Nhiều chuyển biến tích cực trong triển khai cơ chế, chính sách lĩnh vực giao thông vận tải (15:13 09/07/2019)


HNP - Đánh giá kết luận nội dung chất vấn việc thực hiện Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND về Đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017 - 2020 tầm nhìn đến năm 2030", tại kỳ họp thứ 9, HĐND TP Hà Nội khóa XV, chiều 9/7, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh, nghị quyết có vai trò rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân và thành phố đã triển khai có hiệu quả sau 2 năm ban hành.

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng tiếp thu ý kiến của đại biểu


Trước khi các đại biểu đặt câu hỏi chất vấn, báo cáo kết quả triển khai Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Vũ Văn Viện cho biết, UBND TP đã ban hành các quyết định, kế hoạch triển khai nghị quyết này, trong đó, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cấp, các ngành thực hiện và thường xuyên kiểm điểm tiến độ triển khai. Thành phố cũng đã báo cáo Chính phủ đối với 7 nhiệm vụ thuộc thẩm quyền và Chính phủ đã cho ý kiến về chủ trương hoặc giao các Bộ có liên quan phối hợp giải quyết. Đặc biệt, UBND TP đã tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành, các quận và các đơn vị liên qua tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND gắn với việc thực hiện các chương trình công tác của Thành ủy, HĐND TP về lĩnh vực giao thông vận tải như Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy, Nghị quyết số 06/2015/NQ-HĐND của HĐND TP,…

Đến nay, tình trạng ùn tắc giao thông đã từng bước được giải quyết có hiệu quả, năm 2017, có 37 điểm thường xuyên ùn tắc giao thông thì đến tháng 7/2019 còn 27 điểm. Vận tải hành khách công cộng được nâng cao về số lượng phương tiện, chất lượng phục vụ, mạng lưới xe buýt đã phủ khắp 30 quận, huyện, cơ bản đã phục vụ đến các khu dân cư tập trung, khu công nghiệp và các khu đô thị mới, đáp ứng được 15,7%, dự kiến, đến năm 2020, sẽ đạt khoảng 20-21%.

Giám đốc Sở GTVT Vũ Văn Viện

Tuy nhiên, Giám đốc Sở GTVT Vũ Văn Viện cho rằng, trên thực tế một số nhiệm vụ còn triển khai chậm so với tiến độ nêu trong nghị quyết, nguyên nhân là do vấn đề tác động đến nhiều lĩnh vực, nhiều nhóm lợi ích trong xã hội nên trong quá trình thực hiện, bên cạnh ý kiến đồng thuận cũng còn nhiều băn khoăn. Ngoài ra, các quy định khi xây dựng phải xin ý kiến các bộ, ngành nên trong quá trình thực hiện tiến độ còn chậm so với yêu cầu.

Trong thời gian tới, thành phố tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp như: Tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ hạ tầng khung, triển khai sớm các tuyến đường sắt đô thị và hành khách khối lượng lớn. Nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, đảm bảo đến năm 2020 đạt trên 20%, tiến tới dừng xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030. Tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý điều hành giao thông, đảm bảo trật tự ATGT. Hoàn thiện sớm Đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào và Đề án phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn quận vào năm 2030. Tăng cường tuyên truyền người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, tạo sự đồng thuận cao trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND của HĐND TP.

Chất vấn nội dung này, đại biểu Đoàn Việt Cường (Tổ đại biểu Mê Linh) đặt câu hỏi, UBND TP đã giao Sở GTVT phối hợp với Công an TP đến tháng 12/2017 hoàn thành rà soát, sửa đổi Quyết định 06/2013/QĐ-UBND, ngày 25/01/2013, ban hành quy định về hoạt động của các phương tiện giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, việc rà soát sửa đổi này vẫn chưa thực hiện xong. Đề nghị Giám đốc Sở GTVT cho biết nguyên nhân chậm, trách nhiệm và dự kiến thời gian hoàn thành?

Đại biểu Trịnh Xuân Quang

Đại biểu Trịnh Xuân Quang (Tổ đại biểu Thanh Xuân) đặt vấn đề, thành phố đã giao cho Sở KH&ĐT phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu để đến tháng 12/2018 ban hành các quy định khuyến khích, thu hút các DN đầu tư giao thông minh, đường sắt đô thị, xe buýt theo hình thức đối tác công tư, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa hoàn thành. Đề nghị Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết nguyên nhân, trách nhiệm, những vướng mắc và giải pháp khắc?

