Thủ tướng Chính phủ: Khó khăn bằng hai thì phải cố gắng bằng ba để vượt qua (15:36 09/05/2020)


HNP - Dẫn câu nói “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh “Khó khăn bằng 2 thì chúng ta phải cố gắng bằng 3 để vượt qua”. Chúng ta cùng đoàn kết, cùng quyết tâm, cùng nhau lập thành tích, hoàn thành nhiệm vụ cao nhất trong năm nay và các năm tiếp theo, đóng góp vào phát triển dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.


Tại Hội nghị hội nghị trực tuyến "Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế", sáng 10/5, có 23 lượt ý kiến phát biểu của các hiệp hội, doanh nghiệp, doanh nhân, các bộ, cơ quan; 81 kiến nghị trực tiếp của 4 hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, 9 hiệp hội doanh nghiệp trong nước và 437 kiến nghị trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, 180 kiến nghị đã gửi đến VCCI.
 
Phát triển kinh tế - xã hội quyết liệt như phòng chống dịch bệnh 
 
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, để truyền tải tinh thần của Hội nghị cũng như ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Bí thư Thành ủy  Hà Nội Vương Đình Huệ đã chỉ đạo truyền hình trực tuyến đến 30 quận huyện, 579 phường xã để mời hơn 12.000 doanh nghiệp tham gia hội nghị và hơn 3.000 cán bộ quản lý để nghe tinh thần quán triệt tại Hội nghị.
 
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung phát biểu tại điểm cầu thành phố Hà Nội
 
Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội khẳng định, thời gian qua, mặc dù có tác động lớn của dịch bệnh Covid-19, nhưng cộng đồng doanh nghiệp của thành phố Hà Nội đã tích cực đồng hành cùng các cấp chính quyền, tham gia và đóng góp vào công tác phòng chống dịch bệnh; chia ca làm việc bảo đảm thu nhập, tiền lương cho người lao động; nhiều đơn vị và tập đoàn giữ nguyên tiền lương cho công nhân; đẩy mạnh việc làm qua hệ thống trực tuyến và thương mại điện tử.
 
Để bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế với mức cao hơn 1,3 lần so với mức tăng trưởng chung cả nước, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp vào cuộc quyết liệt phòng chống dịch Covid-19. Đến nay, đã qua 24 ngày không phát sinh ca mới.
 
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ tháng 2/2020, đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo UBND thành phố thành lập tổ công tác cập nhật thường xuyên tình hình, xây dựng 3 kịch bản phát triển kinh tế xã hội, trọng tâm ưu tiên cho y tế, an sinh xã hôi, giáo dục, an ninh quốc phòng, phòng chống thiên tai, xây dựng đồng bộ các biện pháp phát triển kinh tế; rà soát đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công.
 
Cũng trong tháng 2/2020, Hà Nội đã chuyển 1.020 tỷ đồng sang Ngân hàng chính sách xã hội và cam kết sẽ tiếp tục chuyển nguồn tài chính này để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh vay phát triển sản xuất với lãi suất bằng 0, nhất là trong lĩnh vực tài đầu tư phát triển đàn lợn, gia súc gia cầm, tái cơ cấu đưa kỹ thuật cao vào phát triển công nghiệp.
 
Ngày 16/4, trực tiếp đồng chí Bí thư Thành ủy cùng các lãnh đạo thành phố trực tiếp gặp gỡ 100 doanh nghiệp đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô để nghe kiến nghị và giải quyết khó khăn.
 
Hà Nội cam kết tiếp tục đồng bộ các biện pháp phát triển kinh tế-xã hội trên tinh thần quyết liệt như phòng chống dịch bệnh, triển khai thực hiện các nghị quyết của Thủ tướng Chính phủ để nâng cao năng lực cạnh tranh, trong đó trọng tâm là hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu và thị trường xuất khẩu.
 
Cuối tháng 5 và đầu tháng 6 tới, thành phố sẽ phối hợp với cộng đồng doanh nghiệp và các tỉnh thành phố  kết nối cung cầu; tổ chức tháng khuyến mại nhằm kích thích tiêu dùng nội địa; đồng thời kích cầu du lịch nội địa. Đẩy nhanh tiến độ rà soát các dự án đầu tư công, cam kết giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2020.
 
Thành phố cũng sẽ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm thủ tục không cần thiết; phấn đấu đến ngày 30/6, 100% dịch vụ đạt mức độ 3, 4 trong đó 25% dịch vụ đạt mức độ 4, bảo đảm kết nối 250 dịch vụ kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia ngay trong tháng 6. Chỉ đạo rà soát lại toàn bộ chi tiêu thường xuyên và tiếp tục yêu cầu cắt giảm thêm so với mục tiêu ban đầu là 10% cho mục tiêu phát triển. Thành phố tiếp tục hỗ trợ đối với các chương trình đào tạo nghề và đào tạo chuyển đổi nghề, phấn đấu 75% lao động trên địa bàn Thành phố sẽ được qua đào tạo. 
 
