Hà Nội đưa vào sử dụng công nghệ điều trị ung thư tiên tiến nhất Đông Nam Á (21:07 28/08/2019)


HNP - Chiều 28/8, tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội đã khai trương máy Pyrexar tăng nhiệt hỗ trợ điều trị ung thư và máy cộng hưởng từ. Đồng chí Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã dự buổi lễ.

Các đại biểu cắt băng khai trương


Phát biểu tại lễ khai trương, đồng chí Nguyễn Đình Hưng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết, kể từ khi đi vào hoạt động đến nay, Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội (TTKTC&TH) luôn là địa chỉ được người bệnh và gia đình người bệnh lựa chọn cho công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe, thể hiện ở số lượng bệnh nhân đến khám, điều trị nội trú, phẫu thuật tăng từ 20% đến 30% qua các năm. 6 tháng đầu năm 2019, Trung tâm đã đón tiếp gần 13.000 lượt khám ngoại trú, trên 1.600 bệnh nhân điều trị nội trú và gần 1.500 trường hợp phẫu thuật tại trung tâm.  
 
Sự thành công trong hoạt động điều hành của Trung tâm đã khẳng định tính ưu việt của mô hình quản lý mới tại các bệnh viện công lập: Mô hình hoạt động kết hợp hài hòa và có hiệu quả công tác quản lý chuyên môn theo chuẩn quản lý bệnh viện công lập và quản trị điều hành theo mô hình bệnh viện tư nhân. Cùng với cơ chế tự chủ về tài chính, Trung tâm đã tận dụng được chất xám, được năng lực chuyên môn, năng lực quản lý của các cán bộ, các chuyên gia trong và ngoài nước đến làm việc, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật tại trung tâm. 
 
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung và các đại biểu thăm quan hệ thống công nghệ mới
 
Với mục tiêu “Lấy người bệnh làm trung tâm cho sự chăm sóc và điều trị”, TTKTC và TH Hà Nội đã không ngừng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tiếp tục đầu tư các trang thiết bị hiện đại triển khai các kỹ thuật cao, chuyên sâu đặc biệt trong điều trị Ung thư. Khảo sát thực tế liệu trình điều trị Ung thư tại Việt Nam cho thấy kỹ thuật điều trị ung thư bằng phương pháp tăng nhiệt khối u sử dụng sóng điện từ hội tụ không xâm lấn (Hyperthermia) là một phương pháp điều trị cục bộ nghĩa là năng lượng nhiệt truyền tải vào cơ thể bệnh nhân chỉ có thể tác động cục bộ trên khối u mục tiêu và kết thúc ngay khi tắt nguồn. Khối u được làm nóng đến nhiệt độ từ 40-45 độ C trong một khoảng thời gian nhất định. Mục tiêu lâm sàng của điều trị ung thư siêu nhiệt là tạo ra đủ nhiệt để tiêu diệt tế bào ung thư mà không làm hỏng tế bào bình thường và để tăng hiệu quả của xạ trị. Hyperthermia có thể được ứng dụng một mình nhưng thường được kết hợp với hóa xạ trị. Các nghiên cứu lâm sàng đã chứng minh rằng tăng thân nhiệt có thể tăng gấp đôi hiệu quả hóa xạ trị trong các khối u chọn lọc, không tăng độc tính. Hiện nay, công nghệ này đã được áp dụng tại nhiều nước có nền y học tiên tiến như Hoa Kỳ, Đức.
 
Theo Giám đốc Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, đến nay, trên cả nước chưa có bệnh viện công lập nào áp dụng công nghệ này, mới chỉ có Bệnh viện Quốc tế Vinmec ứng dụng nhiệt trị trong điều trị ung thư từ tháng 3/2019. Việc TTKTC và TH Hà Nội - Bệnh viện Xanh Pôn triển khai hệ thống tăng nhiệt Pyrexar BSD-2000 tại Hà Nội là một mốc đáng ghi nhận cho sự phát triển của nền y học ứng dụng, đặc biệt trong bối cảnh của sự tăng nhanh các bệnh học về khối u. Triển khai kỹ thuật điều trị khối u bằng phương pháp tăng thân nhiệt sử dụng sóng cao tần hội tụ không xâm lấn sẽ góp phần giúp các trung tâm hóa xạ trị tại Hà Nội có thêm một công cụ hữu hiệu hỗ trợ cho liệu trình điều trị và bệnh nhân sẽ được thụ hưởng những thành quả của sự phát triển y học hiện đại.
 
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung phát biểu tại buổi lễ
 
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, trong thời gian qua, thành phố Hà Nội đã tích cực hợp tác với các tập đoàn lớn nhằm cập nhật các công nghệ mới, bổ sung vào quy trình khám chữa bệnh để phục vụ người dân hiệu quả hơn. “Với việc đưa máy Pyrexar tăng nhiệt hỗ trợ điều trị ung thư và máy cộng hưởng từ vào sử dụng, Việt Nam là nước thứ 5 trên thế giới, nước đầu tiên ở Đông Nam Á sở hữu công nghệ mới này” - Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.
 
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, hiện nay, thành phố Hà Nội đang tiếp tục đàm phán với một số tập đoàn, trung tâm nghiên cứu trên thế giới để cập nhật công nghệ mới, đưa chất lượng khám chữa bệnh của ngành y tế Hà Nội phục vụ người dân ngày càng tốt hơn, rút ngắn thời gian người bệnh phải lưu trú, nằm điều trị tại bệnh viện, giảm giá thành khám chữa bệnh.

Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t