Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất (11:20 12/11/2019)


HNP - Sáng 12-11, Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống (12/11/1949-12/11/2019) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đến dự và chúc mừng Nhà trường.

Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong


Cùng tham dự buổi lễ có đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; PGS.TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, lãnh đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã.
 
Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chất lượng cao
 
Trong diễn văn ôn lại chặng đường 70 năm xây dựng và phát triển, đồng chí Nguyễn Ngọc Thạch, Thành ủy viên, Hiệu trưởng Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong cho biết, thực hiện chủ trương về kháng chiến chống Pháp của Hội nghị cán bộ Trung ương lần thứ sáu (tháng 01-1949), Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội đã ra quyết định “Mở cuộc vận động đào tạo và rèn luyện cán bộ tổng phản công”. Ngày 12-11-1949, hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội đã thông qua “Nghị quyết án” tổ chức trường đào tạo rèn luyện cán bộ chuẩn bị tổng phản công, lấy tên là Trường Lê Hồng Phong và phân công đồng chí Trần Quốc Hoàn - Bí thư Thành ủy kiêm Giám đốc trường.
 
Ở Sơn Tây, hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh họp từ ngày 01-6-1949 đến ngày 7-6-1949 đã quyết định thành lập Ban Huấn luyện có chức năng, nhiệm vụ tổ chức huấn luyện cả chính trị và văn hóa cho cán bộ, đảng viên trong tỉnh. Đây có thể coi là tiền thân các trường chính trị của Hà Đông và Sơn Tây sau này. Ngày 22-10-1999, Thành ủy Hà Nội có Thông báo số 50/TB-TU, nhất trí lấy ngày 12-11-1949 là Ngày thành lập và cũng là Ngày truyền thống của Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong hiện nay.
 
Hiệu trưởng Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong trình bày diễn văn tại lễ kỷ niệm
 
Trải qua các giai đoạn lịch sử, Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong được sáp nhập từ nhiều trường tiền thân có tên gọi khác nhau. Năm 2008, Trường được hợp nhất với Trường Chính trị tỉnh Hà Tây. Với chức năng cơ bản và nhiệm vụ trọng tâm của Nhà trường là đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho Thành phố có trình độ lý luận chính trị hành chính, kỹ năng nghiệp vụ công tác Đảng và các tổ chức chính trị - xã hội.
 
Vinh dự lớn đối với nhà trường là trong đợt học tập chính trị sâu rộng về tình hình và nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới do Thành ủy Hà Nội tổ chức cho cán bộ, đảng viên Thủ đô, ngày 23-8-1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm trường và Bác đã căn dặn cán bộ, học viên nhà trường: “Các cô, các chú ở đây đều là những người làm công tác trường Đảng, làm công tác trường Đảng là một nhiệm vụ vẻ vang… Bây giờ nhân dân ta đã tiến bộ, nếu Đảng không tiến bộ thì không lãnh đạo được nhân dân, mà Đảng tiến bộ là do đảng viên tiến bộ. Đảng viên muốn tiến bộ thì phải học, học không chỉ để nói mà để làm. Các cô, các chú ở đây là giúp Đảng một phần trong công tác đào tạo cán bộ, nhưng nhiệm vụ vẻ vang chừng nào thì trách nhiệm càng nặng nề, thiết thực ngần ấy. Trường này gọi là gì? Lê Hồng Phong là ai? Tên trường là một bài học cho các cô, các chú. Đồng chí Lê Hồng Phong đã hy sinh vì Đảng, vì dân. Các cô, các chú phải làm thế nào cho xứng đáng với tên trường của các cô, các chú đang học đây?”. Ngày 02-12-1959, trong lần về thăm và làm việc với Tỉnh ủy Hà Đông, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng căn dặn: “Cán bộ từ tỉnh đến huyện, xã phải học tập chính trị, văn hóa, kỹ thuật để làm tròn nhiệm vụ ngày càng nhiều và càng mới”.
 
Thấm nhuần lời dạy của Bác, Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức, đào tạo, bồi dưỡng được hàng chục vạn lượt cán bộ, đảng viên phục vụ cho nhiệm vụ cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, trong sự nghiệp đổi mới xây dựng đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Những cán bộ, đảng viên sau khi tốt nghiệp đều phát huy được học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn, đều tiến bộ, trưởng thành trong rèn luyện và công tác.
 
