Hiệu quả từ ba khâu đột phá của Đảng bộ Thành phố nhiệm kỳ 2015-2020 (11:14 17/10/2019)


HNP - Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2015-2020 xác định 3 khâu đột phá đó là phát triển đồng bộ, từng bước hiện đại hóa kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn; Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo bước chuyển biến mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức; cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy, nâng cao hiệu quả đầu tư và sản xuất kinh doanh trên địa bàn Thủ đô; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh và phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới. Đến nay, đánh giá của Hà Nội cho thấy 3 khâu đột phá đã được triển khai hiệu quả, đạt kết quả quan trọng.

Trong phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn, Hà Nội đã xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ theo “Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông tăng trung bình 0,3% đất đô thị mỗi năm giai đoạn 2016-2018. Năm 2015 đạt 8,65% và đến cuối năm 2018 đạt khoảng 9,38%, dự kiến, đạt khoảng 12% đất đô thị đến năm 2020. Số điểm ùn tắc giao thông đã giảm từ 41 điểm năm 2015 xuống còn 31 điểm năm 2018. Vận tải hành khách ngày càng phát triển, chất luợng được nâng cao, mạng lưới xe buýt đã phủ khắp 30 quận, huyện, đến nay, đáp ứng 17,03% nhu cầu đi lại.

Cùng với đó, Thành phố tích cực triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030”. Triển khai tốt các phương án phân luồng, đảm bảo trật tự giao thông; thí điểm ứng dụng công nghệ tìm kiếm và thanh toán phí đỗ xe tự động Iparking và mở mới nhiều tuyến buýt có trợ giá, phủ kín 100% các huyện ngoại thành.

Các công trình nhà văn hóa, trường học, trung tâm y tế... được quan tâm đầu tư. Cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học được chuẩn hóa, đồng bộ và hiện đại (giai đoạn 2016-2018 có thêm 270 trường đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ đạt 66,2% - về đích sớm 02 năm mục tiêu cả nhiệm kỳ). Đã đầu tư, nâng cấp một số bệnh viện. Đầu tư theo chuẩn quốc gia trạm y tế xã, phường, thị trấn, đến nay đạt tỷ lệ 100%.

Trong đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo bước chuyển biến mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức; cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy, nâng cao hiệu quả đầu tư và sản xuất kinh doanh trên địa bản Thủ đô, Hà Nội đã triển khai hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách ngày càng hoàn thiện và phù hợp hơn với luật pháp quốc tế, đồng thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn và cam kết hội nhập. Hà Nội đã hoàn thành cơ bản hệ thống các quy hoạch và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Thành phố đã xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch hỗ trợ phát triển các thành phần kinh tế trên địa bàn, thực hiện nhiều giải pháp để khuyến khích, hỗ trợ các hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành doanh nghiệp nhằm mang lại cơ hội kinh doanh tốt nhất cho người dân. Kết quả nổi bật nhất trong việc đa dạng hóa các thành phần kinh tế của Hà Nội là sự phát triển rất mạnh mẽ của các doanh nghiệp tư nhân (Lũy kế số doanh nghiệp đăng ký trên địa bàn đến hết năm 2018 có 254,67 nghìn doanh nghiệp). Giai đoạn 2016-2018, Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội đã tổ chức 450 phiên giao dịch với 60.720 lao động được tuyển dụng.

Thực hiện theo cơ chế thị trường trong nhiều lĩnh vực, Hà Nội đã tăng cường liên kết vùng, khuyến khích doanh nghiệp tham gia trong việc cân bằng cung cầu, bình ổn giá hàng hóa trên địa bàn, nhất là dịp lễ, tết; đẩy mạnh xã hội hóa đối với các dự án có khả năng thu hồi vốn thông qua thu giá, phí dịch vụ các lĩnh vực: Cấp nước, bãi đỗ xe, xử lý chất thải, nước thải, xây dựng hạ tầng CNTT, hạ ngầm cáp điện, xây dựng nhà tái định cư.

Đồng thời, tích cực cải cách TTHC và đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa TTHC. Tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về xây dựng chính quyền điện tử, giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện rõ nét, doanh nghiệp được khuyến khích phát triển.

Trong nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh và phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới, Hà Nội đã tổ chức thực hiện, triển khai có hiệu quả: Quy hoạch phát triển nhân lực thành phố Hà Nội giai đoạn 2011-2020; xây dựng và triển khai thực hiện 04 đề án nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và nhiều chương trình đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ở các lĩnh vực khác; xây dựng cơ chế đào tạo, sử dụng đội ngũ trí thức, nhân lực có trình độ cao, tay nghề cao; đẩy mạnh đào tạo nghề cả về hình thức, loại hình, quy mô và chất lượng; khuyến khích liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động với cơ sở đào tạo để phát triển nguồn nhân lực.

Hoàn thiện mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học - cao đẳng, bảo đảm cơ cấu ngành, nghề và trình độ đào tạo phù hợp với quy hoạch phát triển nhân lực. Tập trung đầu tư 03 trường cao đẳng nghề của thành phố đồng bộ về cơ sở vật chất và trình độ giáo viên, đảm bảo đạt chuẩn chất lượng cao của khu vực và quốc tế. Đổi mới cơ chế, chính sách và nâng cao hiệu quả hoạt động thu hút và sử dụng nhân tài.

Tổ chức thực hiện tốt các chương trình dạy nghề, nhất là dạy nghề cho lao động nông thôn, gắn với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn. Tăng cường công tác xã hội hóa trong lĩnh vực đào tạo nghề; nâng cao tỷ lệ lao động đã qua đào tạo. Có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề gắn với tiếp nhận, sử dụng lao động.

Tập trung vào việc đổi mới căn bàn, toàn diện giáo dục - đào tạo, gắn với phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ. Đã ưu tiên tăng ngân sách chi thường xuyên cho giáo dục; thực hiện rà soát, hoàn thành điều chỉnh bổ sung quy hoạch mạng lưới trường học trên địa bàn nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cao về cả số lượng và chất lượng; điều chỉnh những địa bàn còn thiếu trường, thiếu lớp học, đặc biệt tại các khu vực đô thị hóa nhanh. Xây dựng trường chất lượng cao và trường chuẩn quốc gia được quan tâm đầu tư; Năm 2018, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 66,2%, về đích sớm hai năm mục tiêu cả nhiệm kỳ.

Công tác nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học tiếp tục được đẩy mạnh. Thành phố đã xây dựng, thực hiện Chương trình số 80/CTr-UBND về phát triển các ngành dịch vụ trình độ, chất lượng cao giai đoạn 2015-2020, trong đó, dịch vụ khoa học công nghệ được xác định là ngành dịch vụ chất lượng cần ưu tiên phát triển. Duy trì quỹ phát triển khoa học - công nghệ nhằm hướng dẫn thủ tục, hồ sơ cho doanh nghiệp; đã chỉ đạo và triển khai các chương trình hỗ trợ, xúc tiến phát triển thị trường KHCN tại Thủ đô,...

Có thể khẳng định, ba khâu đột phá của Đảng Thành phố trong nhiệm kỳ 2015-2020 đã có những đóng góp hết sức thiết thực vào hoàn thành toàn diện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô một cách vững mạnh.


Huy Hoàng


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t