Đại biểu Nguyễn Thị Lan Hương

Đại biểu Nguyễn Thị Lan Hương (Tổ đại biểu Đông Anh) chất vấn, tại kế hoạch 212/KH-UBND triển khai Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐND, UBND TP đã giao Sở Tài chính chủ trì hoàn thành việc rà soát, sửa đổi ban hành cơ chế chính sách đối với phương tiện vận tải công cộng, tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa hoàn thành. Đại biểu đề nghị Giám đốc Sở Tài chính cho biết nguyên nhân, hướng giải quyết, trách nhiệm của Sở trong việc tham mưu cho UBND TP?

Đại biểu Nguyễn Quốc Khánh

Đại biểu Nguyễn Quốc Khánh (Tổ đại biểu Hoàng Mai) chất vấn, UBND TP giao công an và các quận, huyện hoàn thành rà soát thống kê xe máy đã qua sử dụng thông qua năm sản xuất, sử dụng. Tháng 3/2019, phải rà soát xong xe máy không đảm bảo chất lượng nhưng nhiệm vụ này chậm, chưa hoàn thành. Đề nghị Công an thành phố cho biết biện pháp, giải pháp để hoàn thành?

Đại biểu Nguyễn Nguyên Quân

Đại biểu Nguyễn Nguyên Quân (Tổ đại biểu Hoàng Mai) chất vấn Giám đốc Sở GTVT về Nghị quyết Đại hội Đảng bộ cũng như Kế hoạch Kinh tế - xã hội 5 năm của TP và Chương trình 06 của Thành ủy xác định, chỉ tiêu vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đến năm 2020 phải đáp ứng được 20-25% nhu cầu đi lại của Nhân dân, nhưng đến nay, chỉ đáp ứng được khoảng 15,7%. Cuối năm 2019, cũng đạt được khoảng 17,3%. Đề nghị Giám đốc Sở GTVT cho biết, giải pháp chủ yếu để hoàn thành chỉ tiêu đến năm 2020? Khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện?

Đại biểu Hoàng Thị Thuý Hằng (Tổ đại biểu Thường Tín) đặt câu hỏi, UBND TP đã giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, đến tháng 6/2018, phải hoàn thành việc lập đề án thu phí phương tiện vào khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường cao trên địa bàn TP, nhưng đến nay, vẫn chưa hoàn thành. Vậy đề nghị Giám đốc Sở GTVT cho biết nguyên nhân do đâu?

Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Mạnh Quyền

Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu, Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, tại Kế hoạch số 212/KH-UBND của UBND TP đã giao Sở KH&ĐT nghiên cứu thực hiện một số dự án đường sắt đô thị bằng hình thức PPP. Tuy nhiên, do Chính phủ đã sửa đổi Nghị định về cơ chế này nên Sở KH&ĐT đã báo cáo UBND TP cho phép lùi thời gian trình cơ chế này để chờ hướng dẫn sửa đổi của Chính phủ.

Liên quan đến việc thu hút đầu tư cho đường sắt đô thị, Sở đã tham mưu cho UBND TP công bố danh mục kêu gọi đầu tư tại các Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2017, 2018. Trong quá trình thảo luận và cân đối nguồn lực, UBND TP đã có chỉ đạo trước mặt tập trung vào 3 tuyến đường sắt đô thị số: 2, 3, và 5. Hiện, cũng có hai nhà đầu tư là Tập đoàn Vingroup và T&T đang quan tâm đến các dự án này. Do dự án liên quan đến một số cơ chế đặc thù, các nhà đầu tư đang hoàn thành nghiên cứu tiền khả thi để báo cáo Chính phủ. Tuy nhiên, vừa qua, Chính phủ đã yêu cầu tạm dừng các dự án theo hình thức PPP để hoàn thành quy định của pháp luật. Do đó, các dự án phải phải dừng chờ cơ chế, chính sách mới.

