Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đối thoại với đại biểu MTTQ Việt Nam Thành phố (15:03 09/11/2019)


HNP - Sáng 9-11, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội chủ trì buổi gặp mặt, đối thoại với hơn 200 đại biểu Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Thành phố.

Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải phát biểu khai mạc hội nghị


Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội: Chủ tịch Ủy ban MTTQ Thành phố Nguyễn Lan Hương, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Lê Hồng Sơn. Các đồng chí Thành ủy viên: Phó Chủ tịch HĐND Thành phố Phùng Thị Hồng Hà, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Thành phố Bùi Huyền Mai; đại biểu các cơ quan thành phố, lãnh đạo các sở, ban, ngành Thành phố.
 
Lắng nghe, giải quyết tâm tư, nguyện vọng chính đáng
 
Mở đầu buổi đối thoại, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, thực hiện Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12-12-2013, của Bộ Chính trị ban hành quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Quyết định số 6525-QĐ/TU, ngày 25-9-2015 về “Quy định trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền tiếp thu góp ý của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trên địa bàn thành phố Hà Nội”, Quyết định số 2200-QĐ/TU, ngày 25-5-2017, của Thành ủy Hà Nội về “Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn thành phố Hà Nội”.
 
Thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương và Thành phố, đến nay, toàn Thành phố đã có 26/30 quận, huyện, thị xã tổ chức 34 cuộc đối thoại định kỳ. Các xã, phường, thị trấn cơ bản đã tổ chức đối với với nhân dân trên địa bàn theo quy định. Qua các cuộc đối thoại, các ý kiến của nhân dân đã được người đứng đầu cấp ủy, chính quyền tiếp thu, giải quyết kịp thời, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội, viên và các tầng lớp Nhân dân. 
 
Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, cuộc đối thoại hôm nay là dịp để các đồng chí lãnh đạo Thành phố lắng nghe, trao đổi, trả lời, giải quyết những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân Thủ đô. Đồng thời, đây cũng là dịp để MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, đoàn viên, hội viên và Nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh. 
 
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Thành phố Nguyễn Lan Hương điều hành hội nghị đối thoại
 
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Thành phố Nguyễn Lan Hương khẳng định, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, trực tiếp là đồng chí Bí thư Thành ủy, năm 2019, MTTQ các cấp Thành phố có nhiều cố gắng, đoàn kết các tầng lớp nhân dân hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, tổ chức thành công Đại hội đại biểu MTTQ các cấp nhiệm kỳ 2019-2024. 
 
Tập trung đối thoại, giải đáp 5 nhóm vấn đề
 
Tiếp đó, có 14 đại biểu MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội nêu câu hỏi đối thoại với lãnh đạo Thành phố. Các câu hỏi tập trung vào 5 nhóm nội dung: Công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; quy hoạch, xây dựng, quản lý quy trật tự đô thị; phát triển kinh tế; môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm và giáo dục - đào tạo.
 
Các đại biểu Nguyễn Huy Chương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Thanh Trì; Tô Văn Sáng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Phúc Thọ; Phạm Bá Vĩnh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố và Lý Duy Xuân, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Thành phố đề nghị lãnh đạo Thành phố cho biết về chủ trương phát triển Đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước, về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; về tăng cường thanh tra, kiểm tra, phòng chống tham nhũng ở những ngành, lĩnh vực nhạy cảm và thu hồi tài sản tham nhũng; về đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, triển khai dịch vụ công trực tuyến...
 
Đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố nêu câu hỏi tại hội nghị đối thoại
 
Giải đáp các câu hỏi của đại biểu MTTQ Thành phố, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo cho biết, Hà Nội là địa phương có số lượng lớn các khu công nghiệp, khu chế xuất và các doanh nghiệp đang hoạt động, vì thế, vấn đề đặt ra là phải tăng cường phát triển Đảng, các đoàn thể trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước và chủ trương này được cụ thể hóa bằng Nghị quyết 09 của Ban Thường vụ Thành ủy. Đến nay, toàn Đảng bộ Thành phố đã thành lập mới 1.302 tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước, kết nạp trên 8 nghìn đảng viên... Về công tác phòng, chống tham nhũng, Phó trưởng ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Thế Toàn cho biết, công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra trong nhiệm kỳ này được triển khai đồng bộ từ Ban Chỉ đạo Thành ủy đến HĐND, các ban của HĐND, Ủy ban Kiểm tra, Thanh tra Thành phố, MTTQ các cấp... 
 
Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cho rằng, khuyến khích, phát triển các tổ chức Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước là chủ trương nhất quán, nhằm góp phần phát triển các doanh nghiệp. Về lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, bên cạnh việc chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm các vụ việc tham nhũng phát sinh, Thành ủy cũng hết sức chú trọng khâu phòng ngừa, thông qua việc yêu cầu các cơ quan, đơn vị phải xác định những lĩnh vực nhạy cảm, tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng để có giải pháp. Về triển khai Đề án 21-ĐA/TU về sắp xếp, bố trí kiêm nhiệm người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở, Thành ủy chỉ đạo quá trình thực hiện chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, tạo đồng thuận; sắp xếp tinh gọn, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả; quan tâm động viên những người không tham gia công tác sau sắp xếp... Bí thư Thành ủy cũng cho rằng, triển khai xây dựng chính quyền điện tử, Thành phố thông minh thì vai trò của người dân có tính quyết định. Do vậy, đội ngũ cán bộ từ cơ sở phải triển khai tuyên truyền, vận động, hướng dẫn để người dân sử dụng các dịch vụ công trực tuyến mà Thành phố đã triển khai...
 
Liên quan đến lĩnh vực quản lý quy hoạch, xây dựng đô thị và phát triển kinh tế - xã hội, các đại biểu nêu câu hỏi, đề nghị Thành phố làm rõ chủ trương phát triển nông nghiệp công nghệ cao; định hướng phát triển kinh tế của Thành phố giai đoạn 2020-2025 và quy hoạch không gian ngầm của Thành phố, phục vụ phát triển giao thông tĩnh... 
 
Giải đáp những câu hỏi của các đại biểu, Bí thư Thành ủy cho rằng, Hà Nội tham gia mạng lưới các thành phố thông minh, thành phố sáng tạo đặt ra những thách thức cho Thủ đô phải phấn đấu để đạt được các tiêu chí. Thành phố mong muốn xây dựng một Thủ đô xứng đáng với vị thế trái tim cả nước, với niềm tin của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, đó là một Thành phố bình yên, an toàn, năng động về phát triển kinh tế, bền vững về môi trường... Để đạt được các mục tiêu này, Thành phố sẽ phải xây dựng các đề án, kế hoạch để thực hiện, đồng thời, mong muốn sự vào cuộc tham gia của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân. Bí thư Thành ủy cũng cho rằng, việc Thành phố chưa có quy hoạch không gian ngầm là một hạn chế, mất một cơ hội phát triển. Do vậy, Thành phố đang chỉ đạo khẩn trương xây dựng Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm - TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. 
 
Về lĩnh vực môi trường, vệ sinh ATTP và giáo dục đào tạo, các đại biểu MTTQ Thành phố đề nghị cần có giải pháp căn cơ để đảm bảo an ninh nguồn nước; quan tâm xử lý ô nhiễm môi trường các dòng sông; về vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường các làng nghề, nhất là ô nhiễm bụi, tiếng ồn, ô nhiễm nước, chất thải rắn, không khí; quan tâm các giải pháp PCCC và di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư... Một số đại biểu đề nghị Thành phố khắc phục tình trạng thiếu trường, lớp học và quản lý các cơ sở giáo dục ngoài công lập, nhất là các trường có yếu tố quốc tế.
 
