Thành ủy Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW của Ban Bí thư (14:11 28/11/2019)


HNP - Sáng 28-11, Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW, ngày 9-12-2003, của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân”. Tham dự hội nghị có các đồng chí: Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; Nguyễn Văn Phong - Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, Lê Hồng Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP; lãnh đạo các sở, ban, ngành của TP.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng trao bằng khen cho các tập thể


Đánh giá tại hội nghị cho thấy, từ khi có Chỉ thị số 32-CT/TW, nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền trên địa bàn thành phố về vai trò, tầm quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật có sự chuyển biến rõ nét, quan tâm, triển khai một cách sâu rộng, xác định rõ hơn công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là một bộ phận quan trọng trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng. Người dân dần có ý thức tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật; nhận thức, hiểu biết pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, người dân từng bước được nâng lên.
 
Bên cạnh đó, TP đã nghiêm túc triển khai, cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của Trung ương; ban hành, hoàn thiện hệ thống các quy định, chính sách, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác PBGDPL được thực hiện đồng bộ, toàn diện, chặt chẽ và đi vào nền nếp, gắn với trách nhiệm của từng công dân, cá nhân, tổ chức, trách nhiệm của cơ quan Nhà nước, các tổ chức đoàn thể trong việc triển khai thực hiện công tác này… 
 
Đội ngũ cán bộ làm công tác PBGDPL các cấp, báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên... được củng cố kiện toàn, ngày càng tăng về số lượng. Công tác xã hội hóa hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật ngày càng nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân. Kinh phí thực hiện cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được TP ngày càng quan tâm.
 
Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn cho biết: Từ năm 2003 đến tháng 6-2019, các cấp, ngành thành phố đã tổ chức 91.986 hội nghị phổ biến pháp luật, thu hút 14.475.535 lượt người tham dự; phát hành miễn phí 214.857.215 tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật. Trang thông tin điện tử tuyên truyền phổ biến pháp luật của thành phố đã đăng tải 24.000 tin, bài tuyên truyền. Thành phố cũng đã tổ chức 4.296 cuộc thi, thu hút 6.430.854 người dự thi tìm hiểu pháp luật..
 
Nhờ triển khai tốt công tác PBGDPL, số xã, phường, thị trấn trên địa bàn TP đã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm sau cao hơn năm trước. Tính đến hết năm 2018, đã có 515/584 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (chiếm tỷ lệ 88,2%) tăng 87 xã, phường, thị trấn so với năm 2017 là 428/584 xã, phường, thị trấn (tỷ lệ 72,38%).
 
Tại hội nghị, tham luận của các đơn vị cũng đã làm rõ những kết quả nổi bật sau 15 thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW, đồng thời, đưa ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn thành phố thời gian tới.
 
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại hội nghị
 
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong việc triển khai thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW trên địa bàn thành phố Hà Nội trong 15 năm qua. Đồng chí đánh giá, từ việc thực hiện nghiêm chỉ thị, công tác phổ biến giáo dục pháp luật tại thành phố Hà Nội đã được thực hiện kịp thời, hiệu quả, góp phần tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, phục vụ kịp thời các nhiệm vụ chính trị của thành phố. Qua đó, đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân Thủ đô, đóng góp quan trọng vào kết quả phát triển kinh tế xã hội, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của thành phố. 
 
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cho rằng: Qua 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW, hiểu biết về pháp luật của cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô ngày càng được nâng cao rõ rệt. Cán bộ lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương đã ý thức được vai trò của công tác phổ biến giáo dục pháp luật và coi đây là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên. Thực tế cũng cho thấy thường xuyên có sự đổi mới trong phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy vai trò trách nhiệm trong tổ chức thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW”. 
 
Để tiếp tục thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả Chỉ thị 32-CT/TW, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền thành phố tập trung thực hiện 7 nhiệm vụ trọng tâm. Bên cạnh việc thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả Chỉ thị 32-CT/TW, các cấp ủy đảng, chính quyền thành phố lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thật tốt công tác phổ biến giáo dục pháp luật để góp phần tạo sự chuyển biến căn bản về ý thức tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân. Cùng với việc đổi mới, nâng cao hiệu quả trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật, cần gắn công tác này với các nhiệm vụ trọng tâm của thành phố, các chỉ thị, nghị quyết và chương trình công tác của Thành ủy, bảo đảm việc thực hiện chỉ thị được thực hiện thiết thực, hiệu quả, thường xuyên. 
 
Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng cũng đề nghị các cơ quan thông tin đại chúng của thành phố tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, biểu dương người tốt, việc tốt trong chấp hành pháp luật; đồng thời, lên án, phê phán những hành vi vi phạm pháp luật, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ nhân dân. 
 
Cũng tại hội nghị, các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW đã được Ban Thường vụ Thành ủy và UBND TP khen thưởng.

Huy Kiên


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t