Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Cách ly xã hội để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân (11:21 01/04/2020)


HNP - Sáng 01/4, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 3/2020 để đưa ra các quyết sách quan trọng mà người dân quan tâm. Phiên họp tổ chức theo hình thức trực tuyến, kết nối tới 21 bộ, cơ quan ngang bộ, 7 cơ quan thuộc Chính phủ và Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp


Dự tại điểm cầu thành phố Hà Nội có đồng chí Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố cùng lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.
 
Thực hiện nghiêm cách ly xã hội để phòng chống dịch bệnh
 
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết phiên họp diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 trở thành đại dịch toàn cầu, lây nhiễm tới trên 200 nước và vùng lãnh thổ, có hàng chục vạn người nhiễm và hàng vạn người tử vong.
 
Trong bối cảnh như vậy, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ra Lời kêu gọi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đoàn kết một lòng, quyết tâm chống dịch đạt kết quả tốt đẹp. Thủ tướng đã ban hành các Chỉ thị 15, 16 về các biện pháp phòng chống dịch và tại Chỉ thị 16 ban hành ngày 31/3, có đặt vấn đề cách ly xã hội.
 
Giải thích thêm về vấn đề này, Thủ tướng nói rõ cách ly xã hội là một tình huống pháp lý không trái pháp luật để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Cách ly xã hội mang ý nghĩa là giữ khoảng cách trong xã hội để đối phó với tình huống nguy hiểm, bùng phát dịch bệnh, giữ khoảng cách người với người, cộng đồng với cộng đồng, không phải là ngăn cấm giao thông, chưa phải phong tỏa xã hội mà chỉ hạn chế giao thông. Trong bối cảnh ấy, chúng ta vẫn phải duy trì hàng hóa lưu thông, sản xuất an toàn, nhất là hàng thiết yếu, vật tư y tế, hàng hóa xuất khẩu, đặc biệt xuất khẩu bằng đường biển, đường bộ vẫn bình thường. Bảo đảm làm việc tại nhà bình thường, chất lượng công việc tốt, đặc biệt thời gian công việc. Trong Chỉ thị 16 vừa ban hành cũng đặt vấn đề là có hiệu lực trong vòng 15 ngày, đây là khoảng “thời gian vàng” để hạn chế tối đa việc lây nhiễm ra cộng đồng, vấn đề một số nước đã vấp phải.
 
“Nếu chúng ta không cương quyết việc này thì hậu quả khôn lường đối với sức khỏe, tính mạng của nhân dân”, Thủ tướng nêu rõ.
 
Trong bối cảnh đó, Thủ tướng khẳng định: “Chính phủ Việt Nam chủ động kiểm soát mọi tình hình”. Thủ tướng dẫn lại đánh giá của Ngân hàng Thế giới (trong Báo cáo Đông Á và Thái Bình Dương thời COVID-19 vừa được công bố chiều 31/3) nhìn nhận nền kinh tế Việt Nam vẫn đứng vững trước các cú sốc bên ngoài trong mấy tháng đầu năm 2020, không gục ngã, đạt mức tăng trưởng cao nhất.
 
Quý I/2020, tăng trưởng đạt 3,82%, mức thấp nhất trong 11 năm qua nhưng là con số cao nhất trong số các nước có được số liệu đến thời điểm này. Với điều kiện hội nhập như Việt Nam, chúng ta đã cố gắng giữ vững nhịp độ cần thiết. Chính phủ nỗ lực bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt lo cho người dân, nhất là người, những người thất nghiệp. Thủ tướng cho biết, hôm nay, Chính phủ sẽ thảo luận nghị quyết về gói an sinh xã hội quan trọng này.
 
Nhấn mạnh 15 ngày tới là thời điểm quyết định để ngăn chặn dịch, Thủ tướng yêu cầu người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật cần thiết, thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp, không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng; yêu cầu mọi người dân tích cực chấp hành việc khai báo y tế tự nguyện, phải tự bảo vệ mình, gia đình mình, tham gia có trách nhiệm vào các hoạt động phòng chống của các cơ quan có chức năng.
 
Thủ tướng cũng yêu cầu người đứng đầu doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh chịu trách nhiệm áp dụng biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở mình, bảo đảm sức khỏe, an toàn cho người dân. 
 
Linh hoạt nhưng cương quyết
 
Báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trên thế giới ghi nhận 788.000 ca mắc bệnh Covid-19 tại 202 vùng quốc gia, vùng lãnh thổ, với 37.884 trường hợp tử vong. Mỹ và Italia là hai quốc gia ghi nhận hơn 100 nghìn ca mắc bệnh. 
 
Tình hình dịch bệnh trên thế giới tiếp tục có diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu thuyên giảm, chưa có nước nào dự đoán được thời điểm kết thúc của dịch này. Hầu hết các nước đều áp dụng các biện pháp mạnh mẽ mà trước đây còn do dự như: đóng cửa biên giới, cấm, hạn chế nhập cảnh, cách ly 14, phong tỏa cả thành phố hay phong tỏa cả quốc gia. 
 
