Tinh gọn bộ máy để nâng cao hiệu quả hoạt động ở cơ sở


Bài 1: Hiệu quả bước đầu (06:46 01/09/2019)


HNP - Sau gần 6 năm Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành và triển khai thực hiện Ðề án số 06-ÐA/TU về “Kiện toàn, sắp xếp tổ chức Ðảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị trên địa bàn dân cư, tổ dân phố, thôn, xóm ở xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Hà Nội”, ở nhiều địa bàn, bước đầu đã cho thấy hiệu quả tích cực, giúp nâng cao chất lượng công tác quản lý từ cơ sở.

Cán bộ tổ dân phố phường Phú Đô tuyên truyền, vận động nhân dân


Những bức tranh tương phản
 
Đầu tháng 12/2018, nhiều đảng viên sinh hoạt hai chiều ở chung cư Bắc Hà Luck (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy) cầm tờ phiếu xin ý kiến chi ủy nơi cư trú phục vụ kiểm điểm cuối năm mà lòng băn khoăn, lo lắng. Về đây ở từ năm 2015, đến nay, cả chung cư với hơn 200 hộ, vẫn chưa có chi bộ, tổ dân phố. Ông Nguyễn Trùng Điệp, Trưởng ban Quản trị chung cư cho biết, ngay sau khi được thành lập vào tháng 2/2018, Ban Quản trị đã có văn bản đề nghị UBND phường cho thành lập tổ dân phố. UBND phường đã có công văn đề nghị UBND quận về việc này, nhưng, đến nay, chưa có phản hồi gì thêm. Theo thống kê của Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội, hiện nay, trên địa bàn Thành phố, những địa bàn dân cư chưa có cả tổ dân phố và chi bộ đảng như chung cư Bắc Hà Luck cũng không ít. Ở các quận, huyện có khu đô thị mới, các tòa nhà chung cư cao tầng mới đều xảy ra tình trạng này.
 
Ở bình diện khác, không ít địa bàn, trước đây lại có tình trạng một Trưởng thôn mà nhiều Bí thư chi bộ cùng lãnh đạo, chỉ đạo, dẫn đến nhiều khó khăn trong hoạt động. Điển hình như ở thôn Hạ Lôi (xã Mê Linh, huyện Mê Linh), trước năm 2013, có gần 9.300 nhân khẩu, 255 đảng viên, một Trưởng thôn, nhưng lại có tới chín chi bộ ở chín xóm. Cá biệt như thôn Vật Lại (xã Vật Lại, huyện Ba Vì) có tới 13 chi bộ ở 13 xóm mà chỉ có một Trưởng thôn.
 
Tổ dân phố số 5 (phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm), khi còn thuộc huyện Từ Liêm là một trong ba xóm thuộc thôn Ngọc Mạch. Ông Nguyễn Tiến Hưng, khi ấy làm Trưởng thôn Ngọc Mạch cho biết: "Cả thôn có ba xóm thì có ba chi bộ nên sẽ có ba đồng chí làm Bí thư chi bộ nhưng lại chỉ có mình tôi làm Trưởng thôn. Tình trạng này dẫn đến một thực tế là dù nghị quyết của các chi bộ đều được triển khai kịp thời đến các xóm, nhưng do không trực tiếp lãnh đạo Trưởng thôn và Ban Công tác mặt trận, các đoàn thể, cho nên hiệu quả chưa cao, thậm chí có tình trạng Trưởng thôn “chỉ đạo ngược” các Bí thư chi bộ". 
 
“Bản thân Trưởng thôn cũng gặp khó khăn trong hoạt động bởi mỗi khi triển khai việc gì đều phải xin ý kiến của tất cả các đồng chí Bí thư chi bộ và không phải lúc nào tất cả cũng đều thống nhất, dẫn đến quá trình thực thi cũng khó đạt hiệu quả”, ông Nguyễn Tiến Hưng chia sẻ. 
 
Từ thực tế này, ngày 24/9/2013, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã thông qua Ðề án số 06-ÐA/TU về “Kiện toàn, sắp xếp tổ chức Ðảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị trên địa bàn dân cư, tổ dân phố, thôn, xóm ở xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Hà Nội”. Theo Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Ðức Bảo, đến nay, có thể khẳng định việc thực hiện Đề án 06 đã khắc phục được tình trạng chồng chéo nhiều chi bộ lãnh đạo một tổ chức trong hệ thống chính trị ở thôn, tổ dân phố. Các thôn, tổ dân phố có quy mô hợp lý hơn, thu gọn đầu mối bảo đảm hiệu quả hoạt động của thôn, tổ dân phố, là cánh tay nối dài của chính quyền ở cơ sở.
 
Thành công ở địa bàn thí điểm
 
Từ những kết quả trong triển khai Đề án 06, một trong những nhiệm vụ đặt ra là phải tiếp tục sắp xếp, thu gọn đội ngũ cán bộ không chuyên trách tại các xã, phường, thị trấn và thôn, tổ dân phố. Để thực hiện, Hà Nội đã lựa chọn 5 quận, huyện (gồm: Long Biên, Gia Lâm, Nam Từ Liêm, Hà Đông và Chương Mỹ) để triển khai thí điểm. Theo ghi nhận thực tế, kết quả bước đầu đã thấy rõ hiệu quả, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, hưởng ứng.
 