Giám đốc Sở Tài chính Hà Minh Hải

Theo Giám đốc Sở Tài chính Hà Minh Hải, cơ chế chính sách đối với vận tải hành khách công cộng, đến năm 2019, TP có 100 tuyến triển khai trợ giá, với số tiền trợ giá của TP từ năm 2013-2018 gần 7.000 tỷ đồng, với 2.600 triệu lượt hành khách, như vậy, bình quân, mỗi năm trợ giá 1.100 tỷ đồng, với 428 triệu lượt khách được hưởng. TP hiện cũng có cơ chế hỗ trợ 100% phí sử dụng đường bộ cho phương tiện trên địa bàn. Đồng thời, TP đã ban hành các quyết định phê duyệt phương án giá, trong đó, qua 5 năm, chính sách giảm giá vé đã dành cho 2,3 triệu lượt người là học sinh - sinh viên, công nhân. Thành phố cũng ban hành quyết định phê duyệt phương án giá, trong đó, miễn phí cho thương binh bệnh binh, nguời tàn tật, giảm giá cho sinh viên, người cao tuổi,… TP còn có chính sách hỗ trợ tiền thuê đất, với phê duyệt hỗ trợ 100% tiền thuê đất cho điểm đỗ xe ở đường Nguyễn Công Hoan, Trần Nhật Duật trong tối đa 10 năm (từ năm 2017 đã thực hiện đến nay).

Giám đốc Công an Thành phố Đoàn Duy Khương

Trả lời chất vấn của đại biểu, Giám đốc Công an Thành phố Đoàn Duy Khương cho biết, thực trạng "xe dù, bến cóc" đã tồn tại nhiều năm nay trên địa bàn Thủ đô, gây nhức nhối về an ninh trật tự. Các lực lượng đã phối hợp từ Thanh tra giao thông, an ninh cơ sở triển khai nhiều biện pháp từ tuyên truyền, giáo dục xuống tận cơ sở, chủ phương tiện, lái xe,… nhưng tình trạng này vẫn không giảm mà lại biến tướng sang các hình thức khác như: xe hợp đồng, đón khách tại nhà,… 6 tháng đầu năm, lực lượng công an đã xử lý 4.547 trường hợp xe khách vi phạm, tạm giữ 4.299 bộ giấy tờ. Nhức nhối cả về đảm bảo ATGT lẫn đảm bảo văn minh đô thị. Tuy nhiên, Giám đốc Công an thành phố cũng thẳng thắn nhận định, những giải pháp xử lý tình trạng này vẫn là thường xuyên mà chưa có đột phá.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải Vũ Văn Viện cho biết, về tiến độ sửa đổi, bổ sung Quyết định 06/2013/QĐ-UBND, đây là quy định liên quan đến tổ chức giao thông, các tuyến đường, góp phần đảm bảo trật tự ATGT, tuy nhiên, từ năm 2013 đến nay, kết cấu hạ tầng đã có thay đổi, phương tiện giao thông tăng nhanh, kinh tế xã hội phát triển mạnh mẽ nên cần thiết phải sửa đổi quyết định này. Tuy nhiên, Sở đã 4 lần trình UBND TP dự thảo quyết định sửa đổi, nhưng vẫn còn nhiều ý kiến khác như những quy định liên quan đến xe bồn, xe ba bánh, xe ba gác,… nên khi sửa đổi phải tính toán kỹ đến loại hình này, có lộ trình phù hợp. Vì vậy, Sở Giao thông vận tải đang trình UBND TP về dự thảo sửa đổi quyết định này với những lộ trình rất thận trọng.

Về nội dung chất vấn này, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng tiếp thu toàn bộ các câu hỏi chất vấn của đại biểu, đồng thời khẳng định, UBND TP luôn xác định việc thực hiện Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐND là nội dung trọng tâm để chỉ đạo đồng bộ, tổng thể. Trong đó, tập trung kết hợp với Chương trình 06 của Thành ủy về phát triển hạ tầng giao thông, đảm bảo điều kiện để tổ chức hạ tầng giao thông, thực hiện đồng bộ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an sinh cho nhân dân.

