Phòng chống dịch Covid-19: Tập trung vào các trường hợp liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai (19:07 03/04/2020)


HNP - Tiếp tục ưu tiên các nhiệm vụ phòng, chống dịch cho các trường hợp, yếu tố liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai là chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống dịch Covid-19 tại cuộc họp trực tuyến BCĐ, ngày 3/4.

Tiếp tục rà soát các trường hợp liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai
 
Tính đến thời điểm 15h ngày 02/4, các đơn vị đã rà soát được 22.591 người liên quan đến ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai tại cộng đồng. Đã lấy xét nghiệm được 4.711 người; kết quả, 1.871 trường hợp âm tính, 04 trường hợp dương tính, còn lại đang chờ kết quả. Thành phố đã tổ chức vận chuyển và cách ly tại cơ sở cách ly tập trung của thành phố đối với 631 trường hợp là người nhà của bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai; đã lấy mẫu xét nghiệm được 631 trường hợp, trong đó có 01 trường hợp dương tính, các trường hợp còn lại âm tính.
 
Đặc biệt, từ ngày 31/3, thành phố đã tổ chức xét nghiệm nhanh (sử dụng bộ kit của Hàn Quốc do Bộ Y tế cung cấp) đối với những người có đi đến/đi về từ Bệnh viện Bạch Mai trong khoảng thời gian từ 10/3 trở lại đây mà chưa được xét nghiệm. Tính đến 12h ngày 03/4, tổng số test nhanh thực hiện là 5.222 mẫu; trong đó, có 33 trường hợp có kết quả dương tính (còn lại đều âm tính). 33 trường hợp dương tính được lấy mẫu bệnh phẩm ngoáy họng để xét nghiệm khẳng định bằng kỹ thuật RT-PCR (trong đó có 26 trường hợp đã có kết quả loại trừ, còn lại 07 trường hợp đang đợi kết quả).
 
Chủ tịch UBND quận Đống Đa Võ Nguyên Phong cho biết, với các trường hợp liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai, quận Đống Đa có 1.517 trường hợp đã kết thúc theo dõi, tiếp tục theo dõi 1.223 trường hợp và đã ra các quyết định cách ly tại nhà. Theo chỉ đạo của thành phố, quận đã tổ chức điểm test nhanh tại trường THCS Đống Đa, đã lấy 2.091 mẫu làm test nhanh. Qua đó, 6/9 mẫu nghi ngờ được chuyển đi làm xét nghiệm khẳng định đã cho kết quả âm tính, 3 mẫu còn lại đang tiếp tục chờ kết quả… Quận cũng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận các bệnh nhân nặng và các bệnh nhân chạy thận vào và ra viện; đảm bảo an toàn, an ninh trật tự tại khu vực này…
 
Tại cuộc họp BCĐ phòng, chống dịch Covid-19, ngày 03/4, GS.TS Ngô Quý Châu, Phó Giám đốc phụ trách, quản lý điều hành Bệnh viện Bạch Mai cảm ơn sự hỗ trợ của thành phố Hà Nội trong việc rà soát, tổ chức xét nghiệm cho các cán bộ, nhân viên, bệnh nhân và những người đến Bệnh viện thời gian qua cũng như hỗ trợ để các y bác sĩ được cách ly tập trung tại Khách sạn Mường Thanh, quận Hà Đông.
 
Nguồn cung hàng hóa đảm bảo dồi dào
 
Phó Giám đốc Sở Công thương Trần Thị Phương Lan phát biểu tại cuộc họp
 
Cũng tại cuộc họp BCĐ ngày 3/4, Phó Giám đốc Sở Công thương Trần Thị Phương Lan cho biết: Tính đến 3/4, là ngày thứ 3 thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 05 của UBND thành phố, Sở đã chỉ đạo các doanh nghiệp chuẩn bị đủ lượng hàng hóa cho người dân. Đồng thời, rà soát các đơn vị đã đăng ký với Sở về dự trữ hàng hóa. Sở cũng phối hợp với Sở NN&PTNT và một số tỉnh thành phố tiếp tục rà soát về nguồn cung về sản xuất lương thực thực phẩm nhằm cân đối cung cầu. 
 
Hiện, Sở đã kết nối với các Sở khu vực phía Bắc như: Hải Dương, Bắc Giang, Hòa Bình, Sơn La và đảm bảo nguồn cung các mặt hàng rau củ quả dồi dào. Đối với mặt hàng gạo, lãnh đạo Sở Công thương cho biết, riêng Hapro đăng ký dự trữ được 500 nghìn tấn. Ngoài ra, khuyến khích người dân tăng cường tiêu thụ các mặt hàng thủy hải sản như: cá hồi, hàu, ngao, các loại cá Miền Tây… (do xuất khẩu giảm và các nhà hàng, khách sạn đóng cửa); qua đó, tạo điều kiện doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn. Theo bà Trần Thị Phương Lan, buổi tối có thể hết hàng do lượng tiêu thụ nhiều vào ban ngày, nhưng 5h sáng hôm sau, sẽ vẫn đảm bảo đầy đủ hàng hóa tươi ngon.
 
Về hiện tượng một số tiểu thương tự ý nâng giá thịt lợn vào ngày 02/3, Sở đã kịp thời nắm bắt tình hình. Đến sáng 3/4, đã có văn bản hỏa tốc đề nghị Quản lý Thị trường phối hợp tăng cường công tác kiểm tra, đảm bảo bán đúng giá ở các chợ truyền thống, tránh việc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá. Phó Giám đốc Sở Công thương cũng đề xuất cơ quan chức năng địa phương phối hợp kiểm soát tốt hiện tượng này để đảm bảo cung ứng hàng hóa, cũng như bình ổn giá cả trong giai đoạn dịch bệnh; tuyên truyền cho người dân, nâng cao nhận thức không mua hàng dự trữ.
 
Đối với lưu thông hàng hóa, trước Chỉ thị 16 của Thủ tướng, một số tỉnh có các cách làm khác nhau và Sở cũng nhận được một số phản ánh với các doanh nghiệp khi lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh với Hà Nội và ngược lại có tình trạng bị kiểm soát xe và phải dừng lại nhiều tiếng. Sở Công thương đã báo cáo với Bộ Công thương và UBND thành phố để đề xuất Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an đề nghị chỉ đạo các UBND các tỉnh thành, thống nhất phương thức triển khai thực hiện theo đúng Chỉ thị, song vẫn đảm bảo hàng hóa thiết yếu được lưu thông bình thường…

Quỳnh Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t