Hà Nội chủ động triển khai nhiều biện pháp mới trong phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công (15:52 26/09/2019)


HNP - Sáng 26/9, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2019. Tham dự hội nghị có các đồng chí: Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; Trịnh Đình Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, cùng lãnh đạo các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố tại các điểm cầu truyền hình trực tuyến.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị


Dự tại điểm cầu thành phố Hà Nội có các đồng chí: Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố; Phùng Thị Hồng Hà, Phó Chủ tịch HĐND Thành phố; Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND Thành phố; Bùi Huyền Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Thành phố, cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Chậm giải ngân đầu tư công - nút thắt cổ chai đối với nền kinh tế

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, đầu tư công đóng góp lớn vào tăng trưởng, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, nhất là các công trình hạ tầng quan trọng. Đầu tư công chiếm tới 10,7% tổng giá trị GDP, khoảng 32% tổng mức đầu tư toàn xã hội năm 2019.

Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ rõ, tình trạng chậm giải ngân đầu tư công từ gần chục năm qua đã tạo ra nút thắt cổ chai đối với nền kinh tế. Tình trạng chậm giải ngân này không phải năm nay mà nhiều năm qua nhưng đặc biệt năm nay giải ngân thấp.

Cho rằng việc chậm giải ngân vốn đầu tư công gây ra rất nhiều hệ lụy, Thủ tướng nhấn mạnh 4 hậu quả lớn. Thứ nhất, ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế do yếu tố vốn là một trong những yếu tố quan trọng của tăng trưởng GDP. Thứ hai, vốn đầu tư công thường là một trong những nguồn lực của các dự án lớn, những hạ tầng quan trọng, cho nên khi bị chậm cũng sẽ kéo lùi các dòng vốn đối ứng khác của tư nhân, của nước ngoài, ảnh hưởng huy động vốn xã hội, đồng thời, ảnh hưởng đến uy tín quốc gia, giảm niềm tin của các nhà đầu tư và nhà tài trợ.

Hậu quả thứ ba là gây lãng phí lớn khi tiền nằm ở đó mà Chính phủ phải trả thêm chi phí vốn. Thứ tư là doanh nghiệp, chủ đầu tư phải gánh chịu chi phí bị đội lên, việc làm giảm đi, nợ nần tăng thêm và uy tín làm ăn giảm sút.

Tại Hội nghị, Thủ tướng đề nghị phải làm rõ hơn những nguyên nhân khách quan, chủ quan cơ bản của tình trạng chậm giải ngân. “Các đồng chí nói là mặt bằng, thủ tục, năng lực thi công, nhất là thể chế… nhưng có nhiều địa phương, nhiều ngành cùng tình trạng như vậy nhưng giải ngân hết sức tốt, đạt 70-80%, có địa phương đạt cao hơn nữa. Nhưng có nhiều ngành, địa phương thì giải ngân chỉ 10-15%. Chúng ta phải thấy trách nhiệm trước đất nước, trước xã hội chứ không thể đổ cho nguyên nhân khách quan”, Thủ tướng nói.


“Điểm mờ” trong bức tranh sáng của tổng thể nền kinh tế

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, vấn đề phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công vẫn là một “điểm mờ” trong bức tranh sáng của tổng thể nền kinh tế.

Giải ngân 9 tháng đầu năm 2019 ước đạt 192.136 tỷ đồng, bằng 45,17% so với kế hoạch Quốc hội giao và bằng 49,14% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2018, trong đó, giải ngân vốn TPCP và ODA đều đạt thấp.

Có 7 bộ, ngành và 14 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt trên 70%, trong đó 4 bộ, ngành và 4 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt trên 80%. Nhiều bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn dưới mức bình quân chung, có 31 bộ, cơ quan Trung ương và 19 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 50%, trong đó, 17 bộ, cơ quan Trung ương và 1 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 30%.

Nhìn chung, thực trạng giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 9 tháng năm 2019 cơ bản tương tự như các năm trước, tỷ lệ giải ngân những tháng đầu năm thấp, xu hướng tăng mạnh trong những tháng cuối năm. Bên cạnh nguyên nhân do tâm lý ngại giải ngân nhiều lần, ngại làm thủ tục thanh quyết toán vốn nhiều lần của cả chủ đầu tư, ban quản lý dự án và cả nhà thầu, chủ yếu thực hiện vào thời điểm kết thúc năm, thì xu hướng giải ngân tăng dần vào cuối năm còn do nguyên nhân cơ bản về tính chất đặc thù của chi đầu tư so với chi thường xuyên.

Hà Nội chủ động triển khai nhiều biện pháp mới, hiệu quả cao

Tham luận tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, về phân bổ vốn đầu tư công năm 2019, tổng số vốn của toàn Thành phố là 47.338,093 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn ngân sách của địa phương là 46.215,934 tỷ đồng; vốn ngân sách ODA 112,2 tỷ đồng; vốn cấp Thành phố là 26.215,934 tỷ đồng; cấp quận, huyện là 21.172,159 tỷ đồng.

