Di sản văn hóa: Nguồn lực góp phần phát triển “Thành phố vì hòa bình” (16:31 10/07/2019)


HNP - Vinh dự được UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình” năm 1999, trong hai thập kỷ qua, Hà Nội đã không ngừng nỗ lực vươn lên, thúc đẩy, phát triển bền vững nền tảng truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc. Qua đó, đã đạt được nhiều thành tựu trong bảo tồn và phát huy các giá trị thông qua hệ thống di sản văn hóa của Thủ đô.

Gò Đống Đa - đón nhận danh hiệu Di tích Quốc gia đặc biệt


Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, Thăng Long - Hà Nội luôn là nơi hội tụ, kết tinh và lan tỏa những giá trị truyền thống tốt đẹp nhất của dân tộc. Những giá trị ấy hiển hiện qua hệ thống di sản văn hóa đồ sộ của Thủ đô với 5.922 di tích lịch sử - văn hóa, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có hàng trăm lễ hội dân gian, nghề thủ công truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng… 
 
Thời gian qua, thành phố đã ban hành nhiều văn bản, chỉ thị về bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Xây dựng Luật Thủ đô trong đó có những điều khoản quy định những di sản - danh thắng tiêu biểu và trách nhiệm gìn giữ và phát huy các di sản lịch sử, văn hóa trên địa bàn Thủ đô (đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21/11/2012). Đây không chỉ là căn cứ pháp lý vững chắc mà còn là cơ sở hiện thực hóa ý chí, nguyện vọng của nhân dân đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
 
Nhờ đó, qua hai thập kỷ bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả trên các lĩnh vực nghiên cứu, lập hồ sơ xếp hạng di tích; bảo tồn tôn tạo, phát huy giá trị di sản, góp phần khơi dậy những tiềm năng ẩn chứa, phục vụ hiệu quả công tác giáo dục truyền thống, bồi dưỡng nhân cách, xây dựng con người thanh lịch, văn minh. Đồng thời, quảng bá, tôn vinh hiệu quả hình ảnh mảnh đất, con người thông qua hoạt động du lịch di sản. 
 
Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên trên cả nước hoàn thành kiểm kê di tích, di sản văn hóa phi vật thể với quy trình chặt chẽ, khoa học từ lập hồ sơ đến cập nhật thông tin mới; là nơi đầu tiên phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội triển khai Chương trình giáo dục di sản trong nhà trường và cũng là địa phương dẫn đầu cả nước về số nghệ nhân lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể được Nhà nước vinh danh. Với trên 5.000 di tích và gần 2.000 di sản văn hóa phi vật thể, Hà Nội đang sở hữu 1 Di sản thế giới; 2 di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại; 1 di sản tư liệu do UNESCO ghi danh. Ngoài ra, còn có 13 di tích, cụm di tích Quốc gia đặc biệt, gần 2.000 di tích cấp Quốc gia, 10 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và hơn 1.200 di tích cấp Thành phố. Thành phố Hà Nội. 
 
Lễ hội hoa anh đào trở thành lễ hội giao lưu văn hóa tiêu biểu của Thành phố
 
Di sản văn hóa không chỉ là cốt lõi của bản sắc dân tộc mà còn là cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hóa. Với mục tiêu này, Hà Nội đã dành hàng nghìn tỷ đồng cho công tác tu bổ, tôn tạo di tích, bảo tồn, phát huy các giá trị di sản; tổ chức thành công hàng trăm lễ hội truyền thống, lễ hội văn hóa dân gian đương đại, lễ hội giao lưu văn hóa… Đáng kể, có nhiều lễ hội đã trở thành thương hiệu cho hoạt động quảng bá, tôn vinh di sản Thủ đô, giao lưu văn hóa, như: Lễ hội hoa anh đào; lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội… 
 
Với nỗ lực bảo tồn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, thành phố nghìn năm tuổi vẫn giữ được cái hồn với vẻ riêng biệt, đặc sắc trong sự phát triển đa dạng chung của đô thị. Việc này giúp cộng đồng quốc tế thấy rằng, dân tộc Việt Nam nói chung, người Thủ đô nói riêng không chỉ yêu chuộng hòa bình, sẵn sàng đấu tranh, hy sinh cho hòa bình mà còn nỗ lực rất lớn trong việc xây dựng, phục hồi đất nước mạnh mẽ sau chiến tranh, đưa Hà Nội, Việt Nam trở thành điểm đến với những đặc trưng của tinh thần văn hiến, anh hùng, hòa bình và hữu nghị. 
 
Nhằm phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp từ trong lịch sử để xây dựng, phát triển Hà Nội văn minh, hiện đại, giàu bản sắc, thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có trách nhiệm những quy định của luật pháp Việt Nam và Công ước quốc tế về bảo tồn di sản văn hóa, phát huy hiệu quả nguồn "tài nguyên di sản" để phục vụ sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội Thủ đô, gìn giữ "nguồn vốn để dành" cho thế hệ mai sau. Đồng thời, tập trung tiến hành lập quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích thành phố Hà Nội đến năm 2030; bổ sung hồ sơ xếp hạng di tích; xây dựng hồ sơ tư liệu về di tích; định hướng kế hoạch hỗ trợ đầu tư, tu bổ di tích; kế hoạch giải tỏa các vi phạm di tích; kế hoạch xếp hạng, cắm mốc giới di tích... 
 
Bên cạnh nỗ lực của chính quyền và cơ quan quản lý, ngành văn hóa cũng kêu gọi người dân thành phố tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh trên nền tảng của sự hiểu biết sâu sắc về lịch sử, văn hóa của thành phố, để mỗi người dân là một sứ giả quảng bá hình ảnh văn hóa, con người Hà Nội - “Thành phố Vì hòa bình” tới bạn bè năm châu. 

Quỳnh Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t