Giải trình để tăng cường biện pháp quản lý chất lượng ATTP (10:47 04/11/2019)


HNP - Tại phiên họp giải trình về việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố, do Thường trực HĐND TP Hà Nội tổ chức, sáng 4-11, các đại biểu đặc biệt quan tâm đến chất lượng, nguồn gốc và công tác quản lý chất lượng vệ sinh ATTP đối với cơ sở kinh doanh lĩnh vực này.


Đại biểu Nguyễn Quang Thắng (Tổ ĐB Hoàn Kiếm) nêu vấn đề, qua khảo sát cho thấy người dân vẫn còn hết sức lo ngại về ATTP, trong khi đó công tác quản lý ATTP tuy đã được phân cấp đến cơ sở nhưng còn chưa đảm bảo theo yêu cầu. Đề nghị Sở Y tế cho biết giải pháp trong thời gian tới.

Đại biểu Nguyễn Quang Thắng

Đại biểu Nguyễn Phúc Khánh (Tổ ĐB Hoàng Mai): Hoạt động bán hàng rong khó được kiểm soát về ATTP, vậy, đề nghị Chủ tịch UBND phường Nghĩa Tân, phường Hàng Bạc cho biết trách nhiệm quản lý nhà nước và giải pháp trong thời gian tới.

Đại biểu Nguyễn Phúc Khánh

Đại biểu Đỗ Thùy Dương (Tổ ĐB Cầu Giấy) đề nghị Sở Công thương giải trình về việc có sản phẩm quá hạn sử dụng vẫn bày bán trong siêu thị. Đối với việc sản xuất thực phẩm chức năng hiện nay, Sở Y tế cho biết việc quản lý đối với những quảng cáo lĩnh vực này.

Đại biểu Đỗ Thùy Dương

Đại biểu Đoàn Việt Cường (Tổ ĐB Mê Linh) nêu vấn đề, hiện vẫn còn tình trạng hoa quả, thực phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, việc tồn tại chợ cóc, chợ tạm không đảm bảo ATTP trên địa bàn một số phường, đề nghị Chủ tịch UBND quận Hà Đông và quận Đống Đa cho biết giải pháp trong thời gian tới.

Đại biểu Đoàn Việt Cường

Đại biểu Nguyễn Nguyên Quân (Tổ ĐB Hoàng Mai): Quy hoạch hệ thống giết mổ và chế biến gia súc gia cầm đến năm 2020, hiện mới chỉ có 10/16 điểm giết mổ tập trung được triển khai theo quy hoạch, đây là nguyên nhân khiến tồn tại nhiều điểm giết mổ nhỏ lẻ, khó kiểm soát về ATTP. Đề nghị Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết khó khăn gì trong triển khai và giải pháp trong thời gian tới.

Đại biểu Nguyễn Nguyên Quân

Giải trình các nội dung đại biểu nêu, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền cho biết, Sở Y tế đã phối hợp chặt chẽ với ngành Công thương, Nông nghiệp và PTNT tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, khuyến khích người dân cùng tham gia phát hiện, phản ánh các cơ sở không đảm bảo về ATTP.

Về việc sản xuất thực phẩm chức năng, với trách nhiệm là đơn vị quản lý lĩnh vực này, ngành đang nỗ lực tăng cường quản lý việc quảng cáo, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông khi cấp phép quảng cáo trên mạng internet và công khai các cơ sở vi phạm trên website.

Đối với việc quản lý các bếp ăn tập thể, đặc biệt là ở các trường học và các khu công nghiệp, hiện toàn thành phố có 165 bếp ăn tập thể ở các khu công nghiệp,  20% do các bếp ăn tự nấu và còn lại thuê các cơ sở cung cấp suất ăn. Theo đánh giá một số bếp vẫn chưa đảm bảo về vệ sinh ATTP trong truy xuất nguồn gốc thực phẩm, sắp xếp thiết bị nấu, bát đũa,… Trong thời gian tới, Sở tiếp tục tăng cường tuyên truyền đối với các cơ sở nấu tập thể, tăng cường tập huấn cho lực lượng về đảm bảo ATTP, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất để tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, diễn tập về phòng chống ngộ độc,…

Đối với các trường học, tính đến hết năm học 2018-2019, toàn thành phố có 4.534 bếp ăn tập thể, trong đó, có các trường bán trú, mầm non, tiểu học,… Thành phố đã thí điểm mô hình nâng cao năng lực, đảm bảo ATTP tại các bếp ăn trường học và phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo để quản lý các bếp ăn này, tăng cường kiểm tra và kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với những bếp ăn trường học không đảm bảo vệ sinh. Đặc biệt, khuyến khích phụ huynh học sinh cùng tham gia giám sát các bếp ăn.

Liên quan đến nội dung nước uống đóng chai, đóng bình, hiện, toàn thành phố có 425 cơ sở thực hiện, tuy nhiên, cũng có cơ sở còn sử dụng nước giếng khoan, chưa vệ sinh buồng máy, hệ thống lọc thường xuyên. Giải pháp trong thời gian tới là tiếp tục tăng cường tuyên truyền, quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kiểm tra, giám sát để xử lý vi phạm, công khai các cơ sở sản xuất không đảm bảo vệ sinh ATTP.

Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền

Giải trình vấn đề đại biểu nêu về sản phẩm trong các siêu thị, Giám đốc Sở Công thương Lê Hồng Thăng cho biết, hiện nay, hệ thống phân phối hiện đại trên địa bàn thành phố Hà Nội có 25 trung tâm thương mại, 110 siêu thị, hơn 1.700 cửa hàng tiện ích, trong đó, gắn biển nhận diện được 807 cửa hàng. Tất cả các trung tâm thương mại và siêu thị, cửa hàng tiện ích, hàng hóa đều có giấy chứng nhận nguồn gốc sản phẩm, hàng nhập khẩu có tem bằng tiếng Việt và có hạn sử dụng. Sở Công thương đã cấp cho các cơ sở có đủ điều kiện kinh doanh sản phẩm, đồng thời có lực lượng quản lý thị trường thường xuyên kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh, xử lý vi phạm.

Giám đốc Sở Công thương Lê Hồng Thăng

Liên quan đến ATTP trên địa bàn, Chủ tịch UBND quận Đống Đa Võ Nguyên Phong cho biết, quận đang tích cực triển khai các biện pháp đảm bảo ATTP, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, đã giải tỏa chợ cóc khu vực Cầu Mới và sắp xếp tất cả các hộ kinh doanh thường xuyên vào trong chợ Ngã Tư Sở. Quận cũng tăng cường thực hiện quyết định của Thành phố về quản lý chợ và phân công, phân cấp về quản lý, đặc biệt là đội ngũ thanh tra chuyên ngành ATTP. Đối với các điểm họp chợ trong khu tập thể, ngõ nhỏ, quận đang tiếp tục sắp xếp để đảm bảo nhu cầu của người dân, đồng thời tăng cường cho người dân nắm được chủ trương của thành phố, vận động nhân dân thực hiện mua hàng hóa tại các cơ sở đảm bảo, có chứng nhận, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch.

Chủ tịch UBND quận Đống Đa Võ Nguyên Phong

Giải trình vấn đề đại biểu nêu, Chủ tịch UBND quận Hà Đông Vũ Ngọc Phụng cho biết, quận đã thành lập Ban chỉ đạo ATTP do trực tiếp Chủ tịch UBND quận làm trưởng ban, nêu rõ trách nhiệm và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các tập thể, cá nhân. Đối với những vi phạm trên địa bàn, quận đã tăng cường kiểm tra, giám sát kết hợp với tuyên truyền, xử lý vi phạm hành chính, yêu cầu các hộ kinh doanh cam kết về ATTP.

Chủ tịch UBND quận Hà Đông Vũ Ngọc Phụng

Trả lời câu hỏi của đại biểu, đồng chí Vũ Thị Thủy, Chủ tịch UBND phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy cho biết, trên địa bàn có rất đông sinh viên, người dân từ các tỉnh về sinh sống, học tập, công tác nên cũng còn tồn tại nhiều chợ cóc, chợ tạm. Phường đã xây dựng 9 kế hoạch, 10 quyết định phân công rõ trách nhiệm của các tổ dân phố, cá nhân liên quan trong đảm bảo ATTP. Phường sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền tới các hộ kinh doanh, tập trung vào những cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ, thức ăn đường phố để nâng cao nhận thức về đảm bảo ATTP, đặc biệt là khu vực chợ Nghĩa Tân, nếu hộ nào không đảm bảo ATTP sẽ có biện pháp xử lý, yêu cầu dừng hoạt động. Phường cũng đang triển khai thí điểm phố Tô Hiệu là tuyến phố điểm về đảm bảo ATTP để nhân rộng trên địa bàn.

Chủ tịch UBND phường Nghĩa Tân Vũ Thị Thủy

Đồng chí Hoàng Thạch Tâm, Chủ tịch UBND phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm cho biết, trên địa bàn phường có nhiều tuyến phố có các hộ dân kinh doanh thực phẩm chế biến sẵn, để đảm bảo công tác quản lý, Đảng ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể của phường chỉ đạo sát sao, thường xuyên kiện toàn Ban chỉ đạo ATTP, phân công trách nhiệm cụ thể cho các tập thể, cá nhân, xây dựng các kế hoạch triển khai chỉ đạo. Từ đầu năm 2019 đến nay, phường đã kiểm tra 34/87 cơ sở kinh doanh thực phẩm, thức ăn đường phố, hộ kinh doanh sản phẩm tươi sống. Trong thời gian tới, phường tiếp tục đổi mới các hình thức tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, các hộ kinh doanh trên địa bàn, gắn với các phong trào, cuộc vận động của các hội, đoàn thể, phát tờ rơi, tờ gấp, tại các cuộc giao ban, sinh hoạt tổ dân phố, tổ chức ký cam kết đảm bảo vệ sinh ATTP để nâng cao ý thức của các hộ kinh doanh. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm.

Chủ tịch UBND phường Hàng Bạc Hoàng Thạch Tâm

Giải trình câu hỏi của đại biểu, Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ cho biết, hiện mới có 7 cơ sở giết mổ công nghiệp và 10 cơ sở giết mổ bán công nghiệp được triển khai, do nhiều chính quyền địa phương chưa chú trọng đến triển khai quy hoạch giết mổ công nghiệp, không bố trí được quỹ đất để xây dựng, một số vị trí có đủ điều kiện nhưng lại nằm trong quy hoạch khác. Mặc dù được thành phố hỗ trợ nhưng chi phí ở các điểm giết mổ tập trung sẽ cao hơn nên người dân còn chưa mặn mà, mặt khác lại quen với thực phẩm tươi sống tại các chợ mà chưa quen sử dụng sản phẩm cấp đông. Trong thời gian tới, Sở tiếp tục phối hợp với các quận huyện rà soát tham mưu điều chỉnh cơ chế chính sách, đồng thời đẩy nhanh tiến độ hình thành các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung. Tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các nhà đầu tư để đẩy nhanh tiến độ các dự án này.

Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ


Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t