Kỷ niệm 129 năm ngày sinh Bác Hồ:


Hồ Chí Minh - tấm gương sáng ngời về tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân (15:30 18/05/2019)


HNP - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Quan điểm về “Nhân dân” là nội dung quan trọng, có vị trí trung tâm, chi phối tư tưởng của Người.


Xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân
 
Tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn trọng Nhân dân xuất phát từ những bài học lớn, được rút ra từ chiều sâu lịch sử dân tộc, đồng thời là sự vận dụng và phát triển sáng tạo học thuyết Mác - Lênin về cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân, quần chúng nhân dân không chỉ là lực lượng sản xuất cơ bản của xã hội, mà còn là người quyết định vận mệnh của lịch sử trong sự nghiệp cách mạng.
 
Tôn trọng Nhân dân trước hết phải có thái độ đánh giá đúng đắn về vị trí, vai trò của Nhân dân. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, có dân là có tất cả. “Vô luận việc gì, đều do người làm ra, từ nhỏ đến to, từ gần đến xa đều thế cả”. Người chỉ ra rằng: “Chúng ta phải ghi tạc vào đầu chân lý này: dân rất tốt. Lúc họ đã hiểu thì việc gì khó khăn mấy họ cũng làm được, hy sinh mấy họ cũng không sợ”. Theo Người, “Nếu không có nhân dân thì Chính phủ không đủ lực lượng... chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”.
 
Cùng với thái độ đánh giá cao vai trò của Nhân dân, ý thức tôn trọng Nhân dân còn phải đặc biệt chú ý không xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của dân, không xúc phạm Nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, tôn trọng Nhân dân có nhiều cách, “Không phải ở chỗ chào hỏi kính thưa có lễ phép mà đủ. Không được phung phí nhân lực vật lực của dân. Khi huy động nên vừa phải, không nên nhiều quá lãng phí vô ích. Phải khôn khéo tránh những điều gì có hại cho đời sống nhân dân. Biết giúp đỡ nhân dân cũng là biết tôn trọng dân”.
 
Trên cơ sở nhận thức “nước lấy dân làm gốc”, ý thức tôn trọng Nhân dân phải gắn với những “điều không nên” và những “điều nên” làm. Ngày 05-4-1948, Hồ Chí Minh đã chỉ ra 6 điều không nên làm và 6 điều nên làm với dân. Trong những điều không nên làm, có những điều liên quan đến cuộc sống hằng ngày của Nhân dân, như tín ngưỡng, phong tục. Người dặn cán bộ phải “Không bao giờ sai lời hứa”, “Không nên làm hoặc nói gì có thể làm cho dân hiểu lầm rằng mình xem khinh họ”. Những điều nên làm là những công việc thực tế hằng ngày, liên quan đến người dân, nhất là “Làm cho dân nhận thấy mình là người đứng đắn, chăm công việc, trọng kỷ luật”. Làm được như vậy thì dân tin, gốc vững, mà “Gốc có vững thì cây mới bền/ Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”.
 
Phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân
 
Phát huy dân chủ là một khía cạnh biểu hiện ý thức tôn trọng Nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, Chính phủ, Đảng, cán bộ từ Trung ương đến địa phương đều phải phụng sự Nhân dân, là công bộc của dân”. Người nhấn mạnh trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, làm sao cho họ có năng lực làm chủ, biết hưởng, dùng quyền dân chủ, dám nói, dám làm. Dân chủ được Người giải thích ngắn gọn là dân làm chủ và dân là chủ.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh kiên trì xây dựng một nhà nước thật sự dân chủ -  nhà nước của dân, do dân, vì dân. Mối quan tâm hàng đầu của người là làm cho mọi người dân hiểu nhà nước mới, chế độ mới khác nhà nước cũ, chế độ cũ ở điều quan trọng nhất là giá trị dân chủ. Nước dân chủ, chế độ dan chủ thì bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Phát huy dân chủ là phát huy tài dân, bởi vì “Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách đơn giản, mau chóng, đầy đủ mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn nghĩ mãi không ra”.
 
Theo Bác, muốn phát huy dân chủ thì phải chịu khó nghe dân, gặp dân, hiểu dân, học dân, hỏi dân. Người khẳng định: “Không học hỏi dân thì không lãnh đạo được dân. Có biết làm học trò dân, mới làm được thầy học dân”. Phát huy dân chủ là phải cùng dân bàn bạc, giải thích cho dân chúng hiểu rõ. “Được dân chúng đồng ý. Do dân chúng vui lòng ra sức làm”. Hồ Chí Minh chỉ rõ, trên cơ sở tin vào dân chúng, phát huy dân chủ là “Nghị quyết gì mà dân chúng cho là không hợp thì để họ đề nghị sửa chữa. Dựa vào dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta”.
 
Xuyên suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, việc chăm lo đời sống nhân dân luôn là nỗi trăn trở và mục đích của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người nói rằng: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Từ lúc còn là thiếu niên 15 tuổi, Hồ Chí Minh đã sớm hiểu biết và đau xót trước cảnh thống khổ của đồng bào, do đó, Người quyết tâm ra nước ngoài tìm đường cứu nước, cứu dân.
 
Cách mạng Tháng Tám thành công, một ngày sau Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra 6 nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhằm giải quyết những vấn đề về đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. Hơn 1 tháng sau khi khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người nhấn mạnh: “Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh... Phải chăm lo việc cứu tế nạn cho nhân dân chu đáo, phải chú ý trừ nạn mù chữ cho dân. Nói tóm lại, hết thảy những việc có thể nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của dân phải được ta đặc biệt chú ý”.
 
Người còn chỉ rõ, sau khi giành được độc lập rồi thì vấn đề kiến quốc, nâng cao đời sống nhân dân là hết sức quan trọng, bởi vì “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Từ nhận thức đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu phải thực hiện ngay 4 nhiệm vụ: Làm cho dân có ăn; làm cho dân có mặc; làm cho dân có chỗ ở; làm cho dân có học hành”.
 
Trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn quan tâm “Đầu tiên là công việc đối với con người”. Người dặn trong di chúc: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, làm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.
 
Năm 2019 kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2019), Đảng ta đã chọn chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là “Xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, nhằm làm cho những nội dung trong tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người tiếp tục thấm sâu, lan tỏa trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

Nguyễn Văn


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t