Theo Bí thư Thành ủy, Hà Nội hiện nay có trên 8 triệu dân. Do vậy, để đáp ứng các nhu cầu thiết yếu, trong đó có nhà ở, cấp nước, giao thông, y tế, giáo dục... là thách thức và nhiệm vụ rất lớn. Vừa qua, sau khi xảy ra sự cố nước sạch sông Đà, Thành phố đã giao các sở, ngành đánh giá, rút kinh nghiệm. Trước hết là công tác thông tin phải đảm bảo cung cấp nhanh nhất, rõ ràng, mạch lạc đến người dân. Tiếp đó là công tác quản lý nhà nước, quản lý doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân để phát hiện các lỗ hổng, bổ sung quy định và quản lý chặt chẽ hơn. Đồng thời phải rà soát lại các quy trình về đảm bảo an toàn nguồn nước mặt... 
 
Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cũng cho biết, liên quan đến công tác xử lý nước thải, Thành phố còn làm chưa nghiêm và chưa tốt đối với các cơ sở sản xuất, nhà hàng,... còn tình trạng xả nước chưa qua xử lý, gây ô nhiễm các sông, hồ. Về quản lý ô nhiễm làng nghề, một trong những giải pháp căn cơ là phải đưa việc sản xuất của làng nghề ra các khu, cụm công nghiệp để xử lý môi trường tập trung. Liên quan đến nội dung di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư, Thành phố phải di dời 117 cơ sở, tuy nhiên, do doanh nghiệp không được phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất, do vậy, không có kinh phí để di dời. Hiện nay, Thành phố đang tập trung phê duyệt 21 đề án di dời, đồng thời, phải quản lý chặt hơn nữa đối với các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm... 
 
Mặt trận Tổ quốc phải là trung tâm đoàn kết, tập hợp mọi lực lượng xã hội
 
Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải phát biểu kết luận hội nghị
 
Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải khẳng định, thông qua việc tiếp xúc, đối thoại với đại biểu MTTQ, lãnh đạo Thành phố đã tiếp thu nhiều ý kiến, kiến nghị xác đáng, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ. Bí thư Thành ủy yêu cầu các ban Đảng, các sở, ngành Thành phố tiếp tục thực hiện quyết liệt các chỉ đạo của Trung ương và Thành phố về tinh gọn bộ máy, đánh giá, phân loại cán bộ; phát huy vai trò giám sát, phản biện của các tầng lớp nhân dân đối với cán bộ, đảng viên, gắn với chuẩn bị tốt việc tổ chức đại hội đảng các cấp. Tiếp tục thu hút nguồn lực đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về mọi mặt, nhất là quản lý các cơ sở còn tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; triển khai đồng bộ các giải pháp, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và từng người dân trong đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng cháy chữa cháy, phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn...
 
Bí thư Thành ủy cũng đề nghị Ủy ban MTTQ các cấp từ Thành phố đến cơ củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, tạo nên sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong Nhân dân, thắt chặt mật thiết giữa Nhân dân với Đảng và Nhà nước để thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới. “Làm sao để MTTQ thực sự là trung tâm đoàn kết, tập hợp mọi lực lượng xã hội, là nơi mọi người có thể nói lên tiếng nói, nguyện vọng của mình, đóng góp trí tuệ, công sức cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, đồng chí Hoàng Trung Hải nhấn mạnh.
 
Các đại biểu tham dự hội nghị đối thoại
 
Tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Nguyễn Lan Hương nêu rõ, phát huy hiệu quả hội nghị đối thoại, mỗi cán bộ MTTQ sẽ tiếp tục phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ; gần dân, sát dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của dân để phản ánh đến cấp ủy, chính quyền các cấp; đồng thời, tuyên truyền, vận động, làm cho dân hiểu, tin và đồng hành ủng hộ đối với các chủ trương, chính sách của Thành phố.

Trọng Toàn


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t