20 năm Thành phố Vì hòa bình: Hà Nội hướng tới “Thành phố sáng tạo” (15:23 12/07/2019)


HNP - Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 134/KH-UBND xây dựng hồ sơ “Hà Nội - Thành phố sáng tạo” đề cử tham gia “Mạng lưới các thành phố sáng tạo” để trình UNESCO công nhận vào cuối năm 2019. Đây được xem sẽ là bước tiến mới trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa, quảng bá thương hiệu của Thủ đô.

Xây dựng Hà Nội trở thành Thành phố sáng tạo


Việc xây dựng hồ sơ “Hà Nội - thành phố sáng tạo” là cơ sở để Hà Nội có cơ hội tham gia vào mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, trở thành một trong những điểm đến của tri thức và sáng tạo trên toàn thế giới; thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8-8-2016 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó xác định Hà Nội trở thành trung tâm sáng tạo của cả nước. Theo Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO Michael Croft: Không phải thành phố nào cũng có thể trở thành “Thành phố sáng tạo”, nhưng Hà Nội có nền tảng cho việc này. Việc tham gia vào mạng lưới “Thành phố sáng tạo” sẽ có lợi cho sự phát triển và khi đó Hà Nội sẽ là một thành phố kiểu mẫu cả trong nước và khu vực.
 
Mạng lưới những thành phố sáng tạo do UNESCO công nhận ra đời từ năm 2014. Đến nay, mạng lưới này có sự tham gia của 180 thành phố đến từ 72 quốc gia. Đặc điểm chung của những thành phố này là việc đã phát huy các yếu tố: Cơ sở hạ tầng văn hóa đô thị; phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; sức hấp dẫn văn hóa (các di sản văn hóa, vật thể và phi vật thể, các sự kiện văn hóa); thói quen tiêu dùng văn hóa mới; cơ chế thúc đẩy sự phát triển của mọi tầng lớp lao động, tạo sự thăng hoa cho tầng lớp sáng tạo. Tại khu vực ASEAN, 6 thành phố đã tham gia mạng lưới này đều là những thành phố năng động, có bản sắc văn hóa và phát huy sức mạnh mềm văn hóa, trong đó có: Chiang Mai, Phuket của Thái Lan; Bangdung, Pekalongan của Indonesia và Singapore… 
 
Thành phố sáng tạo là khái niệm còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Song, theo đánh giá của các chuyên gia, Hà Nội hoàn toàn có đủ khả năng đáp ứng các tiêu chí để tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo. Tại hội thảo “Sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế” diễn ra gần đây, các chuyên gia đã đề xuất cần có trọng điểm phát triển thương hiệu sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam từ việc xây dựng thương hiệu Hà Nội - Thủ đô, “Thành phố sáng tạo” của khu vực; thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO. Đề xuất của các chuyên gia trong nước và quốc tế tại hội thảo này đã nhận được sự ủng hộ của đại diện lãnh đạo thành phố, đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội. 
 
Theo đó, Hà Nội có cơ sở hạ tầng văn hóa tốt, nhiều công trình được thừa hưởng từ thời Pháp thuộc mang tầm khu vực; thành phố chú trọng xây dựng hạ tầng văn hóa, có hệ thống bảo tàng đa dạng bậc nhất Việt Nam, hệ thống rạp hát, rạp chiếu phim mới, hiện đại… Bề dày văn hóa nghìn năm của thành phố tạo nên sức hấp dẫn về thương hiệu. Vẻ đẹp của thành phố và đời sống văn hóa phong phú đã thu hút các doanh nghiệp, nghệ sĩ, người tiêu dùng văn hóa và khách du lịch. Thành phố đã tận dụng những giá trị văn hóa để phát triển du lịch; từng bước hình thành thói quen tiêu dùng mới, gắn với văn hóa. Hà Nội cũng là nơi có những không gian sáng tạo, tạo cơ hội cho những người hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo phát huy khả năng.
 
Tại cuộc làm việc với lãnh đạo UBND TP Hà Nội vào năm 2018, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam Michael Croft đã đề nghị Hà Nội tham gia Mạng lưới các “Thành phố sáng tạo” nhằm góp phần giúp Hà Nội phát huy sức mạnh văn hóa vào phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, từ tiềm năng đến thực tế vẫn còn những khoảng cách. Trong đó, Hà Nội còn thiếu cơ chế hỗ trợ về vốn, đất đai, đào tạo nguồn lực, hợp tác quốc tế, bảo vệ bản quyền và hình thành các dự án trọng điểm… để tạo sức hấp dẫn đầu tư trong công nghiệp văn hóa. Thành phố đã có những không gian sáng tạo nhưng ở mức độ nhỏ lẻ, chưa thu hút được nhân tài đam mê sáng tạo văn hóa và kết nối với thế giới bằng công nghệ hiện đại. Nhận thức về công nghiệp văn hóa của một bộ phận cán bộ, đảng viên còn yếu. Chưa có doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực văn hóa. Cùng với việc xây dựng hồ sơ, thành phố cần tiếp tục chú trọng vào phát triển công nghiệp văn hóa, hoàn thiện các cơ chế, chính sách để Hà Nội phát huy được sức mạnh văn hóa, trở thành “Thành phố sáng tạo” thực sự, tương xứng giữa “danh” và “thực” khi tham gia “Mạng lưới các thành phố sáng tạo”.
 
Mới đây, UBND TP Hà Nội cũng đã tổ chức Hội thảo “Hà Nội hướng tới thành phố sáng tạo” với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, văn nghệ sỹ, nhà phê bình có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa nghệ thuật, công nghiệp văn hóa, không gian văn hóa sáng tạo… để lấy ý kiến về việc xây dựng “Thành phố sáng tạo”, xây dựng hồ sơ trình UNESCO. Qua đó cho thấy, Hà Nội xây dựng hồ sơ ứng cử là rất phù hợp với Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ, trong đó xác định Hà Nội trở thành trung tâm sáng tạo của cả nước. Việc tham gia vào tổ chức này hứa hẹn giúp Hà Nội phát huy sức mạnh văn hóa nhằm mục đích phát triển kinh tế và xã hội.

Quỳnh Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t