Song song với đó, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo Thành phố tích cực chuẩn bị, phấn đấu đến tuần cuối cùng của tháng 6/2020 sẽ mở Hội nghị xúc tiến đầu tư và phát triển. Hiện nay dự kiến có gần 100 dự án sẽ được trao chủ trương đầu tư trong dịp này. Riêng các dự án đầu tư trong nước đạt 330.000 tỷ đồng, trong các dự án này có 26 dự án nhà ở xã hội với số vốn là 72.000 tỷ đồng; hơn 3 triệu m2 nhà ở xã hội để cung cấp ra thị trường cho các đối tượng thu nhập thấp trong những năm tới; đối với các dự án của doanh nghiệp FDI, thành phố Hà Nội dự kiến giao chủ trương đầu tư trong dịp này là khoảng 3,5 tỷ USD. 
 
Ngoài ra, Thành phố sẽ tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp phát triển về khoa học công nghệ và xây dựng hệ thống kho logistics và thương mại điện tử. Đồng thời, tiếp tục phát triển kinh tế gắn với việc thực hiện Đại hội Đảng các cấp, lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ 17 cũng như đại hội toàn quốc vào tháng 1/2021.
 
Doanh nghiệp là lực lượng chủ chốt trên mặt trận kinh tế
 
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu nhận định chung là các đại biểu trong nước và quốc tế đều đánh giá cao công tác chỉ đạo chống dịch Covid-19 thành công ở Việt Nam.
 
Đây là một điểm sáng, Việt Nam đã đi trước nhiều nước, đặc biệt là các nước Đông Nam Á, trong kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh. Chúng ta đã xác lập một trạng thái bình thường mới để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh bình thường ở Việt Nam. Do đó, Việt Nam sẽ tiếp tục đồng ý đưa các chuyên gia, các nhà quản lý người nước ngoài vào Việt Nam để hợp tác cùng Việt Nam phát triển kinh tế đất nước, trước hết là Lào, Campuchia và nhiều nước khác trong thời gian tới. Thủ tướng cũng nhấn mạnh cơ hội cho Việt Nam nếu biết quản lý Nhà nước tốt, kinh doanh tốt và hợp tác tốt.
 
Khẳng định vị trí của doanh nghiệp là lực lượng chủ chốt trên mặt trận kinh tế, từ đóng góp tăng trưởng đến giải quyết việc làm, thu ngân sách, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, Thủ tướng nêu ra 3 yêu cầu đối với doanh nghiệp. Một là các doanh nghiệp không được trông chờ, ỷ lại trong phát triển. Thứ hai, doanh nghiệp phải được tái cơ cấu, nâng cao trình độ quản trị để phát triển bền vững. Thứ ba, các cấp, các ngành, đặc biệt là doanh nghiệp áp dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, nhất là cuộc cách mạng 4.0 để nâng cao năng suất.
 
Tại Hội nghị, Thủ tướng ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp về trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. “Tất cả doanh nghiệp đang chờ tiếng nói giải quyết nhanh của các cơ quan Nhà nước, đặc biệt các địa phương, tháo gỡ cho doanh nghiệp hiện nay có nhiều vướng mắc”, Thủ tướng nói. Chủ tịch UBND các tỉnh, các Bộ trưởng có liên quan phải có trách nhiệm xử lý nhanh những kiến nghị này để tháo gỡ cho doanh nghiệp.
 
Đối với doanh nghiệp cũng như với các cơ quan Nhà nước, Thủ tướng cho rằng hiện nay cần phải giữ 3 thứ, đó là giữ lao động; giữ thị trường và phát triển thị trường; giữ danh dự, bản lĩnh doanh nhân Việt Nam đổi mới, trung thực và quyết tâm phát triển. Trên tinh thần đó, phải cải cách, tái cơ cấu doanh nghiệp phù hợp với bối cảnh hiện nay.
 
Một số vấn đề lớn mà các cơ quan Nhà nước phải quan tâm xử lý, đó là tạo môi trường tốt cho doanh nghiệp, hợp tác, hỗ trợ doanh nghiệp cả về chính sách, chia sẻ cùng doanh nghiệp. “Đặc biệt, các doanh nghiệp đều mong muốn cần phải giữ ổn định vĩ mô, nhất là giữ lạm phát, giữ giá trị đồng Việt Nam”, Thủ tướng nói.
 
Thủ tướng cũng nhắc lại tinh thần không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự. “Các đồng chí kiểm tra, thanh tra nhiều quá cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp. Chúng ta thực hiện hậu kiểm trong bối cảnh khó khăn này”.
 
Cùng với đó, phải nâng cao đạo đức công vụ, tạo mọi thuận lợi, chủ động tìm nguồn lực cho phát triển, nhất là hạ tầng. Các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các trung tâm lớn, các địa phương có liên quan, các sân bay, bến cảng… đều phải phát triển nhanh, nhất là phát triển dịch vụ logistics ở Việt Nam tốt nhất để giảm chi phí cho doanh nghiệp vì không có hạ tầng thì khó phát triển.
 
Dẫn câu nói “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, Thủ tướng nhấn mạnh “khó khăn bằng hai thì chúng ta phải cố gắng bằng ba để vượt qua”. Chúng ta cùng đoàn kết, cùng quyết tâm, cùng nhau lập thành tích, hoàn thành nhiệm vụ cao nhất trong năm nay và các năm tiếp theo, đóng góp vào phát triển dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t