Điển hình như ở quận Nam Từ Liêm, ông Nguyễn Thành Thái, Bí thư chi bộ 5, phường Phú Đô chia sẻ, từ khi được phân công thêm nhiệm vụ làm Trưởng ban công tác mặt trận, công việc của ông thuận lợi hơn trước. Ông Thái chia sẻ, không phải trước kia các đồng chí Bí thư chi bộ không tích cực hoạt động, mà do trên địa bàn dân cư, mỗi người được phân công một nhiệm vụ khác nhau. Dẫn đến, khi triển khai cũng phải thực hiện tuần tự theo kế hoạch. Còn nay, khi cùng một lúc một người đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ, công việc tuy có nhiều hơn, nhưng tính chất công việc lại có sự hỗ trợ cho nhau, do đó, hiệu quả tăng lên rõ rệt. 
 
“Làm Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ban công tác mặt trận nên tôi cũng thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với nhân dân hơn, được người dân trên địa bàn “nhớ mặt”, tin tưởng. Nhờ vậy, không chỉ giúp tôi nắm chắc tình hình của địa bàn, mà việc tuyên truyền, vận động người dân cũng hiệu quả hơn”, ông Thái chia sẻ.
 
Còn theo ông Nguyễn Tiến Hưng, Bí thư chi bộ kiêm Tổ trưởng tổ dân phố số 5, phường Xuân Phương, là người có thâm niên gần 20 năm làm Trưởng thôn (nay là Tổ trưởng tổ dân phố), khi thực hiện Đề án của quận và kế hoạch của Đảng ủy phường, ông được tín nhiệm giao thêm nhiệm vụ làm Bí thư chi bộ, nhờ vậy, mọi công việc trên địa bàn dân cư đã được thực hiện tốt hơn trước. 
 
“Tổ trưởng dân phố là người sát địa bàn, nắm chắc từng hộ dân, từng ngõ ngách, do vậy, khi kiêm thêm Bí thư chi bộ thì quá trình ra nghị quyết lãnh đạo sẽ sát thực tiễn và khả thi hơn. Mặt khác, do bản thân vừa là người ban hành, lại là người tổ chức triển khai thực hiện nên khi đã đề ra là phải quyết tâm thực hiện cho bằng được”, Hưng chia sẻ.
 
Ông Đỗ Thiện Đức, Phó trưởng ban Tổ chức Quận ủy Nam Từ Liêm cho biết, khi nhận nhiệm vụ triển khai Đề án số 06-ÐA/TU, trên cơ sở đánh giá thực tiễn, quận nhận thấy có thể sắp xếp, tinh gọn hơn nữa đội ngũ cán bộ không chuyên trách ở phường và tổ dân phố. Vì vậy, quận Nam Từ Liêm đã chủ động xây dựng và triển khai Đề án “Sắp xếp, bố trí các chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp phường và tổ dân phố trên địa bàn quận”.
 
“Theo thống kê, đến nay, các phường đã bố trí giảm từ 14 người kiêm nhiệm 16 chức danh xuống còn 10 người đảm nhiệm, qua đó, giảm 40 người. Ở các tổ dân phố đã bố trí giảm từ 10 người kiêm nhiệm 10 chức danh xuống còn 7 người đảm nhiệm, giảm 360 người. Nhờ vậy, đã giúp giảm chi ngân sách cho đội ngũ cán bộ không chuyên trách cấp phường 571 triệu đồng/năm, trong khi mức phụ cấp bình quân của đội ngũ này tăng tương ứng 17%. Còn ở cấp tổ dân phố, số tiền chi hỗ trợ giảm khoảng 1,67 tỷ đồng/năm, dù mức phụ cấp cho đội ngũ này tăng gần 20%”, ông Đỗ Thiện Đức cho biết.
 
Tương tự, tại huyện Gia Lâm, thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh gọn đội ngũ và thực hiện khoán kinh phí đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, thị trấn và thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện đã giảm được 1.285/2.631 người, tương đương 48,8%, tiết kiệm được 4,4 tỷ đồng/năm, trong khi phụ cấp của cán bộ tăng lên từ 30-50%.
 
Còn tại quận Long Biên, ông Đỗ Mạnh Hải, Bí thư Quận ủy cho biết, đến nay ở cấp phường của quận đã giảm từ 16 người đảm nhiệm 16 chức danh xuống còn 10 người đảm nhiệm 16 chức danh, qua đó, giảm 100 người. Với người hoạt động không chuyên trách tại tổ dân phố, Long Biên thực kiêm nhiệm chức danh theo hướng Bí thư kiêm Tổ trưởng, trường hợp khác có thể kiêm nhiệm Bí thư kiêm Trưởng ban công tác mặt trận; Chi hội trưởng phụ nữ kiêm Cộng tác viên dân số; Chi hội trưởng cựu chiến binh hoặc Bí thư đoàn thanh niên kiêm Tổ phó tổ dân phố. 
 
“Đáng chú ý là chức danh bảo vệ tổ dân phố được đề nghị giảm 50% so với hiện nay vì quận đã triển khai lắp đặt hơn 500 camera an ninh kết nối từ quận, phường với cảnh sát khu vực. Như vậy, số người hoạt động không chuyên trách ở tổ dân phố giảm từ 3.200 xuống còn 1.100; kinh phí giảm khoảng 10 tỷ đồng/năm”, Bí thư Quận ủy Long Biên chia sẻ.

Nguyễn Văn - Hoàng Phúc


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t