Phát huy vai trò, hiệu quả tín dụng chính sách (14:57 23/09/2019)


HNP - Sáng 23/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia đã chủ trì hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành về vai trò và hiệu quả của tín dụng chính sách trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Dự tại điểm cầu Hà Nội có đồng chí Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia Thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và lãnh đạo các sở, ngành thành phố.

Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý trao Bằng khen của Bộ LĐ,TB&XH cho tập thể và cá nhân


Dư nợ tín dụng tăng hơn 40%
 
Báo cáo tại hội nghị, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội Dương Quyết Thắng cho biết: Để đảm bảo nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội, Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và chính quyền địa phương các cấp luôn quan tâm đến việc huy động và tập trung các nguồn lực tài chính, đáp ứng nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác dưới nhiều hình thức. 
 
Sau gần 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW về tín dụng chính sách xã hội đã phát huy hiệu lực, hiệu quả trên phạm vi toàn quốc và có tác động tích cực với hoạt động tín dụng chính sách xã hội thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Nguồn vốn ủy thác địa phương đã tăng thêm 10.709 tỷ đồng so với trước khi thực hiện Chỉ thị số 40, đưa tổng nguồn vốn ủy thác địa phương đến 31/8/2019 là 14.516 tỷ đồng. 
 
Tính đến ngày 31/8/2019, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 199.823 tỷ đồng, tăng 57.295 tỷ đồng, tương đương 40,2% so với cuối năm 2015, tốc độ dư nợ bình quân hàng năm đạt 9,7% với gần 6,6 triệu khách hàng còn dư nợ. Vốn tín dụng chính sách xã hội được đầu tư cho phát triển sản xuất, tạo sinh kế, tạo việc làm và đáp ứng nhu cầu thiết yếu trong đời sống của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, tập trung chủ yếu vào 9 chương trình tín dụng lớn, chiếm gần 98% tổng dư nợ; bao gồm: Chương trình tín dụng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; cho vay giải quyết việc làm; Chương trình dành riêng cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số… 
 
Hà Nội: 11 quận, huyện không còn nợ quá hạn
 
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Hà Nội
 
Trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay, Thành phố đã quan tâm chỉ đạo tập trung huy động các nguồn lực tài chính, nhất là nguồn lực tại chỗ của địa phương để tạo lập nguồn vốn cho vay, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Tính đến 31/7/2019, tổng nguồn vốn tại Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội Thành phố Hà Nội là 7.969 tỷ đồng, tăng 2.781 tỷ đồng so với năm 2015. 
 
Cũng từ năm 2016 đến 31/7/2019, chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội Thành phố đã giải ngân 11.045 tỷ đồng cho gần 370 nghìn lượt khách hàng vay vốn thông qua 17 chương trình tín dụng chính sách. Doanh số thu nợ trong giai đoạn này là 8.284 tỷ đồng. Tổng dư nợ tín dụng là 7.923 tỷ đồng với trên 287.000 khách hàng đang vay vốn. Trong đó, một số chương trình tín dụng đã có ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo trên địa bàn. 
 
Theo báo cáo, nợ quá hạn toàn Thành phố tính đến 31/7/2019 là 4 tỷ đồng, giảm 1,7 tỷ đồng so với cuối năm 2015, tương đương giảm từ 0,11% xuống còn 0,05%; nợ khoanh là 1,3 tỷ đồng, giảm 0,2 tỷ đồng… Với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, chất lượng tín dụng chính sách xã hội đã từng bước được củng cố và giữ vững. Hiện, trên địa bàn có 11 quận, huyện, thị xã không có nợ quá hạn như: Ba Vì, Thanh Oai, Đan Phượng, Nam Từ Liêm, Hà Đông… và 479 xã, phường, thị trấn không có nợ quá hạn, chiếm tỷ lệ 82%...
 
Tín dụng chính sách xã hội: Giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn cao
 
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ khẳng định, tín dụng chính sách xã hội là giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn cao, đóng góp tích cực vào công tác giảm nghèo, an sinh xã hội. Tuy nhiên, đồng chí Vương Đình Huệ đã thẳng thắn chỉ ra những khó khăn vẫn còn tồn tại trong quá trình thực hiện như: Nguồn lực dành cho chính sách tín dụng trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững còn hạn chế; chất lượng tín dụng chính sách tại một số vùng, địa phương chưa đồng đều; nhiều địa phương chưa xác định tín dụng chính sách xã hội là động lực quan trọng trong giảm nghèo bền vững nên chưa tập trung nguồn lực thỏa đáng… 
 
Đồng chí chỉ đạo, thời gian tới, Ngân hàng Chính sách Xã hội cần tổ chức linh hoạt các hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Đồng thời, nâng cao hơn nữa vai trò của Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội; qua đó, nâng cao chất lượng tín dụng, đúng người, đúng đối tượng. Đặc biệt, tập trung huy động nguồn lực cho tín dụng chính sách, đặc biệt là nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Đồng thời, Chính phủ đồng ý có cơ chế cho Ngân hàng Chính sách xã hội tự huy động nguồn vốn.  
 
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu, các đơn vị có thẩm quyền tiếp thu ý kiến của địa phương, các tổ tiết kiệm vay vốn về nâng mức vay đối với một số chính sách như năng mức cho vay sinh viên; kéo dài thời gian cho vay đối với hộ thoát nghèo; tăng mức cho vay đối với các hộ sản xuất;… HĐND, UBND các cấp cần bố trí nguồn vốn ủy thác cho tín dụng chính sách xã hội.
 
Tại hội nghị, Bộ Lao động Thương binh xã hội đã tặng Bằng khen cho 45 tập thể, 5 cá nhân và Ngân hàng Chính sách xã hội tặng Giấy khen cho 136 tập thể, 148 cá nhân đã có thành tích thực hiện hiệu quả  tín dụng chính sách trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo.
 
Tại điểm cầu Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý đã trao Bằng khen của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho 1 tập thể và 1 cá nhân; giấy khen Ngân hàng của CSXH cho 2 tập thể, 2 cá nhân.

Quỳnh Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t