Phòng, chống dịch tả lợn châu Phi là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách (12:16 29/05/2019)


HNP - Sáng 29/5, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020” đã đi kiểm tra tình hình sản xuất nông nghiệp và công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn huyện Thường Tín.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng kiểm tra chốt kiểm dịch tại xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín


Đầu giờ sáng, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng cùng đoàn công tác đã đến thăm, kiểm tra tình hình sản xuất tại Hợp tác xã rau Thanh Hà, xã Ninh Sở. Đây là một trong những cơ sở tiêu biểu của huyện trong việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, giúp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Tiếp đó, đoàn đã đến kiểm tra công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi tại chốt kiểm dịch xã Tự Nhiên và điểm tiêu hủy lợn mắc bệnh dịch trên địa bàn xã Tự Nhiên.
 
Tại buổi làm việc với lãnh đạo huyện Thường Tín, báo cáo với đoàn kiểm tra, Chủ tịch UBND huyện Kiều Xuân Huy cho biết, tính đến thời điểm tháng 4/2019, tổng đàn lợn trên địa bàn huyện có 63.050 con, với 2.048 hộ, cơ sở chăn nuôi tại 29 xã, thị trấn. Ngày 19/3/2019, huyện xuất hiện ổ dịch đầu tiên tại xã Liên Phương. Tính đến ngày 26/5, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 29/29 xã, thị trấn; 89/169 thôn, tổ dân phố; 736/2.048 hộ chăn nuôi (chiếm 35,94%). Tổng số lợn tiêu hủy gần 18 nghìn con (chiếm gần 29% tổng đàn) với trọng lượng gần 1,5 nghìn tấn.
 
Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Thành phố về công tác phòng, chống dịch, huyện Thường Tín đã ban hành hệ thống văn bản, thành lập Ban Chỉ đạo, thành lập các đoàn kiểm tra và tổ kiểm tra liên ngành lưu động. Ngay sau khi phát sinh ổ dịch đầu tiên, huyện đã thực hiện các biện pháp vệ sinh, tiêu độc khử trùng, thông báo tới UBND các xã để quản lý chặt chẽ việc vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm thịt lợn; đồng thời phát huy phương châm “4 tại chỗ” trong công tác phòng, chống dịch.
 
Huyện đã cấp phát cho các xã, thị trấn 10 nghìn lít hóa chất, 10 nghìn bộ đồ bảo hộ để phục vụ công tác phòng, chống dịch. Kịp thời hỗ trợ thiệt hại cho các hộ dân có lợn mắc bệnh, đến nay tổng số tiền hỗ trợ trên 6,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các xã đã mua thêm trên 1 nghìn tấn vôi bột; tổ chức 6 đợt phun thuốc khử trùng môi trường...
 
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng kiểm tra tại Hợp tác xã rau Thanh Hà, xã Ninh Sở
 
Tuy nhiên, lãnh đạo huyện Thường Tín cho rằng, do địa bàn có tổng lượng đàn lớn, trong khi quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, xen kẽ trong khu dân cư; phương thức chăn nuôi chủ yếu tận dụng nguồn thức ăn (chiếm 60%), trong khi điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm tại một số hộ chăn nuôi chưa tốt, dẫn đến tình hình dịch diễn biến phức tạp.
 
Về kết quả xây dựng nông thôn mới, đến nay huyện Thường Tín đã có 24 xã được Thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2019, huyện phấn đấu hoàn thành 4 xã còn lại là Hòa Bình, Tiền Phong, Lê Lợi, Thư Phú để đến năm 2020, Thường Tín đạt huyện nông thôn mới.
 
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng ghi nhận, đánh giá cao tinh thần nghiêm túc, quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi của huyện Thường Tín. Từ huyện đến các xã đã triển khai đồng bộ các giải pháp, từ tuyên truyền, quán triệt, huy động các lực lượng tham gia phòng, chống dịch đến công tác kiểm tra, xử lý, lập các chốt kiểm dịch và đảm bảo vệ sinh môi trường.
 
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu kết luận buổi làm việc
 
Tuy vậy, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cho rằng, thiệt hại gây ra đối với đàn lợn của huyện Thường Tín vẫn lớn. Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 02 nhấn mạnh, Thành ủy chỉ đạo nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh là ưu tiên số một, đòi hỏi sự tham gia của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức phòng, chống dịch của cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp.
 
Cùng với đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các hộ chăn nuôi trong phòng, chống dịch và huy động sự tham gia của Nhân dân trong đảm bảo vệ sinh môi trường. Huyện cũng cần tiếp tục chuẩn bị đầy đủ về nhân lực, vật lực cho công tác phòng, chống dịch; thực hiện đúng các quy trình về khoanh vùng, dập dịch, tiêu hủy khi có dịch,...
 
Trước mắt, huyện cần chuẩn bị các điều kiện cần thiết để khi đủ điều kiện có thể tái đàn. Về lâu dài, huyện cần quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung, xa khu dân cư và đảm bảo đúng quy trình về an toàn, bền vững. Bên cạnh việc phòng, chống và dập dịch, huyện cũng hết sức quan tâm, tập trung giải quyết vấn đề môi trường để nâng cao đời sống Nhân dân.
 
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cũng đánh giá cao sự chủ động, nỗ lực của huyện Thường Tín trong triển khai Chương trình 02-CTr/TU. Nổi bật là huyện đã tích cực chuyển đổi vật nuôi, cây trồng; hỗ trợ hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung, nhất là trồng rau sạch, cây ăn quả,... Huyện cũng quan tâm, xây dựng các chuỗi liên kết; xây dựng các thương hiệu, nhãn hiệu của huyện, từ sản phẩm nông nghiệp đến các làng nghề truyền thống.
 
Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 02 của Thành ủy yêu cầu huyện Thường Tín tập trung hoàn thành 4 xã nông thôn mới trong năm 2019, cùng với đó là các tiêu chí huyện nông thôn mới hiện chưa đạt để đảm bảo đến năm 2020 huyện hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, rà soát lại các tiêu chí để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp đã đề ra, gắn với chủ động chuẩn bị tổ chức đại hội đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025.

Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t