 

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tham luận tại Hội nghị


Về tình hình đầu tư các dự án cấp Thành phố, hiện, Hà Nội có 223 dự án, trong đó, có 86 dự án chuyển tiếp, 137 dự án khởi công mới trong năm 2019. Đến ngày 25/9, Hà Nội đã đấu thầu, phê duyệt được 126/137 dự án khởi công mới năm 2019 và đã làm thủ tục khởi công được 56/126 dự án, trong đó, có 22 dự án cấp công trình đã hoàn thành, số còn lại sẽ lựa chọn nhà thầu và khởi công trong tháng 11 và tháng 12/2019.

Theo kế hoạch từ nay đến cuối năm, thành phố Hà Nội sẽ hoàn thành 106 dự án và đưa tổng số hoàn thành dự án trong năm 2019 là 128/223 dự án, còn 95 dự án sẽ chuyển tiếp trong năm 2020.

Đối với cấp quận, huyện, thị xã, Thành phố hỗ trợ trong định mức tổng số 81 dự án, đến nay, đã hoàn thành 9 dự án, đang thi công 49 dự án, đang lựa chọn nhà thầu 9 dự án, đang thực hiện GPMB 7 dự án, đang thiết kế bản vẽ thi công là 6 dự án. Bằng nguồn vốn hỗ trợ của Thành phố cho các quận, huyện là 169 dự án, đến nay đã thi công được 9 dự án, đang lựa chọn nhà thầu 38 dự án, đang thực hiện GPMB 9 dự án và đang thiết kế bản vẽ thi công 43 dự án. “TP. Hà Nội bảo đảm 100% các dự án sẽ được khởi công trước ngày 30/11/2019”, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung khẳng định.

Trong số các dự án đã khởi công, Hà Nội đã có ứng vốn đạt 20-25% số khối lượng đã thi công, đã hoàn thành thủ tục nhưng chưa hoàn thành thủ tục thanh toán, số tiền đã chi trả cho người dân trong GPMB nhưng người dân còn khiếu kiện nên Thành phố đã chuyển số tiền này vào tài khoản kho bạc cũng như trong dự án mua sắm thiết bị trong các gói thầu và các dự án đầu tư công, mua sắm tập trung đã đấu thầu xong và đang trong giai đoạn thương thảo… nếu tính tổng các “khoản” trên là trên 6.000 tỷ đồng, theo đó, tổng số khối lượng giải ngân toàn Thành phố đạt gần 60%, số còn lại phấn đấu đến 31/12/2019 hoặc 30/01/2020 đạt từ 89-94%.

Nêu về một số khó khăn với một số dự án chậm tiến độ, Chủ tịch UBND TP cho biết, danh mục đầu tư công của cả giai đoạn chậm do ngân sách bị phê duyệt chậm; Thành phố thực hiện sắp xếp lại các Ban Quản lý dự án, từ 71 xuống 36 Ban, trong đó, Thành phố có 41 BQL dự án xuống còn 5 BQL dự án; hằng năm các hồ sơ phải hoàn thành trước ngày 31/10, do đó, hạn chế việc làm chậm các thủ tục. Cùng với đó, công tác bồi thường GPMB khó khăn; khâu hoàn thiện thủ tục hồ sơ còn chậm; việc phối hợp với các sở ngành trong Thành phố còn kéo dài; khâu hoàn thiện hồ sơ thanh toán giữa bên tư vấn giám sát và chủ đầu tư còn chậm…

"Để bảo đảm đẩy nhanh tiến độ giải ngân cho công tác đầu tư công của Thành phố, Hà Nội đã thường xuyên họp hằng tuần, đột xuất để giải quyết tất cả các vướng mắc, khó khăn cho các Ban Qản lý dự án Thành phố cũng như của các quận, huyện; đề xuất mô hình đặt hàng, xử lý đặt hàng để xây dựng nhà ở thương mại phục vụ cho tái định cư; đưa mức đền bù cho người dân cao hơn để trên cơ sở đó người dân khi đền bù GPMB có thể lấy tiền chứ không phải nhà tái định cư; Thành phố ủy quyền toàn bộ việc phê duyệt chủ trương dự án đầu tư cũng như thẩm định đầu tư thuộc thẩm quyền cho các chủ tịch UBND quận, huyện; giao cho Chủ tịch UBND các quận, huyện làm Chủ tịch hội đồng GPMB cho nên đẩy nhanh được tiến độ GPMB của các dự án" - Chủ tịch UBND TP chia sẻ.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, thành phố Hà Nội có nhiều biện pháp quyết liệt, đưa ra nhiều biện pháp mới để thực hiện giải ngân vốn đầu tư công trong giai đoạn còn nhiều khó khăn. “Hà Nội đã có một số biện pháp mà các địa phương phải rút kinh nghiệm như: Tổ chức giao ban hằng tuần về công tác đầu tư xây dựng; đưa mức đền bù phù hợp với nguồn lực khác nhau để phù hợp tình hình địa phương; phân cấp mạnh mẽ cho cấp quận, huyện; TP đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn xử lý, vận dụng cơ chế chủ động trong công tác GPMB cho một số công trình quan trọng… Sự chủ động của các địa phương rất quan trọng và thành phố Hà Nội không bị động. Do đó, khối lượng xây dựng của Hà Nội tốt và thu hút đầu tư vào Hà Nội rất mạnh”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.


Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t