50 năm Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn giữ nguyên giá trị (14:27 30/08/2019)


HNP - Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là những lời căn dặn và tình cảm thiết tha; là niềm tin sâu sắc của Người gửi lại toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta và các thế hệ mai sau. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một văn kiện lịch sử vô giá, kết tinh trong đó tinh hoa tư tưởng, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của Người, một vĩ nhân đã suốt đời phấn đấu hy sinh vì tổ quốc và nhân loại.


Di chúc của Bác đã trở thành thiêng, thành cương lĩnh hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như trong toàn bộ công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Người (1969-2019), nhằm nhắc nhớ cho các tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân ta ôn lại toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp của Người là dành cho cách mạng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong điều kiện hiện nay, đòi hỏi các tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân ta phải toàn tâm, toàn ý vì cách mạng, vì nước, vì dân, góp phần xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức để đủ sức lãnh đạo cách mạng và sự nghiệp đổi mới đất nước.

Với những nhận thức, ý thức chân thành và sâu sắc nhất, có thể thấy rằng, những giá trị tinh thần của bản Di chúc 50 năm tuổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn vẹn nguyên giá trị, được Đảng ta, Nhà nước và nhân dân ta chuyển thành những lực lượng vật chất quan trọng, viết nên những trang sử hào hùng của dân tộc trong thời đại mới. Ôn lại những tâm huyết của Người là dịp để toàn Đảng bồi đắp lý tưởng cách mạng, xây dựng ý chí, quyết tâm chính trị để phấn đấu hoàn thành di nguyện của Người trước lúc đi xa. Trong Di chúc, Người khẳng định, trước hết, “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta”. Việc giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng là nhân tố quyết định sự thành công trong mọi nhiệm vụ, “tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”. Đoàn kết thống nhất trong Đảng càng phải được xem là một chiến lược lâu dài đối với sự nghiệp cách mạng. Là Đảng duy nhất cầm quyền, Đảng ta càng phải xây dựng, củng cố sự đoàn kết thống nhất, “giữ gìn sự đoàn kết và nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Đoàn kết của Đảng chính là tấm gương cho cả hệ thống chính trị và là nhân tố quyết định bảo đảm đại đoàn kết dân tộc.

Thực hiện Di chúc của Bác, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta phải đoàn kết, nhất trí, kiên định, trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, sự nghiệp đấu tranh cách mạng, là lực lượng tinh túy, có chiều sâu về trí tuệ, có năng lực trong hoạt động thực tiễn, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đổi mới đất nước, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên ở Trung ương cũng như địa phương có được như ngày nay chính là nhờ vào sự thống nhất ý chí hành động của tập thể cấp ủy và toàn thể cán bộ, đảng viên trong đảng bộ. Các tổ chức đảng ở các cơ quan Trung ương và địa phương đã phát huy tốt tinh thần “đoàn kết”, động viên, tập hợp, huy động các lực lượng tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện; phát triển kinh tế gắn với bảo đảm an sinh xã hội đạt được kết quả như ngày nay chính là nhờ tinh thần đoàn kết cao độ của các tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Trong Di chúc, Bác căn dặn “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình, là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất trong Đảng”. Thực hiện lời căn dặn của Người, các tổ chức đảng ở các cơ quan Trung ương và địa phương đã có những nhận thức sâu sắc, triệt để, luôn coi đây là nguyên tắc, quy luật phát triển của Đảng, là biện pháp tốt nhất để củng cố, phát triển sự đoàn kết, thống nhất trong đảng bộ. Thực hiện thường xuyên tự phê bình và phê bình một cách nghiêm túc, không nể nang, qua loa đại khái, hình thức, giúp cho bản thân và đồng chí của mình ngày càng tiến bộ hơn, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm mà tổ chức đảng, đồng chí, đồng nghiệp mình chỉ ra.

Trong điều kiện hiện nay, các tổ chức đảng ở các cơ quan Trung ương và địa phương cần tiếp tục nâng cao nhận thức và thực hiện tốt tinh thần tự phê bình và phê bình gắn với nguyên tắc tập trung dân chủ trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng. Do đó, phải quán triệt và thấu suốt tinh thần chủ trương thống nhất, kỷ luật thống nhất, cơ quan lãnh đạo thống nhất. Cá nhân phục tùng tổ chức, thiếu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên. Dân chủ phải đi đôi với tập trung. Dân chủ và tập trung có mối quan hệ khăng khít, biện chứng, bổ sung cho nhau và đó là hai vế của một nguyên tắc. Đây là nguyên tắc rường cột, quan trọng nhất để xây dựng Đảng, nhằm phát huy quyền làm chủ của đảng viên, tạo nên sức mạnh tổng hợp của tổ chức, bảo đảm cho quá trình thực hiện dân chủ được đúng hướng; đảm bảo cho kỷ luật của Đảng được thực thi nghiêm túc; và khi đó, kỷ luật chính là phương tiện để bảo vệ dân chủ, bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi thành viên trong tổ chức. Trong Đảng, thực hành dân chủ rộng rãi là để không chỉ phát huy quyền làm chủ của đảng viên trong tất cả các hoạt động của Đảng, để mọi đảng viên được bày tỏ ý kiến của mình mà còn góp phần phòng, chống các biểu hiện chuyên quyền, độc đoán, hách dịch, chụp mũ, trù dập và những biểu hiện dân chủ quá trớn, những hiện tượng vì “sợ” mất dân chủ mà theo đuôi quần chúng trong công tác lãnh đạo và chỉ đạo thực tiễn.

