Cung ứng đủ lượng hàng thiết yếu cho Nhân dân Thủ đô (21:14 07/03/2020)


HNP - Chiều 07/3, Bộ trưởng Bộ Công thuơng Trần Tuấn Anh đã chủ trì cuộc họp khẩn về công tác cung ứng, đảm bảo hàng hóa trên địa bàn Hà Nội trong thời gian diễn ra dịch Covid-19. Tại cuộc họp, đại diện các doanh nghiệp đã khẳng định sẽ cung ứng đủ nhu cầu hàng hóa thiết yếu cho người dân Thủ đô, đồng thời cam kết không tăng giá hàng hóa.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh kết luận tại cuộc họp


Thông tin nhanh tại cuộc họp, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Vụ TTTN) Trần Duy Đông cho biết: Sau khi nhận thông tin thành phố Hà Nội đã có 01 trường hợp nhiễm với Covid-19, Vụ TTTN đã có văn bản gửi các doanh nghiệp phân phối (hệ thống các siêu thị, các cửa hàng tiện ích…) trên địa bàn thành phố Hà Nội tăng cường nguồn cung hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu của người dân; có phương án điều tiết nguồn hàng từ các nhà cung cấp, từ các điểm bán hàng ngoài Hà Nội để tăng lượng cung ứng cho địa bàn thành phố Hà Nội. Bên cạnh đó, Vụ Thị trường trong nước cũng phối hợp với Sở Công Thương thành phố Hà Nội trực tiếp kiểm tra đôn đốc các doanh nghiệp phân phối trên địa bàn triển khai các phương án bảo đảm nguồn cung hàng hóa cho thị trường, giữ ổn định tâm lý thị trường.
 
Về hoạt động thương mại điện tử, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Đặng Hoàng Hải cho biết, ngay trong sáng nay, Cục đã yêu cầu các sàn thương mại điện tử phải niêm yết giá với tất cả các mặt hàng nhu yếu phẩm thay vì chỉ niêm yết giá với các sản phẩm phòng chống dịch như trước đây. Để kích thích mua sắm trực tuyến, Đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đang phối hợp với các đơn vị vận chuyển, đề nghị miễn phí chi phí vận chuyển trong thời gian dịch bệnh. Theo đó, các doanh nghiệp nêu cao khẩu hiệu: Miễn phí vận chuyển và giao hàng trong 24h.
 
Báo cáo tình hình cung ứng hàng hóa tại Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Thị Phương Lan cho biết, từ 22h30, ngày 06/3 đến 0h30, ngày 07/3, ngay sau cuộc họp lúc 22h, UBND thành phố Hà Nội đã họp với các sở, ban ngành và yêu cầu Sở Công Thương Hà Nội đảm bảo nhu cầu cho người dân và trấn an tâm lý người tiêu dùng. Sở Công thương Hà Nội cũng đã xây dựng kịch bản dự trữ hàng hóa cho 4 cấp độ dịch; xây dựng phương án dự trữ hàng hóa cho cả trường hợp 1.000 người phải cách ly vì bệnh Covid-19. Hiện nay, hàng hóa đã được dự trữ và phân phối, sẵn sàng cung ứng đầy đủ nhu cầu của người dân, kể cả khi lượng mua sắm tăng cao, nhu cầu tăng đột biến. Bên cạnh đó, Phó Giám đốc Sở Công thương cũng khuyến cáo người dân mua hàng theo đúng nhu cầu sinh hoạt của gia đình, tránh hoang mang lo lắng vì lượng hàng hóa vẫn rất dồi dào.
 
Theo báo cáo của một số doanh nghiệp phân phối trên địa bàn Hà Nội cho thấy lượng khách đến mua hàng từ sáng 7/3 tăng mạnh, nhiều siêu thị đã tăng mạnh lượng hàng dự trữ cung ứng cho thị trường trong bối cảnh dịch. Chuỗi Big C tăng 300% lượng hàng, chuỗi BRG Retail (Hapro, Intimex, Fujj Mart) tăng 300%, chuỗi Saigon Co.op Mart tăng 50%, chuỗi Vinmart tăng 30-50%...
 
Chia sẻ về công tác cung ứng hàng hóa, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Retail (DN quản lý khai thác hệ thống siêu thị Big C) Nguyễn Thị Phương cho biết: Trong ngày 7/3 lượng khách đến mua sắm tại hệ thống siêu thị Big C tăng 3-4 lần so với ngày thường, mặt hàng tiêu thụ nhiều nhất là các loại thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô, giấy vệ sinh… Mặc dù sức tiêu thụ tăng mạnh nhưng Big C vẫn đáp ứng đầy đủ nhu cầu mua sắm của người dân. Dự kiến, ngày 8/3, Big C sẽ mở cửa bán hàng từ 8 giờ sáng đến 23-24h, đến khi hết khách hàng mới đóng cửa dừng kinh doanh doanh, đồng thời, cam kết không tăng giá sản phẩm, kêu gọi khách hàng bớt tâm lý lo lắng. 
 
