Hà Nội: Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam và trao giải cuộc thi “Tìm hiểu dịch vụ công trực tuyến” (15:12 08/11/2019)


HNP - Sáng 8-11, UBND thành phố Hà Nội tổ chức Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam và tổng kết, trao giải Cuộc thi “Tìm hiểu dịch vụ công trực tuyến”. Tham dự buổi lễ có Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn - Chủ tịch Hội đồng Phối hợp PBGDPL Thành phố.

Lãnh đạo UBND thành phố khen thưởng cho các tập thể cá nhân có thành tích trong việc triển khai cuộc thi


Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP, Chủ tịch Hội đồng PBGDPL thành phố Hà Nội nhấn mạnh, qua 6 năm thực hiện Luật PBGDPL, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn thành phố Hà Nội về vai trò, tầm quan trọng của công tác PBGDPL đã được quan tâm, triển khai sâu rộng.

Công tác tuyên truyền, PBGDPL có nhiều chuyển biến tích cực, người dân dần có ý thức tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật, nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân Thủ đô từng bước được nâng lên, tình hình an ninh trật tự an toàn xã hội của thành phố Hà Nội được giữ vững…
 
Về Cuộc thi “Tìm hiểu dịch vụ công trực tuyến”, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn cho rằng, cuộc thi đã tạo thành cuộc vận động lớn trong toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân Thủ đô trong việc xây dựng công dân điện tử, chính quyền điện tử của thành phố, đồng thời, thể hiện việc thực hiện chủ trương ứng dụng CNTT trong công tác PBGDPL của Chính phủ. Lễ tổng kết cuộc thi chính là một điểm nhấn hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam của thành phố Hà Nội.
 
Nhấn mạnh công tác hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam là một nhiệm vụ chính trị pháp lý quan trọng, hàng năm, cần phải được thực hiện thực chất, thường xuyên, liên tục, lâu dài để nâng cao hiểu biết pháp luật trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân Thủ đô, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu khẳng định, nhiều nội dung hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam được Hà Nội thực hiện bằng các mô hình đổi mới, đa dạng, phong phú, thực chất, trong đó có việc tổ chức Cuộc thi “Tìm hiểu dịch vụ công trực tuyến”. 
 
Lãnh đạo UBND thành phố và lãnh đạo Bộ Tư pháp trao giải thưởng cuộc thi “Tìm hiểu dịch vụ công trực tuyến”
 
Số liệu thống kê của Ban tổ chức cho thấy, sau 7 tháng tổ chức triển khai Cuộc thi, tính đến thời hạn kết thúc cuộc thi vào 17h ngày 26-9, toàn thành phố Hà Nội đã có 867.418 lượt bài dự thi. Các đơn vị có số lượng bài dự thi lớn là Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội với gần 23.000 bài; Tổng Công ty Điện lực Hà Nội với trên 5.600 bài, Sở Lao động Thương binh và Xã hội với gần 2.800 bài thi…Bên cạnh đó, các quận, huyện trên địa bàn thành phố cũng có số lượng bài thi lớn như huyện Đông Anh với trên 56.000 bài, quận Bắc Từ Liêm trên 45.000 bài, quận Thanh Xuân trên 43.000 bài…

Theo đánh giá của Ban tổ chức cuộc thi, ở phần thi trắc nghiệm, bài dự thi có điểm tuyệt đối (40 điểm) là 119.161, đạt tỷ lệ 13,74%. Bài dự thi có điểm từ 30 đến dưới 40 là 257.785, chiếm tỷ lệ gần 30%.
 
Ở phần thi tự luận, số lượng bài dự thi đạt điểm cao tuy không nhiều, chỉ chiếm 10% trong số những bài dự thi được lựa chọn để chấm giải, nhưng đã có nhiều giải pháp, sáng kiến sáng tạo, đột phá được các thí sinh đưa ra có thể ứng dụng ngay trong thực tế nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 hiện đang thực hiện tại thành phố Hà Nội.
 
Trong đó, một số sáng kiến đáng chú ý như: Cải tiến trang chủ http://dichvucong.hanoi.gov.vn để tăng tính lôi cuốn, thu hút, thân thiện, dễ thao tác; gộp 2 mục đăng ký, bộ thủ tục thành 1 mục để giúp người sử dụng dễ nghiên cứu, sử dụng; xây dựng dịch vụ công trực tuyến thành một ứng dụng vừa giải quyết việc một số người dân không nhớ đường link, vừa tiện lợi và dễ sử dụng.
 

Lãnh đạo Sở TT&TT trao giải cho các thí sinh
 
Ngoài ra, còn có sáng kiến thành lập trung tâm dịch vụ hành chính công đặt tại trung tâm quận, huyện, thị xã làm việc trong và ngoài giờ hành chính, đồng thời niêm yết, đăng tải công khai điện thoại của cán bộ, nhân viên để người dân liên hệ trực tiếp và được hướng dẫn thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại nhà; tạo ra biện pháp khuyến khích người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến bằng cách hướng tới những nhu cầu thiết yếu của người dân, từ hình ảnh trực quan đẹp mắt đến quyền lợi về kinh tế…
 
Cũng có nhiều giải pháp về lãnh đạo, chỉ đạo, thể chế, nguồn lực, kỹ thuật, tuyên truyền, thanh kiểm tra… để thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn thành phố Hà Nội được người dân đưa ra như: thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải xác định việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến gắn liền với thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị chung về cải cách hành chính Nhà nước. 
 
Giải pháp về chuẩn hóa đội ngũ cán bộ thực hiện dịch vụ công trực tuyến đủ ở các cấp, các ngành, trang bị thiết bị đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu giải quyết dịch vụ công trực tuyến mọi lúc, mọi nơi; cần cung cấp thêm dịch vụ công trực tuyến đa lĩnh vực phù hợp với điều kiện pháp lý và thực tiễn, nhất là dịch vụ công trực tuyến về đất đai, nhà ở, an sinh, bảo trợ xã hội… 
 
Ban tổ chức đã trao 65 giải cá nhân, 20 giải tập thể. Theo đó, có 3 tập thể đoạt giải Nhất là Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, UBND huyện Đông Anh, UBND quận Bắc Từ Liêm. Giải Nhất cá nhân cho người dự thi từ đủ 18 tuổi trở lên được trao cho bà Đỗ Thị Phương, giáo viên Trường Trung học cơ sở Thành Công (quận Ba Đình, Hà Nội); bà Phùng Thị Lương, Công ty TNHH Ladoda (huyện Gia Lâm, Hà Nội). Em Ngô Xuân Thái, học sinh Trường Trung học phổ thông Chúc Động (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) đoạt giải Nhất cá nhân cho người dự thi từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi.

Lê Tâm


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t