Tinh gọn bộ máy để nâng cao hiệu quả hoạt động ở cơ sở


Bài cuối: Đổi mới gắn với những yêu cầu thực tiễn (06:46 01/09/2019)


HNP - Hiệu quả to lớn từ đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ ở cơ sở đã được khẳng định. Dù thực tế còn nhiều khó khăn, tuy nhiên, khi cấp ủy các địa phương quyết tâm thực hiện, cùng với sự chỉ đạo sát sao của Ban Thường vụ Thành ủy, có thể tin tưởng rằng, hệ thống chính trị ở địa bàn dân cư sẽ ngày càng hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải dự sinh hoạt với đội ngũ cán bộ cơ sở xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất


Những giải pháp căn cơ, toàn diện
 
Tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức hệ thống chính trị trên địa bàn dân cư theo Đề án số 06-ĐA/TU, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã đề ra 5 nhóm giải pháp. Đáng chú ý, ở những nơi có đủ điều kiện, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đề nghị nghiên cứu thực hiện ngay mô hình Bí thư chi bộ đồng thời là Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố.
 
Xuất phát từ kết quả thí điểm tại 5 quận, huyện cũng như thực hiện Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ, sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, ngày 10/7/2019, HĐND thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết 08/2019/NQ-HĐND Quy định về số lượng, chức danh đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã; mức phụ cấp, mức phụ cấp kiêm nhiệm đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; mức bồi dưỡng đối với người trực tiếp tham gia công việc của thôn, tổ dân phố; chế độ hỗ trợ người hoạt động không chuyên trách cấp xã không tiếp tục bố trí công tác trên địa bàn thành phố Hà Nội. 
 
Theo đó, Hà Nội sẽ giảm số lượng người hoạt động không chuyên trách cấp xã như sau: Xã, phường, thị trấn loại 1 tối đa 14 người; Xã, phường, thị trấn loại 2 tối đa 12 người; Xã, phường, thị trấn loại 3 tối đa 10 người. Các chức danh hoạt động không chuyên trách cấp xã gồm: Văn phòng Đảng ủy cấp xã; Phụ trách công tác truyền thanh cấp xã; Phó Chỉ huy trưởng Quân sự; Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh; Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ; Phó Chủ tịch Hội Nông dân (đối với xã và các phường, thị trấn còn sản xuất nông nghiệp); Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Chủ tịch Hội người cao tuổi; Chủ tịch Hội chữ thập đỏ ở xã, phường, thị trấn. Ở cấp thôn, tổ dân phố, có 3 chức danh cán bộ không chuyên trách (Bí thư chi bộ; Trưởng thôn/Tổ trưởng dân phố; Trưởng ban công tác mặt trận) và 4 chức danh khác (công an viên ở thôn; thôn/tổ đội trưởng; bảo vệ dân phố; nhân viên y tế thôn, bản).
 
Cùng với việc quy định giảm số lượng người hoạt động không chuyên trách, Nghị quyết của HĐND Thành phố cũng khuyến khích các xã, phường, thị trấn bố trí kiêm nhiệm chức danh. Đáng chú ý là phụ cấp đối với chức danh kiêm nhiệm đã được quan tâm. Cụ thể, người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và ở thôn, tổ dân phố nếu kiêm nhiệm chức danh không chuyên trách khác được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm bằng 50% mức phụ cấp của chức danh không chuyên trách kiêm nhiệm. Như vậy, nếu ở các thôn, tổ dân phố có trên 350 hộ dân; thôn, tổ dân phố thuộc xã, phường trọng điểm về an ninh trật tự (theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền) thì Bí thư chi bộ, Tổ trưởng hoặc Trưởng thôn sẽ nhận mức phụ cấp 1,8 lần hệ số lương cơ bản/tháng, đối với Trưởng ban công tác mặt trận mức phụ cấp là 1,4. Nếu Bí thư chi bộ kiêm Tổ trưởng dân phố ở các xã trên, mức phụ cấp tương ứng là 2,7 lần hệ số lương cơ bản/tháng; còn Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ban công tác mặt trận thì con số này là 2,5.
 
Theo tính toán của thành phố Hà Nội, nếu thực hiện sắp xếp đội ngũ cán bộ không chuyên trách ở cơ sở theo quy định mới sẽ giảm được 2.178 người ở cấp xã, tiết kiệm hơn 42 tỷ đồng mỗi năm. Còn ở cấp thôn, tổ dân phố sẽ giảm được 20.663 người, tiết kiệm trên 66 tỷ mỗi năm. Quan trọng hơn, mức thu nhập đối với cán bộ sẽ được tăng lên, qua đó, sẽ giúp nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở.
 
