Đảm bảo hàng hóa phục vụ nhân dân và địa phương có khu vực cách ly (18:45 21/03/2020)


HNP - Chiều 21/3, đoàn công tác của Bộ Công thương đã làm việc với UBND thành phố Hà Nội về công tác chuẩn bị hàng hóa và phương án cung ứng hàng hóa thiết yếu để đáp ứng nhu cầu của người dân trong giai đoạn xảy ra dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố. Đồng chí Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương và đồng chí Nguyễn Doãn Toản, Phó Chủ tịch UBND thành phố đồng chủ trì buổi làm việc.

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản phát biểu tại buổi làm việc


Theo báo cáo của Sở Công thương Hà Nội, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trên cả nước và ở thành phố Hà Nội, ngay từ đầu tháng 2/2020, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Công thương chủ động tiếp tục triển khai công tác bình ổn thị trường sau tết theo Chương trình bình ổn thị trường của Thành phố, các doanh nghiệp tham gia bình ổn vẫn trong các tháng thực hiện chương trình nên hàng hóa vẫn đáp ứng đầy đủ, giá cả ổn định.
 
Khi dịch xảy ra, thành phố yêu cầu các hệ thống phân phối tập trung tăng cường dự trữ hàng hóa 30-40%. Đêm ngày 6/3 và ngày 7/3, khi Hà Nội ghi nhận ca nhiễm Covid-19 đầu tiên, các doanh nghiệp đã triển khai ngay phương án khai thác và luân chuyển hàng hóa để phục vụ nhân dân. Theo báo cáo của các doanh nghiệp, lượng hoàng hóa dự trữ phòng chống dịch tăng gấp 4-5 lần ngày bình thường, các doanh nghiệp như Vinmart hàng hóa tăng 40 lần, các nhà cung cấp đã lên kế hoạch phân bổ hàng hóa chuyển từ các tỉnh về cho hệ thống phân phối tại Hà Nội…; Hệ thống siêu thị Coopmart tăng lượng dự trữ ngay tại các kho của Hà Nội, Bắc Ninh, lượng hàng tăng 30%, huy động 100% cán bộ đi phục vụ, mở thêm thời gian bán hàng phục vụ nhân dân cho đến khi hết khách…các siêu thị cũng đẩy mạnh kênh bán hàng thương mại điện tử để phục vụ nhu cầu nhân dân khi phòng, chống dịch.
 
Sở Công thương đã xây dựng phương án dự trữ hàng hóa theo 4 cấp độ dịch của thành phố, trong đó, tập trung vào cấp độ 3-4; đảm bảo sẵn hàng hóa phục vụ nhân dân và phục vụ cho địa phương có khu vực cách ly của thành phố.
 
Chỉ đạo các nhà cung cấp, các nhà sản xuất đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa cho các hệ thống phân phối và phục vụ nhu cầu của nhân dân. Đến nay, các doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Central Retain (hệ thống siêu thị Big C, Lan Chi), Tập đoàn BRG (hệ thống Hapro, Intimex, Seika mart), hệ thống siêu thị Đức Thành…đã tăng lượng hàng hóa dự trữ lên gấp từ 300-500% so với bình thường đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu. Các doanh nghiệp sẵn sàng mở cửa bán hàng muộn, tăng cường nhân viên giao hàng để đẩy mạnh các hình thức bán hàng online. Lượng bán hàng online nhu cầu cao như khẩu trang và nước rửa tay được các doanh nghiệp dự trữ với lượng lớn đảm bảo đủ cung cấp cho người dân. Chủ động kết nối với các tỉnh, thành phố, sẵn sàng cung ứng đưa ngay hàng về Hà Nội khi có nhu cầu sử dụng cao và có biến động xảy ra…nhờ vậy, từ ngày 7/3 đến nay, hàng hóa vẫn đáp ứng đầy đủ và sức mua bình thường.
 
Cũng tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở Công thương kiến nghị Bộ Công thương chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang kháng khuẩn và khẩu trang y tế có kế hoạch sản xuất đủ để phục vụ nhu cầu của cả nước nói chung và của thành phố Hà Nội nói riêng; cung cấp đầy đủ thông tin các đầu mối cung ứng nhu yếu phẩm ở các tỉnh cho thành phố Hà Nội để kịp thời kết nối cung cấp hàng hóa cho người dân thành phố. Bên cạnh đó, cần có chính sách kiềm chế giảm hoặc không tăng giá nguyên vật liệu, chi phí đầu vào cho doanh nghiệp (điện, nước, xăng dầu…); có chính sách, kế hoạch giãn nợ cho các doanh nghiệp…
 
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại buổi làm việc
 
Thay mặt đoàn công tác, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải đánh giá cao Hà Nội cũng như các sở, ngành liên quan đã chủ động, chuẩn bị tốt hàng hóa ứng phó với dịch Covid-19 trong thời gian qua. Thời gian tới, đồng chí đề nghị Hà Nội cần tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình thị trường, phối hợp với các doanh nghiệp, kịp thời triển khai các biện pháp đảm bảo nguồn cung các mặt hàng thiết yếu cả về số lượng và chất lượng. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tránh tình trạng lợi dụng tình hình dịch bệnh các đơn vị sản xuất những mặt hàng giả, kém chất lượng, nâng giá vật tư y tế, đầu cơ tích trữ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tiếp tục quan tâm đến công tác thông tin truyền thông; có các giải pháp hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phân phối, sản xuất kinh doanh trên địa bàn hiện đang gặp nhiều khó khăn…
 
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Doãn Toản khẳng định, Hà Nội là một trong những địa phương rất quan tâm đến công tác phòng, chống dịch bệnh. Ngay sau khi có chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo do đồng chí Chủ tịch UBND thành phố làm Trưởng ban. Thường trực Thành ủy thường xuyên làm việc với Ban cán sự Đảng UBND thành phố cũng như làm việc với Ban chỉ đạo thành phố phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
 
Cùng với việc tập trung cho công tác phát hiện, xét nghiệm, cách ly các trường hợp nghi nhiễm, một trong những nhiệm vụ trọng tâm Hà Nội đang chỉ đạo đó là xây dựng kịch bản đảm bảo các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân, tránh tình trạng thiếu hàng hóa và hàng hóa kém chất lượng. “Việc xây dựng kịch bản nguồn cung hàng hóa không phải là việc đầu tiên Thành phố triển khai nhiệm vụ này. Đây là việc làm thường xuyên của Thành phố đặc biệt là vào các dịp Tết, vào mùa mưa bão để đáp ứng nhu cầu tăng trong các dịp này” - Phó Chủ tịch UBND thành phố khẳng định. 
 
Với tình hình diễn biến của dịch bệnh, Hà Nội cũng tính đến các tình huống xấu của dịch bệnh để chủ động chuẩn bị. Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Doãn Toản nhấn mạnh: "Hà Nội rất chủ động để đưa ra các tình huống trong thực tiễn, cân đối nguồn ngân sách, bảo đảm hậu cần, cung ứng hàng hóa, xây dựng công tác kiểm soát, phương tiện cung ứng để hàng hóa đến nhanh nhất, không bị xáo trộn với người dân".

Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t