Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội làm việc với các cơ quan trước kỳ họp thứ Tám (14:45 18/10/2019)


HNP - Sáng 18/10, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội chủ trì buổi làm việc của Đoàn ĐBQH TP với Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố; lãnh đạo Tòa án nhân dân thành phố, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố trước kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XIV.

Đồng chí Hoàng Trung Hải phát biểu kết luận buổi làm việc


Tham dự buổi làm việc có các đồng chí: Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu; các đồng chí Thành ủy viên: Phó Chủ tịch HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà; Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng; Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP Bùi Huyền Mai; đại biểu lãnh đạo các cơ quan có liên quan của Thành phố.

Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn TP từ đầu năm đến nay, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu cho biết: 9 tháng đầu năm, kinh tế Thủ đô tiếp tục phát triển, GRDP tăng 7,35%; Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,8%. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 186.589 tỷ đồng, đạt 70,9%, tăng 15,3% so với cùng kỳ. Đã tổ chức thành công Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và Chương trình số 02 của Thành ủy. Thu hút đầu tư nước ngoài đạt 6,23 tỷ USD, tiếp tục dẫn đầu cả nước. Hà Nội đón 21,55 triệu lượt khách du lịch, tăng 9,5%. Trong đó, khách quốc tế đạt 4,71 triệu lượt, tăng 10,1% so với cùng kỳ. Tỷ lệ cấp giấy chứng nhận lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân trong khu dân cư đạt 99,6%; hộ gia đình, cá nhân sau dồn điền đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp đạt 99,21%; Tỷ lệ cấp đất dịch vụ đạt 73,58%. Công nghệ thông tin được chú trọng, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đạt 72%. An sinh xã hội được đảm bảo, các chế độ, chính sách với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo được thực hiện kịp thời, đúng đối tượng. Thành phố đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng Huân chương Lao động Hạng nhất và nhiều bằng khen cho các tập thể, cá nhân.

Thông tin với Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố về ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân Thủ đô gửi tới kỳ họp Tám, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương phản ánh những tâm tư, nguyện vọng chung và tổng hợp thành 5 nhóm ý kiến, kiến nghị cụ thể. Trong đó, cử tri và nhân dân đề nghị Chính phủ di dời cơ sở sản xuất, kho chứa hóa chất, các nhà máy gây ô nhiễm môi trường hiện đang nằm trong khu dân cư; các cơ quan, ban, ngành làm rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân đối với dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông...

Các đại biểu Quốc hội và đại diện các cơ quan tham gia buổi làm việc đã trao đổi, thảo luận về một số vấn đề đang được cử tri và nhân dân Thủ đô quan tâm. Thay mặt UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã tiếp thu và trả lời, làm rõ từng vấn đề được các đại biểu Quốc hội nêu ra như, về vần đề xây nhà cao tầng gây ùn tắc giao thông, Chủ tịch UBND Thành phố khẳng định: Trong những năm vừa qua, TP Hà Nội thực hiện theo đúng quy hoạch Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về phát triển đô thị. Từ việc xây dựng các khu đô thị hay tòa nhà riêng lẻ, đều tuân thủ nghiêm túc về mật độ, chiều cao, tỷ lệ dân cư. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP cũng thừa nhận vẫn còn một số chủ đầu tư, cá nhân, gia đình vi phạm, song đã được TP khắc phục một cách nghiêm túc.

 

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung phát biểu tại buổi làm việc

 

Chủ tịch UBND TP cũng nhấn mạnh, việc phát triển đô thị, xây dựng nhà cao tầng là một xu hướng tất yếu trên thế giới. Tại Hà Nội, tốc độ tăng dân số cơ học sau khi hợp nhất trung bình mỗi năm từ 150.000 - 160.000 dân… nên bắt buộc phải phát triển nhà cao tầng. “Việc phát triển nhà cao tầng là Thành phố tuân thủ theo quy hoạch nhưng cũng tuân thủ theo kế hoạch phát triển nhà ở được Chính phủ phê duyệt” - Chủ tịch UBND TP nói.

Về vấn đề ô nhiễm môi trường, Chủ tịch UBND TP cho biết, trong báo cáo của TP cũng đã báo cáo 11 nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Để xử lý ô nhiễm môi trường tại thành phố lớn như Hà Nội cần phải có sự vào cuộc của cả chính sách pháp luật, làm sao để có những luật kịp thời, sát và hiệu quả. Bên cạnh đó, cần phải có sự vào cuộc của Chính phủ điều hành, bởi nguồn ô nhiễm này không chỉ ở Hà Nội mà còn ở các địa bàn xung quanh, Hà Nội chỉ phối hợp, trong khi hiện nay cơ chế chính sách đi theo để hợp tác vẫn chưa có.

Khẳng định TP đã rất quyết liệt trong giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường bằng nhiều giải pháp, như: Chương trình 1 triệu cây xanh, cơ giới hóa việc quét rác bằng xe quét và hút… Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP cũng nhấn mạnh cần có sự vào cuộc của người dân trong việc thu gom, đổ rác thải, vật liệu phá dỡ của các công trình, tòa nhà…

Một trong những vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của các ĐBQH TP đó là vấn đề ô nhiễm nguồn nước sạch từ Nhà máy nước mặt sông Đà. Về việc này, Chủ tịch UBND TP cho biết, hiện nay, Nhà máy nước sạch sông Đà đang cấp nước cho khoảng 18% dân Thành phố, tương đương 250 nghìn hộ. Ngay sau khi có thông tin, Hà Nội đã thành lập đoàn kiểm tra, tiến hành lấy mẫu xét nghiệm. “Việc xét nghiệm hiện nay sử dụng hệ thống máy móc thiết bị của Bộ Y tế và phải mất ít nhất 3 ngày mới có kết quả” - Chủ tịch UBND TP thông tin.

