Gia Lâm tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao, gắn với tiêu chí đô thị (14:24 06/08/2019)


HNP - Sáng 6/8, huyện Gia Lâm tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân” và sơ kết 01 năm thực hiện Phương án “Nâng cao chất lượng môi trường giai đoạn 2018-2020”; phát động Cuộc thi xây dựng tuyến đường “xanh - sạch - đẹp” tại các thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện.


Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU dự và chỉ đạo hội nghị. Cùng dự có đồng chí Vũ Đức Bảo, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy.
 
Báo cáo do đồng chí Nguyễn Ngọc Thuần, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Gia Lâm trình bày tại hội nghị cho thấy, trong 10 năm thực hiện Chương trình 02-CTr/TU, huyện Gia Lâm xác định đây là một nhiệm vụ trọng tâm, từ đó, đã cụ thể hóa thành các văn bản để thực hiện; thành lập Ban Chỉ đạo từ huyện đến các xã; chú trọng tuyên truyền, vận động, huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, tham gia xây dựng nông thôn mới...
 
Kết quả, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện có bước phát triển mạnh mẽ. Ngay từ năm 2010, trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, như: vùng rau an toàn tại các xã Văn Đức, Đặng Xá, Lệ Chi; vùng cây ăn quả tại các xã Đông Dư, Đa Tốn, Kiêu Kỵ; vùng hoa, cây cảnh tại các xã Lệ Chi, Phù Đổng... Đến năm 2018, giá trị sản xuất nông nghiệp - thủy sản của huyện đạt bình quân 306 triệu đồng/ha canh tác (tăng 198 triệu đồng so với năm 2010), trong đó một số vùng chuyên canh rau, cây ăn quả đạt từ 500-700 triệu đồng/ha; một số mô hình cho thu nhập đến 1 tỷ đồng/ha, như cam Báo Đáp tại xã Kiêu Kỵ; hoa ly tại xã Lệ Chi; hoa cây cảnh tại xã Phù Đổng,...
 
Huyện đã tổ chức cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng giảm chăn nuôi nhỏ, lẻ trong khu dân cư; xây dựng các mô hình chăn nuôi xa khu dân cư, phát triển kinh tế trang trại với 45 trang trại và 233 gia trại quy mô vừa và lớn, chủ yếu là bò, lợn và gia cầm...; hình thành các điểm giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, qua đó, nâng cao việc kiểm soát chất lượng sản phẩm, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi. Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành 17 mô hình trồng trọt, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao; 18 mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ, nhờ đó, sản phẩm nông nghiệp của huyện đã được tiêu thụ ở thị trường trong và ngoài nước.
 
Về kết quả huy động nguồn lực, từ năm 2010 đến tháng 6/2019, tổng nguồn vốn xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Gia Lâm đạt trên 5.015 tỷ đồng, trong đó, có có trên 550 tỷ đồng vốn ngoài ngân sách. Huyện đã đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp 227 km đường giao thông; nâng cấp, cải tạo 68 km kênh cấp 3; đầu tư đồng bộ trên 411 km hệ thống chiếu sáng; xây dựng mới và cải tạo, sửa chữa 151 điểm trường học, 3 trung tâm văn hóa tại các xã, 188 nhà văn hóa tại các thôn... Diện mạo của huyện Gia Lâm có bước thay đổi căn bản. Đến nay, huyện có 20/20 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Gia Lâm cũng hoàn thành 9/9 tiêu chí của huyện nông thôn mới, đang được Trung ương thẩm định để công nhận.
 
Từ kết quả xây dựng nông thôn mới, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên. Thu nhập bình quân đầu người của huyện năm 2018 đạt 48,9 triệu đồng (tăng 31 triệu đồng so với năm 2010); tỷ lệ hộ nghèo còn 0,56%; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 86,63%; tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%, trong đó, sử dụng nước sạch đạt 75,43%; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia là 82,9%, trong đó, cấp học THCS đạt 100%. Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang được chú trọng, số ca hỏa táng đạt trên 68%...
 
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng trao khen thưởng các tập thể có thành tích trong xây dựng nông thôn mới huyện Gia Lâm
 
Về kết quả 01 năm thực hiện Phương án “Nâng cao chất lượng môi trường giai đoạn 2018-2020”, 100% các xã, thị trấn của huyện đã ra quân tổng vệ sinh môi trường, thực hiện “Ngày chủ nhật xanh”; 100% các hộ dân ký cam kết đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định. Trên địa bàn huyện cũng thành lập 153 tổ liên gia, tổ tình nguyện vệ sinh môi trường cấp thôn; 32 câu lạc bộ tình nguyện vì môi trường cấp xã, với 878 hội viên... Huyện cũng triển khai 6/8 điểm tập kết rác thải hợp vệ sinh; cơ giới hóa trong thu gom rác thải đối với 1.313 tuyến; đặt 465 thùng rác công cộng... Ngoài ra, có 24 ao, hồ trên địa bàn huyện được kè, cứng hóa (trong đó có 7 ao, hồ sử dụng vốn xã hội hóa); trồng mới trên 10 nghìn cây xanh; xây dựng 123 đoạn đường nở hoa với chiều dài trên 33km; 13 đoạn đường bích họa với tổng diện tích tranh tường gần 1,9 nghìn m2... 
 
Với những kết quả trên, UBND huyện Gia Lâm đã quyết định khen thưởng 74 tập thể, 24 hộ gia đình, 64 cá nhân trong công tác xây dựng nông thôn mới; cùng với 18 tập thể, 6 cá nhân trong công tác nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường.
 
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng chúc mừng, đánh giá cao những kết quả của huyện Gia Lâm sau 10 năm thực hiện Chương trình 02-CTr/TU. “Đây là kết quả của quá trình cống hiến, lao động miệt mài của các thế hệ cán bộ, đảng viên, nhân dân huyện Gia Lâm”, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng đánh giá.
 
Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU nhấn mạnh, nhiệm vụ thời gian tới, huyện Gia Lâm tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới với các tiêu chí nâng cao, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trên, gắn với hoàn thiện các tiêu chí đầu tư xây dựng huyện Gia Lâm trở thành quận.
 
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại hội nghị
 
Muốn vậy, trước hết, huyện cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động. “Thực hiện nghiêm túc nguyên tắc công khai, dân chủ, minh bạch để người dân thực sự là chủ thể thực hiện, đồng thời là người thụ hưởng các kết quả chương trình xây dựng nông thôn mới”, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh.
 
Huyện cần tập trung hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, phấn đấu để Trung ương công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới trong năm nay. Cùng với đó, tiếp tục triển khai nhiệm vụ phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, củng cố hệ thống chính trị gắn với công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị; phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp.
 
Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng cũng lưu ý Gia Lâm đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sinh thái, hữu cơ, công nghệ cao, tập trung, quy mô lớn, đảm bảo phát triển sản xuất bền vững gắn với bảo vệ môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm. Tiếp tục duy trì và phát triển các chuỗi liên kết, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh các hình thức hợp tác, liên kết giữa các hộ nông dân với các tổ chức tín dụng, tổ chức khoa học, công nghệ và doanh nghiệp trong chuỗi giá trị...
 
Đặc biệt, tiếp tục chăm lo đời sống vật chất và tinh thần nhân dân; tạo điều kiện cho mọi người dân được tiếp cận và hỗ trợ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống; phấn đấu không còn hộ nghèo trên địa bàn huyện. Đẩy mạnh phong trào toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh gắn với xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh và 2 Bộ Quy tắc ứng xử của Thành phố.

Nguyễn Văn


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t