Vụ cháy Công ty Rạng Đông: Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung yêu cầu khẩn trương khắc phục hậu quả (20:13 05/09/2019)


HNP - Chiều 5/9, đồng chí Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội chủ trì cuộc họp chỉ đạo khắc phục hậu quả vụ cháy nhà xưởng Công ty Cổ phần bóng đèn, phích nước Rạng Đông (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân). Cuộc họp có sự tham dự của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường Hoàng Văn Thức; Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng và chính quyền địa phương, các sở, ngành liên quan.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung chủ trì cuộc họp


Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Công an thành phố cho biết, ngay sau khi xảy ra vụ cháy đã tiếp nhận hiện trường, rà soát, ghi lời khai nhân chứng (15 công nhân, 7 bảo vệ), tổ chức điều tra theo quy định của pháp luật. Công an thành phố đã trưng cầu giám định, khám nghiệm hiện trường, xác định nơi xảy cháy có tổng diện tích 6.000m2. Công an đang tiếp tục đánh giá hiện trường, xác định nguyên nhân cháy, xác định thiệt hại về tài sản đối với các hộ dân gần kề. Kết quả khám nghiệm hiện trường bước đầu cho thấy, tại Công ty có các hộp chứa hóa chất (mangan) nhưng chưa bị cháy.
 
Đại diện Công ty Rạng Đông, Phó Tổng Giám đốc Trần Trung Tưởng cho biết, khu vực cháy là nơi sản xuất những sản phẩm đèn huỳnh quang, đèn tròn, đèn compact. Kho hóa chất nằm trong khu vực cháy, có khoảng 4,5 triệu viên hóa chất (22% thủy ngân), khoảng 34,3kg thủy ngân, chưa bị hư hỏng do hỏa hoạn. Căn cứ số sản phẩm cháy hỏng, Công ty tính quy ra hàm lượng thủy ngân là khoảng 15,1kg đến 15,6kg. 
 
Ngay sau khi vụ cháy xảy ra, Sở TN&MT Thành phố, Chi cục Bảo vệ môi trường quận Thanh xuân, UBND quận, phường đã chỉ đạo Công ty khắc phục kịp thời. Thực hiện các yêu cầu mà Sở TN&MT đưa ra, Công ty đã triển khai thực hiện 5 biện pháp khắc phục: Lắp đặt toàn bộ lưới mịn chắn rác để tránh thất thoát ra; xây khoanh toàn bộ khu vực cháy để chắn nước mặt thoát ra ngoài; che phủ toàn bộ khu vực chắn với nhà dân xung quanh công ty (ngày 4/9 đã hoàn thành); thuê công ty môi trường hút toàn bộ các phần trầm tích rác thải ở toàn bộ khu vực cháy của công ty; lắp toàn bộ hệ thống phun sương để tránh khi nhiệt độ ban ngày cao hạn chế toàn bộ hơi bốc lên - đang tiến hành lắp.
 
Bên cạnh đó, Công ty đang làm việc với một số cơ quan môi trường mà Bộ TN&MT có gợi ý để sau khi cơ quan CSĐT xong, giải tỏa khu vực cháy thì công ty sẽ thu gom toàn bộ phần rác thải đóng và vận chuyển đến công ty môi trường có chức năng xử lý rác thải độc hại. Sau đó sẽ tiến hành xử lý trên mặt nền của công ty.
 
Tham gia ý kiến tại cuộc họp, bà Nguyễn Thị Bình, Tổ trưởng Tổ dân phố 23, phường Thanh Xuân Trung cho biết, khi xảy ra cháy, lực lượng cảnh sát PCCC đã có mặt kịp thời; các đơn vị liên quan đến sơ tán người dân nhanh chóng (có khoảng 20 nhà liền kề sát công ty đã sơ tán ra ngoài). Sau khi vụ cháy được khống chế, đến nay sức khỏe người dân vẫn bình thường. Hiện nay, các hộ dân chỉ mong muốn các cơ quan có thẩm quyền sớm có kết luận về chỉ số chất hóa học từ nhà máy có gây hại cho sức khỏe và môi trường hay không.
 
Bí thư Chi bộ phường Hạ Đình cũng bày tỏ sự ghi nhận nỗ lực chữa cháy, hạn chế thiệt hại vụ cháy của cơ quan Công an, chính quyền địa phương và cho biết, hiện chưa có người có dấu hiệu mắc bệnh, đời sống cơ bản ổn định. Người dân mong các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp nhanh chóng xác định nguyên nhân cháy, thiệt hại, khắc phục hậu quả, bảo vệ sức khỏe, ổn định tư tưởng nhân dân...
 
Lãnh đạo phường Khương Trung (quận Thanh Xuân) kiến nghị, các cơ quan chức năng sớm có kết luận chính thức, di dời cơ sở của Công ty Rạng Đông. Lãnh đạo phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân) cũng kiến nghị thành phố chỉ đạo cơ quan Công an điều tra vụ việc, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng. 
 
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức phát biểu tại buổi làm việc
 
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường Hoàng Văn Thức đánh giá cao nỗ lực giải quyết sự cố cháy của thành phố và cho biết, về việc hấp thụ thủy ngân trong không khí, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục tiến hành quan trắc. Đại diện Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cần xem xét, làm rõ mức độ ô nhiễm thủy ngân nếu có.
 