Cùng với đó, Thành phố cũng quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp để xử lý ô nhiễm nguồn nước và cung cấp nước sạch cho người dân: Điều chỉnh nguồn nước cấp nước sạch từ Nhà máy nước mặt sông Đuống và các nhà máy nước ngầm khác để cung ứng cho người dân trong vùng bị ảnh hưởng; đề nghị Công ty nước sạch Hà Nội tiếp tục dùng xe stec để cấp nước sạch miễn phí theo nhu cầu của người dân. Đồng thời, yêu cầu các tòa nhà chung cư có dân ở, tòa nhà văn phòng, nhà riêng thuộc vùng cấp nước của Nhà máy nước mặt sông Đà tiến hành thau rửa, phấn đấu đến hết ngày 20/10 sẽ xong, TP sẽ tiến hành giám định liên tục, khi nào chất lượng đảm bảo sẽ thông báo để người dân sử dụng bình thường.

Đối với sự cố cháy Nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông, ngay khi nhận được tin TP đã điều các xe PCCC của Công an Thành phố đến dập lửa, khi đang chữa cháy phát hiện bên trong bóng đèn led có các chất cháy nguy hiểm, TP đã điều Bộ Tư lệnh Thủ đô đến. Trong quá trình phòng cháy, từ phường đến quận và Thành phố đã sử dụng phương châm "4 tại chỗ" rất tốt. Đó là, toàn bộ CBCNV nhà máy và người dân xung quanh đã đảm bảo không để xảy ra thiệt hại về người, không để cháy lan sang các hộ, các cơ sở sản xuất xung quanh, tập trung dập không để cháy tủ bảo ôn có chứa thủy ngân.

Ngay sau đó, đã tiến hành che bạt, xây tường để ngăn nước mưa không chảy vào cống khi trời mưa. Tiếp đó, TP đã mời Bộ Tư lệnh hóa học, các nhà chuyên môn, nhà khoa học vào xem xét và đã xử lý theo đúng quy trình. “Thực tế đến giờ phút này vẫn chưa có một cá nhân nào từ khi chữa cháy cho đến quá trình xử lý ô nhiễm rác thải hiện nay bị phơi nhiễm”.

Liên quan đến tình trạng ô nhiễm tại một số con sông trên địa bàn, Chủ tịch UBND TP cho biết, trong những năm vừa qua TP đã làm rất quyết liệt, hiện đã xử lý nước thải của các nhà máy trong TP được 22%. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 160km mương hở trên địa bàn TP sẽ phải cống hóa trong thời gian sắp tới, đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn. Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá với công suất 270 nghìn m3/năm bằng vốn ODA của Nhật Bản, nếu đi vào hoạt động sẽ nâng công suất lên khoảng 53-54%, thu được một phần của các quận: Đống Đa, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai để đưa vào xử lý. Đối với việc xử lý ô nhiễm ở sông Tô Lịch, Chủ tịch UBND TP thông tin, tới đây hai bên bờ sông sẽ được đào bằng con robot ngầm xuống dưới và thu gom nước thải, nếu xong dự án này, nước sông Tô Lịch cơ bản sẽ sạch.

Cũng tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP cũng mong muốn Chính phủ có cơ chế giải ngân vốn ODA theo tiến độ dự án, làm đến đâu được giải ngân đến đó; Có cơ chế đặc thù về sử dụng vốn để xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường…
 
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội Hoàng Trung Hải tiếp thu các ý kiến của UBND, Viện kiểm soát, Tòa án nhân dân thành phố về những nội dung còn đang vướng mắc, khẳng định sẽ truyền đạt tới các cơ quan Quốc hội có giải pháp xử lý quyết liệt.

Bí thư Thành ủy cũng đề nghị UBND TP rà soát các cơ chế quản lý nhà nước để kiểm soát tốt hơn các sự cố có thể xảy ra, bao gồm cả sự cố hóa chất, môi trường không khí, nguồn nước; Củng cố nâng cao thêm chất lượng công tác quản lý, nâng cao hiệu quả hiệu lực và tính kịp thời trong giải trình và thông tin tới người dân; tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan liên quan của thành phố trong xử lý các sự việc.

Nhắc lại các sự cố về môi trường của Hà Nội trong thời gian gần dây, đồng chí Hoàng Trung Hải yêu cầu UBND TP khi ra một cảnh báo phải có giải pháp đi kèm, tránh gây hoang mang trong người dân. Các giải pháp cần có quy định kỹ hơn, cụ thể hơn. Cụ thể như vấn đề an ninh nguồn nước, thành phố cần tăng cường các giải pháp không chỉ ở các sông hồ mà từ việc thau rửa, kiểm tra chất lượng bể nước của người dân.

Trưởng đoàn ĐBQH TP cũng đề nghị các ĐBQH TP tiếp tục có trao đổi, nắm kỹ hơn các sự việc. Tại kỳ họp, các đại biểu cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, tích cực trao đổi với các ĐBQH về mô hình chính quyền đô thị để các tỉnh, thành tham gia cùng Hà Nội một cách hiệu quả.


Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t