UBND TP cũng quan tâm rà soát, bổ sung quy định của pháp luật, hoàn chỉnh cơ chế chính sách để làm tốt công tác quản lý. Hiện, thành phố đang triển khai 30 nhiệm vụ liên quan đến từng vấn đề về cơ chế chính sách. Tuy nhiên, cần phải có lộ trình để đáp ứng thực tiễn, phù hợp quy luật phát triển chung và có hiệu quả thực tiễn. Thành phố đang tập trung đẩy nhanh đầu tư đồng bộ hạ tầng đô thị, chú trọng vành đai 1, 2, 3, 4, cầu vượt, cầu yếu,… để đảm bảo kết cấu hạ tầng giao thông. Trong đó, tập trung giải quyết các "điểm đen", trong hai năm đã giải quyết được 14 "điểm đen", hiện còn 27/41 "điểm đen" về ùn tắc giao thông.

Phó Chủ tịch Nguyễn Thế Hùng cho biết, thành phố đang tích cực triển khai nhiều nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực này. Cụ thể như: Tiếp tục xem xét đưa tỷ lệ đất giao thông đô thị nâng lên, tổ chức lại các nút giao thông để đảm bảo an toàn; Triển khai mở rộng xe buýt; Tăng cường đầu tư đổi mới phương tiện vận tải công cộng theo hướng thân thiện môi trường, có công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn châu Âu; Nâng cao tinh thần phục vụ từ đội ngũ lái xe, phụ xe, nhân viên thân thiện, phục vụ nhiệt tình; Tăng cường quản lý bến bãi, xe hợp đồng, điều chuyển hợp lý các bến xe khách liên tỉnh, hiện đang tiếp tục rà soát để thực hiện tốt hơn, đảm bảo an ninh trật tự tại các bến xe; Tiếp tục xây dựng đề án giao thông thông minh, tổ chức giao thông hợp lý và linh hoạt; Đẩy mạnh tuyên truyền vận động nhân dân sử dụng phương tiện công cộng; Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm, tập trung vào những cá nhân còn thiếu ý thức trong tham gia giao thông,…

Kết luận nội dung này, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh, Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐND có vai trò rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân, rất cần thiết có sự ủng hộ, đồng thuận của cử tri, nhân dân và cử tri cũng cần thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc thực hiện Đề án này. Đến nay, sau 2 năm thực hiện cho thấy, UBND TP đã vào cuộc ngay, phân công phân nhiệm rõ ràng, có lộ trình, thời gian, triển khai thành 37 nhiệm vụ cụ thể. Những kết quả đạt được thể hiện rõ sự quyết tâm của thành phố, trong đó, ấn tượng là giảm rõ rệt các điểm ùn tắc giao thông, phương tiện giao thông công cộng cũng được triển khai phủ khắp tới 30 quận, huyện, thị xã. Đất dành cho giao thông cũng đạt tới 9,75%, tai nạn giao thông giảm rõ rệt,… Qua đó có thể khẳng định, Nghị quyết này có lợi ích rất lớn với cuộc sống của nhân dân.

Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc lưu ý, UBND TP tiếp tục rà soát lại các nhiệm vụ các nhiệm vụ chưa triển khai trong số 37 nhiệm vụ cụ thể hóa Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐND của HĐND TP, việc nào cần sửa đổi, bổ sung chính sách để thực hiện thì đề xuất. Đồng thời, chú ý triển khai nhanh các đề án, dự án liên quan đến hạ tầng giao thông. Nhấn mạnh trong 55 công trình trọng điểm thì có tới 39 công trình thuộc lĩnh vực giao thông và đã có 18/39 công trình đã được phê duyệt chủ trương, nhưng Chủ tịch Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng cho rằng, các dự án chưa được triển khai, phê duyệt vẫn còn nhiều nên UBND TP cần quan tâm hơn.

Chủ tịch Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng nêu vấn đề về chỉ tiêu vận tải hành khách công cộng, đến hết 2020 đạt đến 25%, như vậy, phải quyết liệt nếu không sẽ không hoàn thành. Vì vậy, đề nghị UBND TP tiếp tục tập trung triển khai quyết liệt. HĐND TP sẽ tiếp tục giám sát, đôn đốc để triển khai nghị quyết.

Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng mong muốn cử tri Thủ đô và cả nước thực hiện nghiêm các quy định của Luật pháp khi tham gia giao thông, đặc biệt là văn hóa giao thông.


Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t