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung khẳng định, cuộc họp nhằm đánh giá lại việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chữa cháy và sau chữa cháy. Trên cơ sở các ý kiến trên, Chủ tịch UBND thành phố ghi nhận, biểu dương quận Thanh Xuân, chính quyền và nhân dân 2 phường Thanh Xuân Trung và Hạ Đình, các lực lượng Công an trong chữa cháy, bảo vệ tài sản, tính mạng nhân dân. Các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của thành phố trong khắc phục hậu quả vụ cháy.
 
Từ báo cáo bước đầu, Chủ tịch UBND thành phố nhận định, nguyên nhân cháy là do quá trình quản lý bảo quản nguyên vật liệu, sản phẩm trong nhà máy, không phải do phá hoại. Thống kê sơ bộ cho thấy có các sản phẩm bị cháy sử dụng nguyên liệu thủy ngân (15,1kg đến 15,6kg, các nguyên liệu chưa sử dụng vẫn được bảo quản nguyên vẹn. Số hóa chất bị cháy có thể gây độc hại. Trong quá trình thực hiện các biện pháp của cơ quan điều tra, thành phố đã mời các đơn vị chuyên môn quan trắc chất lượng không khí, ảnh hưởng đối với đất và nước. Đối chiếu với quy chuẩn, cơ quan chức năng đã đưa ra khuyến cáo để hạn chế tác động, ảnh hưởng của vụ cháy; khuyến cáo các biện pháp khắc phục hậu quả vụ cháy để hạn chế tác động đối với môi trường, sức khỏe nhân dân... Chủ tịch UBND thành phố cũng bày tỏ sự cảm ơn sự chỉ đạo của Chính phủ, sự giúp đỡ, phối hợp của các bộ, ngành đối với thành phố để đưa ra khuyến cáo đối với người dân.
 
Để tiếp tục thực hiện các biện pháp theo dõi, giám sát chặt chẽ những tác động, ảnh hưởng sau vụ cháy có thể gây ra đối với sức khỏe của người dân khu vực phường Hạ Đình và phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, cũng như triển khai ngay các biện pháp phòng ngừa, khắc phục tác động xấu do vụ cháy gây ra đối với sức khỏe của người dân và môi trường, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung giao Giám đốc Sở Y tế chủ trì, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân phối hợp, bố trí bác sĩ, y tá trực 24/24 tại phường Hạ Đình và phường Thanh Xuân Trung, tổ chức khám sức khỏe miễn phí tại khu vực bán kính 500m theo yêu cầu của người dân; đồng thời tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho mọi người dân tổ chức các biện pháp phòng ngừa nhằm giảm thiểu các tác động ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường sống của người dân trong khu vực.
 
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì tổ chức việc quan trắc chất lượng không khí, lấy mẫu đất, mẫu nước (nước ngầm, nước mặt) trong vòng bán kính 500m để phân tích. Trên cơ sở kết quả thu thập được, đối chiếu kết quả quan trắc, giám định đối với các tiêu chuẩn, quy chuẩn của Việt Nam, của WHO, tổ chức thông báo công khai, minh bạch tới người dân trong khu vực cũng như các cơ quan báo chí của Trung ương và địa phương. Chủ trì phối hợp với Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông, Bộ Tư lệnh Thủ đô làm việc với Bộ Tư lệnh Hóa học (Bộ Quốc phòng), triển khai thực hiện tẩy độc nhà máy và trong bán kính 500m vùng ảnh hưởng (nếu có các chỉ tiêu độc hại vượt mức cho phép).
 
Chủ tịch UBND Thành phố cũng giao Giám đốc Công an Thành phố chỉ đạo cơ quan Điều tra Công an Thành phố khẩn trương điều tra, xác định nguyên nhân của vụ cháy; xác định nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng của hàng hóa nhập khẩu của Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông, làm rõ số lượng nhập, số hóa chất đã sử dụng, số lượng hóa chất bị cháy, số lượng còn lại trong kho. Trưng cầu cơ quan chuyên môn giám định nguyên nhân cháy, mức độ ảnh hưởng môi trường do vụ cháy gây ra đối với sức khỏe của người dân và môi trường; trưng cầu Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam giám định để xác định mức độ ô nhiễm về môi trường đất, nước và không khí trong vùng ảnh hưởng. Sớm có kết luận để công bố công khai, minh bạch cho người dân và dư luận khi có kết quả.
 
Đối với Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung yêu cầu đơn vị phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, đơn vị để cung cấp thông tin chính xác nguồn gốc, xuất xứ, quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình bảo quản các vật tư, thành phẩm (thủy ngân, amalgam…) nhằm xác định chính xác số thủy ngân và amalgam bị cháy cũng như số lượng còn lại; Cử cán bộ chuyên gia có chuyên môn phối hợp với các đơn vị khắc phục hậu quả của vụ cháy; khẩn trương ổn định tình hình sản xuất của Công ty, đảm bảo ổn định việc làm, tinh thần cho người lao động. Tổ chức thăm hỏi, cảm ơn người dân trong khu vực, công nhân tham gia chữa cháy, khắc phục hậu quả.
 
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cũng đề nghị các cấp, ngành của trung ương và Hà Nội cần có sự phối hợp, thống nhất trong thực hiện các nhiệm vụ chung, tránh gây hiểu lầm, phản cảm. Cũng để không gây hiểu lầm, các cơ quan chức năng, chuyên môn cần nghiên cứu, thống nhất các quy chuẩn, tiêu chuẩn để có khuyến cáo phù hợp. Thành phố cũng cần rà soát lại các cơ sở sản xuất có sử dụng hóa chất, yêu cầu hoàn thiện cơ sở kỹ thuật trong bảo quản, sử dụng đúng quy chuẩn.

Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t