Phát triển bền vững vừa là nhu cầu cấp bách, vừa là xu thế tất yếu của tiến trình phát triển xã hội (20:13 12/09/2019)


HNP - Chiều 12/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên toàn thể của hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững 2019 với chủ đề “Vì một thập niên phát triển bền vững hơn”, hướng đến cột mốc năm 2030. Hội nghị có sự tham dự của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, cùng hơn 700 đại biểu đại diện cho các cơ quan của Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành, các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, các cơ quan nghiên cứu, các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế, các viện nghiên cứu.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên toàn thể của hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững 2019


Phát biểu khai mạc phiên toàn thể, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định Việt Nam đã nỗ lực thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ và đạt được nhiều kết quả, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Việt Nam cũng luôn thể hiện cam kết mạnh mẽ để thực hiện các mục tiêu theo Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên hiệp quốc. Chính phủ đã ban hành kế hoạch hành động quốc gia về phát triển bền vững với 115 chỉ tiêu và lồng ghép vào tất cả các chủ trương, chính sách, kế hoạch hành động.
 
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, không thể đạt được mục tiêu phát triển bền vững nếu không hành động đúng đắn, quyết liệt, đồng bộ từ tất cả các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, mọi người dân với sự hợp tác của cộng đồng quốc tế. Tất cả cùng chung tay, cùng nỗ lực để thực hiện thắng lợi Mục tiêu phát triển bền vững theo Chương trình nghị sự 2030 của Liên hiệp quốc.
 
Phát biểu chào mừng tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng khẳng định, năm 2019 là năm sẽ đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam trong 5 năm qua và đề ra nhiệm vụ giai đoạn tiếp theo. Thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững là vì sự phát triển của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân.
 
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, Việt Nam có lợi thế trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, nhưng cần nhận diện những thách thức, nguyên nhân sâu xa để Chương trình phát triển trong thời gian tới. “Quốc hội hoan nghênh mọi nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững để đáp ứng cho thành công, tất cả vì sự phát triển của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
 
Tại phiên toàn thể, các đại biểu nghe các báo cáo về lồng ghép SDGs trong Chiến lược Phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam giai đoạn 2021-2030, nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân và tăng cường quan hệ đối tác công - tư, xây dựng nguồn vốn con người, thúc đẩy đột phá khoa học công nghệ, triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn trong thập niên tới, cũng như vai trò của văn hóa trong phát triển bền vững từ đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Ngân hàng Thế giới, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Các đại biểu sẽ cùng thảo luận về đột phá khoa học công nghệ trong tiến trình phát triển bền vững; về xây dựng nguồn nhân lực Việt Nam; về nâng cao năng lực cạnh tranh khu vực kinh tế tư nhân.
 
Các đại biểu dự hội nghị
 
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, phát triển bền vững vừa là nhu cầu cấp bách, vừa là xu thế tất yếu của tiến trình phát triển xã hội, “tất yếu tức là anh làm ngược lại thì thất bại”. Cho nên chủ trương phát triển bền vững được thể hiện nhất quán trong các văn kiện, các chương trình, kế hoạch phát triển đất nước trong từng thời kỳ. 
 
Trong 30 năm đổi mới, Việt Nam đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững và đạt được nhiều thành tựu quan trọng như kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được duy trì ở mức cao, chất lượng tăng trưởng được nâng lên. 
 
Theo báo cáo đánh giá thường niên lần thứ tư về tiến độ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững năm 2019 Việt Nam xếp thứ 54, tăng 3 bậc so với năm 2018 và chỉ số phát triển bền vững đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á. Các chỉ số xếp hạng cao ở Việt Nam là xoá đói giảm nghèo, giáo dục, tiếp cận năng lượng, mô hình tiêu dùng, sản xuất bền vững, chống biến đổi khí hậu.
 
Lưu ý các kết quả nêu trên chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của đất nước, Thủ tướng đề nghị, cần thống nhất về nhận thức và hành động trong tất cả các cấp, các ngành và toàn xã hội về phát triển bền vững. Phải xác định đây là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, cả hệ thống chính trị và mọi thành phần trong xã hội.
 
Nhắc lại phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh đối tác vì tăng trưởng xanh và các mục tiêu toàn cầu đến năm 2030 tại Đan Mạch vào tháng 10/2018, Thủ tướng đã cam kết Việt Nam phải chung tay hành động cùng với các Chính phủ thành viên của Hội nghị hiện thực hoá mục tiêu xanh toàn cầu đến năm 2030, thúc đẩy các dự án hợp tác công tư trong tăng trưởng xanh, đặc biệt là các dự án tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo, nông nghiệp, tài nguyên nước, phát triển đô thị thông minh…vì mục tiêu phát triển bền vững.
 
Nhân dịp này, Thủ tướng biểu dương các biện pháp quyết liệt, cụ thể của TP Hà Nội với chương trình trồng mới 1 triệu cây xanh giai đoạn 2016 - 2018 và trồng thêm 600.000 cây xanh nữa đến năm 2020, giao chỉ tiêu trồng cây xanh tới từng quận, huyện của thành phố. Hay Quảng Ninh thực hiện chấm dứt sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần ở vùng Vịnh Hạ Long. Ở Cù Lao Chàm, Hội An, tỉnh Quảng Nam đã 10 năm không sử dụng túi nilon…
 
Thủ tướng yêu cầu cần tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, nhất là cho người dân nghèo, vùng sâu, vùng xa, cả về thể lực và trí lực, đạt mục tiêu thiên niên kỷ đã cam kết về phát triển con người.Tăng cường hiệu suất, hiệu quả làm việc của mọi khu vực trong nền kinh tế, đặc biệt là khu vực Nhà nước. Đẩy nhanh xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới hình thành Chính phủ số, xã hội số và nền kinh tế số như xu hướng thế giới hiện nay. Hoàn thiện khung pháp lý và môi trường kinh doanh, có chính sách đột phá để khuyến khích các hoạt động đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ mọi người dân, doanh nghiệp phát huy khả năng sáng tạo, sản xuất ra của cải vật chất, xây dựng một xã hội thịnh vượng.
 
Đồng thời, cần tập trung xây dựng cơ chế, chính sách để khuyến khích áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất, tiêu dùng hướng đến mô hình kinh doanh kinh tế phi phát thải. 
 
Thủ tướng nhấn mạnh, toàn cầu hóa và xu hướng công nghệ cùng với những mô hình kinh doanh có tính đột phá, làm thay đổi căn bản nhiều tư duy và phương pháp tiếp cận kinh doanh giúp cho nhiều hoạt động kinh tế dân sự trở nên tối ưu và bền vững hơn. Tuy nhiên, những giá trị văn hóa cội nguồn, bản sắc dân tộc vẫn sẽ trường tồn, là thứ làm nên sự khác biệt có tính bền vững, là giá đỡ cho sự thịnh vượng kinh tế lâu dài, là bệ phóng cho những tiến bộ của chúng ta trong thế kỷ 21 và xa hơn.
 
Thủ tướng giao các bộ, ngành căn cứ chương trình hành động quốc gia và lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, xây dựng và ban hành các chỉ tiêu kế hoạch hành động cụ thể trong từng ngành, từng lĩnh vực. 
 
Cho biết hiện còn hơn 30 địa phương chưa kế hoạch thực hiện kế hoạch quốc gia và Chỉ thị của Thủ tướng về phát triển bền vững, Thủ tướng yêu cầu các địa phương cần đặc biệt quan tâm thực hiện các mục tiêu phát triển xã hội, nhất là về giáo dục, y tế, phát triển con người, bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa. 

Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t