Tại Việt Nam đã ghi nhận 212 ca nhiễm Covid-19, 5 tỉnh thành phố ghi nhận có số ca mắc cao nhất gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Vĩnh Phúc, Bình Thuận, Ninh Bình. Tổng số người tiếp xúc gần, đi về từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe, cách ly tới 66 nghìn người, trong đó hơn một nửa phải cách ly tại các khu cách ly tập trung, dịch đã lan ra 24/63 tỉnh thành phố. 
 
Tình hình dịch bệnh của Việt Nam đã xuất hiện lây lan nhanh, lây lan trong cộng đồng, nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng do các trường hợp bệnh xâm nhập từ nước ngoài chưa được sàng lọc, phát hiện, hoặc những trường hợp nhập cảnh có mang vi rút nhưng chưa phát hiện lâm sàng. Có thể trong những ngày tới sẽ phát hiện thêm những ca nhiễm vi rút trong cộng đồng. 
 
Để ngăn chặn dịch xâm nhập, lây lan trong cộng đồng, với sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống dịch Covid-19, Việt Nam đã triển khai đồng bộ các biện pháp nhập cảnh, tạm dừng cấp thị thực, tạm dừng nhập cảnh, tạm dừng các chuyến bay, cách ly 14 ngày khi nhập cảnh, huy động quân đội trong ngăn chặn, cách ly theo diễn biến dịch bệnh của các nước trên thế giới từ mức độ thấp đến cao, xử lý tình huống theo từng quốc gia, từng khu vực và được nâng lên ở mức toàn cầu. Nhờ chính sách như vậy chúng ta đã đảm bảo được lưu thông hàng hóa và kiểm soát chặt chẽ nguồn bệnh xâm nhập. Các biện pháp trong nước cũng được thực hiện theo từng cấp độ, từ khuyến cáo, hạn chế, tạm dừng, đóng cửa; từ khuyến cáo hạn chế đông người đến quy định số lượng cụ thể. Các biện pháp áp dụng của Việt Nam linh hoạt nhưng cương quyết, với phương châm dự phòng là chính nên các hoạt động bao giờ cũng cao hơn mức khuyến cáo. 
 
Tiến hành khoanh vùng, cách ly kiểm soát thành công ở một số các ổ dịch: Vĩnh Phúc, Trúc Bạch (Ba Đình), Bình Thuận, TP Hồ Chí Minh. Các ổ dịch cơ bản đã được kiểm soát và bệnh viện Bạch Mai đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương để xử lý tình hình sớm nhất.
 
Cùng với đó, đã tổ chức phân loại, thu dung phân tuyến điều trị từ tuyến cơ sở đến các bệnh viện, ban hành sớm, thường xuyên cập nhật các phác đồ điều trị. Kết quả, Việt Nam đã điều trị khỏi 58 trường hợp, ngày hôm nay sẽ có thêm 5 trường hợp nữa; các bệnh nhận nặng đã khá hơn, cho đến nay cho kết quả xét nghiệm âm tính. Đến nay chưa có trường hợp nào tử vong.
 
“Với tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, sự phối hợp nhịp nhàng của các ngành, các cấp, các địa phương, công tác phòng chống dịch đã thành công trong 2 giai đoạn và đang kiểm soát được giai đoạn 3. Trong 15 ngày tới là giai đoạn vô cùng quan trọng với mục đích là kiểm soát tốt nguồn lây, làm chậm lại quá trình lây nhiễm để ứng phó tốt hơn với nguồn bệnh” - đồng chí Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định. 
 
Về những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, đồng chí Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm phương châm "chống dịch như chống giặc", thực hiện 4 tại chỗ, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, huy động toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tham gia phòng chống dịch; tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia trong phòng, chống dịch. Nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, địa phương trong công tác phòng chống dịch bệnh.
 
Chủ động, quyết liệt, phát hiện nhanh, kiểm soát chặt chẽ và ngăn chặn nguồn lây bệnh. Tiếp tục thực hiện cách ly nghiêm ngặt, chuẩn bị sẵn sàng phương án cách ly trên diện rộng, giám sát chặt chẽ người đã tiếp xúc với người bệnh, hạn chế tối đa sự lây lan dịch bệnh trong cộng đồng; điều trị hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong do dịch bệnh; bảo đảm an toàn tối đa cho nhân viên y tế. Nỗ lực bằng mọi biện pháp phù hợp để không để xảy ra dịch lớn.
 
Tiếp tục rà soát các kịch bản ứng phó với các cấp độ của dịch bệnh, kể cả tình huống xấu, tình huống có thể phải ban bố tình trạng khẩn cấp, để đảm bảo chủ động, kịp thời trong ứng phó.
 
Tiếp tục đẩy nhanh quá trình mua sắm, cung ứng phương tiện, dụng cụ phòng hộ, đảm bảo đủ thuốc men, vật tư cho công tác điều trị; Tiếp tục đẩy mạnh phát huy tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, xử lý nghiêm việc thông tin thất thiệt gây hoang mang trong nhân dân; xử lý nghiêm các hành vi cản trở, khai báo không trung thực làm lây lan dịch bệnh và bình tĩnh trong công tác phòng chống dịch bệnh.
 
Tiếp tục tập trung chỉ đạo đầu tư hiệu quả cho nghiên cứu các hình thức phòng chống dịch bệnh hiệu quả, cập nhật các phác đồ điều trị, nghiên cứu thuốc điều trị đặc hiệu, sản xuất sinh phẩm chuẩn đoán.

Lê Hải


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t