Cần hướng tới xây dựng “cộng đồng tự quản”
 
Có thể nói, Nghị quyết 08/2019/NQ-HĐND đã cơ bản khắc phục được những bất cập, hạn chế đặt ra đối với hoạt động của đội ngũ cán bộ không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và thôn, tổ dân phố. Tuy nhiên, về tổng thể, vẫn cần những giải pháp căn cơ hơn để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ này nói riêng, cũng như hệ thống chính trị ở cơ sở nói chung, nhất là trong bối cảnh Thành phố đang xây dựng Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị.
 
Bởi theo như dự thảo Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị mà Hà Nội đang xây dựng và trình Trung ương thông qua, dù theo phương án nào thì vấn đề đặt ra là phải tiếp tục hoàn thiện về chức năng, nhiệm vụ của chính quyền cấp cơ sở, gắn với quy định rõ mối quan hệ giữa chính quyền cấp cơ sở với tổ chức cộng đồng dân cư.
 
Theo luật sư Nguyễn Văn Thanh, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, hiện nay, ở nhiều quốc gia trên thế giới không có tổ dân phố, nhưng trật tự an ninh, môi trường vẫn tốt. Việc duy trì số lượng lớn tổ dân phố, kéo theo đội ngũ người làm việc ở tổ dân phố như hiện nay sẽ rất tốn kém ngân sách, nhưng hiệu quả về mặt hành chính không cao. Mặt khác, chính quyền hành chính hiện đã hướng đến quản trị minh bạch, ứng dụng CNTT, số hóa các dữ liệu, các phương tiện truyền thông cũng đa dạng hơn nên vai trò tuyên truyền của tổ dân phố không còn nhiều như trước đây. Do vậy, về lâu dài nên tính toán xem chức năng, nhiệm vụ của các thôn, tổ dân phố để vừa tiết kiệm chi phí, vừa giảm được một cấp hành chính.
 
Còn theo TS. Trần Thị Hương, Phó Trưởng khoa Xây dựng Đảng (Học viện Báo chí và Tuyên truyền), truyền thống Việt Nam thời xưa ở thôn - xã tự tổ chức hoạt động, không lấy tiền của chính quyền. Họ có những đất ruộng công rồi tự khai thác hoặc cho thuê tạo nguồn quỹ riêng cho làng xã, không lấy tiền từ trên chi xuống. Một cộng đồng được hình thành trong một không gian sống, điều kiện văn hóa, xã hội chung sẽ có nhiều gắn kết. Còn nếu nhập lại một cách cơ học sẽ không hình thành cộng đồng.
 
Trên cơ sở đó, TS. Trần Thị Hương đề xuất, ở cấp cơ sở như khu phố, tổ dân phố nên tổ chức theo hình thức cộng đồng tự quản, không nên hành chính hóa những cấp này. Trong “tổ dân phố tự quản” này, người dân tự họp nhau lại và tổ chức đời sống tự quản trong khu vực sinh sống. Trong đó cũng có thể có chức danh tổ trưởng, tổ phó nhưng do người dân tự bầu. Người dân muốn tổ chức đời sống và sử dụng các dịch vụ về an ninh, môi trường thì phải tự bỏ tiền ra đóng góp để hoạt động, không lấy từ ngân sách nhà nước. Còn nếu hiện nay vẫn muốn giữ mô hình tổ dân phố để giúp việc cho cấp trên thì cần phải cải cách, tinh gọn lại. Có thể nhập nhiều tổ dân phố lại để giảm chi phí cho bộ máy. Đồng thời, chọn người thạo việc, áp dụng CNTT để nâng cao hiệu quả công việc của cấp này.
 
Phát biểu tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Đề án số 06-ĐA/TU, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: Việc sắp xếp đội ngũ cán bộ không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn cũng như thôn, tổ dân phố là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, quá trình làm phải bám sát bối cảnh Thành phố đang xây dựng Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị, đặc biệt là xây dựng chính quyền điện tử, Thành phố thông minh. Do vậy, các thôn, tổ dân phố và xã, phường, thị trấn tới đây cũng phải thay đổi để phát huy quyền dân chủ trực tiếp của người dân. 
 
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng, bên cạnh việc tăng cường kiêm nhiệm và khoán kinh phí hoạt động đối với đội ngũ cán bộ không chuyên trách, một trong những yêu cầu quan trọng là phải tăng cường đổi mới, ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý từ cấp cơ sở để đáp ứng yêu cầu phát triển, nhất là bối cảnh đô thị hóa và dân số cơ học tăng nhanh.

Nguyễn Văn - Hoàng Phúc


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t