Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm (16:38 15/11/2019)


HNP - Chiều 15-11, chuẩn bị cho kỳ họp thứ 11 HĐND TP Hà Nội khóa XV, đồng chí Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP và các đại biểu HĐND TP tại Tổ đại biểu Hoàn Kiếm đã tiếp xúc với hơn 200 cử tri quận Hoàn Kiếm.


Tại buổi tiếp xúc, cử tri đã nghe đại biểu Dương Đức Tuấn, Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm báo cáo về dự kiến nội dung, thời gian chương trình kỳ họp thứ 11 HĐND TP Hà Nội khóa XV nhiệm kỳ 2016-2021 và đại biểu Nguyễn Quang Thắng, Phó ban Văn hóa-Xã hội, HĐND TP báo cáo trả lời của Thành phố đối với những kiến nghị của cử tri quận Hoàn Kiếm tại kỳ tiếp xúc trước.

Hội nghị đã nghe 8 ý kiến của cử tri kiến nghị về các lĩnh vực liên quan đến đời sống dân sinh. Trong đó, đại diện cử tri phường Hàng Bạc kiến nghị thành phố có phương án không cho xe du lịch 45 chỗ đi vào tuyến phố trung tâm để đảm bảo an toàn giao thông. Ngoài ra, các tuyến phố đi bộ một số hộ dân mở nhạc rất to gây ồn ào, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Cử tri Doãn Thanh Tịnh, phường Hàng Bồ nêu vấn đề, việc sắp xếp lại tổ dân phố là cần thiết để ổn định hệ thống chính trị, gọn nhẹ và đạt hiệu quả cao, tuy nhiên công tác sắp xếp cũng có nhiều khó khăn vướng mắc với phường Hàng Bồ khi địa bàn có nhiều khách đến và đi, hộ dân đông, cán bộ tổ dân phố là cánh tay nối dài của Đảng đến với nhân dân nên khi sắp xếp, giảm đầu mối và số hộ dân lớn thì sẽ rất khó khăn cho người đảm nhận các nhiệm vụ của tổ dân phố.

Trong khi đó, cử tri Nguyễn Văn Ba, phường Hàng Mã kiến nghị thành phố tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân không sử dụng bếp than tổ ong để đảm bảo môi trường và chất lượng không khí. Cử tri cũng hoan nghênh chủ trương của thành phố trong triển khai y tế gia đình và đề nghị thành phố cho triển khai mạnh mẽ mô hình này.

Cử tri Trần Ngọc Toán, phường Tràng Tiền cho rằng, chủ trương sắp xếp, tinh gọn lại bộ máy hành chính nhà nước được nhân dân rất đồng thuận, đặc biệt là chủ trương sáp nhập thôn, tổ dân phố mà Hà Nội đang triển khai, tuy nhiên, cán bộ tổ dân phố hầu hết là cán bộ đã nghỉ hưu nên khi sáp nhập thì một người phải phụ trách nhiệm vụ lớn hơn, bất cập về sức khỏe, thời gian, công việc gia đình,… Do đó, cử tri kiến nghị mỗi tổ dân phố nên giữ nguyên cơ cấu có bí thư chi bộ, trưởng ban mặt trận, tổ trưởng và tổ phó dân phố. Về vấn đề nước sạch, cử tri kiến nghị thành phố có giải pháp quyết liệt đảm bảo nước sạch và tăng cường quản lý đối với Nhà nước nước sạch sông Đà, Nhà máy nước mặt sông Đuống,…

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP tiếp thu toàn bộ các ý kiến của cử tri để báo cáo với Thành ủy-HĐND-UBND TP giải quyết, đồng thời thông tin làm rõ những kiến nghị cụ thể của cử tri. Về ý kiến cử tri đề nghị không cho xe 45 chỗ vào khu vực Nhà hát múa rối Thăng Long, UBND TP tiếp thu để bố trí phương án phù hợp đảm bảo giao thông khu vực này. Đối với việc mở nhạc to tại khu vực phố đi bộ, đồng chí Nguyễn Đức Chung tiếp thu ý kiến của cử tri và giao quận Hoàn Kiếm rà soát, kiểm tra xử lý.

Về việc sáp nhập tổ dân phố, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho rằng, khó khăn là nhà sinh hoạt cộng đồng sẽ không đảm bảo với số lượng đông, ngoài ra cán bộ tổ dân phố hầu hết đều là cán bộ hưu trí nên thực tế sẽ gặp khó khăn, vì vậy kiến nghị của cử tri về giữ 4 vị trí cán bộ tổ dân phố như hiện nay là xác đáng và việc này sẽ được tiếp thu để báo cáo Thường trực Thành ủy, trên cơ sở tạo mọi thuận lợi nhất cho cán bộ cơ sở.

Về mô hình y tế gia đình, đồng chí Nguyễn Đức Chung cho biết, thành phố đang tích cực triển khai và đầu tư mạnh mẽ cho các tuyến bệnh viện của thành phố để giảm tải cho bệnh viện tuyến trên. Thành phố cũng rất tích cực đưa công nghệ tiên tiến về khám chữa bệnh trên thế giới về Hà Nội.

Về vấn đề giao thông, thành phố đã rất nỗ lực giải quyết điểm đen, trong năm 2019 đã giải quyết được 53 điểm đen về giao thông, đồng thời thành phố đã xây dựng được trung tâm điều hành giao thông thông minh, qua đó theo dõi được giám sát hành chính của toàn bộ xe buýt, taxi và sẽ đưa trung tâm này đi vào hoạt động năm 2020.

Liên quan đến vấn đề nước sạch, Chủ tịch UBND thành phố khẳng định, thành phố rất chú trọng tăng cường quản lý đối với các Nhà máy cấp nước sạch trên địa bàn thành phố, trong đó có Nhà máy nước mặt sông Đuống và Nhà máy nước sạch sông Đà, trong năm qua đã giảm tỷ lệ thất thoát nước sạch từ 28% xuống còn 15%, nhờ đó giảm giá thành nước sạch. Thành phố cũng lựa chọn những đơn vị có năng lực để triển khai dự án nước sạch vào thành phố để đảm bảo chất lượng nước, hiện nay, cùng với hai nhà máy nước sông Đà và sông Đuống còn có Nhà máy nước Hà Nam cung cấp nước sạch cho khu vực Phú Xuyên, Thường Tín; Nhà máy nước An Bình từ Thái Nguyên cung cấp nước sạch cho khu vực Sóc Sơn,… Như vậy có thể thấy thành phố đang hết sức nỗ lực cố gắng để đảm bảo nước sạch cho nhân dân Thủ đô. Phấn đấu đến năm 2030 phải đạt 2,1 triệu m3/ngày đêm và đến hết năm 2020 sẽ đóng toàn bộ các giếng khoan chuyển sang dùng nước mặt.


Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t