Triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020 (13:50 06/08/2019)


HNP - Sáng 6/8, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2018-2019 và triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020. Cùng dự có đồng chí Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Bộ, ban, ngành và 63 địa phương trong cả nước. Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý dự tại điểm cầu Hà Nội.

Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý phát biểu tại điểm cầu Hà Nội


Đổi mới theo hướng tích cực
 
Năm học 2018-2019, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tiếp tục chú trọng hoàn thiện hệ thống, cơ chế, chính sách nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập, giải quyết những "nút thắt" trong hoạt động đổi mới giáo dục, tạo hành lang pháp lý để các địa phương, các cơ sở GD&ĐT thực hiện. Toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh, triển khai hiệu quả kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ, Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương.
 
Chất lượng giáo dục mầm non có nhiều chuyển biến tích cực; chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ được quan tâm. Nhiều địa phương đã có biện pháp quản lý, chỉ đạo thực hiện giáo dục mầm non linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả. Giáo dục phổ thông tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá. Thực hiện chủ trương đổi mới thi, kiểm tra, các cơ sở GD&ĐT đã tập trung chỉ đạo và thực hiện công tác chuẩn bị, tổ chức tốt kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. 
 
Bộ cũng đã ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh. Đây là lần đầu tiên chương trình giáo dục phổ thông được xây dựng một cách đồng bộ các môn học, hoạt động giáo dục ở tất cả các cấp học, lớp học. Nội dung giáo dục thiết thực, tăng cường hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục tích cực, chú trọng giáo dục đạo đức và giá trị sống, kỹ năng sống, bảo đảm mục tiêu hài hòa "dạy chữ" và "dạy người"…
 
Ngành GD&ĐT Thủ đô đạt kết quả toàn diện 
 
Tại hội nghị trực tuyến, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết, thành tích học sinh Thủ đô đạt được trong các kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia, quốc tế tiếp tục được nâng cao về số lượng và chất lượng giải, khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước. Học sinh Hà Nội đã đạt được những thành tích xuất sắc, nổi bật với 197 giải và Huy chương các loại. Trong kỳ thi THPT quốc gia, so với tỷ lệ chung của cả nước, năm 2019, Hà Nội có tỷ lệ học sinh tốt nghiệp tăng 0,86% so với 2018. 
 
Phó Chủ tịch cũng nhấn mạnh, điểm mới của năm học này là ngành đã tổ chức thành công kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT với phương thức mới, nhằm thực hiện tích cực đổi mới toàn diện GD&ĐT. Bên cạnh đó, ngành cũng triển khai thực hiện tốt Đề án Chương trình Sữa học đường. Tính đến hết tháng 5/2019, toàn Thành phố có 3.765 cơ sở giáo dục tham gia Đề án đạt tỷ lệ 83,2%...
 
Việc ứng dụng CNTT trong quản lý, dạy và học đã có nhiều đổi mới. Kết quả tuyển sinh trực tuyến các lớp đầu cấp năm học 2019-2020 đạt kết quả cao. Cụ thể, tuyển sinh trẻ 5 tuổi vào trường mầm non, lớp 1 đạt khoảng 90%; tuyển sinh vào lớp 6 đạt khoảng 90% (tăng gần 20% so với năm học 2018-2019). Bên cạnh những thành tích đạt được trong việc dạy văn hóa, công tác giáo dục đạo đức, kỹ năng sống đã được chú trọng và đẩy mạnh…
 
Lãnh đạo Thành phố khẳng định: Bước sang năm học mới 2019-2020, phát huy những thành tựu đã đạt được, khắc phục tối đa những hạn chế, UBND Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo ngành GD&ĐT Hà Nội quyết tâm thực hiện nhiệm vụ năm học mới với 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, 5 nhóm giải pháp chủ yếu. Toàn ngành thực hiện nâng cao hiệu lực công tác quản lý; nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động giáo dục.
 
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
 
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao kết quả năm học 2018-2019 của toàn ngành GD&ĐT. Đặc biệt, năm học vừa qua đã có nhiều điểm nhấn đáng ghi nhận như: Tạo được hành lang pháp lý thực hiện đổi mới GD&ĐT; hoàn thành phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi; chất lượng đại trà và mũi nhọn của ngành đều tăng; tổ chức thành công các kỳ thi lớn nhất là kỳ thi THPT quốc gia; chất lượng giáo viên tăng lên… Cùng những thành tích đã đạt được, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong ngành như: Công tác rà soát, sắp xếp trường lớp còn kém; còn tồn tại tình trạng thừa, thiếu giáo viên, học sinh cục bộ; giáo dục đạo đức lối sống chưa đúng mức cũng như giáo dục kỹ năng mềm cho học sinh hạn chế; đào tạo Đại học còn bất cập; công tác quản lý chậm đổi mới…
 
Thủ tướng Chính phủ đề nghị, các địa phương rà soát lại hệ thống mạng lưới trường lớp nhất là hệ thống mầm non, phổ thông tạo điều kiện cho học sinh và người dân học tập. Đồng thời, bố trí đủ quỹ đất xây dựng trường, lớp; giải quyết dứt điểm việc thiếu trường, lớp ở các khu chế xuất, khu công nghiệp. Đẩy mạnh sắp xếp lại các trường Cao đẳng, Đại học Sư phạm, trong đó, tập trung vào các trường trọng điểm. Các trường Đại học rà soát nghiêm túc và mạnh mẽ nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo…
 
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu Bộ GD&ĐT thanh tra, xử lý nghiêm các trường Đại học "hữu danh vô thực"; khắc phục tốt hơn nữa những tồn tại trong đào tạo Đại học. Nghiên cứu tinh thần tự chủ của các cấp học từ mầm non, phổ thông đến đại học. Ngoài ra, rà soát, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên nhằm khắc phục tình trạng thừa, thiếu cục bộ… 
 
Đặc biệt, vấn đề giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh sinh viên, Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của gia đình - nhà trường và xã hội; trong đó, nhà trường đóng vai trò trung tâm. Thủ tướng cũng đưa ra yêu cầu cụ thể cho các bộ, ban, ngành đoàn thể liên quan nhằm làm tốt vấn đề này.

Quỳnh Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t