Trong Di chúc, Bác căn dặn “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng; thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Người nhấn mạnh, cán bộ, đảng viên phải biết sống và làm việc vì dân, làm điều có lợi cho dân, tránh điều hại tới dân: “Việc gì có lợi cho dân thì phải làm, khó mấy cũng phải làm cho bằng được. Việc gì có hại tới dân thì quyết tránh cho bằng được, dù chỉ là cái hại nhỏ”. Đạo đức nghề nghiệp cũng đồng thời là đạo đức phục vụ nhân dân, phục vụ xã hội. Muốn có đạo đức ấy phải rèn luyện suốt đời, luôn hướng tới hành động, việc làm chứ không chỉ lời nói suông; phải thực hành phương châm nói ít làm nhiều, giữa lời nói và việc làm phải đi đôi với nhau. Người còn dạy đạo đức của người cán bộ, đảng viên là phải dám chịu trách nhiệm, cả quyết sửa lỗi lầm, công khai nhận lỗi để quyết tâm sửa lỗi, như thế sẽ làm cho dân tin, dân ủng hộ. Đừng để dân mất niềm tin, đừng để nhân dân oán ghét, xa lánh. Đối với công chức, Người đặt ra yêu cầu phải thạo chính trị, giỏi chuyên môn, tinh thông nghiệp vụ, tận tụy, mẫn cán, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, dân chủ chứ không biến thành quan chủ, đầy tớ công bộc của dân chứ đừng vênh mặt, lên mặt quan cách mạng. Biết đặt lợi ích chung lên trên lợi ích riêng, đã phục vụ nhân dân thì việc gì cũng cao quý, tự nguyện tự giác làm việc, chấp hành sự phân của tổ chức, không tị nạnh, không so bì thiệt hơn, không tự kiêu, tự mãn, phải hết sức khiêm nhường, phải có lòng vị tha, nhân ái, khoan dung. Thấm nhuần tư tưởng của Người, các tổ chức đảng ở các cơ quan Trung ương và địa phương luôn xác định công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, trong đó, công tác cán bộ là khâu then chốt của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, phấn đấu xây dựng người cán bộ, đảng viên bảo đảm “vừa hồng - vừa chuyên”; góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đạo đức cách mạng, ý thức trách nhiệm, sự trung thực, tinh thần hợp tác, ý thức tự tôn dân tộc, ý thức cộng đồng, có văn hóa.

Triển khai thực hiện nghiêm túc có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Quy định số 101-QĐ/TW của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp; Quy định số 08-QĐi/TW của Ban Chấp hành Trung ương trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Góp phần xây dựng Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu và vai trò lãnh đạo của Đảng, làm cho uy tín của Đảng ta ngày càng được nâng cao, tăng cường và làm sâu sắc thêm mối quan hệ máu thịt giữa Đảng và Nhân dân. Trong Di chúc, Bác căn dặn “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Nhận thức cao về Di nguyện của Người, các cấp ủy đảng trong các cơ quan chú ý đào tạo và bồi dưỡng thế hệ trẻ, làm nguồn kế tục sự nghiệp cách mạng của thế hệ cha anh; đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị về công tác thanh niên, chăm lo thế hệ trẻ, coi lực lượng đoàn viên, thanh niên là lực lượng nòng cốt; là người kế tục sự nghiệp cách mạng của Đảng. Trong Di chúc, Bác căn dặn “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.

Kỷ niệm 50 năm, chúng ta ôn lại những lời căn dặn, cũng là Di nguyện của Người để lại trong Di chúc, là dịp để mỗi tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên và nhân dân tự đánh giá lại mình; phấn đấu, rèn luyện, đồng thời quyết tâm cao, nỗ lực lớn để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, góp phần xây dựng “xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”, là món quà ý nghĩa để kính tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của dân tộc, Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, thiết thực kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.


Thanh Hải


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t