Hội nghị trực tuyến sơ kết thi hành Luật Hôn nhân và gia đình (16:41 30/07/2019)


HNP - Sáng 30/7, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố, sơ kết thi hành Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu chủ trì hội nghị


Báo cáo sơ kết 3 năm thi hành Luật, ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp) cho biết, về cơ bản, những chính sách lớn của Luật về các quyền nhân thân, tài sản trong quan hệ hôn nhân và gia đình đã được thể chế hóa tương đối đầy đủ. Việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong công nhận, bảo vệ quyền về hôn nhân và gia đình của người dân đã hiệu quả hơn, đồng bộ, thống nhất với pháp luật về hộ tịch, tố tụng và pháp luật khác có liên quan.
 
Tuy nhiên, một số nội dung của Luật vẫn còn thiếu tính khả thi, như trong áp dụng tập quán, trong hoàn thiện cơ chế đồng bộ, thống nhất, minh bạch trong đăng ký tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng và giao dịch liên quan… Một số quy định có tính tiến bộ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội nhưng do còn chịu ảnh hưởng bởi yếu tố tập quán, văn hóa truyền thống nên còn có nhận thức khác nhau trong triển khai thi hành, ví dụ về áp dụng tập quán, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, chế độ tài sản theo thỏa thuận, thanh toán tài sản dựa trên cơ sở lỗi khi ly hôn...
 
Tại thành phố Hà Nội, qua 4 năm triển khai thi hành Luật và các văn bản quy định chi tiết thi hành, công tác đăng ký và quản lý hộ tịch trên địa bàn Thành phố đã đạt được những kết quả khả quan. Đa số yêu cầu đăng ký hộ tịch về kết hôn, cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của công dân được giải quyết kịp thời. Trình tự, thủ tục đăng ký hộ tịch được đơn giản hóa tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho công dân; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký hộ tịch đã được quan tâm triển khai.
 
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu thành phố Hà Nội
 
Tuy nhiên, Hà Nội cũng gặp phải một số khó khăn như có trường hợp người mẹ đề nghị khai sinh cho con theo diện chưa xác định được cha thì cơ quan đăng ký hộ tịch không có cơ sở giải quyết, do quy định tại Khoản 2, Điều 88, Luật Hôn nhân và gia đình quy định: “Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định”, đồng thời tại Khoản 1, Điều 88, Luật Hôn nhân và gia đình cũng quy định: “Người không được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu Tòa án xác định đó là con mình”, nên yêu cầu xác định cha cho con của người mẹ trong trường hợp nêu trên thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án có thẩm quyền, không thuộc thẩm quyền của cơ quan đăng ký hộ tịch. 
 
Nhưng thực tế đa phần công dân trong trường hợp này phản ánh Tòa án không thụ lý giải quyết hoặc có thụ lý nhưng sau đó đình chỉ việc giải quyết vì cho rằng không có “tranh chấp”… Lãnh đạo Sở Tư pháp Hà Nội cũng kiến nghị Bộ Tư pháp có hướng dẫn hoặc sửa đổi bổ sung các quy định pháp luật để tránh việc xảy ra khoảng trống pháp lý.
 
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương và tổ chức có liên quan tiếp tục tăng cường công tác hoàn thiện thể chế nhằm cụ thể hóa đầy đủ quy định, nội dung của Luật Hôn nhân gia đình; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức về pháp luật hôn nhân và gia đình của các cơ quan, tổ chức và các tầng lớp nhân dân. Cùng với đó, các cấp có thẩm quyền rà soát, nghiên cứu những vấn đề còn bất cập, vướng mắc để kịp thời sửa đổi, bổ sung.

Lê Tâm


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t