Cũng tại cuộc họp, Phó Giám đốc Saigon Co.op Hà Nội Nguyễn Thị Kim Dung khẳng định không tăng giá các mặt hàng trên toàn hệ thống. Ngay trong đêm qua, Công ty cũng chỉ đạo cung ứng nguồn hàng từ kho tại Bắc Ninh chuyển về Hà Nội. Về việc dự trữ hàng hóa, tính đến ngày 6/3, hệ thống siêu thị Co.op Mart toàn quốc dự trữ lượng hàng hóa cho mùa dịch Covid-19 trị giá 500 tỷ đồng, trong đó, số lượng hàng hóa phục vụ thị trường Hà Nội trị giá 100 tỷ đồng. Hệ thống Co.op Mart cũng có thể huy động hàng từ miền Nam, miền Tây, rau quả Đà Lạt, hàng đông lạnh để chuyển tới thị trường Hà Nội và cam kết không tăng giá…
 
Để đảm bảo lượng hàng hóa cung ứng cho thị trường, chống khan hàng tăng giá, tại cuộc họp các siêu thị đều cho biết đã yêu cầu các nhà cung ứng đầy đủ các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, không tăng giá bán. 
 
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trấn Tuấn Anh đề nghị các đơn vị chức năng tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, triển khai các biện pháp nhằm hỗ trợ tăng nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho địa bàn Hà Nội. Bộ trưởng yêu cầu Vụ TTTN phối hợp chặt với Tổng cục QLTT đảm bảo cung cầu, hàng hóa đầy đủ, không được để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tích trữ, đẩy giá lên cao, kiểm soát việc lợi dụng tình hình thị trường bất ổn để kinh doanh hàng giả, nhái, kém chất lượng. Yêu cầu Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp với các doanh nghiệp phân phối hỗ trợ đẩy mạnh các hoạt động, hình thức mua bán hàng hóa trực tuyến để tăng khả năng đáp ứng nhu cầu hàng hóa cho người dân, nhất là cho các khu vực bị cách ly.
 
Đối với Sở Công Thương thành phố Hà Nội, cần bám sát các diễn biến của thị trường, trực tiếp kiểm tra, đôn đốc, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phân phối tăng cường các biện pháp cung ứng, điều phối và bán lẻ các hàng hóa phục vụ người dân.
 
Đặc biệt, Bộ truởng yêu cầu các doanh nghiệp phân phối bán lẻ, cần tiếp tục làm việc với các nhà cung cấp để bảo đảm nguồn cung, chất lượng hàng hóa cung cấp cho hệ thống bán hàng của doanh nghiệp một cách tốt nhất, nhanh nhất; đồng thời, đảm bảo an toàn, nâng cao công tác phòng chống dịch cho người tiêu dùng đến mua sắm tại hệ thống cửa hàng, siêu thị.
 
Theo báo cáo nhanh của một số doanh nghiệp phân phối, lượng khách đến mua hàng, từ sáng ngày 07/3/2020 có tăng nhưng hiện nguồn cung hàng hóa tại các điểm bán hàng của các siêu thị vẫn đáp ứng đủ nhu cầu. Theo chỉ đạo của Bộ Công Thương và đánh giá nhu cầu mua hàng của người dân đối với loại hình phân phối bán lẻ hiện đại trong giai đoạn dịch bệnh sẽ tăng nên các doanh nghiệp đã chủ động tăng lượng dự trữ hàng hóa gấp 3-4 lần so với trước. Trong ngày hôm nay, hệ thống các siêu thị đang triển khai phương án điều nguồn hàng từ bên ngoài Hà Nội về các điểm bán hàng trong thành phố để cung cấp cho người dân, cụ thể:
 
+ Hệ thống siêu thị BigC đã tăng lượng dự trữ hàng thực phẩm thêm 3-4 lần; Làm việc với các nhà cung cấp tăng cường tần suất giao hàng; huy động và tăng cường nhân viên làm việc tối đa, kể cả làm thêm ca đêm; cam kết tiếp tục giữ ổn định giá bán các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, bảo đảm luôn đủ nguồn hàng cung ứng trước mắt trong vài tuần tới.
 
+ Công ty BRG Retail: Công ty đã có phương án để đáp ứng nguồn hàng kể cả khi Hà Nội công bố dịch, theo đó, đã tăng gấp 3 lần lượng hàng dự trữ, riêng mặt hàng gạo đang điều 20 tấn từ phía Nam ra Hà Nội.
 
+ Công ty MM Megamarket: Khẳng định Công ty và các nhà cung cấp đủ nguồn hàng để cung ứng cho thị trường; Công ty đã có sự chuẩn bị từ trước, đã làm việc trực tiếp với các trang trại để bảo đảm nguồn cung và an toàn thực phẩm; Tại các siêu thị, sắp xếp và yêu cầu nhân viên tăng cường các biện pháp nhằm phục vụ khách hàng nhanh nhất và bảo đảm an toàn dịch bệnh.

Quang Phú


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t