Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội sơ kết 6 tháng đầu năm 2019 (14:19 22/07/2019)


HNP - Sáng 22/7, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tổ chức hội nghị sơ kết công tác sản xuất nông nghiệp 6 tháng đầu năm, triển khai phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019. Đến dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu phát biểu tại hội nghị


Báo cáo tại hội nghị cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng của ngành ước tăng 1,15% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 3,29% của cùng kỳ năm 2018, lý do chủ yếu việc giảm sút mạnh là do sự suy giảm của ngành chăn nuôi với ảnh hưởng trực tiếp của bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Bên cạnh đó, ngành trồng trọt giảm so với cùng kỳ do diện tích lúa vụ xuân giảm 2.512ha so với vụ xuân năm trước, diện tích ngô vụ đông xuân giảm 1.025ha.
 
Tổng diện tích gieo trồng vụ xuân năm 2019 là 112.815,74ha (bằng 98,32% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, lúa xuân có diện tích gieo cấy trên địa bàn Thành phố đạt 90.619ha, giảm 2,7% so với cùng kỳ năm trước, do hiện nay một số diện tích được chuyển đổi sang đất phi nông nghiệp phục vụ quá trình đô thị hóa và chuyển đổi sang các mô hình sản xuất khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
 
Hiện nay thành phố có tổng diện tích rừng và đất quy hoạch phát triển rừng là 27.159,53ha chiếm 8,17% diện tích tự nhiên của thành phố. Trong 6 tháng đầu năm, công tác phòng, chống cháy rừng được triển khai kịp thời, phân công lực lượng thường trực phòng cháy chữa cháy rừng 24/24 giờ vào mùa hanh khô, đồng thời phối hợp với chính quyền các địa phương làm tốt công tác tuyên truyên, tổ chức thực hiện quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng. 
 
Riêng đối với lĩnh vực chăn nuôi, trong 6 tháng đầu năm, tình hình sản xuất chăn nuôi trâu bò và gia cầm thuận lợi về thị trường tiêu thụ, giá bán sản phẩm ổn định, người chăn nuôi mạnh dạn đầu tư tăng đàn để đáp ứng nhu cầu thị trường (bù đắp nguồn cung thịt lợn giảm). Riêng chăn nuôi lợn gặp nhiều khó khăn do tác động của bệnh dịch tả lợn châu Phi.
 
Ngành nông nghiệp cũng đã chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi. Các ổ dịch được giám sát, phát hiện kịp thời, khoanh vùng và xử lý dứt điểm. Số lợn mắc tại hộ có dịch được tiêu hủy kịp thời, đúng quy định và áp dụng đồng bộ, nghiêm túc các giải pháp phòng, chống dịch.
 
Các đại biểu tham dự hội nghị sở kết công tác 6 tháng đầu năm 2019
 
Về xây dựng nông thôn mới, đến nay, thành phố đã có 4 huyện được công nhận nông thôn mới, ngoài ra có 2 huyện Gia Lâm, Quốc Oai đã trình công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018 và 325/386 xã (chiếm 84,2%), được UBND thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2018, được Trung ương đánh giá là địa phương đi đầu trong cả nước về xây dựng nông thôn mới.
 
Hiện nay trên địa bàn thành phố đã hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh tập trung quy mô lớn có giá trị kinh tế cao và một số chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, trên cơ sở đó xây dựng thương hiệu sản phẩm có chất lượng. Năng suất và chất lượng cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản được nâng cao do ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
 
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu đánh giá cao những kết quả ngành nông nghiệp đạt được trong 6 tháng đầu năm 2019. Trên cơ sở những kết quả đạt được, đồng chí Nguyễn Văn Sửu yêu cầu ngành nông nghiệp tiếp tục tập trung sâu sát hơn nữa cho công tác phòng chống dịch bệnh tả lợn châu Phi. Chú ý tới công tác tái đàn nhưng phải đảm bảo thời gian và tăng cường kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh; kiểm soát giết mổ và vệ sinh an toàn thực phẩm.
 
Các đơn vị cần đẩy mạnh phát triển chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ để bảo đảm an toàn thực phẩm. Đối với công tác phòng chống thiên tai, thực hiện tốt công tác phòng chống lụt bão; tập trung hoàn thiện các dự án tu bổ, bảo dưỡng đê điều… xử lý nghiêm những vi phạm đê điều từ khi mới phát sinh. Cần chuẩn bị và lên phương án "4 tại chỗ" cũng như chủ động vật tư, phương tiện, chú ý tới các điểm đê xung yếu và có nhiều nguy cơ cao.
 
Đồng chí Nguyễn Văn Sửu cũng lưu ý, để đáp ứng nhu cầu nông sản cho người dân, các đơn vị cũng cần lên kế hoạch chuẩn bị cung ứng nông sản và các sản phẩm, thực phẩm nông nghiệp cho dịp Tết. Đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị, địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch đề ra…

Lê Tâm


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t