Trọng thể kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Trưởng ban Thường trực Quốc hội Nguyễn Văn Tố (15:46 02/06/2019)


HNP - Sáng 2/6, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và TP Hà Nội trọng thể tổ chức kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Trưởng ban Thường trực Quốc hội Nguyễn Văn Tố (5/6/1889 - 5/6/2019).

Tiết mục nghệ thuật tái hiện cuộc đời, sự nghiệp cách mạng cụ Nguyễn Văn Tố


Dự buổi lễ có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các bộ, ban, ngành Trung ương; các đồng chí lão thành cách mạng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
 
Về phía TP Hà Nội có đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội; Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã TP Hà Nội...
 
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi lẵng hoa chúc mừng lễ kỷ niệm.
 
Các đại biểu tham dự buổi lễ
 
Trình bày diễn văn tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã ôn lại cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của cụ Nguyễn Văn Tố. Cụ Nguyễn Văn Tố, sinh ngày 5/6/1889, trong một gia đình có truyền thống Nho học, tại làng Đông Thành, nay là phố Bát Sứ, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.
 
Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước bị ngoại xâm thống trị, Nguyễn Văn Tố đã chứng kiến nhiều phong trào đấu tranh yêu nước do các văn thân, sĩ phu lãnh đạo và tất cả đều bị đàn áp dã man, bị dìm trong biển máu. Từ thực tiễn lịch sử đó, Nguyễn Văn Tố đã sớm tiếp thu truyền thống yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc. 
 
Hấp thụ những tinh hoa của nền văn hiến Kinh kỳ, từ nhỏ Nguyễn Văn Tố đã sớm bộc lộ tư chất thông minh, ham học, nổi tiếng là người tinh thông Nho học, giỏi ngôn ngữ Pháp và am tường văn hóa phương Tây. Năm 1905, khi mới 16 tuổi, Nguyễn Văn Tố đã đỗ đầu kỳ thi ngạch Phán sự - Thông dịch do Tòa Thống sứ Bắc Kỳ tổ chức. Năm 1906, Cụ chính thức được nhận vào làm việc tại Viện Viễn Đông Bác Cổ Hà Nội (EFEO) - một cơ quan nghiên cứu khoa học xã hội của Pháp ở Đông Dương thời đó.
 
Với tầm hiểu biết sâu rộng, phương pháp nghiên cứu khoa học, tinh thần làm việc nghiêm túc, bản lĩnh vững vàng và bao trùm lên tất cả là tinh thần yêu nước, Nguyễn Văn Tố đã khảo cứu, biên soạn nhiều công trình, bài viết có giá trị về sử học, khảo cổ học, văn học, ngôn ngữ học, văn hóa học... của dân tộc, đăng trên những tạp chí có uy tín. Những công trình, bài viết này đã góp phần quan trọng vào việc tìm hiểu, lưu giữ, phát huy những giá trị truyền thống văn hóa, lịch sử tốt đẹp của dân tộc, đồng thời khơi gợi lên tinh thần đấu tranh yêu nước của nhân dân ta.
 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trình bày diễn văn tại lễ kỷ niệm
 
Thực hiện chủ trương của Đảng Cộng sản Đông Dương, đầu năm 1938, Xứ ủy Bắc Kỳ quyết định thành lập một tổ chức công khai lấy tên là Hội Truyền bá học quốc ngữ (gọi tắt là Hội truyền bá quốc ngữ), nhằm vận động nhân dân tham gia phong trào xóa nạn mù chữ. Cụ Nguyễn Văn Tố và nhiều nhân sĩ, trí thức tiêu biểu, như cụ: Bùi Kỷ, Lê Thước; Trần Huy Liệu; Đặng Thai Mai, Võ Nguyên Giáp, Phan Thanh... đã tham gia thành lập Hội và nhất trí cử cụ Nguyễn Văn Tố làm Hội trưởng.
 
Trên cương vị đó, cụ Nguyễn Văn Tố đã vận động và tổ chức phong trào dạy - học chữ Quốc ngữ sôi nổi trong cả nước, được các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia. Từ năm 1938 đến khi Cách mạng Tháng Tám thành công, cụ Nguyễn Văn Tố cùng Hội truyền bá Quốc ngữ đã giúp cho hơn 7 vạn người Việt Nam thoát khỏi nạn mù chữ, góp phần làm thất bại “chính sách ngu dân” của thực dân Pháp.
 
Cách mạng Tháng Tám thành công, với tinh thần đoàn kết dân tộc, quý trọng hiền tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trân trọng mời cụ Nguyễn Văn Tố tham gia Chính phủ cách mạng lâm thời, đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội. Trên cương vị này, cụ Nguyễn Văn Tố đã thành lập “Hội cứu đói” ở nhiều nơi, nêu cao tinh thần tương thân, tương ái, nhường áo sẻ cơm, đồng thời, phát triển sản xuất, thực hành tiết kiệm... nên đã đẩy lùi được nạn đói.
 
Với những đóng góp quan trọng và ý nghĩa, ngày 6/1/1946, trong cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của đất nước, cụ Nguyễn Văn Tố đã được Nhân dân bầu là đại biểu Quốc hội và ngày 2/3/1946, tại Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa I, Cụ đã được bầu là Trưởng Ban Thường trực Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. 
 
Một trong những cống hiến to lớn của Cụ Nguyễn Văn Tố trên cương vị Trưởng Ban Thường trực Quốc hội là đã điều hành Quốc hội góp ý, xây dựng và thông qua bản Hiến pháp năm 1946 - bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta, với những nội dung, tư tưởng tiên tiến mang giá trị bền vững và sâu sắc đến tận ngày hôm nay.
 
Đến tháng 11/1946, tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa I, Cụ Nguyễn Văn Tố được mời trở lại tham gia Chính phủ với cương vị Bộ trưởng không bộ. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, cụ Nguyễn Văn Tố cùng Chính phủ rút lên Việt Bắc, tham gia nhiều công việc của Chính phủ bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
 
Trong lúc cuộc chiến đấu của nhân dân cả nước đang vào hồi ác liệt, tháng 10/1947, quân Pháp mở chiến dịch tấn công lên Việt Bắc hòng tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến của ta, cụ Nguyễn Văn Tố bị địch bắt và đã hy sinh oanh liệt trước mũi súng kẻ thù. Sự hy sinh của Cụ là một tổn thất lớn của Chính phủ, để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với Quốc hội và nhân dân cả nước.
 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, kỷ niệm 130 năm Ngày sinh nhà chí sĩ yêu nước, Trưởng Ban Thường trực Quốc hội đầu tiên Nguyễn Văn Tố là dịp để chúng ta tri ân và tưởng nhớ công lao, cống hiến to lớn của Cụ đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam, cũng là để thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của Nhân dân ta. 
 
Đồng chí nêu rõ, cuộc đời hoạt động tận tụy, hy sinh vì nước, vì dân của Cụ Nguyễn Văn Tố là một tấm gương cao đẹp để các đại biểu Quốc hội, cùng cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân ta học tập, noi theo. Tấm gương của Cụ Nguyễn Văn Tố có ý nghĩa quan trọng góp phần vào việc bồi dưỡng lý tưởng, truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ta, nhất là thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
 
“Noi gương Cụ, trong mọi hoạt động, công tác, mỗi chúng ta phải luôn luôn đặt lợi ích của đất nước, của dân tộc và của Đảng lên trên hết; không ngừng nỗ lực phấn đấu vì nền độc lập, tự do trường tồn của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân; kiên định con đường cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và dân tộc đã lựa chọn, ra sức xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.

Trọng Toàn


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t