Nội đã chuẩn bị các phương án để kiểm soát dịch, như: Tổ chức giám sát chặt chẽ ngay tại Sân bay quốc tế Nội Bài; sẵn sàng hai khu cách ly tập trung để đưa tất cả đối tượng từ nước ngoài về cách ly theo đúng quy trình; thực hiện rà soát, xét nghiệm ngay để không lây lan dịch ra cộng đồng. Song song với đó, thành phố cũng tạo điều kiện cho các chuyên gia, nhà quản lý, công nhân kỹ thuật cao từ nước ngoài về được cách ly đúng quy định.
 
"Theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội đã đủ điều kiện để công bố hết dịch. Việc Thủ tướng Chính phủ có quyết định công bố hết dịch hay không, Hà Nội vẫn luôn xác định nhiệm vụ quan trọng là tập trung thực hiện "mục tiêu kép", vừa nghiêm túc thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội", Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nêu.
 

Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý phát biểu tại cuộc họp


Về việc bảo đảm ổn định sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý cho biết, vừa qua, Hà Nội đã thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội đúng quy định, nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh đã trở lại bình thường, trừ một số loại hình như: vũ trường, quán karaoke... Thời gian tới, Hà Nội sẽ thúc đẩy kích cầu du lịch nội địa, chuẩn bị các điều kiện cho việc đón khách quốc tế ngay khi được phép.
 
Liên quan đến việc chi trả tiền hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo tinh thần Nghị quyết 42/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Ngô Văn Quý cho biết, Hà Nội đã chi trả được 99,9% tiền hỗ trợ cho các đối tượng là người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo và cận nghèo. Các trường hợp hiện chưa chi trả được phần lớn là do vắng mặt tại nơi cư trú. Thành phố Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các địa phương rà soát các đối tượng còn lại để hoàn thành việc chi trả tiền hỗ trợ trên tinh thần minh bạch, khách quan, đúng đối tượng, không để xảy ra tiêu cực.
 
Tiếp tục thực hiện mục tiêu kép

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong thời gian vừa qua (gần 30 ngày), chúng ta tiếp tục thành công bước đầu quan trọng trong thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch Covid-19, vừa đẩy mạnh sản xuất kinh doanh để không đứt gãy nền kinh tế. Chúng ta đã đẩy mạnh gói hỗ trợ an sinh xã hội với tinh thần kịp thời, chống thất thoát, tham nhũng, lạm dụng. Có nhiều tấm gương tốt, những tấm lòng của người dân trong vấn đề này, tự khắc phục khó khăn…

“Có thể nói, chúng ta đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trong gần 1 tháng qua. Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao ngành y tế, các cấp, các ngành trong vấn đề phòng, chống, điều trị Covid-19 để không có ca nhiễm mới trong cộng đồng” - Thủ tướng nêu rõ, đồng thời yêu cầu chính quyền các cấp không được ép dân ký đơn từ chối nhận hỗ trợ của Nhà nước, nếu phát hiện được thì xử lý nghiêm như trường hợp gian lận.

Thủ tướng cũng đề cập đến chủ trương nhân văn trong việc đưa người Việt Nam là người già, trẻ em, người bị kẹt ở một số nước về Việt Nam với số lượng khá lớn. Trong những trường hợp về nước có người nhiễm Covid-19 nhưng chúng ta đã chủ động cách ly an toàn, có biện pháp quản lý chặt chẽ, không để lây nhiễm ra cộng đồng. Thủ tướng giao Bộ Ngoại giao công bố các tiêu chí về trường hợp đưa về nước để tiếp tục xem xét, bố trí theo lộ trình.

Khẳng định Việt Nam không còn tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng, Thủ tướng cho rằng đây chính là điều kiện để thu hút đầu tư phát triển. Tuy nhiên, không được mất cảnh giác khi dịch bệnh còn lây nhiễm ở nhiều nước và chưa có vaccine, thuốc đặc trị. Các cơ quan chức năng tiếp tục đề cao tinh thần trách nhiệm, nhất là chế độ trực của ngành y tế, để khi có trường hợp phức tạp xảy ra thì kịp thời xử lý tốt nhất.

Chính vì vậy, để tiếp tục thực hiện mục tiêu kép thành công hơn nữa, đó là vừa phát triển kinh tế, vừa phòng chống dịch bệnh, ổn định trạng thái bình thường mới cho nhân dân, Thủ tướng yêu cầu các cấp các ngành thực hiện một số nhiệm vụ, trước hết là tiếp tục ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài, chưa cho phép nhập cảnh với khách du lịch, chỉ cấp visa đối với trường hợp như là các nhà đầu tư, chuyên gia, khách công vụ tại Đại sứ quán các nước và yêu cầu thực hiện biện pháp cách ly phù hợp.

Tiếp tục tăng cường kiểm soát cư dân đi lại qua đường mòn, lối mở trên các tuyến biên giới đường bộ. Ngành y tế và các cơ quan chức năng tiếp tục đẩy mạnh triển khai hiệu quả các ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch, duy trì các nhóm thông tin phản ứng nhanh để phát hiện sớm, khoanh vùng cách ly dập dịch kịp thời.

Trên tinh thần Việt Nam không có tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng, các cấp, các ngành, các nhà máy công ty, đơn vị và người dân đẩy mạnh sản xuất, xuất nhập khẩu, đẩy mạnh du lịch nội địa và ngành du lịch cũng như ngành ngoại giao tiếp tục thúc đẩy, chuẩn bị cho mở cửa du lịch quốc tế, trước hết là một số đối tác mà đã ngăn ngừa được dịch bệnh tốt trong thời gian qua. Trong từng trường hợp cụ thể, Bộ trưởng Bộ VHTTDL sẽ báo cáo lên Thủ tướng để xem xét.

Tiếp tục thu hút các dòng đầu tư, có hình thức xúc tiến đầu tư mạnh mẽ hơn, đặc biệt tạo điều kiện cho các chuyên gia, lao động kỹ thuật cao vào Việt Nam để phát triển, đầu tư, làm ăn lâu dài có hiệu quả. Đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là xuất khẩu các thiết bị, khẩu trang y tế, trong đó, có đẩy mạnh xuất khẩu bộ kit thử.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về thành quả cũng như những kinh nghiệm của Việt Nam trong phòng, chống Covid-19.

Thủ tướng đề nghị Ban chỉ đạo có biện pháp tổng kết một bước, đề xuất khen thưởng kịp thời cho các cấp, các ngành, cá nhân và đơn vị liên quan đã có nhiều thành tích trong phòng chống Covid-19. Ngành Y tế tiếp tục đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu về thuốc, vaccine, hoàn thiện phác đồ điều trị, lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân. Lực lượng quân đội, công an tiếp tục kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh, thực hiện tốt việc cách ly tập trung, xử lý nghiêm trường hợp tung tin đồn thất thiệt.

Các ngành, các địa phương thực hiện đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về xây dựng, ban hành các bộ tiêu chí an toàn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại bình thường, đặc biệt là chú ý quản lý tốt, tạo thuận lợi nhưng chặt chẽ đối với các chuyên gia, lao động kỹ thuật, các đối tượng từ nước ngoài vào Việt Nam.

Thủ tướng đề nghị có chiến lược phòng chống dịch mới, vừa có hiệu quả về y tế, vừa bền vững về kinh tế. Khi chưa có vaccine, có nghĩa là phòng, chống Covid-19 phải được xem là chiến lược lâu dài.


Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t