Bên cạnh hoạt động giảng dạy, Nhà trường cũng tập trung nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế. Hơn 10 năm sau khi hợp nhất, Nhà trường đã thực hiện 4 đề tài khoa học cấp thành phố (trong đó 3 đề tài đã được nghiệm thu). Hằng năm, nhà trường có từ 5 đến 7 đề tài khoa học và 2 đến 3 hội thảo khoa học cấp trường. Ngoài ra, Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong còn thực hiện hiệu quả chương trình hợp tác với Trường Chính trị - Hành chính Thủ đô Viêng Chăn nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào, góp phần tăng cường tình đoàn kết hữu nghị truyền thống đặc biệt giữa hai Thủ đô và hai đất nước.
 
Công tác cán bộ luôn được Đảng ủy và Ban Giám hiệu nhà trường thường xuyên quan tâm chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, đúng quy định, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Thực hiện Quyết định 09-QĐ/TW ngày 13-8-2018 của Ban Bí thư, sau sắp xếp lại tổ chức bộ máy, hiện nay nhà trường có 3 khoa, 2 phòng (trước đây là 4 khoa, 3 phòng) với biên chế được giao là 129 người. Đội ngũ giảng viên hầu hết đều có trình độ thạc sĩ trở lên, trong đó có 6 tiến sĩ và 7 giảng viên đang đi học nghiên cứu sinh, trình độ lý luận cao cấp có 34 người, lý luận trung cấp có 48 người. 
 
Với những nỗ lực, cố gắng trong sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của thành phố Hà Nội, Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng 3 Huân chương Lao động, 2 Huân chương Độc lập cùng nhiều cờ thi đua, bằng khen của các cấp.
 
Không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy
 
Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải chúc mừng, biểu dương và trân trọng cảm ơn những đóng góp, cống hiến to lớn của các đồng chí lãnh đạo cùng tập thể cán bộ, công chức, giảng viên của Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong qua các thời kỳ. Bí thư Thành ủy khẳng định, qua 70 năm bền bỉ, phấn đấu xây dựng, phát triển và trưởng thành, thực hiện nhất quán sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, UBND Thành phố và của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Nhà trường đã khẳng định vị trí của Trường Chính trị Thủ đô trong hệ thống các Trường Chính trị của cả nước. Vị thế, vai trò của Nhà trường ngày càng được nâng lên, đặc biệt là trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức và thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ Thành phố.
 
Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải phát biểu tại buổi lễ
 
Bí thư Thành ủy nêu rõ: Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “cán bộ là gốc của mọi công việc”, “công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt, hay kém”, “huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”, Đảng ủy, Ban Giám hiệu, mỗi cán bộ, đảng viên, giảng viên Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong phải xác định vị trí, vai trò và nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn nữa về chức năng, nhiệm vụ của Trường Đảng cấp tỉnh trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho hệ thống chính trị ở cơ sở, đặc biệt là vai trò, vị trí của trường Lê Hồng Phong - trường chính trị của Đảng bộ Thủ đô, Đảng bộ có số lượng đảng viên lớn nhất cả nước; ngôi trường vinh dự mang tên vị Tổng bí thư thứ 2 của Đảng.
 
Từ đó, Nhà trường cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) gắn với thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị và Quy định 08 về trách nhiệm nêu gương. Thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, nhất là tự phê bình và phê bình; nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ của cán bộ, giảng viên; xây dựng Đảng bộ Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong luôn là tổ chức cơ sở đảng tiêu biểu trong sạch, vững mạnh của Thành phố.
 
Bí thư Thành ủy lưu ý Nhà trường cần tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, đội ngũ giảng viên có phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng, năng lực chuyên môn giỏi, có kiến thức lý luận sâu sắc, gương mẫu về mọi mặt, nhất là về tư tưởng, đạo đức, lối sống, phong cách. “Từng bài giảng phải thể hiện được tính Đảng sâu sắc, tâm huyết, tận tụy vì sự nghiệp đào tạo”, đồng chí nhấn mạnh.
 
Đặc biệt, cần chú trọng đổi mới mạnh mẽ hơn nữa phương pháp giảng dạy theo hướng hiện đại để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng; kết hợp chặt chẽ, sâu sắc hơn giữa lý luận và thực tiễn, đặc biệt những những vấn đề mới, vấn đề khó như: Những lý luận về các vấn đề quốc tế, công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, lý luận về đổi mới hệ thống chính trị đi đôi với đổi mới kinh tế - xã hội... Tăng cường công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá chất lượng học tập; kiên quyết khắc phục tình trạng ngại học, lười học lý luận chính trị, học để đối phó.
 
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng trao Bức trướng cho Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong
 
Nhân dịp này, Thành ủy Hà Nội đã tặng Đảng bộ Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong bức trướng: Phát huy truyền thống 70 năm: Đoàn kết, sáng tạo, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả; Xứng đáng trường chính trị của Thủ đô văn hiến, anh hùng.

Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t